Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 07/09/2024

Chương trình Danh lục xanh: Bộ tiêu chuẩn cho các khu bảo vệ và bảo tồn

05/09/2024

    Chương trình Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu và các mục tiêu Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal. Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Quyết định XIII/2 của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) đã ghi rõ “Chương trình Danh lục xanh IUCN cho các khu bảo vệ và bảo tồn là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm thúc đẩy và khuyến khích quản lý hiệu quả các khu bảo tồn”. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình Danh lục Xanh IUCN.

Các loài hươu, nai hoang dã tại các đồng cỏ xanh mướt ven bìa rừng của VQG Cát Tiên

Chương trình Danh lục xanh IUCN

    Chương trình Danh lục Xanh của IUCN là một chương trình toàn cầu nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên thành công kèm theo các tiêu chuẩn bền vững. Mục đích của Chương trình là công nhận và tăng số lượng các khu bảo vệ và bảo tồn được quản lý công bằng và hiệu quả trên toàn cầu, góp phần đem lại kết quả bảo tồn bền vững cho con người và thiên nhiên. Chương trình này do Ủy ban Thế giới về Khu Bảo tồn của IUCN (WCPA) và Ban Thư kí IUCN đồng quản lý.

    Chương trình  Danh lục Xanh IUCN có một Lý thuyết Thay đổi (ToC) cơ bản là đảm bảo Chương trình đạt được các kết quả từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Theo đó, kết quả ngắn hạn của Chương trình nhằm nâng cao năng lực và trao đổi kinh nghiệm giữa mạng lưới của các chuyên gia và các nhà bảo tồn. Qua quá trình triển khai và đánh giá Danh lục Xanh IUCN, xác định lộ trình và mục tiêu hành động để đạt được thành công trong bảo tồn. Chương trình Danh lục Xanh IUCN chứng nhận, tôn vinh và quảng bá các khu bảo vệ và bảo tồn đang đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và công bằng. Kết quả trung hạn nhằm tăng cường ghi nhận và hỗ trợ cho các khu bảo vệ và bảo tồn thông qua một bộ tiêu chuẩn hiệu quả tại từng khu bảo tồn; tập trung sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn để nâng cao tác động của bảo tồn; mang lại giá trị đối với các nhà quản lý, cộng đồng, đối tác và các bên liên quan; giá trị đối với các cơ quan quản lý, nhà tài trợ, nhà đầu tư và những nhà bảo trợ. Cuối cùng, kết quả dài hạn với mục tiêu là mở rộng diện tích các khu bảo vệ và bảo tồn được thiết kế tốt, được quản lý công bằng và hiệu quả trên toàn cầu; đạt được các mục tiêu dự kiến và góp phần vào mục tiêu bền vững toàn cầu.

    Trọng tâm của Chương trình Danh lục Xanh của IUCN là một bộ Tiêu chuẩn Bền vững toàn cầu tự nguyện nhằm ghi nhận các KBT đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công. Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh đảm bảo, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số, được chia thành 4 lĩnh vực: Quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công. Quá trình đánh giá Danh lục Xanh được thực hiện bởi một ban chuyên gia đánh giá độc lập, với sự giám sát chặt chẽ của IUCN. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh vẫn duy trì tính nhất quán trên toàn cầu nhưng được điều chỉnh và áp dụng theo bối cảnh địa phương. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh được sử dụng để phân tích khoảng trống trong công tác quản trị để các nhà quản lý có thể đưa ra những giải pháp cải thiện công tác quản lý qua các kết quả hoạt động. Bằng việc cam kết đáp ứng tất cả các tiêu chí của Tiêu chuẩn, các nhà quản lý khu bảo vệ và bảo tồn có thể hướng đến việc duy trì và đạt được tiêu chuẩn cao về bảo tồn tự nhiên và xã hội một cách hiệu quả.

4 Hợp phần và 17 Tiêu chí Chương trình Danh lục Xanh của IUCN

Hợp phần

17 Tiêu chí

 

Quản trị tốt

1. Đảm bảo tính hợp pháp và tiếng nói của các bên;

2. Đạt được sự minh bạch và trách nhiệm giải trình;

3. Cho phép quản trị hiệu quả và có năng lực ứng phó một cách linh hoạt;

 

Thiết kế và lập kế hoạch tốt

4. Xác định và thấu hiểu các giá trị chính của khu;

5. Thiết kế để bảo tồn lâu dài các giá trị chính của khu;

6. Hiểu các mối đe dọa và thách thức đối với các giá trị chính của khu;

7. Hiểu được bố cảnh kinh tế và xã hội;

 

Quản lý hiệu quả

 

8.Xây dựng và thực hiện một chiến lược quản lý dài hơi;

9.Quản lý các điều kiện sinh thái;

10. Quản lý trong bối cảnh kinh tế và xã hội của khu vực;

11.Quản lý các mối đe dọa;

12.Thực thi pháp luật và các quy định hiệu quả và công bằng;

13.Quản lý việc ra vào, sử dụng tài nguyên và thăm quan du lịch;

14.Đo lường mức độ thành công

 

Kết quả bảo tồn

 

15.Thể hiện việc bảo tồn các giá trị tự nhiên chính;

16.Thể hiện việc bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái;

17.Thể hiện việc bảo tồn các giá trị văn hóa.

    Tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới IUCN 2016, Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN được khởi động và đến nay đã đạt được những kết quả toàn cầu. Tính đến cuối năm 2023 có 77 khu khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục Xanh; hơn 300 khu bảo vệ và bảo tồn tham gia vào Chương trình Danh lục Xanh của IUCN, trong đó 108 khu chính thức tham gia; hơn 60 quốc gia tham gia vào cộng đồng Danh lục Xanh IUCN; 31 khu bảo tồn đã được chứng nhận Danh lục Xanh tại 10 quốc gia ở châu Á: Bhutan, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc và Việt Nam.

    Không giống như các danh hiệu khác như Di sản Thế giới và Khu dự trữ sinh quyển, Danh lục Xanh IUCN hỗ trợ bảo tồn thành công các khu bảo vệ và bảo tồn bằng cách chứng nhận, khuyến khích và nâng cao năng lực để đạt được tác động cụ thể cho cả khía cạnh pháp lý, văn hóa, xã hội, địa lý và sinh thái. Điều này giúp đưa ra tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý mang tính định lượng, đồng bộ và bao trùm các khía cạnh của bảo tồn theo khu vực. Một khu bảo vệ và bảo tồn sẽ đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN sau khi đạt được những kết quả bảo tồn liên tục cho con người và thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả. Bất kỳ khu bảo tồn nào cũng có thể tham gia Danh lục Xanh, nỗ lực để đạt được thành công, sau đó duy trì tiêu chuẩn hoặc cải thiện hơn nữa.

    Quá trình đánh giá của Ủy ban Danh lục Xanh IUCN bao gồm ba giai đoạn: Giai đoạn Đăng ký, Giai đoạn Ứng viên và Giai đoạn Danh lục xanh. Một Khu bảo tồn sẽ trở thành một phần của Chương trình Danh lục Xanh của IUCN khi bước vào Giai đoạn Đăng kí. Từng giai đoạn được đánh giá độc lập bởi Nhóm Chuyên gia Đánh giá về Danh lục xanh (EAGL) và người thẩm định độc lập. EAGL là các chuyên gia do Ủy ban Thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN thành lập và được chỉ định phê duyệt bởi một người thẩm định. Nhiệm vụ chính của nhóm chuyên gia EAGL là đảm bảo Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN có thể áp dụng trong phạm vi quyền hạn của nhóm và đánh giá các Khu bảo tồn theo các chỉ số của bộ Tiêu chuẩn.

Sự tham gia của Việt Nam vào Chương trình Danh lục Xanh

    Châu Á chiếm 50% số lượng các VQG và Khu Bảo tồn (KBT) được công nhận danh hiệu Danh lục Xanh trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục Xanh (từ năm 2015), cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu.

  Giám đốc VQG Cát Tiên, ông Phạm Xuân Thịnh (bên phải) nhận chứng nhận danh hiệu Danh lục xanh từ ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực Hạ lưu Mê-Kông, trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam

  Hiện tại, Việt Nam có 11 Khu bảo vệ và bảo tồn tham gia Chương trình Danh lục Xanh gồm: Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, KBT đất ngập nước (ĐNN) Vân Long; VQG Pù Mát; VQG Vũ Quang; VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Bạch Mã, Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên; VQG Côn Đảo. Trong đó có KBT ĐNN Vân Long đạt được chứng nhận Danh hiệu Danh lục Xanh vào năm 2011; VQG Cát Tiên đã đạt được chứng nhận Danh hiệu Danh lục Xanh vào năm 2024; VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát đang trong Giai đoạn Đăng ký và các khu còn lại đang trong Giai đoạn Ứng viên. Sự tham gia tích cực của các khu bảo vệ và bảo tồn của Việt Nam vào Chương trình Danh lục Xanh thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao tiêu chuẩn quản lý các khu bảo tồn.

    Khi tham gia vào Chương trình Danh lục Xanh, Việt Nam sẽ được quốc tế công nhận và thể hiện cam kết của Việt Nam đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Chương trình cũng đem lại cho các khu bảo vệ và bảo tồn cách thức quản trị tốt, đồng thời làm tăng lượng khách du lịch, đóng góp cho nền kinh tế địa phương, đảm bảo hài hòa các hoạt động phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công cụ kiểm soát tính hiệu quả (METT) của Chương trình sẽ mang tính chủ quan thấp hơn, nhờ đó sẽ cung cấp một biện pháp quản lý hiệu quả, đồng bộ hơn, có thể so sánh ở quy mô toàn cầu. Việc tham gia Chương trình Danh lục Xanh IUCN mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế, trao đổi kiến thức và tiếp cận nguồn tài trợ cho các dự án bảo tồn. Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình mang tầm cỡ quốc tế như Chương trình Danh lục Xanh là minh chứng cho sự đóng góp của Việt Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học phong phú và thúc đẩy phát triển bền vững.

    Tuy nhiên để đạt được chứng nhận Danh lục Xanh, các khu bảo vệ và bảo tồn cần thể hiện sự cam kết lâu dài và kiên trì. Trên thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, các khu bảo tồn và bảo vệ đang gặp phải một số khó khăn, thách thức trong việc thu thập bằng chứng chứng minh sự tuân thủ 17 tiêu chí của bộ Tiêu chuẩn; nguồn tài chính cho giám sát, đánh giá đa dạng sinh học còn hạn chế; động vật hoang dã vẫn tiếp tục biến mất thông qua kết quả của điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh; công tác quản lý các khu bảo tồn chưa hiệu quả.

    Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình mang tầm cỡ quốc tế như Danh lục Xanh là minh chứng những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này được thể hiện thông qua việc đo lường tiến độ và tác động bảo tồn để cải thiện hiệu quả công tác bảo tồn tổng thể của các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học quốc gia và toàn cầu.

Phú Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2024)

Ý kiến của bạn