Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

TS. Lê Xuân Sinh: Cần có những chính sách hỗ trợ để các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực môi trường biển gắn bó với nghề

06/10/2022

    Giải thưởng Môi trường Việt Nam được tổ chức xét tặng 2 năm một lần nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những đóng góp to lớn về công sức, trí tuệ, cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Là một cá nhân có đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, TS. Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện cùng TS. Lê Xuân Sinh về những công trình/giải pháp mà anh đã triển khai trên thực tế, góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng thời gian qua.

TS. Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021

    PV: Xin anh cho biết đôi nét về công việc hiện đang đảm nhiệm tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển?

    TS. Lê Xuân Sinh: Từ năm 2003 đến nay, trải qua nhiều năm học tập và công tác, hiện nay, tôi đang công tác tại phòng Hóa học môi trường biển của Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Bắt đầu từ hướng nghiên cứu độc học, nghiên cứu các hành vi ô nhiễm trong môi trường biển tích lũy trong sinh vật để đưa ra những khuyến cáo phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu thủy - hải sản. Sau đó, tiếp cận với các mô hình kinh tế bền vững như mô hình kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng cho các vùng ven biển và hải đảo, góp phần nâng cao đời sống cho ngư dân ven biển. Bên cạnh đó, phụ trách quản lý phòng thí nghiệm (VLAT-1.0536) để tiến hành quan trắc môi trường biển, các công tác liên quan đến dịch vụ hàng hải (phân tích chất thải từ tàu, nước dằn tàu). Các lĩnh vực phụ trách nói trên là một trong các định hướng mũi nhọn nằm trong định hướng phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Các kết quả nghiên cứu đã vinh dự được nhận 02 giải thưởng danh giá: Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.Hải Phòng lần thứ 3, năm 2020 - 2021 theo Quyết định số 2855/QĐ-UBND thành phố Hải Phòng ngày 04/10/2021 và Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 theo Quyết định số 1695/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 29/7/2022.

    PV: Là nhà nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường biển, vậy anh có thể điểm qua một số công trình/giải pháp về hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng thời gian qua?

    TS. Lê Xuân Sinh: Tôi đã tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến độc học môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quan trắc tàu biển, cụ thể: Năm 2010 - 2011, Chủ nhiệm đề tài cấp VAST: “Đánh giá khả năng tích tụ các chất ô nhiễm có tính độc trong đặc sản bãi triều tại khu vực Đông bắc Bắc bộ”. Năm 2016 - 2017, Chủ nhiệm đề tài cấp VAST: “Nghiên cứu ảnh hưởng của nền đáy, độ mặn, nhiệt độ và thời gian phơi bãi đến mức độ phát triển và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất nghề nuôi ngao Bến Tre Meretrix lyrata (Sowerby, 1851)”. Năm 2017 đến nay là thành viên quan trắc, trạm quan trắc môi trường biển phía Bắc (Thành viên tham gia quan trắc và theo dõi diễn biến kim loại nặng trong nước biển từ vùng biển Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Cửa Lò (Nghệ An)).

    Năm 2017 - 2021, Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20. Đây là đề tài xây dựng mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo ven biển Việt Nam. Đề tài đã được bảo vệ thành công và xác nhận theo quyết định 1557/QĐ- BKHCN ký ngày 15/6/2021. Đây là đề tài đã giúp tôi định hướng nghiên cứu theo chiến lược tăng trưởng xanh, đưa các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư vùng ven biển.

TS. Lê Xuân Sinh tại buổi báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu

    Hiện tại, có 86 công trình của tôi và cộng sự đăng tải trên các tạp chí quốc gia, quốc tế và sách chuyên khảo đã đóng góp các kết quả nghiên cứu khoa học giúp phát triển tăng trưởng xanh cho cộng đồng dân cư ven biển, một trong những cộng đồng đang cần phát triển kinh tế xanh. Đây là cộng đồng dân cư cần có mô hình thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các công trình nghiên cứu đã được trích dẫn thảm khảo với chỉ số cao khi đăng ở researchgate.net.

    Ngoài ra, tôi cũng tham gia các hoạt động truyền thông về môi trường cho các em học sinh tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Tham gia các buổi tọa đàm về BVMT trong các chương trình truyền hình về hướng dẫn các hoạt động phân loại và xử lý rác tại nhà, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo; tham gia dự án Dấu chân xanh…

    PV: Được biết, nhiều đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam” đã thực hiện thành công việc xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một xã đảo với các bước thực hiện cụ thể. Vậy anh có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai đề tài này cũng như việc triển khai nhân rộng mô hình kinh tế xanh ở các vùng dân xã đảo ven biển khác trên cả nước?

    TS. Lê Xuân Sinh: Có thể nói, đây là một đề tài cấp Nhà nước được các tỉnh/thành ven biển quan tâm, vì nó đưa ra một mô hình kinh tế xanh theo hướng bền vững giúp cho các xã đảo ven bờ, ven biển phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những thuận lợi và khó khăn nhất định, cụ thể:

    Về thuận lợi, xuyên suốt quá trình xây dựng các mô hình kinh tế xanh cho các đảo đại diện cho ba miền Việt Nam, nhóm tác giả đã nhận thấy có nhiều thuận lợi như sau:

  1. Nhóm tác giả là tập hợp của các nhà khoa học với nhiều chuyên môn khác nhau từ đó góp phần kiến tạo nên các mô hình kinh tế xanh phù hợp với từng khu vực nghiên cứu;
  2. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như nhà khoa học – nhà quản lý – doanh nghiệp và đặc biệt chính người dân sinh sống trên các đảo nghiên cứu;
  3. Việc xây dựng các mô hình kinh tế xanh cho các đảo rất phù hợp với yêu cầu của thực tế, đáp ứng được những mong mỏi cấp thiết của các khu vực nghiên cứu, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các hoạt động chuyên môn của nhóm nghiên cứu.

    Song hành với các thuận lợi được đề cập ở trên, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một số khó khăn chính trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế xanh cho các đảo như:

  1. Cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế xanh cho đảo còn chưa nhiều, vẫn mang tính tổng quát... chưa đạt được hiệu quả vận hành khi xuống các cấp độ hành chính thấp (ví dụ xã đảo);
  2. Hạn chế về nguồn vốn thực hiện nghiên cứu phần nào đó đã kìm hãm sự hiệu quả trong việc xây dựng các mô hình kinh tế xanh phù hợp và tối ưu nhất cho các khu vực nghiên cứu;
  3. Nhận thức về kinh tế xanh và ý thức bảo vệ tài nguyên – môi trường của phần lớn cộng đồng dân cư sống trên đảo còn thấp dẫn tới quá trình xây dựng các mô hình kinh tế xanh tại đây chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng;
  4. Đó là tính liên kết giữa đảo và đất liền chưa gắn kết, đặc biệt phụ thuộc điều kiện thời tiết nên là trở ngại lớn trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế xanh cho các đảo. Bên cạnh những thuận lợi trên, để triển khai thành công đề tài này, chúng tôi gặp một số khó khăn như: Đảo và đất liền có một khoảng cách dẫn đến tính liên kết lỏng lẻo, đặc biệt trong điều kiện thời tiết cực đoan (gió mùa, bão). Cơ sở vật chất của các xã đảo còn nghèo nàn, thiếu điện lưới quốc gia và nguồn nước sạch chưa đủ cung cấp. Trong khi đó, nguồn vốn tài chính và nguồn nhân lực đang còn hạn chế so với đất liền. Thiếu những nghiên cứu về mô hình kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, các đảo dễ bị tổn thương vì sự di chuyển dân vào đất liền. Điều này đang diễn ra hằng ngày khiến cho nguồn nhân lực tại đảo đã thiếu và yếu càng giảm về số lượng và chất lượng.

Giới thiệu cách thu hồi pin cho học sinh trường Tiểu học Việt Hải, xã Việt Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng

    PV: Hiện nay vấn đề môi trường biển đang bị đe dọa, các hoạt động của con người dẫn đến gia tăng chất thải, nhất là chất thải nhựa đại dương làm suy giảm hệ san hô, chất lượng thủy sản và các sinh vật biển khác… Vậy anh có tham mưu, đề xuất các giải pháp để từng bước nâng cao nhận thức về vấn đề trên?

    TS. Lê Xuân Sinh: Để giảm thiểu chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, vì thế cần triển khai các mô hình cấm rác thải nhựa đưa ra đảo như mô hình mà đề tài KC.08.09/16-20 đã triển khai tại xã đảo Việt Hải; Kế hoạch số 193/KH-UBND, ngày 8/8/20019 “Hành động để giảm thiểu rác thải nhựa và nylon, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019 -2010 trên địa bàn huyện Cát Hải.

    Tiến hành các mô hình phân loại rác tại các xã đảo để giảm lượng rác đưa ra môi trường như xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng phương pháp ủ phân hữu cơ, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

     Để tránh suy giảm hệ sinh thái san hô cần tiến hành các mô hình du lịch thân thiện như thuyền đáy kính để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách du lịch và san hô.

    Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và hướng đến khai thác thủy hải sản bền vững, không sử dụng các công cụ đánh bắt hủy diệt như chã điện, súng điện, mìn, hóa chất độc hại (xyanua); Áp dụng triệt để các quy định của Bộ NN&PTNT về kích thước mắt lưới, không khai thác vào mùa cá sinh sản và hướng đến đánh bắt xa bờ, tránh khai thác ở các vùng rạn san hô, chân đảo vì đây là nơi cư trú của các nguồn giống hải sản.

    Cần phải triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường ở các vùng bờ, vùng cửa sông để hạn chế rác thải đưa vào môi trường biển theo dòng hải lưu đe dọa đến các vùng biển, vùng hải đảo. Nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, các đơn vị chức năng, ban ngành và ngư dân tham gia vào các hoạt động kinh tế biển.

    PV: Là nhà khoa học trẻ, anh có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để các nhà khoa học đóng góp công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận nền tảng khoa học, chuyển giao và làm chủ những công nghệ mới, của thế giới vào công tác quản lý, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?

    TS. Lê Xuân Sinh: Nhằm nâng cao công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực BVMT biển, tôi có một số các kiến nghị với cơ quan chức năng như sau:

    Thứ nhất, cần kéo dài thời gian nghiên cứu của các công trình nghiên cứu từ 5 -10 năm để góp phần đưa kết quả đi sâu vào đời sống và có thời gian để đánh giá được hiệu quả của các công trình nghiên cứu.

    Thứ hai, cần trang bị các công cụ, thiết bị nghiên cứu tiên tiến của thế giới áp dụng vào lĩnh vực BVMT nói chung và lĩnh vực BVMT biển nói riêng để xác định chính xác các quy luật của tự nhiên và các quy luật của xã hội để đưa ra các dự báo, định hướng phát triển cho phù hợp.

     Thứ ba, có những chính sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường biển để các nhà khoa học trẻ gắn bó với nghề.

    PV: Xin cảm ơn TS!

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2022)

Ý kiến của bạn