Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Kinh nghiệm quốc tế về một số điều kiện kinh doanh dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản

13/07/2023

    Theo Luật Đầu tư năm 2020, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây được coi là công cụ quản lý kinh tế hiệu quả đối với nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Hiện nay, trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của BộTN&MT, lĩnh vực địa chất và khoáng sản có hai ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là: (i) kinh doanh dịch vụ thăm dò khoáng sản; (ii) khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, các dịch vụ địa chất, khoáng sản khác hiện được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong quy hoạch xây dựng đô thị, cầu đường, công trình thủy điện, cầu cảng dân dụng và quân sự, cảnh báo thiên tai, du lịch công viên địa chất…Tuy nhiên, hiện chưa có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đối với đội ngũ nhân lực, trang thiết bị cung cấp các dịch vụ này trong khi đây là các hoạt động đặc thù đòi hỏi cá nhân, tổ chức hành nghề có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm nhằm đảm bảo các mục tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Do đó, việc nghiên cứu pháp luật về điều kiện kinh doanh của các quốc gia trên thế giới đối với các dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản là cần thiết qua đó thể rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật ở Việt Nam.

1. Pháp luật về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản của một số quốc gia trên thế giới

    Trung Quốc: Ban hành Nghị định số 520 về Quản lý năng lực thăm dò địa chất ngày 3/3/2008, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2008. Nghị định được ban hành nhằm tăng cường quản lý các hoạt động thăm dò địa chất, bảo vệ trật tự của thị trường thăm dò địa chất, đảm bảo chất lượng thăm dò địa chất và thúc đẩy sự phát triển của ngành thăm dò địa chất. Theo Nghị định, tổ chức thực hiện thăm dò địa chất phải có giấy chứng nhận đủ năng lực thăm dò địa chất. Cơ quan có thẩm quyền về đất đai và tài nguyên của Quốc Vụ, Viện và cơ quan có thẩm quyền về đất đai và tài nguyên của chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm kiểm tra các năng lực thăm dò địa chất; phê duyệt, cấp giấy chứng nhận và thực hiện giám sát, quản lý. Các cơ quan có thẩm quyền về tài nguyên và đất đai của chính quyền nhân dân các thành phố và quận, theo các quy định của Nghị định này, chịu trách nhiệm thực hiện giám sát và quản lý đối với các tiêu chuẩn thăm dò địa chất trong khu vực hành chính quản lý tương ứng.

    Năng lực thăm dò địa chất, bao gồm: Năng lực thăm dò địa chất tổng hợp và trình độ thăm dò địa chất chuyên ngành, cụ thể:

+ Năng lực thăm dò địa chất tổng hợp, bao gồm năng lực khảo sát địa chất khu vực, năng lực khảo sát địa chất biển, năng lực thăm dò khoáng sản dầu khí và khí thiên nhiên, năng lực thăm dò khoáng sản lỏng (không bao gồm dầu khí), năng lực thăm dò khoáng sản khí (không bao gồm khí thiên nhiên), năng lực thăm dò khoáng sản rắn kể cả than, và để khảo sát địa chất thủy văn, địa chất công trình và địa chất môi trường.

+ Năng lực thăm dò địa chất chuyên ngành, bao gồm năng lực thăm dò địa vật lý, năng lực thăm dò địa hóa học, năng lực khảo sát địa chất trên không, năng lực khảo sát địa chất viễn thám, năng lực khoan địa chất (đào hầm) và năng lực thí nghiệm địa chất.

    Tổ chức đề nghị công nhận năng lực thăm dò địa chất phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các tài liệu sau: Đơn đăng ký chứng nhận năng lực thăm dò địa chất; Chứng nhận tư cách pháp nhân; Danh sách của các nhân sự thực hiện thăm dò, căn cước công dân và văn bằng chứng chỉ ngành nghề, văn bản bổ nhiệm nhân sự phụ trách công nghệ; Danh sách các thiết bị và dụng cụ thăm dò, tài liệu xác minh cần thiết; Các tài liệu liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý an toàn lao động.

    Đài Loan: Đạo luật về Địa chất ban hành ngày 8/12/2010, nhằm cải thiện hoạt động khảo sát địa chất, quản lý hiệu quả dữ liệu địa chất của quốc gia và thiết lập thông tin địa chất cơ bản liên quan đến các thay đổi trong môi trường quốc gia và quản lý tài nguyên đất. Theo Đạo luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

+ Địa chất là các vật liệu cấu thành Trái đất, các quá trình tự nhiên phát sinh từ quá trình tiến hóa của Trái đất, cũng như các dạng địa hình, cảnh quan, hiện tượng và môi trường do các quá trình tự nhiên tạo ra.

+ Tai biến địa chất là động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, hoạt động đứt gãy, sạt lở đất, sụt lún đất, biến đổi bờ biển hoặc thảm họa do các quá trình địa chất gây ra.

+ Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động điều tra địa chất được thực hiện nhằm mục đích thành lập cơ sở dữ liệu địa chất khu vực và thành lập bản đồ địa chất.

+ Khảo sát tài nguyên địa chất là khảo sát địa chất về năng lượng, mỏ quặng, vật liệu đất đá, nước mặt, nước ngầm và các nguồn tài nguyên khác.

+ Khảo sát tai biến địa chất là hoạt động khảo sát địa chất được thực hiện nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất liên quan đến các tai biến địa chất, đánh giá các tai biến địa chất tiềm ẩn và phòng ngừa các tai biến địa chất.

+ Điều tra địa điểm địa chất là điều tra địa chất của một khu vực quan tâm liên quan đến một mục đích cụ thể.

+ Quản lý dữ liệu địa chất là việc thu thập, nhập, đối chiếu, lập danh mục, lưu trữ, tìm kiếm và truy vấn, xuất bản và lưu hành các tài liệu thu được trong khảo sát địa chất dưới các hình thức khác nhau bao gồm hồ sơ, văn bản, hình ảnh, bản đồ, hình ảnh, lõi khoan và mẫu.

    Đồng thời, theo Đạo luật này: Điều tra địa chất và đánh giá an toàn địa chất được thực hiện và chứng thực bởi các kỹ sư địa chất ứng dụng, kỹ sư kỹ thuật địa chất, kỹ sư dân dụng, kỹ sư khai thác mỏ, kỹ sư thủy lợi, kỹ sư chuyên ngành về bảo tồn đất và nước hoặc kỹ sư chuyên ngành khác đã đăng ký và có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Đạo luật Kỹ sư Chuyên ngành.

    Trong trường hợp điều tra địa chất hoặc đánh giá an toàn địa chất được tiến hành độc lập bởi cơ quan quản lý đối với một lĩnh vực có liên quan, bởi một doanh nghiệp nhà nước hoặc bởi một tổ chức thuộc khu vực công, thì phải được tiến hành bởi nhân sự thuộc cơ quan, doanh nghiệp hoặc tổ chức đó đã có chứng chỉ hành nghề kỹ sư trong chuyên ngành liên quan tương ứng.

    Nam Ôxtrâylia: Việc tiếp cận đất đai để thăm dò khoáng sản được quy định bởi Đạo luật Khai thác khoáng sản 1971 (gọi tắt là Đạo luật) và Nghị định Khai thác khoáng sản 2020 (gọi tắt là Nghị định).

    Giấy phép thăm dò là quyền sở hữu được cấp để thăm dò khoáng sản, cho phép chủ sở hữu, tuân theo Đạo luật, Nghị định và các điều khoản và điều kiện của giấy phép, để thăm dò khoáng sản và đá opal. Nó không cho phép thăm dò nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

    Giấy phép thăm dò không được cấp hoặc ủy quyền cho các hoạt động được tiến hành trên các khu vực thuộc sở hữu khoáng sản hiện tại khác, bao gồm các mỏ tư nhân, yêu cầu khai thác khoáng sản (MC), cho thuê lưu giữ (retention leases), giấy phép cho các mục đích khác (miscellaneous purpose licences) và cho thuê khai thác (mining lease); hoặc các khu vực được bảo vệ khác của tiểu bang như một số khu vực tự nhiên, một số công viên hoang dã, khu bảo tồn theo Đạo luật Khai thác khoáng sản và đường bờ biển.

    Ngày 1/1/2021, Đạo luật Khai thác khoáng sản năm 1971 đã được thay thế bởi Đạo luật Tài nguyên Khoáng sản năm 2019, cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung các quy định và chính sách mới có liên quan, đã đưa ra một số thay đổi quan trọng đối với việc cấp phép thăm dò khoáng sản.

    Tổ chức, cá nhân hoặc quỹ tín thác đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có địa chỉ đăng ký tại Úc. Đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản được thực hiện bởi bên khác nếu được chủ sở hữu giấy phép uỷ quyền.

    Nếu có bất kỳ thay đổi quan trọng nào liên quan đến người nộp đơn hoặc thông tin được cung cấp trong đơn sau khi đơn được nộp, chẳng hạn như thay đổi quyền sở hữu hoặc thay đổi kỹ thuật, vận hành hoặc khả năng tài chính, thông tin cập nhật phải được cung cấp cho cơ quan cấp phép.

    Đơn đề nghị cấp phép được gửi ở hình thức trực tuyến và đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Đơn đăng ký phải xác định ranh giới của khu vực đề nghị cấp phép, theo mục 56E của Đạo luật.

+ Diện tích của khu vực đề nghị cấp phép không quá 1.000 km2 (20 km2 đối với đá quý trong khu vực thăm dò đá opal) hoặc khối thăm dò nhỏ hơn 3 km2, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định.

+ Lệ phí phải được nộp ngay khi nộp đơn đề nghị cấp phép.

+ Đơn đề nghị cấp phép phải có nội dung về năng lực và nguồn lực về kỹ thuật và quản lý. Theo đó, cần cung cấp tên, trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp của các nhân sự, nhà thầu hoặc chuyên gia tư vấn chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện và báo cáo hoạt động thăm dò được đề xuất. Khi đánh giá năng lực kỹ thuật và vận hành, cơ quan cấp phép thẩm định người nộp đơn có đủ chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực thích hợp để thực hiện thăm dò được đề xuất cho vị trí được cấp phép hay không và để đáp ứng các yêu cầu báo cáo theo quy định pháp luật (bao gồm cả báo cáo dữ liệu kỹ thuật). Do tính chất chuyên môn và kỹ thuật của hoạt động thăm dò địa chất và báo cáo dữ liệu về địa chất, yêu cầu nhân sự chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thăm dò, thu thập dữ liệu thăm dò và thực hiện báo cáo phải là nhà địa chất học có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn phù hợp.

    Mỹ: Đối với loại Giấy phép hành nghề của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa chất , nước Mỹ quy định, trước khi cung cấp các dịch vụ địa chất trong một tiểu bang, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu về giấy phép và đăng ký. Mặc dù, tương đối ít tiểu bang cấp giấy phép hành nghề địa chất cho doanh nghiệp, nhưng các chủ thể cung cấp dịch vụ địa chất phải tuân theo các yêu cầu về quyền sở hữu và giấy phép cá nhân. Tại Mỹ, 9/50 tiểu bang yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa chất phải có giấy phép hành nghề về địa chất.

    Ở một số tiểu bang yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép hành nghề địa chất, doanh nghiệp thường chỉ định một nhân sự là nhà địa chất chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động dịch vụ địa chất. Nhân sự này thường được yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề về địa chất hợp pháp ở tiểu bang nơi giấy phép hành nghề của công ty được cấp.

    Yêu cầu đối với giấy phép hành nghề khác nhau tùy theo tiểu bang, tuy nhiên bao gồm các yêu cầu cơ bản sau: Thông tin pháp nhân kinh doanh; Danh sách quản lý hoặc chủ sở hữu của doanh nghiệp; Thông tin về nhân sự phụ trách địa chất; Giấy chứng nhận quyền hạn (nếu là pháp nhân nước ngoài); Lệ phí nộp đơn.

    Các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều khu vực trong cùng một tiểu bang cần cung cấp thông tin liên hệ và nhân sự phụ trách hoạt động địa chất của từng khu vực. Ở một số tiểu bang, mỗi chi nhánh phải có giấy phép hoặc đăng ký hoạt động riêng.

    Các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật hoặc khảo sát đất đai ngoài các dịch vụ địa chất cần giấy phép riêng cho từng dịch vụ mà họ cung cấp. Tuy nhiên, một số tiểu bang cấp giấy phép hành nghề cho doanh nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ thuật, bao gồm dịch vụ khảo sát đất đai, theo một giấy phép duy nhất.

    Các doanh nghiệp hành nghề địa chất theo đuổi các dự án bên ngoài tiểu bang của họ phải đăng ký với cơ quan cấp phép, tổng thư ký bang (Secretary of State) trước khi cung cấp dịch vụ ở một tiểu bang mới. Ở các tiểu bang không có yêu cầu cấp phép đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo rằng họ hoạt động trong khu vực tài phán theo loại pháp nhân của họ và có một nhà địa chất có chứng chỉ hành nghề hợp pháp phụ trách tất cả các dịch vụ liên quan đến địa chất cho doanh nghiệp.

    Đối với các tiểu bang có yêu cầu giấy phép hành nghề đối về địa chất, trình tự của quy trình cấp phép sẽ khác nhau. Một số tiểu bang yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đăng ký đủ điều kiện kinh doanh với Tổng thư ký tiểu bang trước khi xin giấy phép hành nghề về địa chất, trong khi một số tiểu bang khác cho phép các doanh nghiệp linh hoạt hoàn thành các đăng ký này theo thứ tự họ lựa chọn.

    Các doanh nghiệp cũng đồng thời phải đăng ký các thủ tục liên quan đến thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khấu trừ và thuế bảo hiểm thất nghiệp trước khi cung cấp dịch vụ địa chất trong một tiểu bang.

    Sau khi được cấp giấy phép và đăng ký, các doanh nghiệp có thể gia hạn khi cần thiết. Giấy phép của doanh nghiệp địa chất được gia hạn hàng năm hoặc hai năm một lần ở mọi tiểu bang ngoại trừ New York. New York yêu cầu các doanh nghiệp phải gia hạn giấy phép ba năm một lần. Cùng với việc gia hạn giấy phép, các doanh nghiệp cũng có thể cần nộp báo cáo hàng năm để duy trì đăng ký pháp nhân của họ với tổng thư ký tiểu bang.

    Các doanh nghiệp phải báo cáo các thay đổi về địa chỉ, thông tin liên hệ, nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn và quyền sở hữu. Các tiểu bang thường yêu cầu việc báo cáo các thay đổi này trong vòng 10 hoặc 20 ngày kể từ khi có sự thay đổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các nhân sự đủ tiêu chuẩn của họ đáp ứng các yêu cầu gia hạn giấy phép hành nghề cá nhân của họ.

    Về Chứng chỉ hành nghề địa chất của cá nhân, tại Mỹ, 32/50 tiểu bang yêu cầu các nhân sự có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, báo cáo hoặc tài liệu về địa chất phải xin chứng chỉ hành nghề địa chất do tiểu bang cấp. Mỗi tiểu bang có các tiêu chuẩn riêng cho loại chứng chỉ hành nghề địa chất này.

    Các tiểu bang có một số yêu cầu cơ bản về chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Bằng cử nhân hoặc bằng cấp cao hơn về địa chất hoặc khoa học địa chất liên quan của trường đào tạo được công nhận; Hoàn thành thành kỳ thi về Nguyên tắc cơ bản của Địa chất (Fundamentals of Geology - FG) hoặc một kỳ thi tương tự khác; Hoàn thành thành kỳ thi về Thực hành Địa chất (Practice of Geology - PG) hoặc một kỳ thi tương tự khác; Có số năm kinh nghiệm địa chất tối thiểu, đối với hầu hết các tiểu bang là 05 năm và thường dưới sự giám sát của một nhà địa chất chuyên nghiệp.

    Sau khi vượt qua kỳ thi về Nguyên tắc cơ bản về địa chất, hầu hết các tiểu bang cấp hoặc cho phép các cá nhân đăng ký chứng chỉ đào tạo nhà địa chất (Geologist-in-training certificates - GIT). Mặc dù ở nhiều tiểu bang, chứng chỉ GIT có giá trị vĩnh viễn, nhưng một số tiểu bang yêu cầu phải định kỳ gia hạn chứng chỉ.

    Ngoài các yêu cầu cấp phép cơ bản được đề cập ở trên, một số tiểu bang có các yêu cầu bổ sung như sau: Thư giới thiệu từ kỹ sư có chứng chỉ hành nghề hợp lệ; Thời gian thực tập hoặc đào tạo xác định; Kinh nghiệm bổ sung; Đáp ứng các kỳ thi khác.

    Sau khi đáp ứng các điều kiện tiên quyết để được cấp phép, cá nhân có thể bắt đầu quy trình đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề. Tùy thuộc vào từng tiểu bang, ứng viên có thể phải nộp đơn đăng ký với cơ quan cấp phép trước khi tham gia kỳ thi FG; hoặc sau khi vượt qua kỳ thi FG.

    Giống như quy trình nộp đơn, lệ phí nộp đơn cũng khác nhau tùy theo tiểu bang. Một số tiểu bang tính lệ phí riêng cho các đơn đăng ký thi, đơn xin cấp giấy phép và việc cấp giấy phép, trong khi các tiểu bang khác gộp thành một khoản phí. Ở nhiều tiểu bang, người nộp đơn phải đợi cho đến khi đơn xin cấp giấy phép của họ được chấp thuận trước khi nộp lệ phí giấy phép.

    Chứng chỉ hành nghề địa chất thường cần phải được gia hạn hàng năm hoặc hai năm một lần. Ngoài việc nộp đơn xin gia hạn và trả lệ phí gia hạn, người nộp đơn ở nhiều tiểu bang phải hoàn thành đủ thời gian đào tạo tập huấn trước khi gia hạn chứng chỉ hành nghề của họ. Phần lớn các tiểu bang yêu cầu các nhà địa chất chuyên nghiệp phải hoàn thành đủ thời gian đào tạo tập huấn trước mỗi lần gia hạn chứng chỉ hành nghề. Các yêu cầu khác nhau tùy theo cơ quan cấp phép của tiểu bang. Mặc dù không phải mọi tiểu bang đều yêu cầu các nhà địa chất phải đáp ứng yêu cầu về đào tạo tập huấn; nhưng một số tiểu bang thường yêu cầu thời gian đào tạo tập huấn từ 24 đến 30 giờ cho mỗi khoảng thời gian cấp phép hai năm một lần. Các khóa học đào tạo tập huấn giúp các nhà địa chất chuyên nghiệp cơ hội cập nhật các vấn đề của ngành.

2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Ở Việt Nam, quy định về điều kiện kinh doanh đã có nhiều thay đổi với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014. Trong thời gian qua, số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm xuống đáng kể, điều chỉnh từ 243 ngành nghề tại Danh mục của Luật Đầu tư năm 2014 xuống còn 227 ngành nghề tại Danh mục của Luật Đầu tư năm 2020. Việc thiết lập các điều kiện kinh doanh cần đảm bảo việc thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất quán với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trong các Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, các nội dung về điều kiện kinh doanh vẫn cần có nhiều sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu quản lý và hoạt động kinh doanh thương mại.

    Hiện nay, nhiều dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản được sử dụng trong rất nhiều ngành kinh tế như: điều tra địa chất đô thị, địa chất thủy văn - công trình phục vụ ngành xây dựng, công thương, giao thông vận tải; điều tra tai biến địa chất phục vụ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; điều tra di sản địa chất phục vụ du lịch; nghiên cứu về cấu trúc địa chất; lập bản đồ trường trọng lực, từ trọng lực phục vụ an ninh - quốc phòng. Qua nghiên cứu pháp luật về điều kiện kinh doanh của một số quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực tài nguyên địa chất, khoáng sản, có thể rút ra một số khuyến nghị cho Việt Nam, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, nên xem xét, xây dựng cơ chế, các quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh cho dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản ở Việt Nam như địa chất công trình, địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất… Một trong số các công cụ hiệu quả đã được nhiều quốc gia áp dụng là các quy định về chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân thực hiện dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản; đòi hỏi các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn và nâng cao năng lực hành nghề.

    Theo đó, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản thông thường phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như có trình độ, bằng cấp chuyên môn về địa chất, khai thác mỏ, thủy lợi…; có số năm kinh nghiệm tối thiểu 03 – 05 năm; và phải hoàn thành các kỳ thi và khóa tập huấn về địa chất hoặc khoa học địa chất có liên quan của cơ quan đào tạo được công nhận. Chứng chỉ hành nghề địa chất cần phải được gia hạn hàng năm hoặc định kỳ; đồng thời yêu cầu người hành nghề phải hoàn thành đủ thời gian đào tạo tập huấn trước khi gia hạn chứng chỉ hành nghề của họ. Các khóa học đào tạo tập huấn giúp người hành nghề cập nhật, bồi dưỡng các kiến thức, vấn đề mới của ngành địa chất, khoáng sản. Việc xác định thời hạn chứng chỉ hành nghề tạo ra cơ chế giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức và quá trình hành nghề của người hành nghề.

    Bên cạnh đó, cần thiết phải xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với pháp luật cũng như các thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh trong bối cảnh đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay như việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…Việc cấp chứng chỉ hành nghề cần thông qua các kỳ thi sát hạch nhằm đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản.

    Thứ hai, cần xác định rõ căn cứ thiết lập các điều kiện kinh doanh. Việc ban hành Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo bước đột phát về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh ở Việt Nam khi căn cứ để thiết lập các điều kiện kinh doanh lần đầu tiên được quy định vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

    Qua nghiên cứu trên có thể thấy, nhiều quốc gia, để thực hiện việc đảm bảo lợi ích nền kinh tế và yêu cầu của quá trình quản lý nhà nước, bên cạnh cơ chế đăng ký thành lập, đã ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh trong dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản. Các quốc gia này đều đưa ra căn cứ cần thiết để thiết lập điều kiện kinh doanh và quy định cụ thể việc quản lý như thế nào. Do đó, việc nghiên cứu, việc xác định tại sao dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản ở Việt Nam phải đáp ứng điều kiện mà pháp luật đặt ra và những điều kiện đó cụ thể là gì có vai trò thực sự quan trọng. Nếu không làm tốt việc này rất có thể sẽ tạo ra các rào cản cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường và làm giảm hiệu quả quản lý vốn có của điều kiện kinh doanh.      

TS. Mai Thế Toản

 Cục Khoáng sản Việt Nam

ThS. Phạm Ánh Huyền

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023) 

Tài liệu tham khảo

1. Luật Đầu tư năm 2014.

2. Luật Đầu tư năm 2020.

3. Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

3. Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

4. Nghị định số 520 về Quản lý năng lực thăm dò địa chất của Trung Quốc.

5. Đạo luật về Địa chất của Đài Loan.

6. Đạo luật Khai thác khoáng sản 1971 và Nghị định Khai thác khoáng sản 2020 của Nam Ôxtrâylia.

7. Geology Firm Licensing Requirements (50 State Guide).

8. https://www.harborcompliance.com/information/geology-firm-license. Truy cập ngày 31/10/2022.

9https://iclg.com/practice-areas/mining-laws-and-regulations/usa. Truy cập ngày 31/10/2022.

Ý kiến của bạn