Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hội thảo “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và hành động của chúng ta”

06/06/2022

    Ngày 3/6/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và hành động của chúng ta” với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng đến một tương lai bền vững cho nhân loại.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ để chung tay với các quốc gia trên thế giới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhiều sáng kiến, hành động, giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn, doanh nghiệp, người dân cùng với sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức quốc tế. Hội thảo lần này là diễn đàn để các chuyên gia, các đại biểu thông tin, thảo luận về các khởi xướng, các sáng kiến, mục tiêu toàn cầu và quốc gia về đa dạng sinh học, đồng thời chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm, thảo luận các cơ hội hợp tác trong tương lai nhằm nâng cao hiệu quả phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

    Theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được Diễn đàn Liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) xuất bản năm 2019, đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thuốc, năng lượng cho con người. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học trong 50 năm qua là chưa từng có trong lịch sử loài người. 14 trong 18 dịch vụ quan trọng của hệ sinh thái có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn cầu giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao, trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề môi trường, đó là suy thoái và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học vẫn còn nguy cơ bị suy giảm, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo đã có một số bài tham luận đã được trình bày như: Bối cảnh toàn cầu và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; Phục hồi hệ sinh thái rừng: Những nỗ lực và định hướng trong thời gian tới; Một số hoạt động bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã; Nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở Việt Nam. Qua đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững đa dạng sinh học, đồng thời huy động sự tham gia, hợp tác của các thành phần trong xã hội để có thể thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đã đề ra.

Vũ Hồng

 

Ý kiến của bạn