Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đánh giá sự biến động chất lượng nước mặt tỉnh Bình Dương từ năm 2000 đến 2023

20/01/2025

Tóm tắt:

    Tình hình ô nhiễm nước mặt tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp. Trong nghiên cứu đã đánh giá sự biến động chất lượng nước (CLN) tại 34 điểm quan trắc nước mặt tại các sông suối, kênh, rạch từ phương pháp tính toán chỉ số VN_WQI kết hợp ứng dụng GIS. Nghiên cứu chỉ ra từng điểm ghi nhận ô nhiễm tại các đơn vị hành chính, đáng lưu ý là Thuận An chỉ phù hợp mục đích giao thông thủy và tương đương khác ở năm 2000 cùng các vị trí đáng lưu ý như rạch Vĩnh Bình, suối Chòm Sao, kênh Ba Bò. Tuy nhiên, ở những năm 2023, với những chính sách của tỉnh, CLN trên toàn tỉnh đã được cải thiện.

Từ khóa: Bình Dương, GIS, nước mặt, WQI.

Ngày nhận bài: 15/11/2024; Ngày sửa chữa: 15/12/2024; Ngày duyệt đăng: 10/1/2025.

 

Assessment of surface water quality fluctuations in Binh Duong province from 2000 to 2023

Abstract:

    The water pollution situation in Binh Duong province has been complex. This study evaluated water quality changes at 34 monitoring points on rivers, streams, and canals using the VN_WQI calculation method combined with GIS application. The study pointed out specific pollution points in administrative units of concern, such as Thuan An, which was only suitable for navigation and other similar purposes in 2000, as well as notable locations like Vinh Binh Canal, Chom Sao Stream, and Ba Bo Canal. However, in 2023, with the province's policies, water quality across the province has improved.

Keywords: Binh Duong, GIS, surface water, WQI.

JEL Classifications: F64, N50, R11.

1. GIỚI THIỆU

    Bình Dương, với hệ thống sông ngòi dày đặc, là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng Đông Nam bộ. Nguồn nước mặt của tỉnh không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phát triển công nghiệp, nguồn nước mặt tại tỉnh đang đối mặt với nhiều áp lực, biểu hiện rõ nhất qua tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều sông, kênh, rạch. Qua kết luận Sở TN&MT Bình Dương, suối Chợ chảy từ khu công nghiệp Đại Đăng xuống phường Tân Phước Khánh, TP. Tân Uyên bị ô nhiễm, ngày 8/4/2020, hàm lượng BOD vượt 127 lần, COD vượt 123 lần, sau đó ngày 14/4/2020, kết quả phân tích cho thấy hàm lượng chất hoạt động bề mặt ở thượng nguồn kênh Ba Bò vượt quy chuẩn 8,4 lần (Nguyễn Đức Thiện và cộng sự, 2022). Hay năm 2013, rạch Vàm Búng và rạch Chòm Sao ô nhiễm nặng nồng độ COD và SS (Nguyễn Hậu, 2014), rạch Chòm Sao dâng cao chảy thẳng vào vườn và nhà dân mang theo nhiều chất độc hại cùng mùi hôi rất khó chịu (Ngọc Ánh, 2008). Tình hình ô nhiễm tại các nhánh sông chính cũng không mấy khả quan. Vào năm 2008, nồng độ chất hữu cơ trong nước tại sông Sài Gòn (khu vực cầu Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) và sông Đồng Nai (khu vực xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên) vượt chuẩn cho phép 1,1 lần và nồng độ amoniac vượt chuẩn cho phép 12,6 lần (Ngọc Ánh, 2008). Sông Bé do xả thải trái phép dẫn đến nước trông như lớp bê tông đông cứng (Hương Chi, 2024). Tại sông Sài Gòn, tổng coliform có xu hướng tăng từ năm 2015 đến 2021 (Nguyễn Định Tường và cộng sự, 2023). Mặc dù vậy, hiện chưa có một nghiên cứu toàn diện về biến động CLN mặt trên toàn tỉnh Bình Dương trong một thời gian dài. Nghiên cứu này nhằm lấp đầy khoảng trống đó, cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt, đồng thời chỉ ra các đơn vị hành chính bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, làm cơ sở cho các giải pháp quản lý hiệu quả.

    Trên phương diện lý thuyết, nghiên cứu góp phần làm rõ hơn các khu vực gây ô nhiễm nguồn nước của tỉnh Bình Dương. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai các chính sách, biện pháp quản lý nguồn nước hiệu quả, BVMT và đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu: (1) Phân tích, tổng hợp các số liệu về CLN mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2000 - 2023; (2) Đánh giá chỉ số CLN mặt tỉnh Bình Dương; (3) Xác định các khu vực có CLN mặt bị ô nhiễm.

2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Dữ liệu

    Để đánh giá tình hình ô nhiễm và biến động CLN tỉnh Bình Dương, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu quan trắc tại 34 điểm trên hệ thống sông, suối, kênh, rạch trong giai đoạn 2000 - 2023. Nguồn dữ liệu từ Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT tỉnh Bình Dương để tính toán chỉ số CLN (VN_WQI). Các thông số môi trường nước được sử dụng trong tính toán là: Nhiệt độ, pH, hàm lượng oxi hòa tan (DO), nhu cầu oxi hóa học (COD), nhu cầu oxi sinh học (BOD5), amoni (N-NH4), nitrat (N-NO3), nitrit (N-NO2), coliform.

    Tần suất quan trắc từ năm 2000 - 2015: 2 tháng/lần (tại 27 điểm quan trắc) và năm từ năm 2016 - 2023: 1 tháng/lần (tại 34 điểm quan trắc) (Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT tỉnh Bình Dương, 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 2012).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp tính toán chỉ số VN_WQI

    Nghiên cứu đã áp dụng phương pháp tính chỉ số CLN tính toán cho mỗi thông số (WQI) theo Quyết định số 1460/QĐ-TCMT, ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường quy định về hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số CLN Việt Nam (VN_WQI). Trong nghiên cứu thực tế sử dụng các thông số để tính VN_WQI được phân thành 3 nhóm chính theo công thức:

(Nguồn: Tổng cục Môi trường, 2019)

    Trong đó: WQII: Kết quả tính toán đối với thông số nhóm I (pH)

WQIII: Kết quả tính toán đối với các thông số nhóm II - hữu cơ và dinh dưỡng (DO, BOD5, COD, N-NH3, N-NO3, N-NO2)

WQIIII: Kết quả tính toán đối với các thông số nhóm III - vi sinh (coliform).

    Dữ liệu sẽ được thu thập và tổng hợp theo các năm cho từng vị trí quan trắc. Mỗi điểm quan trắc có một VN_WQI riêng, dựa trên dữ liệu của điểm đó, WQISI là chỉ số cho từng thông số quan trắc, được dùng để tính VN_WQI cuối cùng. Sau cùng, tiến hành đánh giá chỉ số CLN: Chỉ số CLN được tính theo thang điểm (khoảng giá trị VN_WQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để đánh giá CLN đáp ứng cho nhu cầu sử dụng so với Bảng 7, Quyết định số 1460/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường (Nguyễn Thị Tường Vi, Trương Thị Thùy Trang, 2022).

2.2.2. Phương pháp GIS

    Ứng dụng phần mềm GIS giúp theo dõi, đánh giá và quản lý phân vùng CLN. Thể hiện CLN trên hình ảnh bản đồ giúp phát hiện các khu vực bị ô nhiễm môi trường nước cụ thể. Trong nghiên cứu này chỉ hướng đến việc theo dõi ô nhiễm nước mặt trên các đơn vị hành chính địa bàn tỉnh Bình Dương.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Diễn biến chất lượng nước mặt tỉnh Bình Dương

Hình 1Diễn biến CLN của tỉnh Bình Dương

    Nghiên cứu tiến hành đánh giá chỉ số CLN cho tất cả các điểm quan trắc theo từng năm và lấy trung bình của tất cả các đợt quan trắc trong năm làm chỉ số CLN chung cho năm đó, màu sắc sẽ tương ứng mục tiêu sử dụng nước.

    Trong giai đoạn từ năm 2000 - 2014, CLN ở Bình Dương thuộc loại trung bình - tốt, với điểm thấp nhất vào năm 2004 khi CLN đạt mức 56, phù hợp sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Cao nhất đạt mức 76 ở năm 2011, sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp theo Bảng 1.

Bảng 1. Thang điểm VN_WQI và sự phù hợp với mục đích sử dụng

Khoảng

giá trị VN_WQI

Chất lượng nước

Phù hợp với mục đích sử dụng

91 - 100

Rất tốt

Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt

76 - 90

Tốt

Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp

51 - 75

Trung bình

Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác

26 - 50

Xấu

Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác

10 - 25

Kém

Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai

< 10

Ô nhiễm rất nặng

Nước nhiễm độc, cần có biện pháp khắc phục, xử lý

(Nguồn: (Tổng cục Môi trường, 2019)

    Từ năm 2015 - 2023, CLN đã có sự cải thiện rõ rệt, từ mức tốt trở lên, sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Bảng 2. CLN mặt trên từng đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương

Năm

Thủ Dầu Một

Dĩ An

Thuận An

Tân Uyên

Bến Cát

Bắc Tân Uyên

Bàu Bàng

Dầu Tiếng

Phú Giáo

2000

54

74

48

62

 

92

 

88

71

2001

69

69

58

83

 

90

 

62

87

2002

16

78

42

83

 

85

 

37

89

2003

25

69

57

75

 

87

 

52

71

2004

29

71

44

85

 

69

 

45

52

2005

28

67

41

95

 

94

 

87

84

2006

45

71

39

71

 

95

 

79

84

2007

43

47

36

64

 

92

 

95

80

2008

53

49

40

75

 

87

 

73

61

2009

72

56

48

69

54

92

 

76

80

2010

66

51

50

67

67

80

 

79

87

2011

74

77

71

75

81

84

 

78

70

2012

67

76

62

78

65

72

 

49

80

2013

74

82

71

77

84

75

 

66

72

2014

74

72

73

75

64

71

 

78

71

2015

82

76

71

85

74

94

 

79

93

2016

77

75

69

84

63

80

 

86

91

2017

76

73

72

84

64

82

88

78

90

2018

79

78

73

87

68

75

92

79

90

2019

76

78

69

85

71

71

92

79

92

2020

74

76

71

84

71

82

94

77

92

2021

70

76

69

81

65

77

85

73

86

2022

79

80

73

87

76

94

94

89

93

2023

78

75

74

88

77

96

96

88

97

 

    CLN từng trên từng đơn vị hành chính cho thấy, đã có 4/9 đơn vị đã từng có CLN dưới ngưỡng trung bình như: Thủ Dầu Một (từ năm 2002 - 2007), Dĩ An (năm 2007 - 2008), Thuận An (năm 2000, năm 2002, từ 2004 - 2010), Dầu Tiếng (2002, 2004, 2012).

 

  1. Diễn biến CLN tại TP. Thủ Dầu Một
  1. Diễn biến CLN tại TP. Dĩ An

  1. Diễn biến CLN tại TP. Thuận An
  1. Diễn biến CLN tại TP. Tân Uyên

  1. Diễn biến CLN tại thị xã Bến Cát
  1. Diễn biến CLN tại huyện Bắc Tân Uyên

  1. Diễn biến CLN huyện Bàu Bàng
  1. Diễn biến CLN huyện Dầu Tiếng

 

  1. Diễn biến CLN huyện Phú Giáo

 

Hình 2. Diễn biến CLN các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương

    Sự chênh lệch CLN giữa các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương những năm gần đây là không quá nhiều. Từ 2016 đến nay, CLN toàn tỉnh đã từ mức trung bình trở lên, sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

3.2. Diễn biến chất lượng nước tại các sông, suối, kênh, rạch trên các thành phố

    Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Bình Dương đã có 4 đơn vị hành chính cấp thành phố: Thủ Dầu Một (TDM), Dĩ An (DA), Thuận An, Tân Uyên.

Bảng 3. Diễn biến CLN trên các sông, suối, kênh, rạch cấp thành phố tại Bình Dương

Năm

 

Điểm

2000

2005

2010

2015

2017

2018

2019

2020

2021

2022

2023

TDM

RSG1

     

74

72

69

71

64

61

71

72

RSG2

   

83

87

74

74

75

75

65

77

73

RSG3

40

23

55

71

63

73

70

70

59

73

68

SG2

88

35

64

88

84

86

84

82

82

86

88

STT3

55

27

65

84

79

84

75

73

72

83

82

DA

RĐN5

 

 

52

73

68

72

75

69

71

73

69

RĐN6

74

67

51

79

78

84

81

84

81

87

82

Thuận An

RSG10

 

 

 

 

73

66

67

66

67

69

71

RSG11

 

 

 

 

74

66

68

74

69

67

71

RSG4

 

 

 

64

68

65

64

64

67

70

71

RSG5

 

 

44

67

67

72

66

75

71

71

71

RSG6

53

22

51

70

78

81

75

78

70

78

76

RSG7

 

 

47

71

67

75

64

63

66

73

74

RSG9

 

 

 

 

65

65

66

65

63

69

69

SG3

44

59

53

78

80

82

77

76

74

82

81

Tân Uyên

ĐN2

85

96

89

94

90

93

91

93

87

94

96

ĐN3

78

95

70

94

91

93

91

92

89

95

96

ĐN4

 

 

 

94

91

93

90

94

89

94

97

RĐN1

 

 

64

79

78

82

80

71

72

78

78

RĐN2

 

 

30

57

66

68

66

63

63

72

73

RĐN3

 

 

55

75

75

77

78

73

72

76

74

RĐN4

 

 

65

79

81

82

80

86

72

86

83

RĐN8

 

 

 

 

83

88

85

77

81

80

80

    Hệ thống song, suối, kênh, rạch trên đơn vị hành chính cấp thành phố tại tỉnh Bình Dương cho thấy, CLN mặt trước những năm 2015 đã có những vị trí ô nhiễm như:

    Thủ Dầu Một: Nước ô nhiễm nặng cần các biện pháp xử lý tại RSG3 (rạch Ông Đành - Phú Cường), 2 điểm có CLN sử dụng tốt cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác là SG2 (Trên sông Sài Gòn - Chánh Mỹ) và STT3 (Cầu Ông Cộ - Tân An).

    Thuận An: Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý tại RSG6 (Rạch Vĩnh Bình - Vĩnh Phú), 3 điểm có CLN sử dụng tốt cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác là RSG5 (Suối Chòm Sao - An Thạnh), RSG7 (Kênh Ba Bò - Bình Hòa) và SG3 (sông Sài Gòn - Vĩnh Phú).

    Tân Uyên có một điểm ô nhiễm RĐN2 (Suối Bưng Cù tại - Thái Hòa) sử dụng tốt cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

3.3. Diễn biến chất lượng nước tại các sông suối kênh rạch trên thị xã và huyện

    Hệ thống đơn vị hành chính cấp huyện tại tỉnh Bình Dương có 4 huyện: Bắc Tân Uyên (BTU), Bàu Bàng (BB), Dầu Tiếng (DT), Phú Giáo (PG) và 1 cấp thị xã là Bến Cát (BC).

Bảng 4. Diễn biến CLN trên các song, suối, kênh, rạch tại thị xã và huyện tại Bình Dương

Năm

 

Điểm

2000

2005

2010

2015

2017

2018

2019

2020

2021

2022

2023

BC

RSG8

       

44

49

68

69

57

72

70

RTT2

   

69

77

73

78

74

72

68

77

78

STT2

   

65

71

74

78

73

70

69

80

82

BTU

ĐN1

92

94

80

94

93

92

91

95

87

96

97

RĐN7

 

 

 

 

70

57

51

70

67

92

96

BB

KTL2

 

 

 

 

88

92

92

94

85

94

96

DT

RTT1

 

 

 

74

72

71

75

77

70

91

93

SG1

88

87

77

88

85

88

86

81

78

92

91

STT1

 

 

81

74

77

79

77

74

70

85

80

PG

KTL1

 

 

 

 

91

91

92

93

86

94

96

SB

71

84

87

93

90

90

93

91

86

93

97

    CLN năm 2023 có thể thấy đã giữ vững được chất lượng từ tốt - đến rất tốt. Tuy nhiên, qua Bảng 3 cho thấy, CLN tại điểm quan trắc RSG8 (kênh thoát nước An Tây tại cửa đổ vào sông Sài Gòn) từ năm 2017 - 2018 đã có CLN ngưỡng dưới trung bình chỉ phù hợp sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

3.4. Đánh giá chung về diễn biến chất lượng nước mặt tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2000 - 2023


a) Phân vùng CLN tỉnh Bình Dương năm 2000


b) Phân vùng CLN tỉnh Bình Dương năm 2023

Hình 3. Phân vùng CLN mặt tỉnh Bình Dương năm 2000 so với năm 2023

    Qua Hình 3 cho thấy, trong năm 2023, tất cả CLN đều từ trung bình trở lên; năm 2000, chỉ có Thuận An đã có CLN xấu, đến năm 2023 ở mức trung bình, chỉ phù hợp tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Nhìn chung, CLN mặt của tỉnh Bình Dương đã có sự cải thiện rõ rệt từ năm 2000 - 2023. Diện tích các khu vực có CLN tốt và rất tốt đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm và phía Bắc tỉnh. Không còn khu vực có CLN kém và CLN trung bình đã giảm diện tích so với năm 2000.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

    Trong bức tranh tổng quan về nước mặt tỉnh Bình Dương, nghiên cứu chỉ ra rằng, CLN mặt ở Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã có CLN mức rất tốt ở năm 2023 sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Khu vực đáng chú ý đặc biệt là Thuận An đã qua nhiều năm khắc phục nhưng tới thời điểm hiện tại chỉ có CLN mức trung bình. Trong khi các khu vực còn lại khác của tỉnh đều ở mức tốt. Qua nghiên cứu cũng cho thấy, diễn biến CLN tại Thuận An chỉ phù hợp sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

    Nghiên cứu mới chỉ tập trung vào chỉ số VN_WQI, chưa đánh giá được đầy đủ ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên như khí hậu, thủy văn đến CLN. Do đó, trong các nghiên cứu tới, cần đánh giá tác động của ô nhiễm nguồn nước đến kinh tế - xã hội và tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu để xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại từng khu vực. Nhóm tác giả kiến nghị, nên tăng cường giám sát CLN, mở rộng danh mục chỉ tiêu đánh giá và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ góp phần bảo vệ nguồn nước, đảm bảo môi trường sống bền vững cho người dân Bình Dương.

Hồ Tống Trọn1Nguyễn Hiền Thân1, Huỳnh Thế An1

1Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đình Trọng (2020). Bình Dương: Nhiều kênh rạch ô nhiễm nghiêm trọng. Báo Lao động. https://laodong.vn/ban-doc/binh-duong-nhieu-kenh-rach-o-nhiem-nghiem-trong-830548.ldo.

2. Nguyễn Đức Thiện, Trần Đức Dũng, Nguyễn Thế Tùng Lâm, Nguyễn Quốc Quân (2022). Đánh giá và dự báo CLN các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

3. Nguyễn Hậu (2014). Rạch Vàm Búng và rạch Chòm Sao ô nhiễm nặng!. Báo Bình Dương. https://baobinhduong.vn/rach-vam-bung-va-rach-chom-sao-o-nhiem-nang--a99970.html.

4. Ngọc Ánh (2008). Bình Dương: Nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Báo Công an nhân dân điện tử. https://cand.com.vn/Xa-hoi/Binh-Duong-Nguon-nuoc-bi-o-nhiem-nang-i62867/.

5. Hương Chi (2024). Tìm ra nguyên nhân khiến mặt nước sông Bé trông như lớp bê tông đông cứng. Báo điện tử Tiền phong. https://tienphong.vn/post-1600987.tpo.

6. Nguyễn Định Tường, Trần Thành Thái, Phan Thị Thanh Huyền, Phạm Ngọc Hoài. (2023). Đánh giá xu hướng biến động của tổng coliform trong nước mặt sông Sài Gòn và Đồng Nai đoạn qua tỉnh Bình Dương. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên 228, 72 - 81. (doi:10.34238/tnu-jst.8509).

7. Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT tỉnh Bình Dương (2023). Báo cáo kết quả quan trắc nước mặt năm 2023. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (2012). Quyết định số 918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT tỉnh Bình Dương đến năm 2020.

9. Tổng cục Môi trường (2019). Quyết định số 1460/QĐ-TCMT về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số CLN Việt Nam (VN_WQI).

10. Nguyễn Thị Tường Vi, Trương Thị Thùy Trang (2022). Ứng dụng chỉ số CLN (WQI) đánh giá biến động chất lượng nước mặt TP. Quy Nhơn giai đoạn 2015 - 2020. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, 97 - 107.

Ý kiến của bạn