Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Na Uy hướng tới mục tiêu 100% sử dụng điện năng sạch từ năm 2050

31/05/2018

     Theo báo cáo về chuyển đổi năng lượng hiệu quả do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 14/3/2018, Na Uy cùng với Thụy Điển và Thụy Sỹ là 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng, dựa trên hai tiêu chí chính: Tình trạng hiện tại của hệ thống năng lượng quốc gia và mức độ chuẩn bị về mặt cấu trúc để thích ứng với nhu cầu năng lượng trong tương lai. Là quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến tại Bắc Âu, chiếm phần phía tây bán đảo Scandinavia, Na Uy có diện tích biển lớn (với hơn 50.000 hòn đảo), thích hợp cho phát triển năng lượng tái tạo. Nước này cũng đang trên hành trình thực hiện mục tiêu 100% sử dụng điện năng sạch (ĐNS) từ năm 2050.

     Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch (NLS) từ đại dương

     Trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã biết tận dụng nguồn NLS để sản xuất điện từ nguồn sóng biển và thủy triều, không gây ô nhiễm môi trường. Năm 1966, Pháp đã xây dựng nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới có quy mô công nghiệp, với công suất 240 MW. Canađa đã vận hành nhà máy có công suất 20 MW từ năm 1984, sản xuất 30 triệu kW điện mỗi năm. Trung Quốc cũng là nước quan tâm đến nguồn NLS, với 7 nhà máy điện thủy triều đang vận hành có tổng công suất 11 MW. Còn tại Na Uy, thủy điện cung cấp hơn 96% lượng điện cho quốc gia này.

     Người dân Na Uy sử dụng điện được tạo ra từ những cánh quạt quay nhờ dòng nước biển. Dự tính đến cuối những năm đầu của thế kỷ 21, họ sẽ hoàn thành xây dựng 20 nhà máy tiếp theo. Nhà máy điện của Na Uy có ưu điểm nổi trội là không lệ thuộc vào thời tiết, có gió hay lặng gió, trời nắng hay mưa... dòng thủy triều không bị ảnh hưởng và dòng điện phát ra có công suất không đổi. Trước đây năng lượng thủy triều thường được hiểu là nguồn năng lượng từ các đập nước thủy triều. Tuy nhiên, hiện nay, năng lượng thủy triều được khai thác chủ yếu từ dòng triều. Do nguyên lý khai thác hoàn toàn giống nhau nên năng lượng khai thác từ dòng chảy ổn định trên biển và dòng triều thường được gộp lại coi là năng lượng dòng chảy trên biển. Hiện Na Uy đang thử nghiệm đập thủy triều tại kênh Kvalsunder, dự kiến khai thác tới 20 turbin và tạo ra khoảng 32 GWh hàng năm, kinh phí từ 5 - 12 cent/kWh, với chi phí công trình khoảng 50 triệu curon Na Uy (20 triệu USD).

 

Xe điện gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân Na Uy

 

     Na Uy không ngừng tìm kiếm những nguồn năng lượng mới nhằm thay thế việc sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Do đó, nguồn năng lượng đến từ đại dương đang là một trong những công cụ đầy triển vọng, được chuyển đổi sang điện năng hiệu quả tại Na Uy.

     Khuyến khích người dân sử dụng xe điện

     Với ưu điểm nổi trội là hạn chế phát thải khí các bon ra môi trường, xe điện hiện là giải pháp thiết thực để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu, trở thành xu hướng phương tiện giao thông cuat tương lai. Mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới, nhưng tại Na Uy, cứ 5 xe chạy trên đường thì có một xe là chạy hoàn toàn bằng điện. Theo Tổ chức Transport & Environment (chuyên về hoạt động loại hình giao thông xanh ở châu Âu), từ năm 2015, Na Uy có số xe chạy điện lưu thông nhiều thứ tư thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi dân số nước này chỉ 5,2 triệu người. Hiện ở Na Uy, có khoảng trên 35.000 chiếc xe điện, chiếm 14,5% lượng xe mới bán ra mỗi tháng, hơn 52% doanh số xe mới là xe điện và hybrid. Năm 2017, doanh số xe điện ở Na Uy tăng 21%, trong khi doanh số xe chạy bằng diesel giảm 23%.

     Để có được thành công này, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Na Uy bắt đầu áp dụng chính sách trợ giá xe điện và được bổ sung, sửa đổi qua từng giai đoạn. Một trong những quyền ưu tiên lớn nhất của người sử dụng xe điện là được đi lại trên làn dành riêng cho xe buýt. Hơn nữa, người mua xe không phải trả thuế VAT, thuế trước bạ. Bên cạnh đó, xe điện còn được miễn phí đỗ xe, các loại phí cầu đường, hầm và phí phà. Về hạ tầng, Chính phủ Na Uy chú trọng xây dựng các trạm sạc điện khắp đất nước. Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 9/2017, Na Uy có 8.650 trạm sạc điện công cộng, phần lớn do chính quyền địa phương lắp đặt và được sử dụng miễn phí; chỉ có những điểm sạc siêu nhanh là có tính phí và giao cho tư nhân quản lý. Năm 2016, Na Uy đã khánh thành trạm sạc dành cho xe điện nhanh nhất trên thế giới tại Nebbenes, với 20 máy sạc Tesla, 4 máy sạc nhanh DC 50 kW, 4 máy sạc AC 22 kW. Hiện nay, Chính phủ Na Uy đang thực hiện chính sách xây dựng ít nhất 2 trạm sạc nhanh trên 50 km dọc các tuyến đường chính. 

     Bằng việc ưu tiên sử dụng xe điện, mỗi năm, Na Uy giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2. Hiệp hội xe hơi chạy điện của Na Uy dự tính tăng số xe chạy điện gấp 4 lần từ nay đến năm 2020. Với sự tăng trưởng này, Na Uy đang dần tiến tới mục tiêu đến năm 2025, chấm dứt việc bán các loại xe mới sử dụng động cơ đốt trong và 100% là xe điện. Đây là mục tiêu mà nhiều nước châu Âu như: Pháp, Thụy Điển… đang hướng tới để giảm khí thải, ô nhiễm môi trường. 

     Rõ ràng, với việc triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, Na Uy hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 100% sử dụng ĐNS từ năm 2050, xứng đáng là quốc gia đi đầu về phát triển bền vững cho các nước khác trên thế giới học tập.

 

Thanh Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

Ý kiến của bạn