Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

06/07/2022

    Ngày 6/7/2022, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONRE), Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tổng kết “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam”, nhằm chia sẻ kết quả khảo sát của JICA về nền KTTH tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 1/2022. Gần 80 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã tham dự Hội thảo và thảo luận sôi nổi về Dự thảo khung Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam, được quy định trong Luật BVMT năm 2020, nhằm chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính của Việt Nam sang nền KTTH và thiết lập một xã hội bền vững.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Thế Toản, Phó Viện Trưởng ISPONRE chia sẻ, vấn đề KTTH tại Việt Nam đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Luật BVMT cũng đã thể chế hóa, đưa 1 điều riêng về KTTH và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể về việc thực hiện nền KTTH, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH. Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xử lý các vấn đề môi trường, từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về KTTH, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn vào năm 2000 và phát triển các kế hoạch cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn. Vì vậy, kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là mô hình 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) rất quý báu đối với Việt Nam. Phó Viện trưởng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ và khẳng định kết quả khảo sát của JICA sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam. Đồng thời hy vọng, trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật về KTTH, tập trung vào công tác quản lý chất thải bền vững. 

    Ông Adachi Ichiro, chuyên gia quản lý Môi trường của JICA tại Bộ TN&MT cũng đã giải thích về lịch sử phát triển chính sách KTTH và tinh thần truyền thống “Mottainai” (có nghĩa là “Không lãng phí”) bao quát khái niệm KTTH. Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách KTTH, từ Luật cơ bản đầu tiên tập trung vào khái niệm về một xã hội tuần hoàn vật chất được ban hành năm 1999 đến tầm nhìn của KTTH xây dựng vào năm 2020. Theo ông Adachi, để xây dựng Kế hoạch quốc gia về KTTH cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.

    Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải tăng cường hợp tác để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc, nhằm triển khai các mô hình KTTH tại Việt Nam. Khảo sát này không chỉ hỗ trợ ISPONRE phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp cũng như các hoạt động về KTTH đang diễn ra tại Việt Nam. Do đó, khảo sát này sẽ giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó giúp chúng tôi xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ TN&MT.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kết quả nghiên cứu cùng các khuyến nghị về việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH cho Bộ TN&MT/ISPONRE và Chính phủ Việt Nam, qua đó xác định lộ trình thực hiện KTTH tại Việt Nam.

    Đại diện nhóm nghiên cứu JICA/Nippon Koei, ông Tomoyuki Hosono, Trưởng Dự án cho biết, tại Nhật Bản, ý tưởng về hệ thống “KTTH” đã có từ năm 1999 để giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên  đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản trong thế kỷ 21 như hạn chế các bãi chôn lấp, giảm khả năng cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại... Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên, hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và Chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

    Khái quát về định hướng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế TN&MT (ISPONRE) cho biết, các bộ và UBND các tỉnh cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện KTTH; lồng ghép các tiêu chí thực hiện cụ thể; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải; tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; đồng thời, quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT.

    Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch hành động của các bộ, UBND cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp theo từng thứ tự ưu tiên, thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng tại các khu công nghiệp, áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực đô thị, tận dụng diện tích mái nhà để phát triển năng lượng mặt trời áp mái tại khu đô thị. Mặt khác, thu gom, dự trữ để tái sử dụng nước mưa; thu hồi, tái sử dụng nước thải sau xử lý; thực hiện các giải pháp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT; khuyến khích áp dụng KTTH sớm hơn lộ trình được xác định trong Kế hoạch hành động của Chính phủ.

KTTH được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch COVID-19, KTTH sẽ là công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế và xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Nhằm xây dựng một khung chính sách chặt chẽ để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện nay sang nền KTTH sau khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực vào tháng 1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, công bố các quy định cụ thể về việc thực hiện nền KTTH và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn