Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tuyên truyền phổ biến sâu, rộng pháp luật đất đai - Nhiệm vụ quan trọng của lĩnh vực đất đai năm 2025 để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cao trong quản lý, sử dụng đất

20/01/2025

    Sự kiện “Luật Đất đai năm 2024 được thông qua và hiệu lực thi hành sớm, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai - động lực quan trọng cho đất nước phát triển” và “Truyền thông chính sách, pháp luật TN&MT hướng đến địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả tích cực trong thi hành pháp luật” là hai trong số 10 sự kiện nổi bật của ngành TN&MT năm 2024 đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT ký công bố tại Quyết định số 4132/Đ-BTNMT ngày 20/12/2024.

Khai thác tối đa sức mạnh lan tỏa của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai

    Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 và được Chủ tịch nước công bố ngày 19/2/2024 đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và các chính sách lớn được định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có nhiều nội dung chính sách mới mang tính đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

    Nhận thức rõ tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Luật Đất đai đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ngay từ đầu đã được được đẩy mạnh và triển khai trên mọi phương diện, khai thác tối đa sức mạnh lan tỏa của các phương tiện thông tin đại chúng; đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong xây dựng, triển khai và thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Truyền thông về Luật Đất đai và truyền thông chính sách nói chung là một giải pháp tối ưu để đưa luật vào cuộc sống theo đúng mục tiêu của Nhà nước trong các Nghị quyết của Đảng với nội dung là mọi chính sách phải đến với người dân trên tinh thần lấy dân làm gốc, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Làm tốt công tác truyền thông sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách đất đai là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật đất đai vào cuộc sống, là mắt xích quan trọng trong việc truyền tải chính sách thông qua các văn bản luật để người dân thấu hiểu và thực hiện đúng quy định. Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn.

    Để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, kịp thời đưa Luật vào cuộc sống, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật; nâng cao nhận thức về Luật và trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương trong việc thi hành Luật. Yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai; Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật và các văn bản quy định chi tiết Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời, thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai.

    Về triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai, tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành. Trong đó, về phía Bộ TN&MT có nhiệm vụ: (i) Xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư; đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; (ii) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai; chủ động đẩy nhanh tiến độ dự thảo các văn bản quy định chi Luật Đất đai để tổ chức tuyên truyền, phổ biến lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đối tượng thi hành Luật Đất đai; (iii) Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tuyên truyền bao gồm công tác tập huấn cho Ủy ban nhân dân và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

    Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trước tiên, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-BTNMT ngày 19/3/2024 về kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã xác định các hình thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật đất đai gồm: (i) Tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu để tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; (ii) Tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; (iii) Xây dựng ấn phẩm truyền thông, truyền thông đa phương tiện; các chương trình tọa đàm, diễn đàn đối thoại; (iv) Xây dựng hệ thống tương tác đa chiều để giải đáp chính sách, pháp luật đất đai: phần mềm tra cứu, hỏi đáp chính sách, pháp luật đất đai; chuyên mục, chuyên đề hỏi - đáp chính sách, pháp luật đất đai; (v) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai, xây dựng tài liệu hỏi - đáp về pháp luật đất đai; (vi) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai.

    Công tác giới thiệu, tuyên truyền, phố biến, tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã được Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai dưới nhiều hình thức và trên mọi phương tiện truyền thông. Nhiều diễn đàn, hội nghị trực tuyến với hàng nghìn điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với chính quyền địa phương các cấp; là những cuộc "gỡ khó" kịp thời, giúp chính sách TN&MT đi vào cuộc sống.

    Bộ TN&MT cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hàng nghìn đại biểu là những cán bộ, chuyên viên là những người trực tiếp thực hiện các công tác quản lý nhà nước về đất đai trên toàn quốc (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã).

    Đối với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu pháp luật đất đai đối với mỗi Bộ ngành, cơ quan phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ và mối liên quan đến đất đai của từng Bộ ngành, cơ quan, như: Chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai cho gần 400 báo cáo viên các cấp; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho cán bộ công chức ngành Tư pháp trong cả nước; Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thông qua hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội với hơn 300 cán bộ, công chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tại các điểm cầu trực tuyến tại các Viện Kiểm sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thông qua hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước phổ biến cho cán bộ, công chức trong ngành kiểm toán về các quy định mới và những nội dung chủ yếu của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị phổ biến cho các kiều bào trong và ngoài nước. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, Hội nghị đã thu hút số lượng lớn đại biểu tham dự (khoảng 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến), bao gồm: (i) Đại diện các Bộ, ban, ngành và các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hiệp hội doanh nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước; (ii) Đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; (iii) Đông đảo kiều bào tham dự trực tiếp tại Hà Nội và 50 điểm cầu tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 4 châu lục (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Campuchia, Úc, New Zealand, Tanzania, Ma-rốc... Cùng với đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phổ biến cho các đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, thực thi chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Bên cạnh việc phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu pháp luật đất đai, Bộ còn phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương thực hiện các phương thức khác để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu pháp luật đất đai, như: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách pháp luật Đất đai năm 2024, thu hút 825.962 người tham gia thi, với 1.017.050 số lượt thi (trong 3 tuần), trong đó có 48 cá nhân đạt giải (mỗi tuần có 16 người đạt giải); Phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện một số nội dung hợp tác khác như sản xuất các ấn phẩm báo chí, tạp chí, sách hỏi đáp về chính sách pháp luật đất đai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hiểu đúng các quy định của pháp luật đất đai, đặc biệt các nội dung đổi mới có tính chất đột phá, đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hộ.

    Đối với các địa phương, song song với việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu pháp luật đất đai, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cán bộ, công chức, người lao động (nhiều địa phương tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến từng đơn vị hành chính cấp xã) như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Long An, Bắc Giang, Lào Cai, Đồng Nai, Thái Nguyên, Thái Bình, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đắc Nông, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… Quá trình phổ biến Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đã kết hợp với giải đáp các vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật để tạo cách hiểu thống nhất khi áp dụng.

    Ngoài ra, để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, Bộ TN&MT đã giao Vụ Đất đai phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật đất đai tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều học viên với các đối tượng ngành nghề, lĩnh vực đa dạng. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Vụ Đất đai phối hợp với các nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Tư pháp nghiên cứu biên soạn 3 tập sách về pháp luật đất đai, gồm: Tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024; Nội dung kế thừa, bổ sung, đổi mới của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013; Hỏi - Đáp về Luật Đất đai năm 2024 và đã kịp thời xuất bản phục vụ nhân dân.

Tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật đất đai

    Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2025, công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn pháp luật đất đai sẽ được tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn, nhằm nâng cao nhận thức chính sách pháp luật cho nhân dân.

    Xác định việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức phù hợp để đưa chính sách đất đai đi vào cuộc sống được đúng, đầy đủ và kịp thời nhất, Bộ TN&MT đã và đang hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều kế hoạch cụ thể, tuyên truyền mở rộng đến nhiều đối tượng; tuyên truyền và tập huấn chuyên môn sâu như:

    Một là, tuyên truyền chuyên đề, chuyên sâu đối với các nội dung về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật đất đai kế hoạch tập huấn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; thủ tục hành chính theo chức năng nhiệm vụ được giao; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thủ tục hành chính theo chức năng nhiệm vụ được giao...

    Hai là, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm truyền thông, như: Biên soạn và phát hành sách, sổ tay hỏi đáp và các tài liệu hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản triển khai Luật; Xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền chuyên đề, chuyên sâu lĩnh vực đất đai; Số hóa các ấn phẩm truyền thông: phim, phóng sự, trailer, tọa đàm, sách, tài liệu…; Các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp; các hình ảnh trong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; sản phẩm, hình ảnh của các cuộc thi… và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, Trang thông tin của Trung tâm Truyền thông TN&MT, Báo TN&MT…

    Ba là, xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện; chương trình tọa đàm phục vụ công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật theo quy định của Luật Đất đai; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, mở chuyên trang, chuyên mục, thực hiện các tin, bài, phóng sự, tọa đàm, videoclip, infographic để giới thiệu về những nội dung đổi mới quan trọng của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ…, các cơ quan truyền thông của Bộ.

    Bốn là, thực hiện truyền thông qua hệ thống thông tin cơ sở và mạng xã hội; Xây dựng hệ thống tương tác đa chiều về chính sách đất đai; Tổ chức các Cuộc thi, giải thưởng tìm hiểu về Luật Đất đai...

    Có thể khẳng định, việc tổ chức thực hiện hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về pháp luật đất đai giúp nâng cao năng lực, ý thức, hành vi, đồng thời nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân, qua đó góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đất đai được thuận lợi và hiệu quả hơn. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn giúp cán bộ, nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về pháp luật đất đai góp phần quản lý, sử dụng đất đai đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, BVMT và phát triển bền vững của đất nước, góp phần tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách Nhà nước, đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng

Lê Minh Thùy

Vụ Đất đai, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2025)

Ý kiến của bạn