Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ngày Xe đạp thế giới: Chú trọng vai trò của xe đạp

02/06/2021

     Nhằm khuyến khích việc sử dụng xe đạp để cải thiện sức khỏe, BVMT và đẩy mạnh phát triển xã hội, ngày 3/6 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Xe đạp Thế giới. Đây là dịp để các quốc gia thành viên ghi nhận những giá trị linh hoạt và bền vững của việc đạp xe.

     Lợi ích của xe đạp

     Trải qua hơn hai thế kỷ, chiếc xe đạp luôn được coi là phương tiện di chuyển bền vững, với tính tiện lợi cao. Thực tế cho thấy xe đạp là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành giao thông, giáo dục và y tế. Ở một số khu vực kém phát triển, xe đạp là phương tiện thiết yếu cho cuộc sống của những người không có điều kiện sở hữu phương tiện giao thông cơ giới. Tại các thành phố lớn, xe đạp có thể trở thành cầu nối giữa các giải pháp giao thông công cộng. Người dân có thể dùng xe đạp để di chuyển giữa các trạm trung chuyển, điểm dừng xe buýt hay bến tàu. Đối với những nơi chưa có cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu thể dục, thể thao, đạp xe được xem là cách giúp người dân có thể rèn luyện sức khỏe và sự linh hoạt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên đạp xe có thể làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, tai biến, tiểu đường hoặc ung thư.

     Bên cạnh đó, việc sử dụng xe đạp thể hiện xu hướng “giao thông sạch”, thân thiện với môi trường trong thời buổi hiện nay. Những chiếc xe đạp có thể gửi đi các thông điệp về tiêu thụ và sản xuất bền vững, góp phần tích cực trong việc BVMT và khí hậu. Việc đạp xe còn có thể giúp con người phát triển tư duy sáng tạo, có thêm nhận thức về xã hội và cuộc sống xung quanh.

     Liên hợp quốc kêu gọi chú trọng vai trò của xe đạp

     Nhân Ngày Xe đạp Thế giới 3/6/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ việc sử dụng xe đạp để tăng cường phát triển bền vững và củng cố các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục. Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng xe đạp trong quá trình nâng cao sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật, đảm bảo công bằng xã hội.

     Dựa trên những giá trị quan trọng và thực tiễn của việc đạp xe đối với quá trình phát triển xã hội, Liên hợp quốc khuyến khích các nước chú trọng tới vai trò của những chiếc xe đạp đối với các chính sách và chiến lược phát triển trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.

     Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên tăng cường an toàn giao thông đường bộ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bền vững với trọng tâm là người đi bộ và người đi xe đạp. Để hướng tới các mục tiêu giảm thiểu khí thải, nâng cao chất lượng không khí và cải thiện tình hình giao thông, cơ sở hạ tầng đường bộ cần đáp ứng nhu cầu di chuyển và đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp.

     Liên hợp quốc cũng khuyến khích các nước thành viên áp dụng các chính sách và biện pháp kêu gọi và ủng hộ việc người dân sử dụng xe đạp trong cuộc sống hàng ngày; hoan nghênh những phong trào thúc đẩy “văn hóa đạp xe” tại các quốc gia thành viên và trên toàn thế giới.

     Xe đạp ở Việt Nam

     Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã sử dụng xe đạp để tiếp tế lương thực, đạn dược cho tiền tuyến. Hình ảnh những đoàn xe đạp trên đường hỗ trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng cho vai trò quan trọng của những chiếc xe đạp đối với quá trình đấu tranh dành độc lập của người dân Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, trước khi xe máy trở nên phổ biến, chiếc xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu của người lao động trong quá trình phát triển, phục hồi và xây dựng Tổ quốc.

     Hiện nay, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông hữu ích với giá thành rẻ và mức độ phổ biến cao trên khắp các tỉnh thành Việt Nam. Ngoài những lợi ích về sức khỏe, việc đạp xe còn có thể giúp người trẻ tuổi thể hiện phong cách và cá tính của bản thân. TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất đề xuất triển khai thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn Quận 1. Nhà đầu tư dự kiến sẽ triển khai thí điểm đưa xe vào hoạt động từ ngày 1/8/2021. Theo đó, UBND Thành phố thống nhất cho triển khai thí điểm xe đạp công cộng trong thời gian 12 tháng và được miễn phí sử dụng vỉa hè để bố trí đậu xe tại 43 vị trí trên địa bàn Quận 1; giao Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan triển khai dự án thí điểm trên, điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi phù hợp với tình hình thực tế; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sau thời gian thí điểm. Mô hình phương tiện này là giải pháp giúp người dân có thể di chuyển một cách tiết kiệm và thuận tiện giữa các điểm xe công cộng hoặc trong Thành phố.

     Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, xe đạp công cộng đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại hình giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện bởi có thể giúp giảm phương tiện cơ giới cá nhân và kết nối những nhà ga, bến xe, hay điểm trung chuyển trong đô thị.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn