Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quảng Nam: Công bố Khung Kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021 - 2023

01/10/2021

     Ngày 30/9/2021, tại Quảng Nam, UBND TP. Hội An và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức Lễ ký kết và công bố “Khung Kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh - giai đoạn 2021 - 2023” và tổ chức Tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác   thải nhựa hướng tới Hội An điểm đến xanh và phục hồi sau Covid-19.

     Mục tiêu của buổi Lễ ký kết nhằm ghi nhận những kết quả mà cộng đồng, doanh nghiệp thành phố đã đạt được trong việc giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần và rác thải nói chung; đồng thời lắng nghe chia sẻ và quyết tâm của doanh nghiệp để tiếp tục duy trì và mở rộng các kết quả đạt được một cách có hệ thống nhằm góp phần xây dựng thương hiệu Hội An - điểm đến xanh.

Lễ ký kết giữa UBND TP. Hội An và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam

     Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An đã nhấn mạnh: “Hướng đến Hội An trở thành một điểm đến xanh - không rác thải là một chiến lược mang tính chất lâu dài của toàn thành phố. Để bắt đầu hiện thực hóa mong muốn này, chính quyền thành phố cùng với Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam hy vọng sau hoạt động ký kết này, các bên liên quan sẽ được tiếp thêm động lực để cùng nhau chung tay, quyết tâm để tạo ra các mô hình điểm, phát huy các sáng kiến, nhân rộng thêm nữa sự tham gia, phát huy thêm nữa vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan để hướng tới Hội An - Điểm đến Xanh trong tương lai”.

     Hội An là thành phố du lịch, nơi sở hữu các giá trị nổi trội toàn cầu thông qua các danh hiệu mà UNESCO cũng như cộng đồng quốc tế công nhận đó là Đô thị cổ Hội An (1999), Khu dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (2009) và một phần Di sản văn hóa Phi vật thể Nghệ thuật hô hát Bài Chòi của cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam (2017), là điểm đến quan trọng trong hành lang di sản miền Trung - Tây Nguyên. Điều này đồng nghĩa với việc Hội An đã thu hút một lượng khách du lịch rất lớn, từ 3.400 lượt khách (năm 1991) lên trên 5 triệu lượt khách vào năm 2019.

     Với tốc độ tăng trưởng nhanh về du lịch, các loại rác thải phát sinh từ hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tỉ lệ cao (40%) trong tổng số lượng rác thải hàng ngày của thành phố. Theo thống kê, khối lượng rác thải phát sinh tại thành phố gia tăng dần qua các năm: từ khoảng 65,5 tấn/ngày (năm 2013) đã tăng lên gần 100 tấn/ngày vào năm 2019. Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách cùng với sự tiện nghi trong các dịch vụ du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng phát thải, chủ yếu là rác thải hữu cơ, các loại rác thải nhựa dùng một lần và túi ni lông chiếm đến 23% tổng lượng rác phát sinh, dẫn đến bãi rác tập trung của thành phố tại xã Cẩm Hà quá tải. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho công tác quản lý môi trường và mục tiêu xây dựng thành phốHội An Sinh thái - Văn hóa - Du  lịch.

Quang cảnh buổi Tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa hướng tới Hội An điểm đến xanh và phục hồi sau Covid-19

     Trước các vấn đề đặt ra, thị trường du lịch chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn hậu Covid là hướng đi đúng được đặt ra và cần sự quan tâm của các bên liên quan. Việc tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc gia tăng khối lượng chất thải. Ngược lại, một mô hình kinh tế và xã hội bền vững có thể thực hiện được nếu tất cả các bên liên quan cam kết tham gia và tạo điều kiện giảm thiểu chất thải. Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Trong đó, giảm thiểu chất thải là một công cụ cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn, tức là một hệ thống kinh tế nhằm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và giảm tác động đến môi trường của các sản phẩm.

     Trong nền kinh tế tuần hoàn, tài nguyên không bị lãng phí bằng cách ngăn ngừa phát sinh chất thải, áp dụng mô hình cung ứng bền vững khi sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, kéo dài sản phẩm và sau đó mới đến tái chế. Điều này đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với thành phố Hội An. Trong suốt quá trình triển khai các chương trình giảm thiểu rác thải, Chính quyền Thành phố Hội An ghi nhận và đánh giá rất cao sự chủ động, các sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Trong đó, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong trong công tác phân loại và giảm thiểu rác thải tại nguồn như Nhà hàng Cánh đồng, doanh nghiệp Adongsilk, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Tân Thành… nhằm hướng đến một thương hiệu, sản phẩm du lịch không chỉ chất lượng mà còn thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Hội An đã hình thành một số doanh nghiệp thực hiện dịch vụ tái chế rác thải: Reform (Evergeenlab) tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa giá trị thấp.

     Khung Kế hoạch Doanh nghiệp được ký kết và công bố tạo bước ngoặt cho du lịch địa phương với 3 hoạt động chính gồm xây dựng mạng lưới tuần hoàn rác thải tại Hội An, thực hành đánh giá kết quả tại doanh nghiệp và quảng bá thương hiệu Hội An - Điểm Đến Xanh.

Nam Việt

 

Ý kiến của bạn