Banner trang chủ

Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường

10/05/2025

    Ngày 10/5/2025, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường (NN&MT) cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Sự kiện do Bộ NN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, nhằm quán triệt, cụ thể hóa các định hướng lớn vào thực tiễn ngành NN&MT, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị

    Hội nghị quy tụ khoảng hơn 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến, là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan Quốc hội, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO); Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR); Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI); Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI)… Hội nghị bao gồm 2 phần chính: Phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề, chia thành 4 nhóm trọng tâm: (i) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp - Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch; (ii) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản và kiểm ngư; (iii) Môi trường - Tài nguyên nước - Viễn thám; (4) Thủy lợi - Phòng chống thiên tai - Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận về định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành NN&MT. Nhân dịp này, Bộ NN&MT đã ký kết Văn bản hợp tác phát triển KHCN, ĐMST với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Vụ KH&CN, Bộ NN&MT ký kết văn bản hợp tác với các DN, hiệp hội ngành hàng. Bên lề Hội nghị là Triển lãm thành tựu KHCN tiêu biểu trong lĩnh vực NN&MT, diễn ra từ ngày 9/5, để các đại biểu tham quan, tăng cường kết nối, lan tỏa tri thức, thúc đẩy hợp tác.

    Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong phát triển nông nghiệp

   Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ là yếu tố quyết định sự PTBV, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh đó, NN&MT, hai lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được được xác định là những “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá. Thời gian qua, ngành NN&MT đã đạt được một số kết quả tích cực như triển khai nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng… Tuy nhiên, để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và BVMT, toàn ngành cần đổi mới tư duy, lấy khoa học - công nghệ, CĐS làm nền tảng phát triển.

    Kỳ vọng Hội nghị sẽ là bước khởi đầu tích cực, thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các định hướng lớn trong Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn ngành NN&MT, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi sự đồng hành, phối hợp của các địa phương, DN, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội và tổ chức quốc tế… nhằm tạo bước chuyển thực chất, bền vững cho ngành NN&MT. Đồng thời, Bộ trưởng nêu 5 nhóm nội dung trọng tâm để các đại biểu tham dự Hội nghị cùng thảo luận, bao gồm: (i) Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học - công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt; (ii) Xác định và tập trung vào những lĩnh vực khoa học - công nghệ có tiềm năng lớn như công nghệ sinh học, công nghệ gen, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên, tạo giá trị gia tăng cho ngành NN&MT; (iii) Sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học - công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh, lan tỏa tri thức ra thị trường. Việc giao nhiệm vụ khoa học sẽ chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu, gắn chặt với thực tiễn sản xuất, hướng đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; (iv) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, CĐS, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, cần có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là từ khu vực tư nhân, tham gia vào các nhiệm vụ lớn của ngành; (v) Thúc đẩy CĐS toàn diện - từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất, tiêu thụ - để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu

    Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ DN, hợp tác xã và người dân tiếp cận nhiều công nghệ mới như cảm biến giám sát độ ẩm; hệ thống tưới tự động; ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh; sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Ngoài ra, Bắc Ninh cũng khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.

    Trên cơ sở đó, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch…; xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản, xuất khẩu giá trị cao… Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu PTBV.

    Đổi mới tư duy, đẩy mạnh số hóa, lấy công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng

    Tại Phiên toàn thể, sau khi theo dõi video thực trạng, giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST, CĐS ngành NN&MT; phổ biến, tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch số 503/QĐ-BNNMT thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW… Hội nghị đã lắng nghe TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&MT trình bày những khó khăn, bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS; TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ về những họa động đồng hành cùng ngành NN&MT trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia, Bộ KH&CN trình báo cáo về một số kết quả KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Nghị quyết số 71/NQ-CP, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP. Cùng với đó là tham luận về: Công nghệ nhân bản động vật bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào Soma, định hướng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam; công nghệ chỉnh sửa gen và ứng dụng trong chọn tạo giống cây trồng; giải pháp vị trí chính xác thời gian thực DTALS phục vụ nông nghiệp thông minh và các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm nước thải công nghiệp; hiện trạng và giải pháp CĐS trong ngành NN&MT…

    Theo TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&MT, trong bối cảnh đổi mới, CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, KH&CN đóng vai trò then chốt trong PTBV ngành NN&MT. Tuy nhiên, một loạt những tồn tại và “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế tài chính, tổ chức, cũng như tư duy điều hành đang cản trở việc phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có. Một trong những vấn đề cốt lõi được các cấp lãnh đạo Bộ NN&MT chỉ rõ là sự chậm trễ trong đổi mới thể chế, nhất là những quy định liên quan đến cơ chế trọng dụng nhân tài. Mặc dù ngành đang sở hữu hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000 ha đất, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích ĐMST. Việc này đã được Bộ ghi nhận, kiến nghị chính thức gửi Bộ KH&CN để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN theo hướng cởi mở, thực tiễn hơn.

Lễ ký kết Văn bản hợp tác phát triển KHCN, ĐMST giữa Bộ NN&MT với Liên hiệp

các Hội Khoa khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 

Đại diện Lãnh đạo Vụ KH&CN, Bộ NN&MT ký Văn bản hợp tác với các DN, hiệp hội ngành hàng

    Một bất cập khác là phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý, cụ thể, ở cấp địa phương, ngân sách chi cho KHCN có thể lên tới 2% tổng chi, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện, trong khi đó, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu. Không chỉ vậy, trong tổng kinh phí dành cho KHCN, chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 46%, phần còn lại dồn vào duy trì bộ máy, lương thưởng, hành chính… Điều này đã triệt tiêu phần lớn khả năng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, cách đầu tư theo kiểu “manh mún”, dàn trải theo giai đoạn khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành, có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trong ngành được cấp khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, chỉ đủ để duy trì hoạt động cơ bản. Một rào cản lớn nữa chính là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5 - 6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, dẫn đến việc kết quả nghiên cứu sau khi được công bố không còn phù hợp thực tế, làm chậm nhịp chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Điều đáng lo ngại nữa là trong khi các quốc gia phát triển tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, thì tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực NN&MT, số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh còn rất ít, tốc độ tăng trưởng về số lượng giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học đầu ngành cũng đang có chiều hướng chững lại, thậm chí suy giảm từ năm 2024. Đặc biệt, hiện nay, các chương trình KHCN quốc gia chủ yếu do Bộ KH&CN quản lý, trong khi các Bộ chuyên ngành như Bộ NN&MT - nơi trực tiếp thực hiện, ứng dụng các kết quả nghiên cứu lại bị động trong tiếp cận nguồn lực và triển khai nhiệm vụ, khiến nhiều đề tài có tính ứng dụng cao bị chậm lại hoặc không thể triển khai.

    Từ thực tế nêu trên, Bộ NN&MT kiến nghị Chính phủ chuyển giao quyền quản lý một số chương trình KHCN quốc gia cho Bộ chuyên ngành để bảo đảm sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, Bộ đã xác định 3 trụ cột chiến lược để đổi mới hoạt động KHCN trong thời gian tới, bao gồm: Thể chế hóa các cơ chế đặc thù; tháo gỡ vướng mắc để phát huy tiềm năng nội lực; thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

    Trình bày về hiện trạng và giải pháp CĐS trong ngành NN&MT, ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục CĐS, Bộ NN&MT cho rằng, CĐS không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà bắt đầu từ sự chuyển biến trong tư duy quản lý và hoàn thiện khung pháp lý. Thời gian qua, ngành NN&MT đã có những bước đi vững chắc trong việc ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của thời đại số. Đặc biệt, là một trong những ngành có số lượng thủ tục hành chính lớn, Bộ NN&MT đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tích hợp từ Trung ương đến địa phương. Hiện có 347 thủ tục hành chính ở cấp Trung ương, 225 ở cấp tỉnh, 55 ở cấp huyện và 23 ở cấp xã đã được tích hợp và cung cấp trực tuyến. Người dân, DN ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công của ngành thông qua môi trường số, góp phần tăng tính minh bạch, giảm phiền hà và nâng cao hiệu quả phục vụ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cùng các đại biểu tham quan

các gian hàng trưng bày tại Triển lãm bên lề Hội nghị

    Hạ tầng công nghệ thông tin của ngành cũng đang được xây dựng đồng bộ, bài bản, nổi bật là việc vận hành các trung tâm dữ liệu hiện đại, điển hình như Trung tâm dữ liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (được khai trương trong năm 2024). Đến nay, Bộ đã cung cấp hơn 1.000 máy chủ, trên 9.000 CPU, hơn 20 TB RAM và khoảng 800 TB lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý. Hệ thống tài khoản dùng chung với hơn 16.300 người dùng cùng gần 10.000 chữ ký số đã tạo nên một nền tảng kết nối nội bộ hiệu quả. Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử hợp nhất toàn ngành đã chính thức vận hành từ 1/3/2025, tiếp nhận và xử lý hơn 105.000 văn bản, trong đó trên 23.400 văn bản được ký số và lưu chuyển hoàn toàn trên môi trường điện tử.

    Đối với nội dung ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào chuyên môn, ngành đang từng bước xây dựng kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ phân tích, điều hành và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý Nhà nước. Cùng với đó, công tác an toàn, an ninh mạng được đặc biệt coi trọng. Các hệ thống thông tin của ngành hiện đang được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên trách. Hiện chưa có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, các sự cố nhỏ được phát hiện và xử lý kịp thời.

    CĐS ngành NN&MT đang hướng đến ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20 - 30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành. Về các giải pháp đột phá và kiến nghị chính sách, ngành xác định một số giải pháp đột phá như hoàn thiện thể chế pháp luật về CĐS; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ…

    TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt KHCN, ĐMST và CĐS vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, nhà khoa học là lực lượng chủ lực, đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả.

    Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, đơn vị đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như NN&MT. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu DN song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần. Từ thực tiễn bối cảnh hiện này, TS kiến nghị các Bộ, ngành cần tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, BVMT. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

    TS. Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia (Bộ KH&CN) nhận định, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác lập 5 quan điểm nền tảng, trong đó đột phá về KHCN, ĐMST, CĐS được coi là động lực chính để thúc đẩy lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là yêu cầu chính trị - xã hội, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cũng như sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết để cụ thể hóa các nhiệm vụ, thể hiện tinh thần hành động khẩn trương, mang tính “cách mạng.” Đó là đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số; dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; có tối thiểu 5 DN công nghệ số đẳng cấp quốc tế; kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến 2045, đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

    Tuy nhiên, không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người, trong chuỗi giải pháp, yếu tố nhân lực, đặc biệt là nhân tài được nhấn mạnh như trụ cột phát triển, người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm. Hiện Bộ KH&CN đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CĐS nhằm làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền. Bên cạnh đó, phong trào học tập trên nền tảng số, các chương trình phổ cập kiến thức về công nghệ số cho cán bộ công chức, DN và người dân được triển khai đồng bộ, thu hút hàng chục triệu lượt tiếp cận. Hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo không thể phát triển nếu thiếu nền tảng tri thức rộng khắp, khả năng hấp thụ công nghệ của toàn xã hội. Các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cũng đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất: tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho DN và nhân tài.

Quang cảnh Phiên toàn thể

    Hành trình CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia ĐMST không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn. “Không có DN đột phá nếu thiếu người tài. Không có Chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục, chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ”, TS. Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.

    5 nhiệm vụ trọng tâm ngành NN&MT sẽ tập trung triển khai

    Sau một ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ-TW đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu chung là đưa các sản phẩm KHCN áp dụng vào sản xuất nhanh, hiệu quả nhất; đề xuất kiến tạo thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS ngành NN&MT theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, đóng góp cho sự phát triển ngành NN&MT. Các gian hàng, video trình chiếu, phóng sự tóm tắt những kết quả đạt được của ngành NN&MT là bức tranh sinh động về thành quả KHCN của các nhà khoa học, DN, bà con nông dân sáng tạo trong mỗi sản phẩm, bao trùm trên tất cả mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường;, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, viễn thám… Qua đó, thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị; hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường; tạo sự đột phá trong thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, số hóa; hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chắp cánh cho nông sản Việt có mặt tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

    Hội nghị đã chứng kiến Lễ Ký kết các Văn bản hợp tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong ngành NN&MT; các hoạt động ký kết về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao sản phẩm khoa học với DN, hiệp hội. Đây là những hạt nhân, hình mẫu để trong thời gian tới có nhiều sản phẩm KHCN được kết nối với DN, hiệp hội, hợp tác xã, người dân, để KHCN áp dụng vào sản xuất nhanh và hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, hướng tới xây dựng một nền NN&MT phát triển nhanh, hiện đại, bền vững. Đặc biệt, trong 4 phiên thảo luận chuyên đề, nhiều ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, trách nhiệm, cụ thể, không chỉ phản ánh khó khăn về thể chế, cơ chế tài chính hay cách thức tổ chức nghiên cứu, mà quan trọng là các đại biểu đã chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ, đó chính là tinh thần cần có để chuyển biến từ chủ trương sang hành động.

    Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, thành công của Hội nghị không chỉ dừng lại ở những phát biểu sâu sắc, sản phẩm ấn tượng hay thỏa thuận ký kết hợp tác. Thành công thực sự là ở chỗ chúng ta đã cùng thống nhất một tầm nhìn chung, một tinh thần hành động chung, một cam kết đổi mới toàn ngành. Chúng ta thống nhất nhận thức rằng: “KHCN, ĐMST, CĐS ngày nay giữ vai trò then chốt trong phát triển ngành NN&MT nhanh và bên vững”. Bộ NN&MT sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị để tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, từ đó đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển hiệu quả hoạt động KHCN, ĐMST, CĐS, phù hợp với thực tiễn, tạo đột phá mới cho ngành NN&MT trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

    Trên cơ sở tổng hợp nội dung tham luận, ý kiến và định hướng chung, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành NN&MT sẽ tập trung triển khai ngay sau Hội nghị:

    Thứ nhất, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp. Đồng thời, có cơ chế linh hoạt hơn trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

    Thứ hai, tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả và tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối DN; thúc đẩy mô hình “vườn ươm đổi mới sáng tạo”, kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia ngành nông nghiệp và môi trường trong và ngoài nước.

    Thứ ba, đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN để các nhiệm vụ nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của người dân và DN; xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để mời gọi sự tham gia rộng rãi của các chủ thể - không phân biệt công - tư.

    Thứ tư, tập trung đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn. Song song đó, có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức giỏi để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực sáng tạo năng động, gắn bó với ngành.

    Thứ năm, CĐS toàn diện và thực chất, không chỉ dừng lại ở số hóa thông tin mà đẩy mạnh xây dựng các nền tảng quản trị dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và các hệ thống dự báo thông minh. Nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, nơi kết nối nhà nghiên cứu với DN, hợp tác xã, nhà đầu tư.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn