Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tiềm năng phát triển du lịch bền vững ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình

03/02/2021

     Khu bảo tồn Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang) có tiềm năng rất lớn để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và cộng đồng. Lợi thế của nơi đây là hệ môi trường sinh thái tự nhiên rừng nguyên sinh có sự đa dạng sinh học cao, cộng đồng dân tộc đa dạng, giàu bản sắc văn hóa. Việc giữ gìn và khai thác hợp lý những nguồn lực tài nguyên này đóng vai trò then chốt để phát triển du lịch bền vững nơi đây.

     Tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn - cơ sở cho sự phát triển du lịch bền vững của Khu bảo tồn Na Hang – Lâm Bình

     Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình nằm trên địa bàn 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Na Hang và Lâm Bình có diện tích trên 40.000ha, trong đó có 33.000ha diện tích đất rừng và khoảng 8.000ha mặt nước vùng lòng hồ (Khu du lịch sinh thái Na Hang nằm trong khu bảo tồn được quy hoạch có diện tích 15.000ha, tuy nhiên theo quan điểm chúng tôi thì nên coi toàn bộ khu bảo tồn như một tổng thể, trong đó khu được quy hoạch chỉ là một bộ phận trong đó). Hiện, khu bảo tồn có trên 21.000ha rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý… Tuy chưa điều tra đầy đủ nhưng khu bảo tồn bước đầu đã ghi nhận được 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loại lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ, lăng, chiên, bỗng. Nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới. Tại đây có 8 loài khỉ, trong đó voọc mũi hếch, voọc đen má trắng thuộc loại quý hiếm. Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.

     Hồ Na Hang - Lâm Bình là một trong những hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc với trữ lượng lên tới 2 tỷ mét khối nước, là nơi hội tụ của 2 con sông: sông Gâm và sông Năng, cảnh tượng thiên nhiên kì vĩ với 99 ngọn núi bao bọc xung quanh là sự kết hợp tuyệt vời của núi non, sông nước tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo hấp dẫn du khách. Thế mạnh của vùng lòng hồ Na Hang - Lâm Bình so với các địa phương có hồ thủy điện khác là có những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn tương đối tốt, trải dài ven triền sông hồ kiến tạo một cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kì thú. Bên cạnh đó, khu vực này còn có các thác nước Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, có hòn Cọc Vài, động Song Long, hang Phia Muồn… là những điểm đến hấp dẫn du khách.

     So sánh lợi thế với các địa phương khác ở miền Bắc Việt Nam thì Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình thực sự là một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quí giá để khai thác các loại hình sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch xanh, du lịch cộng đồng.

     Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, Khu bảo tồn Na Hang - Lâm Bình còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn để khai thác làm sản phẩm du lịch. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc như Nùng, Tày, Sán Dìu, Pà Thẻn… hiện còn bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình và đây là nguồn tài nguyên nhân văn rất có giá trị, phù hợp để khai thác loại hình du lịch cộng đồng.

     Đến đây, du khách có thể cùng ở với người dân để trải nghiệm phương thức mưu sinh như: lao động, sản xuất, săn bắt, khai thác sản vật của rừng; thưởng thức văn hóa ẩm thực đa dạng của các dân tộc như: cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…; thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật trình diễn của các dân tộc như: hát then, hát lượn của người Tày, người Nùng, múa nhảy lửa của người Pà Thẻn, hát páo dung của người Dao… và hòa mình vào những lễ hội truyền thống... Ngoài ra, những kiến trúc nhà ở, công trình thờ phụng tâm linh và đặc biệt là những cảnh quan do con người kiến tạo trong quá trình lao động sản xuất như: ruộng bậc thang, mùa lúa chín, mùa đổ nước cũng là những sản phẩm đặc sắc để khai thác du lịch.

Thiên nhiên kỳ vĩ vùng Na Hang - Tuyên Quang

     Khu bảo tồn Na Hang - Lâm Bình là một trong những điểm sở hữu nguồn tài nguyên du lịch giàu tiềm năng còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn để xây dựng loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững. Vấn đề ở đây là cần phải có những bước đi cụ thể, có chiến lược bài bản để hoàn thành được mục tiêu đề ra. Có lẽ hiểu được tầm quan trọng của việc đó, năm 2017 tỉnh Tuyên Quang đã thông qua đề tài: “Nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới”.

     Một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển du lịch bền vững ở Khu bảo tồn Na Hang - Lâm Bình

     Để giữ gìn được hệ sinh thái tự nhiên nơi đây, phát huy được lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nhằm phát triển du lịch bền vững trong tương lai, thiết nghĩ  huyện Na Hang - Lâm Bình cần chú trọng những vấn đề sau đây:

     Thứ nhất, coi hệ sinh thái tự nhiên như một sản phẩm du lịch quan trọng, đặc thù của Na Hang - Lâm Bình

      Hiện nay ở Việt Nam không có nhiều địa phương có được khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú như  nơi đây. Tài nguyên rừng đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái, tạo ra giá trị cao cho sản phẩm du lịch, đặc biệt là với các loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng mà tỉnh Tuyên Quang định hướng phát triển cho Na Hang - Lâm Bình. Hiện nay, diện tích rừng trong khu bảo tồn là 33.000ha, trong đó rừng đặc dụng có khoảng 21.000ha. Khai thác hoạt động du lịch phải gắn với việc bảo vệ rừng, tránh tình trạng như nhiều địa phương khác phát triển nóng về du lịch, vì lợi ích trước mắt đã để nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong vùng rừng sinh thái, điều này lợi bất cập hại, không những phá vỡ cảnh quan thiên nhiên - giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch sinh thái mà còn ảnh hưởng nhất định đến môi trường sinh sống của các loài động thực vật trong khu bảo tồn. Không chỉ bảo vệ rừng trong khai thác du lịch, các cơ quan chức năng còn phải làm tốt công tác bảo vệ rừng trước nạn phá rừng của lâm tặc cũng như việc khai thác lâm sản tùy tiện của cư dân cộng đồng trong địa bàn quản lý. Hiện nay, vấn nạn khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra nhiều nơi ở Tuyên Quang với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, vì vậy cần có những chế tài, những biện pháp đủ mạnh để bảo vệ những cánh rừng đặc dụng. Năm 2018 Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang -  Lâm Bình được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, đây là cơ hội tốt để quảng bá và phát triển du lịch, tuy nhiên việc giữ gìn được sự toàn vẹn của hệ sinh thái đa dạng và những cánh rừng nguyên sinh - những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị khu bảo tồn thì phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế quản lý và kiểm soát của các cơ quan có chức năng quản lí của khu bảo tồn. Đây là tiền đề cơ bản để hướng tới sự phát triển du lịch bền vững ở Na Hang – Lâm Bình.

     Thứ hai, xử lý tốt vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường

     Khu bảo tồn sinh thái Na Hang - Lâm Bình hiện có môi trường tự nhiên còn hoang sơ, xanh, sạch, đẹp chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố gây ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển. Điều này một phần là do được quy hoạch là khu bảo tồn sinh thái tự nhiên từ năm 1994 nên cũng đã hạn chế được các hoạt động phá hủy môi trường do con người gây ra, một phần khác là do ở địa bàn xa xôi hẻo lánh, giao thông không thuận tiện nên các hoạt động sản xuất công nghiệp không phát triển, phương thức mưu sinh của người dân trong vùng chủ yếu dựa vào nông - lâm - ngư nghiệp nên ít gây ra các vấn đề về rác thải và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Khu bảo tồn sinh thái Na Hang – Lâm Bình muốn phát triển du lịch bền vững cần phải có kế hoạch đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến môi trường sinh thái nơi đây. Đó là vấn đề rác thải và xử lí rác thải do các hoạt động du lịch gây ra. Trong tương lai, số lượng du khách có thể còn tăng hơn. Lượng du khách đông kéo theo một khối lượng rác thải cũng rất lớn nếu không có những biện pháp thu gom, xử lý rác thải phù hợp sẽ gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường đối với khu bảo tồn sinh thái. Thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân cũng gây ra những tác hại không nhỏ đến môi trường, ví dụ như việc xả thải rác, vỏ nhựa, túi nylon… xuống khu vực lòng hồ hay việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp về lâu dài sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và nguồn đất. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần hạn chế việc cấp phép khai thác khoáng sản trong khu vực 2 huyện Na Hang - Lâm Bình vì dù có thể không nằm trong khu bảo tồn nhưng việc khai thác khoáng sản có thể gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn xung quanh, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trong vùng.

     Thứ ba, tăng cường, mở rộng liên kết để phát triển du lịch bền vững

     Liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và với các tỉnh trong vùng để hình thành các tour tuyến, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhờ có liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch mà tạo ra sự đa dạng sản phẩm du lịch, tránh tình trạng chồng chéo đồng thời bổ trợ phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để tạo thành một chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Hiện nay, bước đầu đã có sự liên kết phát triển du lịch giữa Na Hang - Lâm Bình với Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch lòng hồ. Tiềm năng du lịch của tỉnh Tuyên Quang là rất lớn, ở đây hội tụ nhiều loại hình du lịch như du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái - cộng đồng, nếu có sự kết hợp nhuần nhuyễn và khoa học giữa các loại hình du lịch này thì cơ hội phát triển du lịch sẽ rất lớn.

    Liên kết với các công ty lữ hành du lịch để xây dựng các tour phù hợp đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội trên internet nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ về thế mạnh, nét đặc sắc của khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Du khách nước ngoài rất ưa thích loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng, do vậy cần có những thông điệp quảng bá bằng những thứ tiếng nước ngoài phổ biến để họ dễ tìm hiểu về sản phẩm du lịch của mình.

     Liên kết, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO) để tư vấn về mô hình phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng. Nhiều tổ chức như JICA của Nhật Bản, SNV của Hà Lan, ISEE của Mỹ và các tổ chức của Liên Hợp quốc như IUCN, WWF… hoạt động nhiều năm ở Việt Nam. Các tổ chức này  đã tham gia giúp đỡ xây dựng nhiều mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng thành công ở Việt Nam.

     Thứ 4, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

     Nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc trong vùng là tài nguyên du lịch nhân văn quý giá để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Ẩm thực, trang phục, âm nhạc, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, phương thức sinh hoạt, mưu sinh đều có thể là tài nguyên có thể khai thác thành sản phẩm du lịch. Vấn đề ở đây là, trong quá trình phát triển loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng cần hết sức cẩn thận, tránh việc bị thương mại hóa quá mức dẫn đến biến tướng làm thay đổi bản chất của sản phẩm du lịch đặc thù này, khiến sản phẩm không còn sức hấp dẫn đối với du khách. Trong vấn đề sử dụng nguồn lực nhân văn của cộng đồng địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thì sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức NGO có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam là rất cần thiết.  

     Trong quá trình khai thác du lịch theo hướng bền vững ở Na Hang – Lâm Bình, các nhà quản lý cần bám sát vào những giá trị cốt lõi làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch nơi đây, từ đó xây dựng những kế hoạch cụ thể nhằm bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch này một cách khoa học và đúng đắn.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn

Viện Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Nhâm Hiền

Tổng cục Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2021)

 

     Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), 2012, Du lịch dựa vào cộng đồng, NXB. Giáo Dục Việt Nam.
  2. Nguyễn Đình Hòe (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF), do Liên minh châu Âu tài trợ, Sổ tay du lịch dựa vào cộng đồng Việt Nam.

 

 

Ý kiến của bạn