Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực trong phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

28/12/2023

1. Mở đầu

    Phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm đang là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Các văn bản của Đảng và Chính phủ nhấn mạnh việc cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Xã hội hóa cũng là một trong 4 chính sách cốt lõi được đề xuất và quan tâm trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) [2].

    Luật Tài nguyên nước năm 2012 (khoản 4 Điều 27) quy định nguồn kinh phí để phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt do ngân sách nhà nước bảo đảm. Với nhu cầu cấp thiết trong việc phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, trong những năm qua, một vài địa phương đã chủ động triển khai thực hiện những dự án có liên quan với tổng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án phục hồi dòng sông đã được triển khai mới chỉ mang tính thí điểm, số lượng là rất ít, gần như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế với tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Đồng thời, do nguồn lực phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước nên tiến độ thường bị kéo dài, chậm trễ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án; tính tổng thể, bền vững của các dự án cũng chưa cao.

    Với bối cảnh nêu trên, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực trong phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và đưa ra bài học cho Việt Nam là cần thiết, quan trọng. Kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt là trong chính sách xã hội hoá; hướng đến ban hành các chính sách, quy định hiệu lực, hiệu quả để phục hồi các dòng sông, quản trị bền vững tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

2. Kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực trong phục hồi các dòng sông

    Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển và thành công trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay, cũng đã từng có thời kỳ phải đối mặt với tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước như là hệ quả tất yếu việc ưu tiên phát triển kinh tế, phát triển mạnh mẽ công nghiệp hoá, đô thị hoá, gia tăng dân số, lượng nước thải… đi kèm với việc thiếu quan tâm đúng mức đến bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường. Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để phục hồi dòng sông, nhiều mô hình, phương thức xã hội hoá, đa dạng nguồn lực đã được các quốc gia triển khai và một số mô hình, phương thức đã đạt được thành công đáng kể; trong số đó phải kể đến mô hình, phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (“Public - Private Partnership” hay thường được biết đến với tên viết tắt “PPP”) và quỹ quay vòng (“Revolving Fund”) để phục hồi sông.

    Trung Quốc: Là một trong những quốc gia thành công nổi bật trong việc áp dụng mô hình PPP vào các dự án phục hồi dòng sông. Năm 2015, trước vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng các dòng sông trong khu vực đô thị, Bộ Tài chính và Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã phối hợp ban hành “Tài liệu hướng dẫn thúc đẩy triển khai mô hình đối tác công tư PPP trong kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước”; trong đó có đề cập và nhấn mạnh vai trò của việc áp dụng mô hình PPP vào quản lý, phục hồi các dòng sông. Với việc ban hành tài liệu hướng dẫn và tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thực tế, số lượng các dự án phục hồi nguồn nước triển khai thực hiện theo mô hình PPP gia tăng vượt bậc và đạt được những thành quả ấn tượng. Tính đến tháng 6/2018, theo ghi nhận của Bộ Tài chính Trung Quốc, đã có 131 dự án PPP phục hồi dòng sông được triển khai thực hiện với tổng đầu tư khoảng 226 tỷ CNY (33,6 tỷ USD) [6].

    Dự án phục hồi sông Nakao (thành phố Nam Ninh, Quảng Tây), được bắt đầu năm 2015, là dự án phục hồi dòng sông đầu tiên áp dụng mô hình PPP ở Trung Quốc [5]. Sử dụng giải pháp đấu thầu mở rộng với các yêu cầu tiêu chí về tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, chính quyền thành phố Nam Ninh (cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nguồn nước sông Nakao) đã lựa chọn Công ty Beijing Drainage Group là nhà đầu tư tư nhân tối ưu nhất tham gia thực hiện Dự án này.

    Để triển khai thực hiện Dự án phục hồi sông Nakao, chính quyền địa phương và Công ty Beijing Drainage Group đã ký kết hợp đồng thoả thuận DBFOT (Design- Build - Finance - Operate -Transfer/ Thiết kế - Xây dựng - Tài trợ - Kinh doanh - Chuyển giao), trong đó Công ty Beijing Drainage Group chịu các phần trách nhiệm về tài chính, thiết kế và xây dựng, đồng thời giữ quyền quản lý kinh doanh Dự án một vài năm sau khi việc phục hồi sông được hoàn thành. Chính quyền và Công ty đã ký thỏa thuận đầu tư để thành lập, tài trợ cho một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV), trong đó nhà đầu tư tư nhân đóng góp 90% tài chính hoàn thành dự án. SPV với tư cách là cơ quan chính có quyền ký hợp đồng với các công ty thiết kế, xây dựng mua sắm kỹ thuật,… để triển khai Dự án (Hình 3). Ngân sách Dự án PPP phục hồi sông Nakao là 1 tỷ CNY. Thời hạn hợp đồng PPP là 10 năm, được chia thành 02 năm xây dựng và 08 năm vận hành.

Hình 1. Cấu trúc hợp đồng DBFOT được sử dụng trong Dự án phục hồi sông Nakao [5]

    Tháng 3/2015, Dự án phục hồi sông Nakao bước vào giai đoạn xây dựng với tư cách là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực quản lý sông của Trung Quốc. Tháng 3/2017, Dự án đã đi vào giai đoạn vận hành đúng tiến độ. Theo kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường Nam Ninh, các chỉ số chất lượng nước về cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng nước mặt loại IV, cải thiện đáng kể so với thời điểm trước khi tiến hành Dự án (thấp hơn mức loại V). Ngoài ra, sau các hoạt động phục hồi, dòng sông cũng đã đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn phòng lũ ứng với tần suất 50 năm.

Bảng 1. Các chỉ số yêu cầu trong quản lý sông Nakao [5]

Nội dung quản lý

Chỉ số yêu cầu

Chất lượng nước      

- Chỉ số chất lượng nước mặt: COD, BOD, TP, NH3-N, SS, DO,…

- Chỉ số sinh thái: tỷ lệ có mặt của các loài thực vật thuỷ sinh và thực vật trên cạn.

Số lượng nước

- Dòng chảy sinh thái cơ bản của sông, lượng nước bổ cập trở lại.

    Ngoài Dự án PPP phục hồi sông Nakao, còn phải kể đến rất nhiều dự án PPP phục hồi sông khác cũng đã được triển khai và đạt được những thành tích, góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm, quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Trung Quốc (thông tin một số dự án tiêu biểu được tổng hợp trong Bảng 2 và Hình 2). Điều này minh chứng rõ ràng về khả năng và hiệu quả của việc triển khai áp dụng mô hình PPP trong phục hồi dòng sông nói riêng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước nói chung.

Bảng 2. Một số dự án PPP phục hồi dòng sông tiêu biểu khác đã được thực hiện thành công tại Trung Quốc [7]

Dự án

Mục tiêu, phạm vi, quy mô dự án

Mô hình PPP áp dụng

Đặc điểm chính của
dự án

Dự án PPP phục hồi sông tại lưu vực sông Tangqi, Hàng Châu, Chiết Giang

- Mục tiêu, phạm vi: Gồm 04 tiểu dự án với các mục tiêu xây dựng trạm xử lý nước thải, phục hồi hệ sinh thái sông, cải tạo cảnh quan và hình thành công viên ven sông.

- Quy mô: tổng mức đầu tư 2,3 tỷ CNY.

- Vòng đời dự án:

+ Tiểu dự án xử lý nước thải: 02 năm xây dựng và 28 năm vận hành, quản lý.

+ Các tiểu dự án môi trường nước: 02 năm xây dựng và 13 năm vận hành, quản lý

- Loại hình hợp đồng: DBFOT

- Tích hợp tổng thể đầu tư, vận hành và xây dựng; bao gồm toàn bộ chu trình dự án.

- Vận hành thông minh, hiện đại: áp dụng nền tảng vận hành, quản lý số thông minh trong tất cả các cấu phần/giai đoạn đầu tư, xây dựng và vận hành.

- Cơ chế thanh toán đặc thù:

+ Trạm xử lý nước thải: thanh toán dựa trên lượng nước thải xử lý.

+ Vấn đề môi trường nước: các loại phí hiện hành và phí vận hành, bảo dưỡng (O&M) dựa trên đánh giá KPI.

Dự án PPP phục hồi sông Xinfeng, Đại Hưng, Bắc Kinh

- Mục tiêu, phạm vi: xử lý nước thải, cải thiện nước sông, phục hồi hệ sinh thái sông, cải tạo cảnh quan, thiết lập hệ thống quản trị nước thông minh, xây dựng thành phố bọt biển (sponge city).

- Quy mô: tổng mức đầu tư 4,148 tỷ CNY.

- Vòng đời dự án:

+ 20 năm, gồm 02 năm xây dựng và 18 năm vận hành quản lý.

- Loại hình hợp đồng: DBFOT

- Tối ưu hoá chi phí vận hành và kỹ thuật:

+ Giải pháp tối ưu: ưu tiên các biện pháp thuận tự nhiên, phù hợp cảnh quan để giảm thiểu chi phí vận hành và kỹ thuật.

+ Đầu tư đất ngập nước giảm 24%, chi phí vận hành bảo dưỡng năm giảm 20%.

- Yêu cầu: Kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm phần vượt trội nhỏ hơn 10% nguồn vốn nhà nước.

 

Hình 2. Cơ cấu đầu tư, triển khai các dự án PPP phục hồi sông Tangqi và Xinfeng ở Trung Quốc [7]

    Hàn Quốc: Trước bối cảnh ô nhiễm nguồn nước gia tăng, trong Chương trình chính sách Giải pháp xanh mới được phát động tháng 01/2009, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định triển khai Dự án phục hồi bốn dòng sông lớn gồm sông Hàn, Nakdong, Geum và Yeongsan.

    Dự án được triển khai thực hiện từ 2009 đến 2013 với 05 mục tiêu chính: (i) đảm bảo nguồn nước dồi dào nhằm phòng chống khan hiếm nước; (ii) thực hiện các biện pháp toàn diện kiểm soát lũ; (iii) nâng cao chất lượng nước, phục hồi các hệ sinh thái sông, (iv) tạo ra các không gian đa năng cho người dân địa phương; (v) phát triển vùng tập trung vào các sông. Kết quả dự án là hơn 929 km sông, suối quốc gia và hơn 10.000 km sông, suối địa phương đã được phục hồi; hơn 35 vùng đất ngập nước ven sông cũng đã được tái cấu trúc.

    Dự án Phục hồi 4 dòng sông được triển khai thành công một phần quan trọng là nhờ sự điều chỉnh kịp thời trong các chính sách pháp luật của Chính phủ Hàn Quốc; trong đó phải kể đến việc điều chỉnh các luật về tài chính, luật sông, luật sử dụng đất ven sông… Về tài chính, các nhà lập pháp đã sửa đổi Đạo luật để đẩy nhanh việc thực hiện Dự án bằng cách miễn các dự án quản lý rủi ro thiên tai khỏi các nghiên cứu khả thi sơ bộ; thiết lập một khuôn khổ để quản lý tài chính và các hoạt động tài khóa lành mạnh. Đối với sông, Đạo luật sửa đổi cho phép Tổng công ty tài nguyên nước Hàn Quốc (K-water), một công ty quản lý tài nguyên nước công, vận hành và duy trì các cơ sở tích hợp [3].

    Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định một số công cụ chính sách để tối đa hóa tiềm năng phát triển của địa phương thông qua sáng kiến khôi phục sông. Các nhà lập pháp đã sửa đổi pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của địa phương bằng cách tăng tỷ lệ của địa phương trong hợp đồng chung bắt buộc lên hơn 20% và sự tham gia của các công ty địa phương vào dự án đến 37,5%. Ngoài ra, Kế hoạch tổng thể cũng quy định số công ty địa phương phải chiếm ít nhất 40% trong tổng số các liên doanh, ngoại trừ trường hợp các dự án “chìa khoá trao tay” vốn yêu cầu tỷ lệ công ty địa phương tham gia là 20% [4].

    Israel: Nếu như các quốc gia nêu trên là điển hình cho việc triển khai thành công mô hình PPP trong phục hồi các dòng sông, thì Israel lại là một trong những quốc gia điển hình cho mô hình Quỹ quay vòng để phục hồi sông.

    Đầu những năm 2000, Israel phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn nước nghiêm trọng. Nhiều sông, suối dần trở thành những dòng sông chết. Ô nhiễm, hạn hán, khai thác nước quá mức đã dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ bất ổn về mặt kinh tế, chính trị và xã hội tại Israel.

    Hầu hết các dự án phục hồi dòng sông của Israel giai đoạn này chỉ có nguồn vốn từ chính phủ và chính quyền địa phương và được cấu trúc dưới dạng phân bổ vốn một lần. Tuy nhiên, nguồn vốn cho những dự án này cũng rất khó khăn và thường xuyên bị trì hoãn. Hình thức phân bổ vốn một lần duy nhất cũng không thể đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn, quy mô lớn cho việc phục hồi sông, suối. Nguồn vốn đầu tư có xu hướng phân bổ từ các bộ đến chính quyền sông địa phương và các dự án phục hồi nguồn nước tìm thấy rất ít nguồn tài trợ bền vững. Các khoản vốn đầu tư cũng không tính đến việc thúc đẩy đầu tư tư nhân để tạo ra nguồn tài chính tốt hơn và đảm bảo dòng vốn ổn định.

    Trước vấn nạn này, Chương trình sáng kiến tài chính (Financial Innovation Lab) đã được tiến hành tháng 11/2008 tại Jerusalem với sự tập hợp của hơn 40 chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, quan chức lãnh đạo, nhà đầu tư thị trường vốn và chuyên gia về tài nguyên nước. Họ đã xem xét các chương trình cấp vốn, tài trợ hiện tại của Chính phủ Israel cũng như những thay đổi về luật pháp và quy định cần thiết để phát triển Quỹ quay vòng (Revolving Fun) đầu tiên của Israel để phục hồi các dòng sông (hình 3). Chương trình sáng kiến tài chính cũng đã xác định các đối tượng (sông, suối) sẽ được phục hồi nguồn nước để làm thí điểm điển hình cho mô hình Quỹ quay vòng.[8]

Hình 3. Mô hình Quỹ quay vòng phục hồi sông của Israel [8]

    Mô hình Quỹ quay vòng phục hồi sông của Israel được xem như một cấu trúc tổng hợp, huy động, đa dạng hoá và sử dụng tối ưu các nguồn vốn, cân đối, phân bổ nguồn vốn một cách thống nhất, hiệu quả cho các hoạt động phục hồi sông theo một kế hoạch tổng thể rõ ràng. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc tự bù đắp chi phí, bảo toàn và phát triển vốn trên cơ sở đầu tư hỗ trợ tài chính có hiệu quả. Vốn tài trợ ban đầu được lấy từ ngân sách nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) kết hợp với các khoản tài trợ bên ngoài nếu có; trên cơ sở này, tiếp tục huy động, phát triển nguồn vốn với nhiều hình thức đầu tư như phát hành trái phiếu, các khoản vay tín dụng đầu tư… để phục hồi dòng sông.

    Cơ quan giám sát tài chính của Quỹ quay vòng có tính độc lập riêng và có khả năng phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan khác để hoạch định chính sách và xác định các dự án tiềm năng cam kết đầu tư. Việc giám sát phải kết hợp với trách nhiệm giải trình minh bạch để đảm bảo duy trì sự độc lập với các yếu tố chính trị, thu hút rộng hơn các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài mục tiêu bảo đảm hiệu quả nguồn vốn, việc quản lý Quỹ phải xem xét đầy đủ các yếu tố rủi ro hệ thống; đồng thời phải xác định rõ các mục tiêu, tiêu chí để đánh giá, kiểm soát các dự án đầu tư. Theo yêu cầu, tất cả các bên liên quan, từ tài chính đến công nghệ, kỹ thuật, đều phải có kinh nghiệm trong ngành nước.

    Quá trình thiết lập, triển khai Quỹ quay vòng phục hồi sông của Israel (trong Chương trình sáng kiến tài chính) về cơ bản gồm 3 bước:

i) Thiết lập quản trị quỹ, gồm các hoạt động nghiên cứu mô hình quỹ thành công trên thế giới có khả năng ứng dụng; thiết lập cấu trúc quỹ; xác định cách thức vận hành, quản trị quỹ và các yêu cầu, quy định pháp luật có liên quan.

ii) Xác định các nguồn doanh thu tiềm năng, gồm các hoạt động hoạch định chính sách, xác định các loại thuế, phí hiện hành; phân tích các chính sách, các loại thuế, phí mới; thiết lập mô hình doanh thu cho lưu vực.

iii) Quyết định các dự án đầu tư, gồm các hoạt động điều tra đoạn sông cần phục hồi; nghiên cứu xây dựng các nguồn tài trợ có thể; xác định vốn đầu tư, phương thức đầu tư, đánh giá tính khả thi về mặt tài chính.

    Với việc triển khai Quỹ quay vòng để phục hồi sông, Israel đã thành công trong việc khai thác tối đa các giá trị dòng sông mang lại để tạo doanh thu đầu tư trở lại bảo vệ dòng sông. Trong đó, ngoài các loại hình dự án liên quan đến khai thác, sử dụng nước; một số loại hình dự án điển hình đã được xác định bao gồm: dự án bất động sản ven sông, công viên ven sông, dịch vụ tổ chức sự kiện ven sông…

3. Bài học xã hội hóa, đa dạng hoá nguồn lực để phục hồi các dòng sông ô nhiễm cho Việt Nam

    Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về mô hình xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực để  phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm ở nước ta. Trên cơ sở quá trình tổng hợp, nghiên cứu, phân tích thành công của các quốc gia trên thế giới về xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực để phục hồi song như đã trình bày trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm và xem xét khả năng ứng dụng ở Việt Nam, cụ thể:

    Một là, thúc đẩy sự tham gia và đầu tư tư nhân để tạo ra nguồn tài chính tốt hơn, đảm bảo dòng vốn ổn định, bảo đảm tính kết nối, hiệu quả, bền vững cần được xem là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công trong việc cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Vấn đề này cần được thể chế hoá rõ ràng trong các chính sách, quy định pháp luật và cần phải được quan tâm, định hình rõ, cụ thể trong quá trình xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, phương án có liên quan đến phục hồi các dòng sông.

    Hai là, áp dụng mô hình PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) là giải pháp khả thi, hiệu quả để đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Về hành lang pháp lý, Việt Nam có thuận lợi là đã có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP hiện chưa bao gồm lĩnh vực tài nguyên nước. Do đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung để việc cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm là một lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PP và cần nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai PPP trong phục hồi sông. Trong đó, nhất thiết quan tâm đến các vấn đề về phạm vi dự án; chỉ số đánh giá hiệu quả dự án; điều kiện năng lực của các bên liên quan; trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên; cơ chế ưu đãi, hỗ trợ… Việc ứng dụng quản trị số, vận hành thông minh, hiện đại cũng cần được xem xét yêu cầu trong dự án.

    Ba là, cần nghiên cứu xây dựng, vận hành các Quỹ phục hồi sông theo mô hình Quỹ quay vòng (đã được triển khai thành công tại Isreal) để phát huy sức mạnh tổng hợp và huy động được tối đa các nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, bền vững trong triển khai Kế hoạch phục hồi dòng sông. Việc xây dựng Quỹ phục hồi sông sẽ tận dụng, phát huy tối đa các giá trị, chức năng, dịch vụ dòng sông mang lại; đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư phân tán, manh mún, kém hiệu quả, đôi khi còn chồng chéo, lãng phí ở nước ta. Quỹ phục hồi sông có thể do Tổ chức lưu vực sông giám sát và quản lý.

    Bốn là, xã hội hóa, đa dạng hoá nguồn lực để phục hồi sông, theo bất cứ mô hình nào cũng luôn đòi hòi phải có một kế hoạch, lộ trình rõ ràng, cụ thể. Trên thực tế, các hình thức, phương thức xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực để phục hồi sông là rất đa dạng; tuỳ vào mô hình lựa chọn ứng dụng, điều kiện thực tế mà cơ quan quản lý có thể phối hợp với các bên liên quan linh hoạt xây dựng các kế hoạch cụ thể để phục hồi dòng sông. Tuy nhiên, các kế hoạch luôn phải bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, làm rõ sự tham gia của các bên liên quan và có lộ trình cụ thể.

    Năm là, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững trong quá trình thực hiện các dự án phục hồi dòng sông, việc tham vấn các chuyên gia, các tổ chức thứ ba (tư vấn chuyên môn, kỹ thuật, luật pháp, kiểm toán,…) và sự tham gia của cộng đồng dân cư là rất cần thiết.

4. Kết luận

    Xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực trong phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm là một trong những giải pháp chính sách quan trọng, cấp thiết để bảo vệ tài nguyên nước, hướng đến bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

    Để phục hồi những dòng sông đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm hiện nay, đòi hỏi phải kết hợp giữa biện pháp phi công trình và công trình; kết hợp thống nhất việc cải thiện, nâng cao chất lượng nước, lưu thông dòng chảy với việc khôi phục, phát triển hệ sinh thái, hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo tính đa mục tiêu, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội, không gian sống ven sông trên cơ sở phát huy tối đa giá trị tiềm năng của nguồn nước và các đối tượng ven sông... Các dự án phục hồi dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt thường đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, lộ trình, kế hoạch rõ ràng và nguồn kinh phí đầu tư lớn.

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các mô hình, phương thức xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực và đạt được những thành công đáng kể trong cải tạo, phục hồi các dòng sông, trong số đó phải kể đến các mô hình điển hình như mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã được triển khai rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và mô hình quỹ quay vòng (Revolving Fund) để phục hồi sông ở Isreal.

    Việc nghiên cứu quy trình, cách thức triển khai thành công mô hình xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực trong phục hồi sông của các quốc gia nêu trên và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là bài học quý, có giá trị hữu ích cao cho quá trình xây dựng, ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn liên quan đến xã hội hoá, đa dạng hoá nguồn lực trong phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm ở Việt Nam trong tương lai.

ThS. Lương Thị Thuỳ Linh, ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

ThS. Phan Mai Linh

Cục Quản lý tài nguyên nước

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

Tài liệu tham khảo

1. Lương Thị Thuỳ Linh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phan Mai Linh và nnk, 2023, “Nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản”. Đề tài NCKH mã số TNMT.2022.01.39.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2022, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) trình Chính phủ tháng 2/2022.

3. WorldBank, 2015, “Promoting Green Growth through water resources management: the case of republic of Korea”, Knowledge Note Series 03.

4. Yoon Jung Cha, Myung-Pil Shim, Seung Kyum Kim, 2011, “The Four Major Rivers Restoration Project”,  UN-Water International Conference: Water in the Green Economy in Practice: Towards RIO+20.

5. Jiangfan Liu, Xiongzhi Xue, 2019, “Application of a performance-based public and private partnership model for river management in China: A case study of Nakao River”, Journal of Cleaner Production 236 (2019) 117684.

6. United Nations Human Settlements Programme (UN-Habitat), Tongji University, 2019, “Making cities sustainable through rehabilitating polluted urban rivers: Lessons from China and other developing countries”.

7. Min Zhou, 2019, “China Water PPP and Cases Sharing” - Fifth Roundtable on Financing Water, Asia Regional Meeting, 24-27 November 2019, ADB Headquater, Manila.

8. Caitlin MacLean and Glenn Yago, Financial Innovations Lab, 2009, “Financial Innovations in Israel: Revolving Fund for River Restoration”, Milken Institute, California, USA.

 

Ý kiến của bạn