Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phát huy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai

05/07/2022

Tóm tắt

    Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, được thành lập ngày 25/11/2002 theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh. Đây là một trong 5 Vườn của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản Asean. Nơi đây chứa đựng khu hệ động thực vật rừng đa dạng như trắc, hương, pơ mu… và đặc biệt là cây thông 5 lá cổ thụ quý hiếm. Kon Ka Kinh còn là nơi phân bố chủ yếu của loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm là loài đặc hữu của Việt Nam-voọc chà vá chân xám. Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới…Đồng thời, VQG Kon Ka Kinh là điểm du lịch sinh thái (DLST) lý tưởng, rất thích hợp với các du khách tới đây nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học. Việc phát triển DLST ở VQG Kon Ka Kinh sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng và phát triển cộng đồng vùng đệm.

Từ khóa: Vườn quốc gia, du lịch sinh thái, đa dạng sinh học.

Nhận bài: 18/5/2022; Sửa chữa: 27/5/2022; Duyệt đăng: 29/5/2022.

1. ĐÔI NÉT VỀ VQG KON KA KINH

Giá trị tài nguyên, thiên nhiên

    Hiện VQG Kon Ka Kinh có 1.022 loài thuộc 568 chi và 158 họ thực vật có mạch. Trong đó, ngành khuyết thực vật 80 loài, ngành hạt trần 14 loài, ngành hạt kín 928 loài. Danh lục các loài thực vật quý hiếm và quan trọng cho công tác bảo tồn được thiết lập với 22 loài bị đe dọa ở cấp độ Quốc gia (Sách đỏ Việt Nam 2007) và mức độ toàn cầu (IUCN 2010). Trong đó, ở cấp độ đe dọa toàn cầu có 1 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 1 loài nguy cấp (EN) và 6 loài sẽ nguy cấp (VU); ở cấp độ Quốc gia có 2 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 9 loài nguy cấp (EN) và 8 loài sẽ nguy cấp (VU) [5].

    Hệ động vật, theo kết quả tổng hợp các công trình điều tra đa dạng sinh học tại VQG Kon Ka Kinh đã công bố cho đến hết tháng 8 năm 2011, hệ động vật của VQG rất đa dạng và phong phú với tổng số 556 loài, thuộc 91 họ và 30 bộ. Trong đó có 351 loài động vật có xương sống và 205 loài động vật không xương sống.

    Hệ động vật rừng của Vườn có 16 loài đặc hữu, cụ thể như sau: Có 5 loài thú lớn đặc hữu cho Đông Dương và Việt Nam: Vượn đen má hung Trung bộ (Nomascus annamensis), Voọc Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), Hổ (Panthera tigeris), Mang trường sơn (Muntiacus truongsonenesis) là loài thú mới phát hiện lần đầu tiên ở Khu Bảo tồn sông Thanh Đăk Pring và Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) là loài thú quý hiếm phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Quang (Hà Tĩnh). 7 loài chim đặc hữu, trong đó có 3 loài đặc hữu của Việt Nam: Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui) Khướu kon ka kinh (Garrulax konkakinhensis) và 4 loài đặc hữu Việt Nam và Lào: Khướu đầu xám (Garrulax vassali), Trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae), Gà lôi vằn (Lophura nycthemra) và Thày chùa đít đỏ (Megalaima lagrandieri).

    Lớp Bò sát, Ếch nhái: Có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam: Thằn lằn buôn lưới (Sphenomorphus buonluoicus) là loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn (Lào). Có 3 loài đặc hữu cho Việt Nam: Thằn lằn đuôi đỏ, Chàng Sapa (Rana chapaensis), Ếch gai sần (Rana verrucospinosa).        

    Căn cứ vào Danh lục các loài động vật đã công bố, tiến hành đối chiếu với danh sách các loài động vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ thế giới năm 2010 cho kết quả như sau:

     Lớp thú, có 26 loài, trong đó có 24 loài ghi nhận trong Sách đỏ thế giới, có 21 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Lớp chim, có 9 loài, trong đó có 9 loài ghi trong Sách đỏ thế giới và 8 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Lớp Bò sát, có 9 loài, trong đó Sách đỏ thế giới 9 loài, Sách đỏ Việt Nam 2007 ghi nhận 9 loài. Lớp Ếch nhái, có 3 loài, trong đó Sách đỏ thế giới ghi nhận 3 loài và Sách đỏ Việt Nam 2007 ghi nhận 3 loài.

Quần thể cây đa cổ thụ

Về giá trị văn hóa, lịch sự

    Nhiều bản sắc văn hóa mang tính đặc sắc của đồng bào Ba Na vùng Tây Nguyên về trang phục, nghi lễ trong các lễ hội, hiếu, hỉ, trong quan hệ gia đình... vẫn còn được giữ gìn. Đây là nét độc đáo, là tiềm năng quan trọng trong việc phát triển loại hình du lịch văn hóa và du lịch Homestay của VQG trong tương lai.

    Khu vực vùng đệm VQG Kon Ka Kinh hiện có 23 làng bản, trong đó có một số làng như làng Kon Bông 2, làng Kon Lốc 1, xã Đăk Rong; làng Tung, Gút, xã Krong; làng Kon Dốt, KonPơRam, xã Hà Đông,... tới 99% cộng đồng người Ba Na sinh sống. Với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Ba Na hiện vẫn đươc lưu giữ như: lễ hội đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng,... những bài hát, điệu múa mang dấu ấn Tây Nguyên nói chung và người Ba Na nói riêng. Người dân Ba Na có những nghề thủ công cổ truyền tạo ra những hàng hóa, dụng cụ lao động rất đặc trưng: Nghề dệt thổ cẩm, đan lát... Bản làng với nhà rông, cây nêu và những ngôi nhà sàn là những hình ảnh đẹp, khó phai trong lòng du khách tới tham quan, trải nghiệm.

    Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Krong thuộc huyện Kbang từng là khu căn cứ cách mạng, là nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh Gia Lai từ năm 1972 đến năm 1975. Trong VQG Kon Ka Kinh, khu căn cứ cách mạng nằm tại tiểu khu 88, thuộc xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

2. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DLST VQG KON KA KINH

    Cùng với sự đa dạng và phong phú của hệ động, thực vật rừng, VQG Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn như sông Ba và Sông Đak Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn hécta cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Bên cạnh đó, khu vực VQG có nhiều tuyến, điểm tham quan có thể thu hút khách du lịch, nhiều loại hình DLST được khai thác như: Du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch nghiên cứu học tập, tìm hiểu văn hóa bản làng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch Homestay... Đặc điểm chung của các điểm, tuyến du lịch này là chưa được khai thác hiệu quả và phát huy hết tiềm năng vốn có của nó, sự gắn kết thành mạng lưới các tuyến du lịch còn rời rạc, kèm theo đó là các dịch vụ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch còn yếu.

    Hiện nay, VQG Kon Ka Kinh đã thiết kế tour tham quan và thử nghiệm như:

    Quần thể cây đa cổ thụ: Cách trụ sở hành chính của Vườn 2 km, nằm ở tiểu khu 433. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây đa cổ thụ to lớn có tuổi thọ khoảng hàng trăm năm tuổi với những bộ rễ bạnh vè hùng vỹ trải dài ra 4 phía, đây được coi là những cây linh thiêng của dân làng Ba Na. Ngoài ra, du khách còn được dạo bộ trên những tảng đá lớn và ngắm sinh cảnh rừng dây leo ven suối.

    Đỉnh đá trắng: Ở độ cao trên 1.400 m là một đỉnh núi đá trắng, đứng trên này có thể nhìn ngắm toàn bộ quang cảnh rừng núi xung quanh. Đây là điểm thường xuyên có đàn Voọc Chà vá chân xám đi qua và là một trong những tuyến nghiên cứu về loài này.

    Cây thông năm lá cổ thụ: Nằm ở độ cao trên 1.500 m, du khách sẽ ngắm được thác 3 tầng hùng vỹ và cảnh núi rừng trùng điệp, đồng thời có thể trực tiếp nhìn và ôm cây thông 5 lá cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc trên vách đá dựng đứng. Đây là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm hiểu về loài thực vật đặc hữu này.

    Thác 95: Cách trụ sở hành chính của Vườn 40 km, nằm ở tiểu khu 95, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang. Đây là một thác nước nổi tiếng, nước chảy qua một vách đá cao trên 45 m đổ xuống tạo thành một dòng thác hùng vỹ, phía dưới tạo thành một hồ rộng lớn. Để đi tới thác phải qua những cánh rừng nguyên sinh và đây là thác nước lớn, đẹp nhất trong VQG Kon Ka Kinh.

    Thác Kon Bông: Nằm giữa 2 tiểu khu 18 và 23, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Rong, huyện Kbang. Để tới được thác phải đi qua một bãi bằng rất thích hợp cho việc cắm trại nghỉ dưỡng, đây là địa điểm có nhiều hang của các loài thú. Thác Kon Bông tuy không cao nhưng được chia làm 4 tầng, nước chảy trắng xóa và luôn có một lượng nước lớn kể cả vào mùa khô.

    Thác H’lân: Nằm ở tiểu khu 88, thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện Kbang. Thác cao trên 10m, đường đi đến thác nằm trên đường tuần tra rừng với nhiều loài thực vật quý hiếm, trong đó có quần thể Hương có giá trị rất lớn cả về khoa học và kinh tế.

    Vườn Thực vật: Đây là nơi có sự phân bố hầu hết các loài thực vật của VQG Kon Ka Kinh và là thư viện thực vật sống cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên cũng như những du khách yêu thực vật.

    Khu căn cứ cách mạng xã Krong: Thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện Kbang. Là nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh Gia Lai thời kỳ chống Mỹ cứu nước từ năm 1972 đến năm 1975.

    Các làng vùng đệm của Vườn Quốc gia: Hầu hết các làng vùng đệm của VQG, nơi cộng đồng người Ba Na sinh sống vẫn còn gìn giữ được các bản sắc văn hóa bản địa từ thuở sơ khai như nhà rông truyền thống, các ngôi nhà sàn bằng gỗ, các lễ hội cồng chiêng, món ăn truyền thống: gà nướng, cơm lam, rượu cần... thích hợp cho du lịch tìm hiểu trải nghiệm văn hóa cộng đồng, du lịch Homestay.

3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC HỢP LÝ TIỀM NĂNG DLST CỦA VQG KON KA KINH

    Thứ nhất, về công tác quản lý hoạt động DLST

    Quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông để hoàn thiện các tuyến, tour du lịch sinh thái đã sơ khai hình thành nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. Trong khai thác du lịch, chú trọng đến việc đào tạo, liên kết với dân cư bản địa đang sinh sống ở các vùng đệm để góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Qua đó, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và hệ sinh thái của Vườn. 

    Xây dựng các hoạt động DLST cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chuyên gia du lịch với Ban quản lý VQG, chính quyền và cộng đồng địa phương để đảm bảo công tác bảo tồn ĐDSH của Vườn.

    Xây dựng các nội quy và quy chế cho các hoạt động du lịch tại VQG bao gồm những điều nghiêm cấm khi tham gia hoạt động DLST tại Vườn.

    Bố trí các hướng dẫn viên có kinh nghiệm và trang bị các thiết bị bảo hộ, liên lạc cần thiết cho du khách để đảm bảo an toàn khi tham gia vào các hoạt động du lịch tại Vườn.

    Thứ hai, v công tác BVMT

    Lắp đặt hệ thống các thùng rác ở dọc các tuyến tham quan và đưa ra các quy định về BVMT để nâng cao ý thức của du khách trong quá trình tham quan; Lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, sơ đồ tham quan hài hòa với môi trường trên các tuyến, điểm du lịch của Vườn.

    Khuyến khích cộng đồng và khách du lịch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái chế hoặc tái sử dụng, tránh xả rác nhiều.

    Cần xây dựng thêm hệ thống xử lý rác thải, nước thải rác thải ở cơ sở lưu trú và trụ sở chính của Vườn để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh làm nhiễm bẩn các nguồn nước tự nhiên.

    Kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động tại các tuyến, điểm du lịch thực hiện các quy định về BVMT. Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có kiến thức, nghiệp vụ về BVMT theo dõi tình hình môi trường và thực hiện các yêu cầu BVMT tại các tuyến, điểm du lịch.

    Tuyên truyền và giáo dục cho học sinh ở các trường trong vùng đệm của VQG và cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động ngoại khóa như giao lưu văn hóa văn nghệ về ngày môi trường thế giới 5/6 hằng năm, thi vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường,…

    Kịp thời phát hiện các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường tại các tuyến, điểm du lịch thông báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệ

    Thứ ba, tăng cường về vốn

    Khuyến khích các doanh nghiệp có chức năng, năng lực về vốn và kỹ thuật kinh doanh về du lịch đến để đầu tư phát triển DLST tại VQG.

    Tăng nguồn thu từ các hoạt động thu vé tham quan, kinh doanh các dịch vụ du lịch, cho thuê môi trường rừng và cơ chế phát triển để tạo nguồn vốn tiếp tục đầu tư vào phát triển DLST, quản lý bảo vệ rừng và các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng của VQG.

    Xác lập ranh giới cụ thể diện tích cho thuê môi trường rừng, liên doanh, liên kết đầu tư và diện tích đất xây dựng công trình hạ tầng và các công trình lâm sinh theo quy chế quản lý rừng đặc dụn

    Thứ tư, nguồn nhân lực:

    Cần bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là nghiệp vụ hướng dẫn tham quan và trình độ ngoại ngữ phục vụ khách quốc tế cho đội ngũ hướng dẫn viên. Kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, các tình nguyện viên quốc tế giúp đỡ trong vấn đề đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ và đặc biệt cho đội ngũ hướng dẫn viên của Vườn.

    Tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại các VQG đã phát triển DLST đạt hiệu quả.

    Tuyển dụng cộng tác viên và lực lượng lao động phục vụ cho các dịch vụ du lịch đi kèm, khuyến khích lực lượng lao động là người dân địa phương tham gia và tập huấn nâng cao kiến thức cũng như các kĩ năng cần thiết cho họ.

    Thứ năm, về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật:

    Mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn hiện có nhiều đoạn đang bị hư hỏng nặng.

    Hoàn thiện cơ sở lưu trú liên kết với các dịch vụ vui chơi giải trí như sân chơi thể thao, nhà hàng phục vụ ăn uống, các hình thức giải trí cho khách như phòng khám phá thiên nhiên, phòng chiếu phim,...

    Xây dựng các chòi dừng chân và các nhà nghỉ lưu trú trên các tuyến dài hơn 1 ngày để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Vườn. Lắp đặt nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến đường tham quan.

    Xây dựng các nhà nghỉ lưu trú phục vụ du khách tại CĐĐP tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa khách du lịch và người dân bản địa.

    Đầu tư xây dựng thêm các chòi nghiên cứu phục vụ cho công tác học tập và nghiên cứu tại VQG...

    Thứ sáu, công tác tuyên truyền, quảng bá:

    Huy động sự hỗ trợ quảng bá thông tin du lịch trong chính sách phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài, báo kết hợp quảng bá trên internet.

    Cung cấp các thông tin chung và cụ thể về tuyến, điểm du lịch của Vườn, các sản phẩm du lịch độc đáo cũng như các thông tin về giá trị ĐDSH, các danh lam thắng cảnh, nét đẹp hấp dẫn của văn hoá bản địa, lựa chọn khẩu hiệu quảng bá phù hợp, chủ đề đa dạng hàng năm có thể thay đổi để tạo ấn tượng mới lạ cho du khách thông qua việc phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, đĩa CD cho du khách, người dân địa phương…

    Phối hợp với các Hiệp hội du lịch, trung tâm Điện ảnh và Du lịch, các Doanh nghiệp lữ hành nội địa giúp tuyên truyền, quảng bá Vườn cho nhiều thị trường khách.

    Tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong nước và quốc tế về du lịch để quáng bá về hoạt động DLST của Vườn, học hỏi kinh nghiệm đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư.

    Kết hợp với các điểm du lịch lân cận tại thành phố Pleiku và các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên… trong việc quảng bá, tiếp thị và kết nối tour, tuyến tham quan với các tuyến du lịch của Vườn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1990). Pháp lệnh du lịch, Số 11/1999/PL-UBTVQH10, Hà Nội.

[2] Phạm Trung Lương (2002). Du lịch và những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục.

[3] Phùng Thị Hằng, Phạm Hồng Chương (2012). Xây dựng tiêu chí đánh giá điểm DLST tại các VQG ở Việt Nam - Nghiên cứu trường hợp tại VQG Cúc Phương. Kinh tế và phát triển, số 186 (II), trang 107 - 116.

[4] Đinh Thị Thi (2012). Khai thác tiềm năng DLST vùng du lịch Bắc Trung bộ Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Kinh tế Công nghiệp, Đại học Đà Nẵng.

[5] VQG Kon Ka Kinh (2017). Đề án DLST VQG Kon Ka Kinh đến năm 2020 - Tầm nhìn đến năm 2030.

[6] Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng VQG Kon Ka Kinh (2016). Báo cáo tổng kết tổ chức hoạt động DLST năm 2016.

ThS. Lê Thị Phương Chi

Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Huế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt II/2022)

 

Promote the potential of eco-tourism development of Kon Ka Kinh National Park, Gia Lai province

MSc. Lê Thị Phương Chi

Faculty of Environmental Science, Huế University of Sciences

ABSTRACTS

    Kon Ka Kinh National Park is located in the Northeast of Gia Lai province, established on 25 November 2002 under the Prime Minister's Decision No. 167/2002/QĐ-TTg, on the basis of the Kon Ka Kinh Nature Reserve. This is one of 5 Parks of Việt Nam recognized as Asean Heritage Park. This place contains diverse flora and fauna such as dalbergia cochinchinensis, pterocarpus macrocarpus, fokienia... and especially the rare and precious pinus dalatensis. Kon Ka Kinh is also home to the main distribution of extremely rare primates endemic to Việt Nam - the gray-shanked douc langur. This is one of the 25 most endangered primate species in the world… Also, Kon Ka Kinh National Park is an ideal ecotourism destination, very suitable for tourists coming here to rest, relax and do scientific research. The development of eco-tourism in Kon Ka Kinh National Park will greatly contribute to the conservation of forest ecosystem diversity and the development of buffer zone communities.

Keywords: National Park, eco-tourism, biodiversity.

 

Ý kiến của bạn