Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tích hợp giải pháp sinh học và ủ phân trong xử lý nước thải và bùn thải của hệ thống nuôi cá tra thương phẩm tại huyện Hồng Ngự - Tỉnh Đồng Tháp

07/12/2022

    TÓM TẮT

    Nghề nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh Đồng Tháp đã gây ra thách thức lớn đối với môi trường, chủ yếu từ việc thải bỏ trực tiếp bùn thải và nước thải ao nuôi. Nhằm tối ưu hóa hiệu quả nguồn tài nguyên trong hệ thống nuôi cá tra thương phẩm tại huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu này áp dụng phương pháp phân tích dòng vật liệu từ hoạt động nuôi cá trước khi lựa chọn giải pháp xử lý chất thải ao phù hợp. Các giải pháp xử lý tập trung vào xử lý nước thải bằng mương lục bình cùng với ủ bùn ao phục vụ cho trồng rau màu. Hiệu quả xử lý giúp giảm thiểu 353 tấn bùn. Lượng bùn này được ủ thành phân sinh học cung cấp dinh dưỡng cho cây cải bẹ xanh. Chất lượng nước thải sau xử lý được cải thiện với hàm lượng BOD5, COD lần lượt giảm 76,62% và 76,92%; NO2-N giảm 77,89% và NO3-N không phát hiện, đạt tiêu chuẩn xả thải trực tiếp ra môi trường. Hiệu quả quan trọng khác của các giải pháp đề xuất là giúp bổ sung thu nhập cho hộ gia đình sau 1 vụ nuôi cá với khoảng 6.825.000 VNĐ tăng thêm so với mô hình canh tác truyền thống.

    ​Từ khóa: Phân tích dòng vật liệu, nước thải, bùn thải, cá tra, ủ phân.

Nhận bài: 17/10/2022; Sửa chữa: 24/10/2022; Duyệt đăng: 28/10/2022.

  1. Đặt vấn đề

    Nghề nuôi cá tra thương phẩm ở tỉnh Đồng Tháp gây ra thách thức lớn đối với môi trường. Các phân tử hữu cơ và chất dinh dưỡng trong trầm tích ao cá đã trở thành một nguồn gây ô nhiễm tiềm năng [1]. Với sản lượng cá basa đạt 300 tấn/ha sau một vụ nuôi, khoảng 2.677 tấn bùn đáy ao ướt (hay 937 tấn bùn khô) được tạo ra [2]. Nước thải nuôi trồng thủy sản chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm và các nguồn dịch bệnh [3] gây phú dưỡng hóa nguồn nước mặt và tích lũy nitrat trong tầng nước ngầm [2, 4]. Do đó, việc quản lý chất thải nuôi trồng thủy sản là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

    Các nghiên cứu về việc tận dụng chất thải nuôi trồng thủy sản tập trung vào bón bùn ao cho cây trồng và sản xuất phân sinh học từ bùn ao, chẳng hạn như sử dụng bùn thải ao nuôi cá tra bón lên các loại rau màu (bắp lai, ớt, dưa leo…) [5], rau muống [6] giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón [5]. Tận dụng bùn thải ao nuôi cá tra làm phân hữu cơ [2, 7, 8] cũng cho thấy hiệu quả cải tạo đất. Việc sử dụng nước thải ao nuôi cá tra để tưới cây rau muống [9, 10] và rau muống với bắp [8] đã được nghiên cứu.

    Các nghiên cứu trên đã cho thấy các lợi ích kinh tế và môi trường của việc sử dụng chất thải ao nuôi cá cho canh tác nông nghiệp. Trong đó, các phương pháp tập trung vào đánh giá thành phần chất thải bùn ao và tiến hành khảo nghiệm lên cây trồng. Trong nghiên cứu này, công cụ phân tích dòng vật chất hoặc phân tích cân bằng khối lượng được áp dụng cho hệ thống nuôi cá tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để xác định những công đoạn có thể giảm thiểu các thất thoát và tiết kiệm chi phí hoạt động. Từ đó, các giải pháp tận dụng chất thải từ ao nuôi cá tra thâm canh được đề xuất.

  1. Vật liệu và phương pháp

    2.1. Vật liệu nghiên cứu

    Hộ dân được nghiên cứu là hộ nuôi cá tra thương phẩm tại xã An Bình B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp với 10 ha tổng diện tích mặt nước ao nuôi (11 ao). Mỗi năm nuôi 1 - 2 vụ, bình quân sản lượng đạt được từ 600 - 800 tấn cá/vụ/ao.

