Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Cộng hòa Liên bang Đức: Thực hiện hiệu quả các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường

18/01/2020

     Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức gồm 16 bang, có nền văn hóa phong phú, là trung tâm kinh tế quan trọng của châu Âu. CHLB Đức có dân số lớn nhất trong Liên minh châu Âu và số dân nhập cư đứng thứ 3 trên thế giới. Trước đây, CHLB Đức là một trong những quốc gia phải đối mặt với các thách thức từ ô nhiễm môi trường, do rác thải sinh hoạt và các chất hóa học độc hại. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề BVMT và có nhiều biện pháp khắc phục để bảo vệ sức khỏe con người cũng như môi trường thiên nhiên.

     Quốc gia tiên phong chuyển đổi năng lượng xanh

     Công cuộc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo (NLTT) bắt đầu phát triển ở CHLB Đức từ những năm 1980 với việc đề ra Chiến lược Energiewende (Chuyển đổi năng lượng) nhằm giải quyết vấn đề giá thành sản xuất điện tăng cao. Thành công của Chiến lược đã giúp CHLB Đức thay đổi hoàn toàn “con đường phát triển năng lượng”: Chính phủ Đức đã đề ra mục tiêu tăng dần tỷ lệ điện từ NLTT lên 50% toàn bộ nguồn cung điện năng, trong đó nguồn điện từ năng lượng mặt trời (NLMT) chiếm vị trí số 1.

     Bên cạnh đó, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua Đạo luật Đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân; ban hành các chính sách phát triển NLTT; xây dựng lại hệ thống cung cấp năng lượng để đảm bảo không phụ thuộc vào điện sản xuất từ than đá. CHLB Đức cũng đầu tư hàng chục tỷ Euro cho việc nghiên cứu, sử dụng NLTT, đồng thời, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế để khuyến khích người dân chuyển sang dùng NLTT. Thông qua các khoản trợ cấp của Chính phủ, hàng triệu người dân đã lắp các tấm pin mặt trời trên mái nhà, biến CHLB Đức trở thành thị trường NLMT hàng đầu thế giới, tổng mức NLTT đạt 35% mức tiêu thụ điện cả nước. CHLB Đức đang phấn đấu, đến năm 2022 sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân và chuyển sang sử dụng các loại NLTT như NLMT, gió, quang điện, thủy điện… Chính phủ Đức cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, giảm 40 % lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990 và sẽ tiếp tục tăng từ 80 - 95 % vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đề ra, CHLB Đức đang nỗ lực đến năm 2025 nâng tỷ lệ NLTT chiếm khoảng 40 - 45 % tổng sản lượng điện; từ 55 - 60 % vào năm 2035 và đến năm 2050, ít nhất 80% điện năng, khoảng 60% tổng nhu cầu năng lượng sẽ phải được đáp ứng từ nguồn NLTT (Theo quy định trong Luật NLTT - Luật EEG của CHLB Đức). Nếu cư phát triển như tình hình hiện nay, việc chạm mốc 50% điện từ NLTT không còn là mục tiêu xa vời đối với CHLB Đức, nhất là sau Hội nghị Pari về biến đổi khí hậu năm 2015, Chính phủ Đức tiếp tục đưa ra Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm 2050 (Klimaschutzplan 2050), trong đó có một phần của chương trình chuyển đổi năng lượng mà chính quyền Berlin đã thực hiện từ năm 2011. Kế hoạch đề ra 15 mục tiêu, trong đó có 6 mục tiêu chính: Lượng khí thải CO2 giảm 40% vào năm 2020, năm 2030 là 55% và năm 2050 là 80%; tỷ lệ NLTT trong hỗn hợp điện chiếm 35% vào năm 2020, 50% vào năm 2030, 80% vào năm 2050; tiêu thụ năng lượng sơ cấp (hóa thạch) giảm 20% vào năm 2020; tiêu thụ điện giảm 10% (năm 2020); tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải giảm 10% (năm 2020); xe điện đạt 1 triệu chiếc (năm 2020) và 6 triệu chiếc vào năm 2030.

 

Phát triển NLTT ở CHLBĐ

 

     Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW), trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ NLTT của CHLB Đức đã đạt đến mức cao kỷ lục, chiếm 44% trong tổng sản lượng điện tại quốc gia này, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các nhà máy điện mặt trời cho sản lượng 24 tỷ Kwh, tăng 1 tỷ Kwh so với nửa đầu năm 2018. Tháng 6/2019, điện từ NLMT đạt mức cao nhất từ trước đến nay, giữ vị trí số 1 trong các nguồn năng lượng tại CHLB Đức, với sản lượng 7,17 Twh, chiếm 19,2% tổng sản lượng điện, bên cạnh 18,7% từ điện than, 18,0% từ điện gió. Đặc biệt, vào lúc 13h00 ngày 29/6/2019, sản lượng điện từ NLMT tại CHLB Đức chạm đỉnh cao nhất, với 33,4 Gwh, chiếm hơn một nửa sản lượng lưới điện vào thời điểm đó. Sở dĩ việc phát triển điện từ NLMT tại CHLB Đức bùng nổ trong những năm qua là do chi phí giảm khi giá thành các module quang điện hạ xuống mức rất thấp, trong khi nhiều nhà máy lớn đầu tư hệ thống điện mặt trời riêng để giảm chi phí năng lượng cũng đạt được các yêu cầu về mức độ phát thải các bon trong việc BVMT.

     BVMT trong bài toán kinh doanh của LANXESS

     Ngoài sự quyết tâm của Chính phủ, sự chuyển biến tích cực trong bức tranh tổng thể về NLTT ở CHLB Đức còn có sự chung tay của các doanh nghiệp. Mới đây, Công ty hóa chất chuyên dụng LANXESS CHLB Đức đã công bố sẽ loại bỏ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ khoảng 3,2 triệu tấn CO2 ở thời điểm hiện tại xuống còn khoảng 1,6 triệu tấn năm 2030 và đạt ngưỡng trung hòa khí hậu vào năm 2040.

     Chủ tịch Hội đồng quản trị LANXESS AG Matthias Zachert cho biết, theo Hiệp định Pari, cộng đồng quốc tế đã quyết định hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất xuống dưới 20C, điều này đòi hỏi những nỗ lực lớn từ tất cả các bên liên quan. Với quyết tâm đạt chỉ tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2040, LANXESS AG đang thực hiện trách nhiệm của một công ty hóa chất chuyên dụng toàn cầu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, ông Matthias Zachert cũng nhấn mạnh đến lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên với phương châm “bảo vệ khí hậu là một bài toán kinh doanh”.

     Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, Công ty LANXESS sẽ triển khai một số dự án nhằm giảm thiểu lượng khí thải nhà kính như: Xây dựng hệ thống phân hủy oxit nitơ ở Nhà máy LANXESS tại bang Antwerp và đưa vào vận hành trong năm 2020, sẽ góp phần giảm khoảng 150.000 tấn CO2/năm; chuyển đổi toàn bộ hệ thống năng lượng tại các nhà máy ở Ấn Độ sang các nguồn NLTT; đẩy mạnh việc mở rộng nguồn cung điện sinh khối và NLMT. Ngoài ra, LANXESS sẽ không sử dụng than hay khí đốt (gas) trong tương lai, góp phần giảm thêm 150.000 tấn khí thải CO2 kể từ năm 2024. Với những dự án nêu trên, LANXESS sẽ đầu tư tối đa 100 triệu Euro nhằm cắt giảm tổng lượng phát thải CO2 của Tập đoàn xuống còn 800.000 tấn vào năm 2025.

     Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược và trình độ khoa học kỹ thuật - công nghệ phát triển cùng năng lực tài chính mạnh mẽ, nước CHLBĐ đang là “lá cờ đầu” cho công cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh, góp phần BVMT Xanh - Sạch - Đẹp, không chỉ ở châu Âu mà còn cả trên bình diện thế giới.

 

Nguyễn Thị Hồng - Gia Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

Ý kiến của bạn