Banner trang chủ

Tổng kết dự án Phát triển dự án tín chỉ các-bon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải

04/12/2024

    Nhằm chia sẻ các bài học và kinh nghiệm rút ra từ quá trình phát triển dự án tín chỉ các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng thời, giới thiệu dự án thí điểm do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Selex Motors triển khai trong phát triển ứng dụng giao thông xanh tại Việt Nam, ngày 3/12/2024, tại Hà Nội, UNDP phối hợp cùng Selex Motors tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án Phát triển dự án tín chỉ các-bon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải tạo động lực tài chính cho phát triển các giải pháp giao thông phát thải thấp”.

Toàn cảnh Hội thảo

    Trong khuôn khổ Dự án trên, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện - Selex Motor để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ các-bon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard). Đây là nỗ lực tiên phong nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ các-bon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam. Dự án thí điểm đặt mục tiêu đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng phát thải trong những năm tới nếu không có các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

    Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Tại Hội nghị COP29 vừa qua, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu và nhất trí về các quy tắc cho thị trường carbon toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tín chỉ các-bon, khuyến khích các quốc gia giảm phát thải, đầu tư vào các dự án xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, với mục tiêu đầy tham vọng là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050. Dự án thí điểm này không chỉ góp phần vào mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo động lực tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Bước đầu đã ghi nhận những kết quả đạt được từ dự án, bao gồm: Khung chính sách và quy định, hỗ trợ phát triển 4 tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức đối thoại các chính sách cao cấp; Hoạt động đào tạo, giúp nâng cao năng lực cho hơn 200 người, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của phụ nữ...

    Bên cạnh đó, việc thí điểm và hỗ trợ tài chính, đã được thực hiện tại nhiều địa phương và triển khai chương trình vay ưu đãi giúp 325 người dân tiếp cận xe máy điện; đồng thời, đánh giá và theo dõi giảm phát thải, báo cáo kỹ thuật và các thử nghiệm hệ thống đăng ký ITMOs đã tạo nền móng cho các dự án trong tương lai. Những thành công của dự án không chỉ dừng lại ở các con số mà còn là bài học kinh nghiệm quý giá để mở rộng các sáng kiến giao thông xanh và xây dựng chính sách hiệu quả hơn.

    Thời gian qua, UNDP Việt Nam rất nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển xanh - các-bon thấp thông qua xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, UNDP tập trung vào các nhóm hưởng lợi chính như: Nhóm nông dân, công dân, hộ gia đình, người nghèo, cận nghèo dễ bị tổn thương… để hỗ trợ người dân thích ứng với thiên tai và khí hậu; phát triển xanh và các-bon thấp; kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa; đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên; sức khoẻ và khí hậu… Theo đó, UNDP phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc hỗ trợ chính sách, nâng cao năng lực liên quan đến đầu tư tài chính, đưa ra các chính sách chung thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; nghiên cứu, hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm phát thải KNK cho các nhà máy điện than, đánh giá các phương án trong chuyển đổi các nhà máy điện than; nghiên cứu đánh giá về cơ hội, chính sách phát triển thị trường các-bon Việt Nam phù hợp với các yêu cầu quốc tế…

    Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển các-bon thấp tại Việt Nam, UNDP sẽ phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, phát triển Chương trình quốc gia về phát triển giao thông thân thiện với môi trường; xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ - lồng ghép hạ tầng giao thông điện; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; Kiến nghị mô hình quản lý xe hai bánh và đối thoại chính sách cấp quốc gia, cấp tỉnh; các lớp đào tạo về chính sách, kỹ thuật… Đồng thời, đối với các hoạt động thí điểm, cần tổ chức thí điểm cơ chế tín dụng nhỏ cho vay mua xe máy/ đạp điện tại các thành phố: Huế, Tuy Hòa và TP. Hồ Chí Minh; sử dụng xe tải điện thu gom rác tại TP. Huế và Quy Nhơn; thí điểm sử dụng pin năng lượng mặt trời tại các trạm sạc xe điện tại Huế; tổ chức các Chương trình truyền thông với Sinh viên các trường đại học Đoàn Thanh niên TP. Hồ Chí Minh…

    Tại Hội thảo, UNDP và các đối tác đã trình bày về những kết quả nổi bật của Dự án, bao gồm: Hỗ trợ thiết lập khung phát triển dự án tín chỉ các-bon cho phương tiện giao thông điện; Thúc đẩy phát triển giao thông phát thải thấp thông qua tài chính khí hậu; Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng với hơn 200 người đã tham gia các chương trình đào tạo và hội thảo về thị trường các-bon và các giải pháp giao thông vận tải phát thải thấp. UNDP cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu khí hậu quốc gia, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan chia sẻ bài học, thảo luận những thách thức và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam.

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn