Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới: Chìa khóa giúp Thanh Oai thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

06/11/2020

    Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng đồng thời giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, nhằm phục vụ tốt nhu cầu người dân. Với việc tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, khí hậu, nhân lực, vùng đất Thanh Oai (TP. Hà Nội) đang đổi thay từng ngày nhờ những mô hình chuyển đổi hiệu quả, phát triển theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường như trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Đây là cơ sở quan trọng giúp Thanh Oai thực hiện mục tiêu năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM).

Nhờ xây dựng NTM, quê hương Thanh Oai đang đổi mới từng ngày

    Là một huyện của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mảnh đất Thanh Oai anh hùng rất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Ngày nay, huyện Thanh Oai cũng cho thấy tiềm năng, thế mạnh rất lớn của mình. Có thể kể đến như 51 làng nghề truyền thống, giao thoa với “đất trăm nghề” Thường Tín, có 2 con sông lớn chảy qua (sông Nhuệ, sông Đáy), đặc biệt lại rất gần với trung tâm thành phố Hà Nội (khoảng 20 km) với hệ thống giao thông thuận lợi. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thanh Oai luôn đồng lòng, đồng sức để xây dựng quê hương giàu đẹp bền vững. Minh chứng là sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, huyện Thanh Oai đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã NTM nâng cao. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí xây dựng NTM huyện đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa Asphalt; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2 m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Cùng với đó, thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, địa phương đã đạt những kết quả khả quan, với giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2019 đạt 1.711 tỷ đồng; 99% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn; nhiều diện tích lúa được cấy bằng máy thẳng tắp…

Các em học sinh Trường THCS Thanh Mai tích cực tham gia quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm vào Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần

    Đối với lĩnh vực trồng trọt, Thanh Oai luôn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ chủ động trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa trung ngắn ngày, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (IPM), chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (ICM) nên năng suất cây trồng khá cao, tăng dần qua các năm. Hiện Thanh Oai đang phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn, với 141,99 ha tập trung tại thị trấn Kim Bài, Kim An, Xuân Dương, Tam Hưng, Dân Hòa, Hồng Dương, Bình Minh..., mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân so với sản xuất lúa, rau thông thường. Cùng với đó, Thanh Oai cũng đẩy mạnh mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC, với 5 mô hình điểm về trồng trọt: Lúa Vietgap (xã Tam Hưng), mô hình hoa lan nhân cấy mô, trồng dưa ứng dụng công nghệ cao (xã Thanh Cao), trồng lan hồ điệp ứng dụng CNC (xã Mỹ Hưng), trồng rau hữu cơ an toàn ứng dụng CNC (các xã Dân Hòa, Hồng Dương). Năm 2019, huyện Thanh Oai có 11 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm gạo (Bắc thơm số 7, nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng); 9 sản phẩm từ lợn của Hợp tác xã Hoàng Long (thịt lợn, xương lợn, các loại giò, chả...). Để hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp ứng dụng CNC, huyện Thanh Oai đã xây dựng đề án cơ giới hóa hỗ trợ các xã 32 máy làm đất, 3 máy gặt, 3 máy cấy, 25 máy phun thuốc trừ sâu, 1 dây chuyền mạ khay, với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng và hỗ trợ giá giống lúa, phòng trừ dịch bệnh cây trồng cho bà con.

Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long xây dựng chuỗi sản phẩm lợn sinh học an toàn từ A-Z

    Về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển theo hướng hiện đại, sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học. Hiện Thanh Oai đã xây dựng được 10 mô hình sản xuất ứng dụng CNC gồm: Chăn nuôi lợn VietGAP, nuôi vịt VietGAP, mô hình nuôi ếch và tôm càng xanh, nuôi cá VietGAP...  Đồng thời, xây dựng được 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long; sản xuất và tiêu thụ trứng vịt Liên Châu. Một số mô hình chăn nuôi hiệu quả khác có thể kể đến: Nuôi ba ba ở (xã Liên Châu), nuôi cá chép theo hướng hữu cơ (xã Hồng Dương), nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines (xã Thanh Thùy)... Các mô hình này mang lại thu nhập cho người nông dân trung bình 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/mô hình.

    Là một trong 12 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện Thanh Oai, vườn hoa lan hồ điệp của anh Ngô Minh Trưởng (xã Mỹ Hưng), với diện tích 1.500 m2, quy mô 45.000 cây mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Tại đây, lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Năm 2019, vụ lan đầu tiên anh Trưởng trồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thu 3,6 tỷ đồng. Năm 2020, anh Trưởng tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới lên 2.500 m2, trồng gần 80.000 cây lan hồ điệp. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng. Nhận thức được điều đó, anh Ngô Minh Trưởng đã hướng đến trồng hoa an toàn, không sử dụng thuốc BVTV. Hiện vườn lan sinh trưởng, phát triển tốt, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ. Điểm thuận tiện là khi thu hoạch ở Thanh Oai, chở ra nội đô chỉ mất 2 giờ xe chạy nên hoa lan rất tươi, không bị dập nát, có sức cạnh tranh cao. Đây là mô hình nhỏ nhưng hiệu quả lớn, phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô, được huyện Thanh Oai khuyến khích nông dân nhân rộng, với việc hỗ trợ đơn vị khoảng 400 triệu đồng mua giống và đưa công nghệ vào sản xuất.

Nhân công thường xuyên kiểm tra nhiệt độ tại khu màng, nhà lưới tại vườn hoa lan hồ điệp của anh Ngô Minh Trưởng

    Một mô hình mới được Sở NN&PTNT Hà Nội đưa về thực hiện tại xã Liên Châu, là nuôi ếch thương phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh. Có 2 hộ dân ở xã Liên Châu được chọn tham gia mô hình với quy mô nuôi 45.000 con ếch trên diện tích 1.500 m2. Ông Nguyễn Trọng Hải - Hộ tham gia mô hình cho biết, nuôi ếch ứng dụng công nghệ vi sinh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bệnh dịch và cho năng suất cao hơn 20% so với nuôi ếch thông thường. Sau từ 2,5 - 3 tháng, ếch thương phẩm có trọng lượng 255 - 300g/con, mỗi năm nuôi được 2 lứa (từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm). Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, mô hình mở ra hướng chăn nuôi mới, tạo ra dòng sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

    Cùng với nhiều huyện ven đô, Thanh Oai có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do vậy, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp CNC được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, hình thành nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của Thanh Oai. Từ hiệu quả của việc ứng dụng CNC, Thanh Oai đang khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ nông dân nhân rộng loại hình sản xuất này nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập, góp phần xây dựng NTM tại địa phương... Thời gian tới, Thanh Oai sẽ tiếp tục chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp, ứng dụng CNC; khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư;. Đồng thời, tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng, có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn tại các siêu thị, chợ, khu dân cư tập trung, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn nông dân đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, CNC vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đầu tư các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất…

Đỗ Hương

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội)

Ý kiến của bạn