Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đổi mới, tạo đột phá trong ngành tài nguyên và môi trường để phát triển bền vững ở Việt Nam

20/01/2025

1. Đổi mới kinh tế và Quá trình tăng trưởng và phát triển trong 40 năm của Việt Nam 

    Trong 40 năm qua, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, trung bình 6,37%/năm, cao nhất ASEAN so với Philippines (4,17%), Malaysia (5,34%), Thái Lan (4,48%) và Singapore (4,51%). Thành tựu này thể hiện sự ổn định và khả năng thích ứng của Việt Nam, đặc biệt trước các biến động khu vực. Giai đoạn 1985-1990, chính sách Đổi mới giúp GDP Việt Nam tăng từ 3,81% (1985) lên 7,36% (1989), nhờ cải cách kinh tế sâu rộng. Trong khi đó, Philippines đối mặt suy thoái (-6,86% năm 1985), còn Thái Lan và Malaysia tăng trưởng cao nhưng không ổn định. Từ 1990-1997, Việt Nam tăng trưởng nhanh, đạt đỉnh 9,54% (1995) nhờ hội nhập kinh tế và thu hút đầu tư. Khủng hoảng tài chính châu Á (1997) khiến Thái Lan và Malaysia tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn duy trì 5-8% nhờ cách biệt với thị trường tài chính quốc tế. Từ 2000-2008, kinh tế Việt Nam bùng nổ, đạt 6-7,5% sau khi gia nhập WTO (2007), trong khi các nước ASEAN dần ổn định với mức tăng trưởng thấp hơn. Dù chịu tác động từ khủng hoảng toàn cầu (2008), Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,66% năm 2008. Từ 2009-2019, Việt Nam khẳng định vị thế với tốc độ tăng trưởng 5,4-7,5%, vượt trội so với Thái Lan và Malaysia, trong khi Singapore tăng trưởng chậm hơn (2-4%). Giai đoạn 2020-2024, đại dịch COVID-19 là thách thức lớn, nhưng Việt Nam duy trì tăng trưởng dương 2,86% (2020), vượt xa Philippines (-9,52%), Malaysia (-5,46%) và Thái Lan (-6,05%), khẳng định sức chống chịu kinh tế mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và các nước

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

    Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Năm 1985, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 235,65 USD, thấp hơn nhiều so với Philippines (637,83 USD), Malaysia (2.065,09 USD), Thái Lan (768,87 USD) và Singapore (7.001,77 USD). Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện Đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp GDP bình quân đầu người tăng từ 430,19 USD (1986) lên 585,30 USD (1987). Từ năm 2000, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, với GDP bình quân đầu người tăng từ 394,58 USD lên 1.684,01 USD (2010), góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống. Giai đoạn 2011-2024, con số này tiếp tục tăng, đạt 4.346,77 USD (2023) và dự kiến 4.649 USD (2024). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thua xa Philippines (3.725,55 USD), Malaysia (11.648,67 USD), Thái Lan (7.171,81 USD), và Singapore (84.734,26 USD) năm 2023. Những thách thức lớn gồm năng suất lao động thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, phụ thuộc vào công nghiệp truyền thống, cùng các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, và quản lý nguồn lực, cản trở phát triển bền vững.

Chênh lệch GDP theo đầu người của Việt Nam so với các nước

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

GDP theo đầu người của Việt Nam so với các nước (USD)

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

    Trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, khẳng định vị thế quốc tế. Chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật, với GDP tăng từ 14,1 tỷ USD (1985) lên 429,7 tỷ USD (2023), dự kiến 468,49 tỷ USD (2024). Sau Đổi mới 1986, kinh tế khởi sắc nhờ cải cách sâu rộng, đặc biệt giai đoạn 2001-2020 với tốc độ tăng trưởng cao nhờ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, và thu hút đầu tư. Đến 2023, Việt Nam vượt Malaysia (399,6 tỷ USD), bắt kịp Philippines (437,1 tỷ USD), và thu hẹp khoảng cách với Thái Lan (514,9 tỷ USD) và Singapore (501,4 tỷ USD). Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng, nâng cao năng suất lao động và ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển và củng cố vị thế trong khu vực.

2. Giải pháp huy động nguồn lực tài nguyên môi trường để Việt Nam có thể đột phá tăng trưởng trong thời gian tới   

    Từ Đại hội Đảng lần thứ 12, Việt Nam tập trung vào cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao nguồn nhân lực nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Tuy đạt nhiều thành tựu, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư và lao động giá rẻ, trong khi năng suất lao động và đổi mới công nghệ còn hạn chế. Thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và cạnh tranh khu vực, đặc biệt từ Philippines, đòi hỏi Việt Nam nhanh chóng cải thiện. Với nền tảng 40 năm qua, Việt Nam có tiềm năng duy trì tăng trưởng cao nhờ đầu tư công nghệ và xây dựng nền kinh tế bền vững, cạnh tranh hơn.

    Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền cùng nhà đầu tư tư nhân trong quy hoạch phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc, tàu hỏa cao tốc và tàu điện ngầm. Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, đồng thời hình thành các hành lang kinh tế và đô thị bền vững. Các khu vực này nên được quy hoạch với trung tâm kinh doanh, khu dân cư mật độ cao, không gian xanh và kết nối giao thông công cộng chặt chẽ, nhằm cân đối phát triển giữa đô thị và nông thôn, giảm áp lực giao thông và dân số tại các thành phố lớn. Chiến lược phát triển dựa trên mô hình TOD (Transit-Oriented Development) nhấn mạnh việc quy hoạch các khu đô thị mật độ cao, đa chức năng, thân thiện với người đi bộ quanh các trục giao thông công cộng. Đây là giải pháp giảm áp lực giao thông, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Đấu giá quyền phát triển, thu hồi đất vùng phụ cận và quy hoạch theo mô hình TOD sẽ tối ưu hóa nguồn lực đất đai và tạo nguồn tài chính minh bạch, hiệu quả từ giá trị gia tăng của hạ tầng giao thông. Quy trình đấu giá cần được thực hiện công khai, công bằng, với cam kết rõ ràng từ nhà đầu tư về phát triển bền vững và đảm bảo lợi ích cộng đồng, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào quá trình phát triển đô thị.

    Thứ hai, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và vật liệu đất hiếm. Với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm cung ứng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt khi đất hiếm là thành phần thiết yếu trong sản xuất linh kiện bán dẫn, nam châm vĩnh cửu và thiết bị điện tử hiện đại. Để khai thác hiệu quả lợi thế này, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia khai thác, chế biến đất hiếm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động này để đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ môi trường và quyền lợi cộng đồng địa phương. Việc phát triển đất hiếm để tham gia chuỗi giá trị bán dẫn không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu mà còn yêu cầu xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh. Điều này bao gồm khai thác nguyên liệu thô, chế biến tinh và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại là yếu tố then chốt để gia tăng giá trị tài nguyên thay vì chỉ xuất khẩu ở dạng sơ cấp, trong khi các nhà máy chế biến cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cao để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác chiến lược với các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ nhằm chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường và đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ đất hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác triển khai các gói hỗ trợ hấp dẫn và cơ chế Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu (GMT) được áp dụng. GMT yêu cầu doanh nghiệp đa quốc gia trả mức thuế tối thiểu 15%, làm giảm hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế truyền thống. Trong khi Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc và Indonesia đã thu hút các tập đoàn lớn như Intel và LG Chem nhờ các gói hỗ trợ tài chính khổng lồ, Việt Nam lại thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư tương tự. Intel, từng cân nhắc một dự án trị giá 3,3 tỷ USD tại Việt Nam, đã chọn Ba Lan nhờ gói hỗ trợ 1,9 tỷ USD từ EU, trong khi LG Chem quyết định đầu tư vào Indonesia vì không được Việt Nam đáp ứng chi phí hỗ trợ 30% như mong muốn. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cải thiện chính sách đầu tư của Việt Nam để cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế.

    Thứ ba, phát triển các đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong theo mô hình của Singapore, Hong Kong và Thẩm Quyến là một chiến lược đầy tiềm năng để đưa Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và công nghệ của khu vực. Mô hình phát triển của Singapore, Hong Kong và Thẩm Quyến mang lại nhiều bài học quý giá. Singapore đã trở thành trung tâm thương mại, tài chính và công nghệ hàng đầu nhờ chính sách minh bạch, cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường đầu tư hấp dẫn. Hồng Kông phát triển nhờ hệ thống pháp lý vững mạnh và chính sách thuế ưu đãi, trong khi Thẩm Quyến vươn lên từ một làng chài nhỏ thành trung tâm công nghệ và sản xuất hiện đại nhờ chính sách mở cửa và thu hút đầu tư. Phú Quốc, với vị trí chiến lược và tiềm năng du lịch, có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, nếu được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút các tập đoàn tài chính toàn cầu và thiết lập chính sách thuế linh hoạt. Vân Đồn, với hệ thống giao thông thuận lợi, có thể phát triển thành trung tâm logistics và sản xuất công nghệ cao, giống như Thẩm Quyến, thông qua việc xây dựng các khu công nghiệp xanh và khuyến khích đầu tư vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Vân Phong, với cảng nước sâu hàng đầu khu vực, có tiềm năng trở thành trung tâm giao thương quốc tế và công nghiệp năng lượng như Hong Kong, nếu xây dựng một hệ sinh thái kinh tế linh hoạt, kết hợp cảng biển, logistics và tài chính. Để đạt được thành công, cần có các chính sách thuế ưu đãi đặc thù, cơ chế quản lý minh bạch và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển các đặc khu này cần bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích giữa kinh tế, xã hội và cộng đồng địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng sống và duy trì văn hóa bản địa. Nếu được quy hoạch và quản lý tốt, Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong có thể trở thành những đặc khu kinh tế kiểu mẫu, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

    Thứ tư, phát triển các trung tâm tài chính khu vực tại Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong theo mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Hong Kong, Luxembourg và Thụy Sỹ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn cho Việt Nam. Các quốc gia này thành công nhờ tạo môi trường tài chính mở, chính sách tự do hóa và giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam có thể áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, miễn thuế thu nhập, thuế doanh thu và VAT cho các doanh nghiệp trong các khu vực tài chính quốc tế. Đồng thời, việc xây dựng hạ tầng hiện đại, đặc biệt là giao thông và công nghệ thông tin, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính và thu hút các công ty công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực FinTech. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống pháp lý minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư để tạo niềm tin và thu hút vốn đầu tư. Nếu Việt Nam áp dụng các chính sách tài chính tự do, xây dựng hạ tầng hiện đại và tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, các trung tâm tài chính tại Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.

    Thứ năm, Việt Nam cần chuyển đổi từ mô hình quản lý ngân sách theo dòng mục sang mô hình quản lý ngân sách theo kết quả, tập trung vào ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài chính công. Mô hình mới này sẽ nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự bền vững và phù hợp với các mục tiêu phát triển dài hạn. Việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp phân bổ ngân sách dựa trên các chỉ tiêu cụ thể, theo các đơn vị địa lý và chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này không chỉ tối ưu hóa phân bổ ngân sách mà còn thiết lập hệ thống giám sát linh hoạt, chính xác, đánh giá rõ ràng tác động của mỗi khoản chi vào các mục tiêu phát triển bền vững. Áp dụng mô hình này sẽ tạo ra cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các chương trình, dự án, giúp điều chỉnh ngân sách một cách hợp lý và phát triển các chiến lược tài chính hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, việc áp dụng hạch toán kinh tế môi trường (SEEA) theo các chỉ số về số lượng, chất lượng, lưu chuyển và giá trị tiền tệ, kết hợp với phân vùng vị trí sẽ giúp quản lý nguồn lực từ “tâm Trái đất đến hết bầu khí quyển”.

    Việt Nam cần đột phá trong các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bằng cách hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và phát triển các khu đô thị dọc các tuyến giao thông trọng điểm. Những yếu tố này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế. Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và nghiên cứu, sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng từ tài nguyên đất hiếm và các ngành công nghiệp công nghệ. Phát triển các đặc khu kinh tế và trung tâm tài chính khu vực theo mô hình của các quốc gia tiên tiến như Singapore, Hồng Kông sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ duy trì tăng trưởng cao mà còn tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)

Ý kiến của bạn