Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thành phố Oslo nỗ lực bảo vệ môi trường

08/10/2019

     Tháng 1/2019, thủ đô Oslo - TP cổ nhất ở bán đảo Scandinavia, đồng thời là TP rộng và đông dân nhất của Na Uy, đã chính thức được Ủy ban châu Âu trao Giải thưởng Thủ đô Xanh châu Âu năm 2019, dựa trên các tiêu chí: Giảm phát khí thải khí CO2; cải thiện chất lượng môi trường không khí, nguồn nước; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; hướng đến phát triển xanh; nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học; cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng… Để có được kết quả này, chính quyền TP. Oslo từ lâu đã có những quy định rất chặt chẽ về việc bảo vệ không gian xanh, hướng đến phát triển bền vững.

     Xây dựng TP chỉ sử dụng năng lượng sạch

     Đầu năm 2018, chính quyền Na Uy đã công bố Bản quy hoạch xây dựng TP. Oslo Airport City (OAC) hoàn toàn sử dụng nguồn năng lượng sạch với diện tích rộng khoảng 370 ha, nhằm mục tiêu vừa khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương nhưng vẫn đảm bảo vấn đề môi trường. Theo thiết kế của 2 công ty kiến trúc Na Uy là Haptic và Nordic, diện tích sàn của OAC lên tới gần 1 triệu m2, đây sẽ là nơi sinh sống của gia đình các nhân viên làm việc tại sân bay cũng như du khách khi quá cảnh qua đây. Dự kiến, số lượng nhân viên làm việc tại sân bay Oslo ban đầu là khoảng 22.000 người và sẽ tăng lên khoảng hơn 40.000 người vào năm 2050.

      TP được ưu tiên phát triển dựa trên công nghệ hoàn toàn mới, đảm bảo những đặc trưng của một đô thị bền vững. Hàng loạt các ứng dụng công nghệ giao thông xanh cũng được triển khai tại đây, trong đó có xe tự lái, đèn chiếu sáng tự động, hạn chế tối đa các loại phương tiện giao thông có động cơ lưu hành trong TP, chỉ duy nhất xe điện được phép lưu hành ở khu vực trung tâm. Để đạt được mục tiêu trên, các kiến trúc sư của Haptic và Nordic chọn phương án xây dựng nhiều không gian đi bộ, công viên cây xanh và những tuyến đường dành riêng cho xe đạp, giúp người dân cũng như du khách khi đến OAC có nhiều lựa chọn phương tiện đi lại. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, trong tương lai, OAC sẽ là TP có hệ thống giao thông thân thiện với môi trường trên thế giới. Bên cạnh đó, OAC chỉ sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, không sử dụng năng lượng hóa thạch. Hệ thống xử lý rác thải tự động, thông minh cũng được các nhà thiết kế đưa ra, nhằm đảm bảo môi trường trong sạch cho toàn TP. Ngoài ra, một phần nguồn năng lượng dư thừa được tận dụng để làm tan băng bám trên máy bay khi gặp thời tiết xấu, giúp cắt giảm sử dụng lượng nhiên liệu ở sân bay, phần còn lại xuất khẩu sang những nơi khác.

     Kế hoạch xây dựng TP được bắt đầu từ năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Điều đặc biệt, tuy không nằm chung trong khối Liên minh châu Âu (EU), nhưng kế hoạch phát triển xanh của Na Uy cũng đang đồng hành cùng các quốc gia thành viên của EU. Được biết, EU đã thông qua việc chi ngân sách khoảng 873 triệu euro để đầu tư cho các dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

     Phấn đấu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030

     Chính quyền Oslo rất nghiêm túc trong vấn đề tạo không gian sống xanh, BVMT, cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống của người dân. Trải dài trên diện tích khoảng 500 km2 với hơn 600.000 người, nhưng Oslo chỉ dành 115 km2 để xây dựng nhà cửa cao tầng, phần còn lại dành cho công viên, nhà vườn, rừng, suối, ao hồ… Chính quyền TP cũng đã cải tạo hệ thống sông, suối với chiều dài 3.000 m nhằm tạo môi trường đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên và giúp thoát nước hiệu quả. Năm 2007, Oslo được trang Reader công nhận là TP xanh thứ 2 trên thế giới. Ở lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, chính quyền Oslo cũng thành công trong nỗ lực trả lại không gian đô thị, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và cải thiện môi trường sống ngày càng xanh hơn. Cơ quan quản lý đã lập kế hoạch thực hiện trong vòng 10 năm để tăng tính kết nối giữa các điểm đến khác nhau trong TP, tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng, dù họ đi bộ, xe đạp hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường.

     Với Giải thưởng Thủ đô Xanh châu Âu, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Oslo sẽ đóng vai trò là đại sứ cho phát triển đô thị bền vững, truyền cảm hứng, chia sẻ và thúc đẩy các TP khác trên khắp thế giới về sáng kiến cải thiện môi trường thân thiện, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, TP đã đề ra mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.

     Trước đó, giới chức TP cũng ban hành lệnh cấm ô tô vào trung tâm TP từ năm 2019, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc đi bộ. Mặt khác, dù chưa đề cập đến một lệnh cấm hoàn toàn ô tô chạy bằng diesel hay xăng, dầu, nhưng những năm gần đây, Oslo nổi tiếng là TP sở hữu lượng xe điện thân thiện với môi trường nhiều nhất thế giới. Gần như tất cả dòng ô tô điện của các hãng xe tên tuổi toàn cầu đều quy tụ về đây. Có thể thấy, cuộc “Cách mạng xanh” mà giới chức Oslo đã và đang thực hiện chính là cơ sở để TP hoàn thành mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 theo đúng tiến độ đề ra.  

Trương Huyền

(Nguồn bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

Ý kiến của bạn