Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ môi trường

10/12/2021

      Tại Điều 158, Luật BVMT 2020 đã quy định các quyền và trách nhiệm cụ thể như: Mỗi công dân đều phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về BVMT và tham gia các hoạt động BVMT. Cùng với đó công dân đều có quyền dược cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT, tham vấn đối với dự án đầu tư, tư vấn, phản biện về BVMT; Tham gia hoạt động kiểm tra về BVMT; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Đặc biệt, nhờ có các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, phản biện xã hội về chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường; vận động và tư vấn chính sách về môi trường. Ngoài ra, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc BVMT; Giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT; Xây dựng hệ thống quy định về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội (TCXH) trong BVMT. Đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội trong BVMT. Quyền của các cá nhân và TCXH trong BVMT. Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về BVMT cho cộng đồng và toàn xã hội.

    Đặc biệt, nhận thức được BVMT và phát triển bền vững là vấn đề mang tính sống còn của phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp Công đoàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ đoàn viên và người lao động mà còn hướng tới các chủ doanh nghiệp trong việc giữ gìn và BVMT, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó có một số hoạt động nổi bật như:

    Công tác chỉ đạo và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BVMT: Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã triển khai thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chị thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng ngay từ năm 2021; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các LĐLĐ tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn triển khai thực hiện công tác BVMT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả về BVMT cho đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động như: Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong tình hình mới; Triển khai Chương trình phối hợp số 02/CTrPH-BTNMT-TLĐLĐVN ngày 16/4/2018 giữa Bộ TN&MT và Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc phối hợp góp phần bảo vệ TN&MT, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018-2023.

Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2021” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức ngày 9/11/2021

    Về việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật về BVMT: Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia xây dựng Luật BVMT sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT như Nghị định, Thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về BVMT nhằm tăng cường tính pháp chế và hiệu lực quản lý Nhà nước về BVMT. Bên cạnh việc tham gia xây dựng các văn bản về BVMT, Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia xây dựng báo cáo và đề xuất một số nhiệm vụ BVMT năm 2021 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực góp phần BVMT, như tổ chức trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan Xanh – Sạch – Đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại ra môi trường…. Một số LĐLĐ tỉnh, thành phố đã ký Nghị quyết liên tịch với Sở TN&MT về việc phối hợp hành động BVMT như Long An, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị và nhiều địa phương khác trên toàn quốc.

    Với nhận thức rằng, BVMT là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn tuyên truyền thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác BVMT. Nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục được tổ chức, nhiều phong trào thi đua được phát động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về BVMT của người lao động và đoàn viên công đoàn. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để trang bị các kiến thức về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về BVMT, với nhiều hoạt động đa dạng: Mít tinh, hội thảo, triển lãm, treo băng rôn, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu nơi công sở, cơ quan, doanh nghiệp, làm vệ sinh môi trường, phát động phong trào bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc cây xanh; tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức giữ gìn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tu bổ nâng cấp các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường…

    Đặc biệt, năm 2021, trong Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến thay vì thực hiện các hoạt động tập trung đông người như: Truyền thông trên các kênh báo chí, truyền thanh, truyền hình, trang website của tổ chức Công đoàn, Zalo, Facebook công đoàn, YouTube, Cổng thông tin điện tử của hệ thống Công đoàn Việt Nam. Nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của mình đã sáng tạo, đổi mới lựa chọn các hình thức thực hiện phù hợp như: Treo pano, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến các nội dung về BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí tại các khu vực trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp và các địa điểm phù hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa với sự tham gia rộng rãi của đoàn viên và người lao động trong bối cảnh cả nước đang phòng chống dịch COVID-19. Để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và BVMT; phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giữ gìn cảnh quan doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, năm 2021, các cấp công đoàn đã tổ chức được 6 cuộc thi; in và phát hành 602.393 tờ gấp, băng rôl, khẩu hiệu, áp phích về công tác BVMT; có 11.583 buổi phát thanh truyền hình, chương trình tọa đàm, tập huấn, phổ biến kiến thức; có 3.279 bản tin, bài, phóng sự, lượt qua loa tại doanh nghiệp về BVMT để tuyên truyền đến 424.779 đoàn viên và người lao động. Tổ chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, cơ quan, nơi làm việc, khu vực công cộng, vệ sinh đường phố khu dân cư, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh được 1.794.121 km, đường giao thông, tại các điểm về môi trường được gần 900 km làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn; hỗ trợ 669 thùng rác và thu gom, vận chuyển được và xử lý 800.831 tấn chất thải, rác thải nguy hại, chất thải sinh hoạt; phát hơn 350.000 túi thân thiện môi trường để đi chợ mua sắm, hạn chế sử dụng túi nilong; Phun thanh khiết, khử khuẩn môi trường trên 15.200 m2 cùng với nhiều thành tích khác.

    Trong những năm qua, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện nhiều Chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ và các nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về BVMT, như triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở phương pháp xác định bụi PM10 và PM2.5 trong không khí môi trường xung quanh bằng phương pháp trọng lượng; quy trình xác định các hợp chất POPs mới như PBDEs trong các mẫu môi trường; điều tra đánh giá hiện trạng công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động và BVMT trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, đề xuất quy chế hợp nhất công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động và BVMT…

    Hàng năm, Tổng Liên đoàn đã xây dựng Kế hoạch phối hợp và triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu và an toàn, vệ sinh lao động (năm 2020 tại 3 tỉnh, thành phố cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu và an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp gắn với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thành ủy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm triển khai chỉ đạo, tổ chức thực hiện với những kết quả tích cực như: Chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp đều đã có biện pháp giảm thiểu và xử lý trước khi thải ra môi trường; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức trong cán bộ, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác BVMT. Hoạt động giám sát về BVMT từng bước hoàn thiện ở các LĐLĐ địa phương và Công đoàn ngành đều đã thành lập các đầu mối quản lý môi trường nhằm góp phần nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

    Nhìn chung, những năm gần đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày càng tham gia chủ động hơn trong phản biện và vận động chính sách liên quan tới môi trường. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT đều có ý kiến đóng góp, phản biện của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt là các văn bản quan trọng như: Luật BVMT, Luật Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học… cùng các Nghị định, Thông tư và văn bản dưới luật khác. Qua đó, góp phần đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và BVMT.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn