Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Stốckhôm - Thủ đô xanh giữa lòng châu Âu

13/03/2018

     Được thành lập từ giữa thế kỷ thứ 13, với hơn 30% là kênh đào, gần 40% là công viên, cây cỏ, Thủ đô Stốckhôm của Thụy Điển được mệnh danh là thành phố (TP) “xanh” nhất châu Âu khi những chuẩn mực cuộc sống được nâng cao đáng kể và phù hợp với môi trường. Câu chuyện về quá trình phát triển theo hướng xanh hóa của Stốckhôm trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều TP khác trên thế giới, nơi đang đối mặt với những vấn nạn về môi trường và giao thông đô thị.

     Hệ thống giao thông thông minh

     Chiến lược môi trường xanh, năng lượng sạch, giao thông thông minh đã được khởi xướng ở Stốckhôm từ rất sớm, khởi đầu bằng việc xây dựng những khu đô thị mới theo nguyên tắc chan hòa với tự nhiên, đem năng lượng tới từng nhà bằng hệ thống ngầm hiện đại.

     Với dân số gần 900.000 người và diện tích hơn 200 km2, Stốckhôm cũng phải đối mặt với nạn kẹt xe và ô nhiễm khí thải ô tô như nhiều TP khác. Trước tình trạng đó, chính quyền thủ đô đã có nhiều biện pháp giải quyết tích cực và hiệu quả, tiêu biểu như xây dựng hệ thống giao thông thông minh. TP đã chi khoảng 3,8 tỷ kronor (hơn 500 triệu USD) để xây dựng hệ thống thu phí được đặt hàng từ hãng máy tính IBM. Theo đó, vào giờ cao điểm, các xe ra vào trung tâm TP đều bị kiểm soát bởi hệ thống camera theo dõi tại 18 cửa ngõ các ngã tư và phải nộp lệ phí. Nhờ việc thu thuế cầu đường và giao thông nội thị đã giúp giảm 20% lưu lượng giao thông bằng phương tiện cá nhân trong vòng 4 năm, giảm 30 - 50% thời gian đi lại, 10 - 14% lượng khí thải các bon, đưa Stốckhôm vào danh sách TP có lượng các bon thải ra thấp nhất châu Âu. Mặt khác, mỗi năm, thủ đô thu được hơn 60 triệu euro nhờ lệ phí và toàn bộ giành để nâng cấp hệ thống giao thông nơi đây.

 

Người dân ngồi sưởi nắng, đọc sách báo dưới tán cây xanh ngát là hình ảnh thường thấy ở Stốckhôm

 

     Việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh cũng làm tăng số người chuyển sang di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Hiện, 77% lượng xe ra vào thủ đô là phương tiện giao thông công cộng, 50% người dân có thói quen sử dụng xe điện ngầm và có đến 50% xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo. Trong đó, 90/100 ga tàu điện ngầm dưới lòng đất được tạo nên bởi tài hoa của nghệ nhân xứ Scandinavia, đây là “đặc sản” có một không hai của Stốckhôm. Đó là ga Hötorget T-bana, được thiết kế theo phong cách nghệ thuật đương đại với đèn led trắng trang trí ngang dọc trên trần hầm; ga Fridhemsplan với màu xanh trắng đan xen, cùng con thuyền, chiếc neo và la bàn, dựa theo phong cách của hải quân hoàng gia. Đặc biệt, nhờ nằm ở vị trí trung tâm Stốckhôm, có nhiều tuyến tàu điện ngầm kết nối nhau, ga T-Centralen với mảng màu xanh, đỏ sống động qua các tác phẩm ấn tượng của nghệ sĩ Thụy Điển - Per Olof Ultvedt... Chỉ cần bước chân vào nơi đây, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc bước trong một bảo tàng nghệ thuật.

     Bên cạnh đó, thủ đô cũng xây dựng trên 750 km đường giành riêng cho xe đạp. Theo kế hoạch, Stốckhôm sẽ tiến hành mở rộng phần đường dành cho người đi bộ, cải thiện đường cho xe đạp và giảm không gian của xe hơi. Ở một số tuyến phố, chính quyền còn dành toàn bộ lòng đường cho người đi bộ.

     Áp dụng mô hình khu đô thị phát triển bền vững

     Năm 2010, Stốckhôm là TP đầu tiên đạt danh hiệu “Thủ đô xanh nhất châu Âu” do Ủy ban châu Âu phong tặng. Nhưng trước đó, vào những năm 1950, 1960, hầu hết các khu dân cư được sưởi ấm bằng nhiên liệu than, dầu đun và kết quả là toàn bộ Stốckhôm tràn ngập trong màu xám, đặc biệt vào mùa đông. Trải qua quá trình đô thị hóa, Stốckhôm bắt đầu xây dựng các khu đô thị mới dựa trên nguyên lý tôn trọng thiên nhiên, mang lại cuộc sống chất lượng cao theo đúng nghĩa cho người dân.

     Hình mẫu của Stốckhôm là khu đô thị phát triển bền vững Hammarby Sjöstad. Đội ngũ kiến trúc sư thiết kế đã ưu tiên giải pháp tái chế chất thải theo hướng đáp ứng cao nhất nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân. Hammarby Sjöstad không phải là khu phố tự cung tự cấp năng lượng, song mục đích là 50% nguồn năng lượng sử dụng phải được chính các hộ dân tự làm ra. Chẳng hạn, nguồn nước thải sau khi xử lý sẽ được tái chế để sưởi ấm trong nhà… Cùng với đó, với mong muốn tận hưởng không gian xanh của cỏ cây, hoa lá, các ngôi nhà ở đây thường được thiết kế với không gian mở theo phong cách hiện đại. Vẻ ấm áp, thân thiện toát ra từ chất liệu gỗ ở những ngôi nhà cổ, cách bài trí giản dị tạo ấn tượng đẹp với bất cứ ai một lần đặt chân đến.

     Tại Hammarby Sjöstad, trung bình mỗi ngày có 5 tấn rác thải được đưa đi xử lý. Tuy nhiên, việc thu gom rất đơn giản, thuận tiện, bởi khu phố đã xây dựng hệ thống ống ngầm và rác thải sinh hoạt từ các hộ dân sẽ được hút với vận tốc 20 m/giây, đưa thẳng về khu nhà máy xử lý chính cách 2 km. Trước đó, rác đã được phân loại cẩn thận từ mỗi hộ gia đình rồi vứt vào các họng lấy rác ở ngay trước căn hộ. Tại nhà máy xử lý, báo chí và giấy các loại được tái chế; thức ăn dư thừa và chất thải từ nhà bếp được dùng làm phân bón hay khí đốt sinh học; rác đốt được tái sử dụng thành năng lượng cho mục đích dân sinh khác nhau…

     Trường mầm non Tellus tại Stốckhôm cũng được thiết kế thân thiện với môi trường. Mặt tiền được thiết kế tạo ra nhiều ánh sáng tự nhiên, giảm năng lượng sử dụng của trường học, hạn chế khí thải các bon ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, trường còn bảo đảm hiệu quả năng lượng tối đa từ cách bài trí cửa sổ được đặt ở các cấp độ khác nhau, cho phép ánh sáng tràn ngập mỗi phòng.

     Chính quyền Stốckhôm còn phối hợp với TP. Solna phụ cận đầu tư xây dựng khu đô thị Hagastaden (Haga City) với mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới từ khoa học - công nghệ, đặc biệt là khoa học đời sống. Với tổng vốn đầu tư gần 70 triệu euro và quy mô 6.000 hộ dân, Haga City dự kiến thu hút hơn 750 công ty, tổ chức trên toàn cầu, đồng thời kết nối những công ty này với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu Thụy Điển như Đại học Uppsala, Stốckhôm, Viện Karolinska...

     Nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững, Stốckhôm cũng coi trọng vấn đề năng lượng. Mục tiêu chính quyền đề ra đến năm 2050 là sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo. Hiện nay, 80% hộ gia đình ở đây được kết nối với hệ thống sưởi chung của khu phố và 83% năng lượng dùng cho việc sưởi ấm là năng lượng sạch.

     Trải qua nhiều thập niên chú trọng cải tạo và BVMT sống, Stốckhôm đã xây dựng thành công một thủ đô xanh, sạch, trở thành biểu tượng của sự phát triển bền vững. Vẻ đẹp của TP xanh nhất châu Âu - Stốckhôm có thể xem là hình mẫu cho nhiều nơi khác chiêm nghiệm và học tập.

 

Phạm Thị Lan Anh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

Ý kiến của bạn