    Một số mô tả về khu vực ao nuôi cá của hộ nghiên cứu được thể hiện ở Hình 1. Chất thải rắn của hộ chủ yếu là xác cá chết, bùn đáy ao và một tỷ lệ nhỏ rác thải sinh hoạt. Trung bình một ao nuôi có lượng xác cá chết từ 20 - 100 kg tùy theo điều kiện nuôi và chất lượng nước ao. Nước thải và bùn thải ao nuôi được xả trực tiếp ra ngoài môi trường xung quanh.

Hình 1: Hiện trạng vùng nuôi cá của hộ dân

    2.1. Phương pháp nghiên cứu

    2.1.1. Bố trí thí nghiệm

    Từ hiện trạng phát thải của hệ thống ao nuôi cá, các giải pháp tận dụng chất thải ao nuôi được đề xuất gồm: (1) Bùn thải đáy ao được ủ phân sinh học và thử nghiệm bón cho cây cải bẹ xanh; (2) Nước thải ao cá được xử lý qua mương thủy sinh trồng lục bình. Mương được cải tạo từ mương thoát nước thải hiện có của hộ, không có sự xáo trộn nước với nguồn nước xung quanh. Lục bình trong mương được giữ ổn định với mật độ che phủ khoảng 70 - 75% diện tích mặt nước của mương (Hình 2).

    Các mẫu nước được lấy tại hiện trường vào lúc 8 - 10 giờ sáng, vị trí lấy nước thải ao nuôi tại cống thoát nước ao nuôi và lấy nước sau xử lý được lấy tại mương thủy sinh. Số lượng mẫu là 1 mẫu/vị trí/đợt (3 đợt).

  

Mương lục bình                                                                                 Ủ phân

 

Hình 2Các giải pháp xử lý chất thải ao nuôi cá của khu vực nghiên cứu

    Quy trình ủ phân hữu cơ bao gồm hỗn hợp bùn đáy ao trộn với rơm rạ và phân bò theo tỷ lệ 8:1:1 được ủ theo từng luống hở thoáng khí tự nhiên có đảo trộn mỗi tuần một lần có bổ sung chế phẩm EM.

    Quy trình thử nghiệm bón phân cho cây cải bẹ xanh gồm đất được cày sâu 10 - 15 cm và lên luống (7 m x 0,6 m) gồm 2 luống với 2 nghiệm thức là NT1 (không bón phân) và NT2 (bón lót toàn bộ lượng phân hữu cơ trước khi xuống giống) và lặp lại 3 lần cho mỗi nghiệm thức. Phân được bón 2 lần theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cải bẹ xanh vào thời điểm 1 tuần và 3 tuần sau khi trồng.

    2.1.2. Phân tích dòng vật liệu

    Các dòng vật liệu của quy trình nuôi cá tra được đề xuất cho hộ nghiên cứu được trình bày ở Hình 3.

Hình 3: Quy trình nuôi cá tra được đề xuất

    Các phân tích cân bằng vật chất và năng lượng cho một vụ nuôi cá (6 tháng) bao gồm:

  • Tổng lượng nước sử dụng cho ao nuôi cá tra được tính dựa trên lượng nước được bơm cho ao.
  • Lượng nước bay hơi sẽ được tính theo công thức 1.

     (1)

Trong đó:

Wpond evaporation: tổng lượng nước bốc hơi (m3)

Hwater level stage on day 1: mức nước trong ao ngày đầu tiên (m)

Hwater level stage on day 3: mức nước trong ao sau ngày thứ 3 (m)

Spond: diện tích bề mặt ao (m2)

  • Hàm lượng nước trong cá tra hay bùn  đáy ao được tính theo công thức 2.

          (2)

Trong đó:

Wwater in fish/mud: hàm lượng nước có trong cá hay bùn đáy ao (m3);

Mfresh fish/mud: khối lượng tươi của cá hay bùn ướt trước khi sấy (kg);

Mdry fish/mud: khối lượng khô của cá hay bùn đáy ao sau khi sấy (kg);

Mfish/mud: tổng khối lượng cá sau thu hoạch hoặc tổng lượng bùn đáy ao nuôi cá (kg).

  • Lượng nước thải được tính bằng công thức 3.

=                                 (3) 

Trong đó:

Wwaste water: tổng lượng nước thải vào kênh;

Wevaporation: tổng lượng nước bốc hơi;

Wwaste in fish: tổng lượng nước tích luỹ trong bùn;

Waccumulation in fish: tổng lượng nước tích luỹ trong cá

  • Hàm lượng dinh dưỡng hấp thu từ phân sinh học của cải bẹ xanh được tính bằng  công thức 4.

    Mplant adsorption from compost=Mmaize plant 30%  (4)

Trong đó:

Mplant adsorption from compost: khối lượng dinh dưỡng cây hấp thu từ phân sinh học (kg);

Mmaize plant: khối lượng tươi của cải bẹ xanh (kg);

30% là hiệu suất hấp thu dinh dưỡng từ phân sinh học giả định của cải bẹ xanh.

  • Hệ số chuyển đổi thức ăn FCR của cá tra là tỷ lệ giữa lượng thức ăn và tổng sản lượng cá tra sau thu hoạch (công thức 5).

    FCR=                     (5) 

    Trong đó:

FCR: hệ số chuyển đổi thức ăn;

Mfish food: lượng thức ăn cho cá tra;

Myeild (fish): năng suất cá tra sau thu hoạch.

    Điện sử dụng cho ao nuôi được tính toán dựa trên kết quả đo của đồng hồ điện được lắp riêng cho ao nuôi.

    3. Kết quả và thảo luận

    3.1. Phân tích dòng vật liệu cho hộ nuôi cá tra

    Dòng vật liệu trong một vụ nuôi cá tra tại khu vực nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 1 và Hình 4. Với mật độ nuôi 100 con/m2, trung bình 33 g/con cá tra giống, như vậy, tổng khối lượng cá tra giống cho một 1 ha ao cá tra là khoảng 3,3 tấn. Tổng lượng thức ăn là 1.296 tấn, FCR là 1,62. Lượng bùn đáy ao khoảng 1.000 tấn, trong đó lượng bùn khô chiếm 60,3% và hàm lượng nước trong bùn chiếm khoảng 39,7%.

    Bảng 1: Dòng vật liệu cho quy trình nuôi cá tra

Đầu vào

Đầu ra

Loại

Khối lượng

Loại

Khối lượng

Cá giống (kg)

3.300

Cá thành phẩm (kg)

800.000

Thức ăn cho cá (kg)

1.296.000

Cá chết (kg)

100

Vôi (kg)

800

Bùn thải (kg)

1.000.000

Nước cấp (m3)

2.520.000

Nước thải (m3)

2.509.280

Điện (kWh)

8.000

 

 

    Tổng lượng nước sử dụng cho một ao nuôi cá ước tính khoảng 2.520.000 m3, trong đó 35.000 m3 là lượng nước ban đầu. Trung bình ngày thay 2 lần và mỗi lần thay 20% lượng nước trong ao. Ước tính tổng lượng nước bốc hơi khoảng 10.720 m3; trong đó lượng nước trực tiếp bay hơi từ ao nuôi là 10.000 m3; lượng nước tích lũy trong cá thành phẩm là 640 m3 khi thu hoạch 800 tấn cá tra và 80 m3 trong cá chết. Tổng lượng nước thải ao nuôi là 2.509.280 m3.

 

Hình 4Sơ đồ dòng vật liệu trong hộ nuôi cá tra thâm canh với giải pháp được đề xuất

    Lượng nước tưới cho vườn cải bẹ xanh trung bình 3 m3/vụ. Trung bình một vụ cá sẽ trồng được trung bình từ 3 - 4 vụ cải, như vậy tổng lượng nước sử dụng cho cải bẹ xanh trung bình là 9 m3. Hàm lượng nước tích lũy trong phân sinh học là 647 m3.

    3.2. Đánh giá chất lượng nước thải ao nuôi cá tra

    Kết quả phân tích các mẫu nước từ hệ thống ao nuôi cá tra được tổng hợp trong Bảng 2. Nồng độ các chỉ tiêu nước thải ao nuôi trước xử lý đều vượt so với QCVN 08:2015/BTNMT (cột A1).

    Bảng 2. Chất lượng nước thải ao nuôi trước và sau xử lý bằng lục bình

    STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kết quả

QCVN 08:2015/BTNMT

 (cột A1)

Hiệu suất xử lý (%)

Nước trước xử lý

Nước sau xử  

1

pH

 

-

6,46

6,32

6 – 8,5

-

2

Tổng chất rắn hòa tan

TDS

 

mg/L

156,33

121

-

22,60

3

Hàm lượng Clorua Cl-

 

mg/L

39,33

17

250

56,78

4

COD

 

mg/L

25,67

6

10

76,62

5

BOD5 (20oC)

 

mg/L

8,67

2

4

 

76,92

6

TSS

 

mg/L

60,00

23

20

61,67

7

Tổng Nitơ

mg/L

3,99

1,96

-

50,92

8

Nitrit (NO2- tính theo N)

mg/L

0,38

0,083

0,05

77,89

9

Nitrat (NO3- tính theo N)

mg/L

2,94

KPH

2

-

    Việc xử lý nước thải bằng mương lục bình làm giảm rõ rệt nồng độ ô nhiễm. Nồng độ Nitrat (N-N03-) sau xử lý không phát hiện. Tương tự nồng độ Nitrit (N-NO2-) cũng giảm 77,89%. So với mức nồng độ 0,005 mg/L của Nitrit sau xử lý [11] thì xử lý bằng lục bình của nghiên cứu này chỉ đạt gần với yêu cầu của QCVN 08:2015.

    3.3. Đánh giá quá trình ủ và hiệu quả bón phân sinh học

    Sau 30 ngày ủ, các thành phần vật lý và hóa học của luống ủ có sự chuyển hóa (Bảng 3). Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn độ ẩm phân bón cần thêm thời gian ủ để làm giảm độ ẩm. Lượng N tổng giảm do lượng N giải phóng ra ở dạng phân tử N tự do  hay các oxit N bay hơi. Lượng P và K lần lượt giảm và tăng lên thường là do quá trình khoáng hóa của các hợp chất chứa P và K. Sau khi ủ, lượng N, P, K hữu dụng tăng lên, dễ dàng di chuyển trong đất làm cây trồng dễ hấp thu.

    Bảng 3. Đặc tính của phân sinh học hỗn hợp bùn ao cá tra với rơm và phân bò

Chỉ tiêu

Đơn vị

Phân phân sinh học

QCVN 01-189: 2018/BNNPTNT

Nghị định 108/2017 /NĐ-CP

pH

-

5,56

6 - 8

 

Độ ẩm

%

64,7

<35

 

Tổng N

%

0,26

≥2

Đa lượng

Tổng P

%P2O5

0,12

≥2

Đa lượng

Tổng K

%K2O

0.37

≥2

Đa lượng

N hữu hiệu

mg/kg

0,08

-

 

P hữu hiệu

mg/kg

0,03

-

 

K hữu hiệu

mg/kg

0,11

-

 

N-NH4+

mg/kg

55,3

≥50

Vi lượng

N-NO3-

mg/kg

201

≥50

Vi lượng

    pH của phân sinh học trong nghiên cứu này gần đạt QCVN 01-189: 2018/BNNPTNT so với pH = 7 đạt yêu cầu của phân sinh học từ bùn ao cá tra với vỏ trấu [2]. Giá trị pH = 5.56 của đống ủ nằm trong khoảng giá trị mà nấm và vi khuẩn hoạt động tối ưu. Các giá trị liên quan đến N, P, K của nghiên cứu này chưa đạt yêu cầu của QCVN 01-189: 2018, tương tự như nghiên cứu [2] nhưng cũng không gây hại đến cây trồng khi bón vào đất.

    Các chỉ tiêu để đánh giá ảnh hưởng của phân bón hữu cơ trên cây cải bẹ xanh gồm chiều cao, số lá và khối lượng cây với chu kỳ đo là 7 ngày/lần. Kết quả cho thấy nghiệm thức NT2 có số lượng cây phát triển tốt hơn nghiệm thức NT1. Kết quả thử nghiệm bón phân lên cây cải bẹ xanh thể hiện ở Hình 5. Các chỉ tiêu đánh giá năng suất trung bình của cải bẹ xanh sau khi bón phân sinh học trong 30 ngày sinh trưởng (NST) được trình bày ở Bảng 4.

  

Luống không bón phân                                      Luống có bón phân 

 

Hình 5Kết quả thử nghiệm bón phân lên cây cải bẹ xanh

    Bảng 4: Năng suất trung bình của cải bẹ xanh sau 30 ngày sinh trưởng

Chỉ tiêu

Chiều cao (cm)

Số lá

Khối lượng trung bình 1 cây (gr)

Giai đoạn sinh trưởng (ngày)

 

7-14

 

15-22

 

23-30

 

7-12

 

12-17

 

23-30

NT1

0

0

0

0

0

0

0

NT2

5,2 ± 2,5

17,5 ± 3,5

22,6 ± 5,3

5

7

7

25 ± 3,2

    Bảng 4 cho thấy tốc độ tăng  trưởng trung bình đạt 5,2 ± 2,5 cm/ngày (7 - 14 NST); 17,5 ± 3,5 cm/ngày (15 - 22 NST); 22,6 ± 5,3 cm/ngày (23 - 30 NST). Tốc độ tăng trưởng của cây tăng tỷ lệ thuận đối với thời gian trồng bởi thời gian đầu mới trồng bộ rễ cây bị tổn thương, khả năng hút dinh dưỡng kém nên tốc độ tăng trưởng còn hạn chế; ở giai đoạn sau khi bộ rễ đã ổn định và phát triển, khả năng hút dinh dưỡng sẽ tốt hơn.

    Với diện tích trồng rau muống 70 m2 sau một vụ nuôi cá, chủ hộ sẽ thu thêm được 175 kg/đợt. Sau khi trừ hết chí phí, chủ hộ đã tăng thêm thu nhập trung bình 13.470.000 VNĐ/năm (Bảng 5).

    Bảng 5: Lợi nhuận trồng cải bẹ xanh sau một vụ nuôi cá

Chi phí (VNĐ)

Doanh thu (VNĐ)

 

 

 

Hạt giống

 

1 đợt trồng

 

30.000

1 đợt = Khối lượng cải   x 13.000 VNĐ/kg)

 

2.275.000

1 vụ cá (3 đợt)

90.000

1 vụ cá (3 đợt)

6.825.000

1 năm

180.000

1 năm

13.650.000

    So với tỷ lệ 3 tấn bùn khô/tấn cá basa/ha trong một vụ [5], tỷ lệ giữa bùn với sản lượng cá trong nghiên cứu này thấp hơn 30 lần, vào khoảng 0.1 tấn/tấn cá/ha. Như vậy, một mùa vụ thì 1 ha ao nuôi có thể cung cấp 60 tấn bùn dùng để làm phân. Ngoài ra, lượng nước thải ra hằng ngày (500 - 700 m3) được xử lý bằng mương lục bình đã góp phần giảm nồng độ ô nhiễm trước khi thải ra môi trường.

    4. Kết luận

    Nghiên cứu này dựa trên phân tích cân bằng dòng đầu vào - đầu ra cho hệ thống nuôi cá tra thâm canh tại hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Nước thải và bùn thải thay vì thải bỏ ra môi trường xung quanh được tận dụng làm nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thực vật như lục bình trong ao sinh học và cải bẹ xanh. Chất lượng nước thải được cải thiện sau khi qua mương lục bình, hàm lượng BOD5, COD lần lượt giảm 76,62% và 76,92%; NO2-N giảm 77,89% và NO3-N không phát hiện, đạt tiêu chuẩn xả thải trực tiếp ra môi trường. Các giải pháp trên cũng giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho hộ gia đình là 6.825.000 VNĐ/vụ nuôi. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu để hoàn thiện hơn về các giải pháp cho hộ dân nuôi cá tra thâm canh, chẳng hạn như ứng dụng phân hữu cơ từ bùn đáy ao trên các loại cây trồng  khác và xử lý ô nhiễm nước thải ao nuôi bằng các loại thực vật thủy sinh khác ngoài cây lục bình.

    Lời cảm ơn

    Nhóm tác giả xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Viện Môi trường và Tài nguyên đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành bài báo. Nghiên cứu này được thực hiện trong quá trình khảo sát thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia, có mã số DN2022-24-02, tên đề tài “Ứng dụng phân tích dòng vật chất (MFA) trong việc quản lý dòng Nitơ hướng đến hệ sinh thái khép kín cho các ao nuôi cá tra khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Nguyễn Thanh Hùng1, Đồng Thị Thu Huyền3, Nguyễn Thị Thu Thảo2*, Trần Trung Kiên1, Nguyễn Việt Thắng1

1 Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG-HCM

2 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

3 Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

Combining biological treatment and composting for commercial catfish farming wastewater and sediment in Hong Ngu District, Dong Thap Province

Nguyen Thanh Hung1, Dong Thị Thu Huyen3, Nguyen Thi Thu Thao2*, Tran Trung Kien1, Nguyen Viet Thang1

1 Institute for Environment and Resources, VNU-HCM

2 Ho Chi Minh City University of Technology and Education

3 Dong Nai Technology University

    ABSTRACT

    Commercial pangasius farming has presented significant challenges to local environment in Dong Thap province, primarily due to the direct disposal of pond sediment and pond wastewater. The purpose of this research is to improve resource utilization efficiency in the commercial catfish farming system in Hong Ngu district, Dong Thap province. Before selecting suitable waste treatment solutions, a material flow analysis was performed on the fish farming process. Water hyacinth ponds were used for wastewater treatment, and pond sediment composting was used to grow vegetables. Instead of disposing of 353 tons of pond sediment directly, the composting treatment was intended to reduce this amount. Composting pond sludge provides nutrients for growing mustard greens. The quality of the after-treatment wastewater was improved. The removal rates of BOD5, COD, and NO2-N in the pond's wastewater were 76.62%, 76.92%, and 77.89%, respectively, while NO3-N was not detected. The water quality standard for direct discharge into the environment is met by these results. When compared to the current traditional farming system, these treatment solutions increased household income by 6,825,000 VND for a fish farming crop.

    Key words: material flow analysis, wastewater, pond sediment, pangasius, composting.

    Tài liệu tham khảo

[1]      C. M. Khôi, H. H. Nhã, and C. T. Nhiên, "Sự tích tụ hàm lượng đạm, lân vô cơ và hữu cơ trong nước và bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long " Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, vol. 22a, pp. 17-24, 2012.

[2]      N. Thi Phuong Thao et al., "Study on the use of sludge farming of catfish as organic fertilizer and evaluate its effectiveness in agriculture," Science & Technology Development Journal - Science of The Earth & Environment, vol. 4, no. 1, 2020.

[3]      N. T. T. Di, T. T. Nguyễn, and T. V. Nam, "Đánh giá độc tính của nguồn nước thải từ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy hải sản sử dụng vi khuẩn Nitrosomonas stercoris," Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 5, 2022.

[4]      N. T. T. Nguyên, L. M. Long, H. Brix, and N. T. D. Trang, "Khả năng xử lý nước nuôi thủy sản thâm canh bằng hệ thống đất ngập nước kiến tạo," Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, vol. 24a, pp. 198-205, 2012.

[5]      V. N. Sơn, N. D. Anh, P. T. Lâm, L. V. Khánh, T. N. Hải, and N. T. Phương, "Khảo sát thành phần dinh dưỡng và lợi ích sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra trong nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long," Tạp chı́ Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Phần B: Nông nghiệp, Thủy sản và Công nghệ Sinh học, vol. 38 pp. 116-123, 2015.

[6]      P. Q. Nguyên, N. V. Bé, and N. V. Công, "Xác định số lượng, chất lượng bùn đáy ao nuôi cá tra (pangasianodon hypophthalmus) và sử dụng trong canh tác rau," Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Phần A: Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Môi trường: , vol. 35, pp. 78-89, 2014.

[7]      T. T. Kiên, Đ. T. T. Huyền, N. H. A. Thư, and N. V. Thắng, "Ứng dụng phân tích dòng vật chất (MFA) đánh giá khả năng tái tuần hoàn dòng Nitơ trong mô hình ao nuôi cá tra theo hướng sinh thái khép kín," Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Trái đất và Môi trường, vol. 5(SI1), pp. SI1-SI12.

[8]      T. T. Hieu et al., "Material flow analysis in an integrated catfish farming system in Mekong Delta, Vietnam: A case study," Case Studies in Chemical and Environmental Engineering, vol. 4, 2021.

[9]      L. Thanh Hai et al., "Study on the proposal of a community of freshwater aquaculture and vegetable farming in An Giang," Science & Technology Development Journal - Science of The Earth & Environment, vol. 4, no. 1, 2020.

[10]    T. Van Tung et al., "Waste treatment and soil cultivation in a zero emission integrated system for catfish farming in Mekong delta, Vietnam," Journal of Cleaner Production, vol. 288, 2021.

[11]    P. Q. Nguyên, Đ. C. Linh, T. Q. Phú, and N. V. Công, "Đánh giá khả năng loại bỏ chất ô nhiễm ao nuôi cá tra (pangasianodon hypophthalmus) bằng lục bình (eichhornia crassipes) trên mô hình đất ngập nước dòng chảy mặt," Tạp chı́ Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Số chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khí hậu, pp. 58-70, 2015.

Ý kiến của bạn