Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thực trạng rác thải nhựa nhập khẩu tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á

07/10/2019

     Xử lý rác thải nhựa (RTN) hiện đang là bài toán khó đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo từ Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt rác (GAIA), lệnh cấm nhập khẩu RTN của Trung Quốc (năm 2018) cùng sự chuyển dịch xuất khẩu RTN sang Malaixia, Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đã dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại về kinh tế, xã hội, môi trường.

     Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ RTN

     Trong suốt một thời gian dài, các quốc gia phát triển đã chuyển một lượng lớn RTN đến các nước đang phát triển để xử lý. Nghiên cứu của GAIA cho thấy, phần lớn RTN được xuất khẩu từ Mỹ, Canađa, Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... trong đó, Mỹ là quốc gia chiếm số lượng nhiều nhất. Nguyên nhân là do, việc tái chế RTN tại các nước phát triển có chi phí cao, đồng thời, phải tuân theo quy định khắt khe về BVMT. Vì vậy, việc xuất khẩu rác sang các nước đang phát triển không chỉ để giảm thiểu chi phí, mà còn do sự lỏng lẻo trong quy định về BVMT của các nước này.

 

Bộ trưởng Bộ Môi trường Malaixia Yeo Bee Yin (giữa) tuyên bố sẽ gửi trả lại 3.300 tấn RTN nhập khẩu trái phép

 

     Trung Quốc là nhà nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, kể từ thập niên 80 của thế kỷ 20, với hàng triệu tấn rác được tái chế rồi chuyển ngược lại các nước phát triển để làm nguyên liệu sản xuất. Theo Tổ chức Hòa bình xanh Canađa, Trung Quốc từng nhập khẩu gần 1/2 lượng RTN của thế giới, đạt mức cao nhất là 9 triệu tấn vào năm 2012. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong quy trình tái chế đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải ban hành lệnh cấm nhập khẩu RTN trên toàn quốc vào tháng 1/2018. Trước thực tế này, các nước phát triển đã chuyển hướng xuất khẩu rác sang một số nước khác khác như Malaixia, Philippin, Thái Lan, Inđônêxia. Sau lệnh cấm, hàng trăm nhà tái chế nhựa từ Trung Quốc cũng chuyển hoạt động sang Malaixia, nơi có nguồn nhân công rẻ và các quy định môi trường chưa nghiêm ngặt. Các nhà tái chế Trung Quốc đã thành lập nhà máy, thường là bất hợp pháp, trên khắp Malaixia để xử lý, tái chế chất thải rồi chuyển về Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu thô, phục vụ cho sản xuất công nghiệp mà không có sự giám sát theo quy định.

     Tại Malaixia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhựa, bởi năm 2018, quốc gia này đã trở thành nhà nhập khẩu phế liệu nhựa lớn nhất thế giới. Lượng RTN nhập khẩu của Malaixia đã chạm mốc 110.000 tấn/tháng kể từ sau lệnh cấm của Trung Quốc (tăng gấp 5 lần). Những nhà xuất khẩu rác lớn nhất sang Malaixia trong nửa đầu năm 2018 là Mỹ, Nhật Bản, Anh. Theo trang tin Resource Recycling, từ tháng 1 - 11/2018, Malaixia đã nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Hàng trăm triệu tấn rác nhập về được chất đống tại các cảng và một ngành công nghiệp tái chế phi pháp đang lan rộng khắp cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân địa phương. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nước khác trong khu vực. Trang Rappler đưa tin, lượng RTN nhập khẩu tại Philippin đã tăng lên 11.900 tấn trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018. Song, Giám đốc Tổ chức Hòa bình xanh tại Philippin Lea Guerrero cho biết, các số liệu công bố chỉ là “bề nổi của tảng băng”, vì số lượng thực tế còn cao hơn rất nhiều.

     Đặc biệt, tình trạng nhập khẩu và tập kết RTN ở các khu vực ven biển đã khiến môi trường ở một số quốc gia Đông Nam Á bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Đại dương năm 2017, Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin, Thái Lan… đang đổ ra đại dương một lượng RTN khổng lồ. Tháng 6/2018, khi tiến hành kiểm tra xác một con cá voi phát hiện ở bờ biển của Thái Lan, nhà chức trách nước này đã thu được nhiều kg RTN trong dạ dày cá. Chỉ vài tháng sau, xác một con cá nhà táng cũng được tìm thấy ngoài khơi Inđônêxia với hơn 1.000 miếng nhựa trong bụng.

     Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất. Rác thải từ nhựa đang gây ô nhiễm nghiêm trọng và trở thành vấn nạn môi trường của thế giới. RTN không thể tái chế thường được xử lý bằng cách đốt, sẽ phát sinh một lượng lớn hóa chất độc hại ra bầu khí quyển của Trái đất. Trong trường hợp RTN được xử lý bằng biện pháp chôn lấp cũng có thể gây nhiễm độc cho đất và nguồn nước.

     Cần có giải pháp xử lý kịp thời

     Thời gian gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu có động thái thông qua việc gửi lượng lớn RTN đã bị ô nhiễm và không thể tái chế trở về nơi xuất phát.

     Đầu năm 2019, Philippin gửi trả lại 51 container chứa chất thải hỗn hợp cho Hàn Quốc, bao gồm cả nhựa và các vật liệu ô nhiễm. Nhà chức trách Hàn Quốc đồng ý sẽ nhận lại rác và chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển. Ngày 5/6/2019, Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte cũng yêu cầu gửi lại 69 container RTN cho Canađa và khẳng định, nếu Canađa không nhận lại, tàu của Philippin sẽ đổ toàn bộ rác thải xuống bờ biển nước này.

 

Tàu chở hàng M/V Bavaria đến cảng Subic (tỉnh Zambales, Tây Bắc Philippin)

để nhận các container rác, chở về Canađa hôm 30/5/2019

 

     Malaixia là quốc gia thứ hai trong khu vực có động thái cứng rắn khi trả lại 5 container RTN cho Tây Ban Nha (tháng 4/2019). Cuối tháng 5/2019, tại cảng biển Port Klang (nằm trên bờ biển phía Tây của bán đảo Malaixia), Bộ trưởng Bộ Môi trường Malaixia Yeo Bee Yin tuyên bố, sẽ gửi trả 60 container, tương đương với 3.300 tấn RTN không thể tái chế được nhập khẩu trái phép về lại các quốc gia như Mỹ, Anh, Canađa và Ôxtrâylia. Kể từ khi nhậm chức năm 2018, Bộ trưởng Yeo Bee Yin đã chỉ đạo đóng cửa hơn 130 cơ sở tái chế nhựa bất hợp pháp. Hiện Malaixia đang soạn thảo các quy định mới liên quan đến tái chế rác để đảm bảo không trở thành “bãi rác của thế giới”. Malaixia cũng ủng hộ việc năm 2018, Na Uy đề nghị bổ sung phế liệu nhựa vào danh sách các vật liệu được quy định trong Công ước Basel năm 1992 về việc vận chuyển chất thải nguy hại giữa các quốc gia.

     Mới đây, ngày 17/6/2019, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Inđônêxia cũng thông báo trả lại 5 container chứa rác thải độc hại về Mỹ. Hiện các container đã được chuyển lên tàu và sẽ sớm cập cảng nước Mỹ, mặc dù ban đầu số container này xuất phát từ Canađa. Trước đó, tổng cộng 65 container chứa RTN được coi là "thân thiện với môi trường" (giấy, gỗ, hàng dệt may và giày dép) chuyển đến Inđônêxia, tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện có ít nhất 5 container chứa rác thải độc hại.

     Động thái trả lại rác của các nước Đông Nam Á được đưa ra trong bối cảnh khoảng 180 nước đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel 1989 - Công ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý RTN. Theo đó, các loại RTN không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và có sự đồng ý của những nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban Thư ký Công ước Basel cho biết, sửa đổi trên sẽ khiến hoạt động buôn bán RTN trên toàn cầu trở nên minh bạch và được quản lý tốt hơn, đồng thời, bảo đảm việc xử lý RTN an toàn với sức khỏe con người và môi trường.

     Xử lý rác thải, nhất là RTN là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tới tương lai của mọi quốc gia. WWF cảnh báo, nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi tình trạng hiện tại, dự tính đến năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn RTN có khả năng gây ô nhiễm các hệ sinh thái của Trái đất. Bởi vậy, các quốc gia trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng cần phối hợp chặt chẽ, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về xử lý rác thải, đồng thời, kêu gọi người dân chung tay hạn chế RTN từ những hành động nhỏ nhất, vì một Hành tinh xanh và tương lai nhân loại.

     Các nhà hoạt động môi trường cũng khuyến cáo, nên để Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) thiết lập mã phân loại chính xác chất thải và nguyên liệu thô có thể tái chế, thay vì cố gắng tạo ra các vòng tái chế khép kín ở mỗi quốc gia hoặc từng khu vực. Bên cạnh đó, các quốc gia cần hạ thấp hoặc loại bỏ thuế quan đối với RTN có thể tái chế để đạt được thỏa thuận về xuất, nhập khẩu RTN. Ngoài ra, mỗi nước phát triển cần quan tâm đến khả năng tái chế rác đúng cách, nhằm thiết lập hệ thống quản lý chất thải hiện đại, hiệu quả.

 

Trương Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 


 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn