Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nhân rộng những mô hình giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả ở Hà Đông

15/09/2021

     Các sản phẩm từ nhựa, ni lông ra đời, với ưu điểm giá thành rẻ, tiện ích được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân. RTN được thải trực tiếp ra môi trường và ngày càng gia tăng ở những khu vực đô thị, tập trung đông dân cư, gây ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe và môi trường. Trước thực trạng trên, thời gian qua, quận Hà Đông, TP. Hà Nội đã phát động phong trào “chống RTN, nói không với túi ni lông” thu hút nhiều cơ quan, tổ chức, các cấp ngành, đoàn thể, Hội phụ nữ trên địa bàn hưởng ứng tham gia. Qua đó, nhiều chương trình, mô hình hay, cách làm sáng tạo về thu gom, tái chế, giảm thiểu RTN được thực hiện. Cho đến nay, các mô hình này đã hoạt động hiệu quả, ổn định và đang trở thành điểm sáng, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

     Phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững vì lợi ích xanh 

    Hà Đông là quận nằm ở phía Tây Nam trung tâm Thủ đô Hà Nội, với diện tích 48,33 km, dân số xấp xỉ 3,2 vạn người, phân bố tại 17 đơn vị hành chính phường; có 700 cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Toàn quận hiện có 74 khu đô thị, tòa chung cư với trên 39.200 căn hộ.

     Trong những năm gần đây, Hà Đông là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP. Hà Nội, dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến lượng RTN phát sinh ngày càng nhiều. Để phong trào chống RTN lan tỏa và thực sự có hiệu quả, ngày 26/5/2020, UBND quận Hà Đông ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV). Theo đó, mục đích của Chương trình nhằm hỗ trợ cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn quận về nguy cơ ô nhiễm RTN và túi ni lông, từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; phấn đấu có 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy…

     Thực hiện Kế hoạch, UBND quận Hà Đông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về SX&TDBV; ban hành cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường...; tổ chức tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức, năng lực về hoạt động sản  xuất và tiêu dùng bền vững cho đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa các nhà: cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - tiêu dùng.

     Cùng với đó, nhiều mô hình điển hình về SX&TDBV được giới thiệu và hướng dẫn áp dụng. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối bền vững như mô hình “điểm kinh doanh xanh", triển khai thí điểm áp dụng mô hình hệ thống sản xuất dịch vụ vào thực tế.

     Kết quả sau 1 năm thực hiện Kế hoạch, đến nay tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh trên địa bàn quận đã thực hiện không sử dụng cốc, ống hút nhựa trong sinh hoạt hàng ngày và giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng... Đối với các Trung tâm thương mại, các chợ lớn, UBND quận đã có các buổi tuyên truyền, ký cam kết đối với các tiểu thương trong việc hạn chế RTN, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều hệ thống siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải khát, ăn uống trên địa bàn quận đã thay các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điển hình là Siêu thị Big C Hà Đông đã áp dụng bao gói rau bằng lá chuối đối với các sản phẩm: cần tây, măng tây xanh, rau ngò, húng, diếp cá, thì là, ngò gai… Không chỉ vậy, trong thời gian tới hệ thống siêu thị còn hướng tới phát triển thêm nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường như: dùng hộp làm từ bã mía, túi ngô đựng thực phẩm…

     Qua việc thực hiện Chương trình SX&TDBV, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận mong muốn Chương trình tổ chức hỗ trợ tham gia chuỗi kết nối về vốn, xúc tiến thương mại để phát triển hệ thống sản xuất và phân phối bền vững; có chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; khuyến khích những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng nâng cao ý thức chống RTN, góp phần mang lại lợi ích xanh cho cộng đồng.

      Phụ nữ với những mô hình nhỏ sức lan tỏa lớn

     Nhận thức được tác động nghiêm trọng do ô nhiễm RTN, túi ni lông, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19, lượng RTN tăng cao khiến việc thu gom, xử lý RTN trở nên khó khăn hơn. Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hà Đông tiếp tục phát động phong trào “chống RTN, nói không túi ni lông”, để phong trào đạt kết quả cao, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hội LHPN quận tổ chức 6 đợt ra quân vệ sinh môi trường, với 100% các cơ sở Hội tham gia thu gom rác thải, tổng vệ sinh. Theo đó, 239 tổ nhóm xung kích tích cực công tác tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch bệnh. HLHPN quận cũng vận động hội viên và gia đình trồng mới 4.000 chậu hoa, cây xanh, duy trì hoạt động 292 đoạn đường tự quản đường phụ nữ tự quản về môi trường; xây dựng 3 tuyến phố hoa đăng…

     Ngoài ra, mô hình “Dùng làn nhựa đi chợ” cũng được triển khai rộng rãi tại các Chi hội phụ nữ trên địa bàn. Ngay từ khi phát động, mỗi khi đi chợ, các hội viên, phụ nữ đã thường xuyên dùng làn nhựa thay cho việc sử dụng túi ni lông và vận động gia đình, người thân cùng "nói không với túi ni lông”. Nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, Hội LHPN quận đã phát 2.986 làn nhựa giúp chị em đi chợ. Điểm sáng thực hiện mô hình có thể kể đến là phường Quang Trung với trên 1.700 người được Hội tặng làn đi chợ. Đến nay, tại phường này, khoảng 90% số người dân đã sử dụng làn và hộp đựng thực phẩm đi chợ, hạn chế đáng kể việc sử dụng túi ni lông.

     Cùng với đó, từ những sáng kiến nhỏ trong cuộc sống mà các mô hình như “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Thùng rác thân thiện”, “Thùng rác từ thiện”... của Hội ra đời, phát triển và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Điểm nổi bật của các mô hình này là đã thu hút đông đảo các bà, các mẹ, chị em cùng tham gia. Rác tái sử dụng được các hội viên đem bán phế liệu, kết quả, Hội đã thu được 11.137kg phế liệu, thu được 119 triệu đồng đưa vào quỹ hội, trích ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh quận, tham gia các hoạt động phòng chống dịch Covit19 tại địa phương…

     Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào “Chống RTN, túi ni lông”, bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông cho biết, trên toàn quận, hiện đã có 17/17 phường đã tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông trên loa truyền thanh tới toàn thể nhân dân, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hàng tuần thu gom rác thải, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác từ đầu nguồn.

Đoàn viên, thanh niên quận Hà Đông tặng túi vải thân thiện môi trường cho người dân tại chợ Văn La

     Không chỉ hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng, Hội còn xây dựng nhiều sản phẩm, ấn phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm hỗ trợ cho công tác tuyên truyền giảm RTN tại cộng đồng như: tờ rơi dành cho hộ gia đình, quạt, túi, mũ... mang thông điệp về BVMT. Đây không chỉ là tài liệu hỗ trợ tích cực cho đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ trong các buổi sinh hoạt mà còn là tài liệu giúp các hộ gia đình tiếp cận được thông tin, kiến thức cơ bản liên quan đến nước, vệ sinh, BVMT, chống RTN… hướng tới thay đổi hành vi.

     Trong những ngày vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Trước yêu cầu của công tác BVMT và tình hình dịch bệnh, thời gian tới, bên cạnh việc tham gia vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân khai báo y tế, ứng trực tại các điểm kiểm soát, Hội LHPN quận Hà Đông sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ tích cực tham gia giảm RTN. Hội cũng đề xuất các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các điểm nóng về môi trường; nghiên cứu, xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ (từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải); có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần...

     Nhờ những nỗ lực giảm thiểu RTN, với hoạt động thiết thực, mô hình phù hợp, sáng tạo hiệu quả của các hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Hà Đông đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, “hành động nhỏ, thay đổi lớn” của cộng đồng, cùng chung tay BVMT, xây dựng thành phố mãi xanh.

     Đoàn Thanh niên thí điểm mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu RTN”

     Phát huy vai trò của thanh niên trong chống RTN, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu RTN ” trên toàn thành phố, bước đầu phối hợp với Quận đoàn Hà Đông triển khai thí điểm tại chợ Văn La (phường Phú La, quận Hà Đông). Với mong muốn, mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế RTN.

     Theo đó, các đoàn viên Quận đoàn Hà Đông đã phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế RTN cho các tiểu thương tại chợ Văn La. Đồng thời, Thành đoàn Hà Nội cũng trao tặng 5.000 túi thân thiện với môi trường, 500 cuộn túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy, 100 chiếc làn nhựa cho những người dân khi tới mua hàng tại chợ.

     Tại Chương trình, người dân và các hộ kinh doanh tại chợ Văn La được tuyên truyền, phổ biến về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống; cách phân loại rác, tái chế rác thải. Đồng thời, các đoàn viên thanh niên cũng hướng dẫn người mua hàng dùng sản phẩm thay thế đồ nhựa để đựng thực phẩm, hàng hóa mang về; hướng dẫn tiểu thương gói hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; vận động người dân khi đi chợ mang theo làn, hộp đựng dùng nhiều lần, túi tái chế hoặc túi làm từ nguyên liệu dễ phân hủy.

     Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu đi vận động, các đoàn viên cho biết, nhiều lần khi đi phát tờ rơi, người dân không nhận, vì họ không quan tâm. Hoặc là, dù vui vẻ nhận các vật phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhiều chủ quầy hàng ở chợ vẫn nói rằng, mức giá mua túi ni lông thông thường và túi ni lông sinh học tự hủy có sự chênh lệch cao, trong khi hằng ngày cần rất nhiều túi để sử dụng. Do đó, để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và ni lông trong mua, bán hàng của tiểu thương và người dân, các đoàn viên thanh niên phải thực hiện nguyên tắc “mưa dần thấm lâu”, thường xuyên tuyên truyền.

     Có thể thấy, mặc dù, mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu RTN” mới triển khai một thời gian, song bước đầu đã mang lại kết quả rõ nét. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Văn La, đặc biệt là người dân quanh khu vực đã giảm dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Các tiểu thương thường xuyên dùng túi giấy đựng hàng khô cho khách; đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì mỗi thứ một túi như trước. Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu RTN ” đã đạt được thành công khi cả tiểu thương và người dân đã quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm thay thế và phương thức hạn chế đồ nhựa, cần duy trì lâu dài và tiếp tục nhân rộng mô hình.

     Dự kiến trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội sẽ triển khai đồng loạt mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu  RTN" trên toàn thành phố. Trong đó, tuổi trẻ Thủ đô sẽ gương mẫu trong việc hạn chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tin tưởng rằng, với sự tích cực, kiên trì và sáng tạo, đoàn viên, thanh niên thủ đô sẽ trở thành những "đại sứ xanh", góp phần vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

     Với những kết quả đạt được, cùng với sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn quận, phong trào “chống RTN” trên địa bàn quận Hà Đông tiếp tục được nhân rộng, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn