Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Công bố danh sách 10 loài nguy cấp bị buôn bán nhiều nhất tại các chợ của vùng Tam giác Vàng

05/12/2017

   Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), hổ, voi, gấu và tê tê là 4 loài trong số những loài bị buôn bán nhiều nhất tại khu vực Tam giác Vàng - nơi giáp ranh giữa Lào, Thái Lan và Myanma. Tê giác, sơn dương, chim hồng hoàng mỏ sừng, bò tót, báo và rùa cũng nằm trong số những loài nguy cấp bị bày bán tại trung tâm buôn bán động, thực vật hoang dã này.

Hổ là một trong 10 loài bị buôn bán nhiều nhất tại khu vực Tam giác Vàng

   Danh sách 10 loài bị buôn bán nhiều nhất được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu của WWF về thị trường, cửa hàng, nhà hàng buôn bán động, thực vật hoang dã và từ các báo cáo của Mạng lưới Giám sát buôn bán các loài động, thực vật hoang dã (TRAFFIC). Theo đó, khách du lịch từ Trung Quốc và Việt Nam, là nhân tố chính thúc đẩy việc buôn bán bất hợp pháp này. Họ thường đến các khu vực MongLa và Tachilek tại Myanma, khu vực biên giới như Boten và Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng tại Lào - những “điểm nóng” buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp.

   Ông Chrisgel Cruz, Cố vấn kỹ thuật Chương trình Chống buôn bán các loài hoang dã của WWF - Greater Mekong cho biết: “Hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp, không có kiểm soát và thiếu bền vững đang đẩy quần thể hàng trăm loài hoang dã, không chỉ ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, mà còn trên toàn thế giới vào tình trạng nguy hiểm. Các khu vực biên giới như Tam giác Vàng là nơi hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã phát triển mạnh và cũng là những nơi cần phải có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ các loài hoang dã”.

   Hiện nay, rất nhiều hổ nuôi nhốt, cũng như hoang dã của châu Á bị buôn bán tại khu vực Tam giác Vàng và được sử dụng để ngâm rượu, làm thuốc, các đồ trang sức xa xỉ. Ngoài ra, quần thể voi châu Á và châu Phi cũng đang bị đe dọa do việc buôn bán da voi ngày càng tăng, cùng với nhu cầu ngà voi. Các trang trại nuôi nhốt gấu ngày càng phát triển tại khu vực. Gấu ngựa và gấu chó (chủ yếu bị bắt trong tự nhiên) thường bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp để lấy mật, dùng cho các bài thuốc dân gian, hoặc trong y học cổ truyền.

   Tê giác châu Phi bị giết hại, với tốc độ 3 con một ngày để thỏa mãn nhu cầu về sừng tê giác của nhiều người dân tại Việt Nam, Trung Quốc - nơi sừng tê giác là biểu tượng của sự giàu có và được sử dụng trong y học cổ truyền. Theo quan niệm của họ, sừng tê giác có thể chữa say rượu và sốt, nhưng trên thực tế, cấu tạo sừng tê giác từ keratin, chất cấu thành móng tay, móng chân người và không có giá trị về y học. Hiện nay, xu hướng chế tác sừng tê giác thành những vật trang trí cũng đe dọa tới sự sinh tồn của loài động vật quý hiếm này.

   Một loài khác cũng có bộ phận cấu tạo từ keratin là tê tê. Vảy của chúng được săn lùng và tê tê trở thành loài bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, loài chim hồng hoàng mỏ sừng cũng có một chiếc mỏ đặc biệt, rất phù hợp cho việc chạm khắc giống như ngà voi. Loài sơn dương, trông giống như dê và sống tại các vùng núi, bị buôn bán với giá cao tại Lào do nhu cầu về thịt, các bộ phận và vị thuốc trong y học cổ truyền. Đã một thời, loài báo xuất hiện khắp Đông Nam Á, nhưng hiện nay, chúng bị săn lùng để lấy da, hộp sọ và được buôn bán với số lượng lớn tại khu vực Tam giác Vàng. Rùa, gồm rùa sống và đã được chế tác, cũng được bày bán khắp nơi. Cuối cùng, bò tót - loài to lớn nhất trong họ gia súc, đang bị sụt giảm quần thể nghiêm trọng trên toàn cầu do cặp sừng vô cùng ấn tượng của chúng. Các nhà sưu tập săn lùng và treo sừng của chúng trên tường như một chiến lợi phẩm.

   Trong thời gian qua, WWF đã hợp tác với các chính phủ, các đối tác như TRAFFIC và tổ chức phi chính phủ tại địa phương, các nhà thực thi pháp luật để giải quyết vấn đề buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã tại khu vực Tam giác Vàng. Thông qua các hoạt động truyền thông trên toàn châu Á, WWF đã kêu gọi các quốc gia đóng cửa ít nhất 20 chợ buôn bán động, thực vật hoang dã vào năm 2020. Đây có thể là những chợ buôn bán trực tiếp, nhà hàng, cửa hàng, hoặc các chợ trên mạng. Thêm vào đó, WWF cũng nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ thực thi pháp luật và xử phạt các hành vi về buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép. Các dữ liệu cũng được WWF chia sẻ rộng rãi tới các nhà chức trách để họ có thể biết nơi nào đang diễn ra hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã.

   Ngoài ra, WWF cũng hỗ trợ những cán bộ kiểm lâm - những người mạo hiểm mạng sống để bảo vệ các loài hoang dã khỏi bị săn bắn. Các cán bộ kiểm lâm được tập huấn và trang bị thiết bị công nghệ cao, nhằm chống lại hoạt động tinh vi của băng đảng tội phạm có tổ chức.  

Ngân Phương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn