Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thêm ba loài ếch cây mới được phát hiện tại Việt Nam

21/05/2021

     Theo thông tin từ Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam cùng các nhà khoa học Liên bang Nga và Đức vừa phát hiện 3 loài ếch cây mới ở huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) và  huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang).

     Dựa trên phân tích hình thái, di truyền phân tử và âm sinh học, nhóm các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các nhà nghiên cứu của Viện Động vật Xanh-pê-téc-bua, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùngcác nhà khoa học Vườn thú Cologne, Đức đã phát hiện và mô tả ba loài ếch cây mới gồm Rhacophorus vanbanicus, Zhangixalus franki, Zhangixalus jodiae.

     Loài ếch cây văn bàn Rhacophorus vanbanicus Kropachev, Orlov, Ninh, and Nguyen, 2019 được đặt tên theo địa điểm thu mẫu chuẩn tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Việt Nam ở độ cao 900 m với sinh cảnh rừng thường xanh trên núi đá độ ẩm cao với sương mù và mưa phùn xuất hiện thường xuyên.

     Ếch cây văn bàn có đặc điểm lưng màu nâu với hai sọc xanh trên lưng từ sau mắt đến bẹn và tạo thành hình tam giác màu xanh ở đầu, mặt dưới hai đùi màu vàng cam với 5-7 nốt sần màu đen đặc trưng. Loài này có kích thước trung bình với chiều dài cơ thể ở cá thể đực trưởng thành khoảng 34,8 mm, chiều rộng đầu nhỏ hơn chiều dài đầu.

     Phát hiện này được công bố trên Tạp chí chuyên ngành Russian Journal of Herpetology.

Zhangixalus jodiae ngoài tự nhiên (A & B), và chi trước và chi sau (C & D)

     Loài ếch cây jô-đi Zhangixalus jodiae Nguyen, Ninh, Orlov, Nguyen, and Ziegler, 2020 được đặt theo tên của Tiến sĩ Jodi Rowley - Bảo tàng Ỗtrâylia với những đóng góp xuất sắc của bà trong việc nghiên cứu về phân loại lưỡng cư ở châu Á. Loài này được phát hiện tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

     Về hình thái, loài mới có kích thước trung bình chiều dài cơ thể trong khoảng 36,1-39,8 mm, chiều rộng và chiều dài đầu tương đương nhau, mút mõm tròn, có răng lá mía; chi trước và chi sau có màng bơi; lưng màu xanh không có đốm, nách màu kem với đốm đen lớn, bẹn và phần trước - sau của đùi có các đốm đen, cam xen kẽ.

     Về di truyền, loài mới nằm trên cùng nhánh với Z. nigropunctautus, Z. yaoshanensis, Z. pinglongensis và Z. chenfui. Z. jodiae có khoảng cách di truyền gần gũi nhất với Z. pinglongensis là 3,57%. Âm sinh học được ghi lại ở nhiệt độ 17,3-20,9 độ C với mỗi tiếng kêu kéo dài 1,1 giây và gồm có sáu nốt, mỗi nốt khoảng 6 mili giây, khoảng cách giữa hai nốt khoảng 15 mili giây. Tần số trội là 2.0kHz. Các nốt của tiếng kêu có biên độ thay đổi, trong đó nốt cuối cùng có biên độ nhỏ nhất so với các nốt còn lại.

     Phát hiện về loài ếch mới này được công bố trên Tạp chí Journal of Natural History.

     Loài ếch cây frank - Zhangixalus franki Ninh, Nguyen, Orlov, Nguyen, and Ziegler, 2020 được đặt theo tên của cố Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ thú y, nhà bảo tồn lưỡng cư Frank Mutschmann người Đức để vinh danh và ghi nhận sự hỗ trợ của ông đối với các dự án nghiên cứu và bảo tồn động vật lưỡng cư ở Việt Nam.

     Loài mới có thể phân biệt với các loài khác trong giống Zhangixalus dựa trên tổ hợp các đặc điểm sau: cơ thể có kích thước lớn (từ 77,9-85,8 mm ở con đực), mặt lưng màu xanh với các đốm nhỏ màu nâu đậm, có sọc màu trắng ngăn cách mặt trên và mặt dưới cơ thể, tuyến mang tai phát triển. Loài này được phát hiện ở độ cao 1.300m tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Sinh cảnh đặc trưng là rừng thường xanh nhiệt đới trên núi. Về di truyền, loài mới nằm cùng nhánh có quan hệ gần gũi nhất với loài Z. duboisi, khoảng cách di truyền giữa hai loài khoảng 2,51%.

     Phát hiện về loài này được công bố trên Tạp chí European Journal of Taxonomy.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn