21/02/2025
Ngày 21/2/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Hội thảo Thiết kế sinh thái cho bao bì nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng chủ trì Hội thảo.
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, bao bì là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, vì nó không chỉ bảo vệ và bảo quản thực phẩm, mà còn tạo ra sự thu hút và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, bao bì cũng đang gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do lượng rác thải bao bì ngày càng tăng, trong khi khả năng tái chế và phân hủy của chúng thấp. Hầu hết vòng đời của bao bì kết thúc tại các bãi rác, bị đốt cháy hoặc rò rỉ vào môi trường, chỉ 9% trong số đó được tái chế thành công. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Đây là một bước đi quan trọng để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó các nguồn nguyên liệu và sản phẩm được tái sử dụng, tái chế và phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải và tiết kiệm tài nguyên. Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống cần phải thay đổi chiến lược sản xuất, thiết kế và chọn lựa các loại bao bì xanh, có khả năng tái chế hoặc phân hủy sinh học, thay thế cho các bao bì nhựa truyền thống. Hội thảo Thiết kế sinh thái cho bao bì nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp thiết kế sinh thái trên cơ sở sử dụng các vật liệu tái chế, tái sử dụng hoặc sinh học phân hủy, các loại bao bì xanh giúp giảm lượng rác thải nhựa, cắt giảm lượng khí thải và nước tiêu tốn trong quá trình sản xuất, cũng như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thiết kế sinh thái đối với bao bì trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, ThS. Nguyễn Minh Khoa - Chuyên gia Môi trường cho biết, thiết kế sinh thái bắt đầu được nhấn mạnh và phát triển vào những năm cuối thế kỷ 20, thông qua thiết kế sản phẩm với mục tiêu tác động môi trường tối thiểu trong suốt vòng đời. Thiết kế sinh thái với bao bì là một quá trình thiết kế bao bì trên cơ sở xem xét tác động môi trường của bao bì trong suốt vòng đời của chúng nhằm mục đích giảm thiểu chất thải và ô nhiễm và từ đó làm cho bao bì bền vững hơn. Nhằm giảm bớt khối lượng vật liệu sử dụng; hạn chế vật liệu đóng gói quá nhiều; nâng cao độ bền của sản phẩm; sử dụng các bộ phận dễ tái sử dụng; sử dụng một loại vật liệu duy nhất cho toàn bộ sản phẩm hoặc từng bộ phận; sản phẩm có thể dễ dàng tháo rời; dễ dàng thu gom và vận chuyển, Năm 2021, Nhật Bản đã ban hành Luật Thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên với nhựa. Hàn Quốc cũng đã ban hành Chương trình Thiết kế sinh thái nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ đổi mới nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Chương trình thiết kế sinh thái bao gồm các nội dung: Cuộc thi về ý tưởng sáng tạo sản phẩm sinh thái; Hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để phát triển mô hình thiết kế mẫu; Hỗ trợ kỹ thuật để lấy bằng sáng chế và nhãn sinh thái; Quảng bá các sản phẩm TKST tại sự kiện triển lãm ECO EXPO KOREA…
Tại Việt Nam, liên quan đến thiết kế sinh thái, hiện nước ta đã có hệ thống chính sách để can thiệp các khâu từ sản xuất (cải tiến quy trình để giảm tác động môi trường), tiêu dùng (khuyến khích thay đổi hành vi), thải bỏ (quản lý chất thải). Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã được khẳng định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Tiêu chí nhãn sinh thái đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường được quy định trong Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2023 của Bộ TN&MT... Tuy nhiên, chưa có các quy định, mô hình cụ thể. Tính đến hiện tại, chỉ có quy định về thiết kế sinh thái mang tính định hướng được nêu trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất. Việt Nam cũng mới có tiêu chuẩn ISO 14006:2013 về Hệ thống quản lý môi trường - Hướng dẫn để hợp nhất thiết kế sinh thái do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này mới dừng ở mức quy định cho hệ thống quản lý môi trường tại các doanh nghiệp nhằm thực hiện thiết kế sinh thái, chưa phải các tiêu chuẩn về phương pháp thực hiện và đánh giá thiết kế sinh thái của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn vẫn đang phải tự “dò đường đi” trong lộ trình thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong bối cảnh đó, TS. Kim Thị Thúy Ngọc - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, thay mặt nhóm nghiên cứu đề xuất tiêu chí và lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái đối với bao bì trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo đó, Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên các nhóm tiêu chí: Tối ưu hóa vật liệu; Dễ dàng tái chế; Thiết kế đa chức năng hoặc tái sử dụng; Tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tác động lên môi trường; Tăng cường thông tin và nhận diện sinh thái; Đảm bảo an toàn thực phẩm; Phù hợp với thói quen tiêu dùng của Việt Nam. Về lộ trình áp dụng thiết kế sinh thái giai đoạn 2025 - 2035 bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn/quy chuẩn về thiết kế sinh thái; Truyền thông, nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm thiết kế sinh thái; Thúc đẩy các cơ chế tài chính hỗ trợ thiết kế sinh thái; Thúc đẩy phối hợp giữa các bên liên quan để thúc đẩy thiết kế sinh thái; Đầu tư hạ tầng tái chế cho xử lý sản phẩm, bao bì thiết kế sinh thái.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra các nhóm hoạt động cần triển khai trước mắt và trong trung hạn để thúc đẩy thiết kế sinh thái. Trước hết, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Hiện, thiết kế sinh thái còn khá mới ở Việt Nam nên nhận thức về vấn đề này chưa đầy đủ và đồng bộ giữa các cấp, ngành sẽ tạo ra những khác biệt trong hành động. Do đó, (i) Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần làm rõ những lợi ích lâu dài cả về môi trường và kinh tế trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái; (ii) Đối với người tiêu dùng, cần thúc đẩy truyền thông nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường; Khuyến khích hành vi tiêu dùng theo các nguyên tắc của thiết kế sinh thái (sử dụng sản phẩm có vòng đời dài hơn, tận dụng, tái chế các sản phẩm cũ, thải bỏ sản phẩm một cách có trách nhiệm…); Hướng dẫn người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu đặt ra. Tiếp theo, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách về thiết kế sinh thái. Việc xây dựng và ban hành quy định về thiết kế sinh thái cần có lộ trình cụ thể để áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, nên tập trung vào các nhóm sản phẩm trọng điểm. Cuối cùng, thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là bước tiền đề cho quá trình triển khai, phổ biến các giải pháp về thiết kế sinh thái và đưa ra các khuyến nghị chính sách để nhân rộng…
Hương Đỗ