Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lan tỏa phong trào trồng cây, gây rừng qua những tấm gương được Bác khen thưởng

17/03/2021

    Sinh thời, Hồ Chủ tịch rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ được hơn 2.000 bài báo, mẩu tin, bài về gương người tốt, việc tốt, thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được Người sưu tầm, cắt ra từ các bài báo, yêu cầu xác minh và thưởng huy hiệu. Trong đó có nhiều cá nhân, tập thể điển hình về trồng cây, gây rừng đã được Bác tặng huy hiệu khen thưởng.

Sưu tập báo cắt dán về gương “người tốt, việc tốt” có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

     Với mong muốn trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” (bút danh Trần Lực) đăng trên báo Nhân dân, trong đó phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân: “Từ năm 1960 đến 1965 (năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia...(2). Lời kêu gọi của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Sau 5 năm (1960 - 1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại, cùng 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong phong trào trồng cây như: Hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An...

     Để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào trồng cây, khi đọc báo Trung ương và địa phương như: Báo Nhân dân, Thủ đô Hà Nội, Thái Bình tiến lên, Sông Đào, Tân Việt Hoa, Tin Việt Nam Thông tấn xã…, thấy có những tin, bài viết về những gương người tốt, việc tốt, về trồng cây, Bác đánh dấu lại và thưởng huy hiệu. Đọc bài "Người xã viên trăm cây" đăng báo Nhân dân, ngày 22/2/1960, nêu gương cụ Đỗ Đăng Hoè, xã viên Hợp tác xã An Trường, Ứng Hòa, Hà Đông, 61 tuổi, trồng 110 cây nhãn trên hai bờ mương, Bác đã dùng bút chì đỏ đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ. Ngày 28/3/1960, sau khi đọc bài "Trồng 73 cây đều sống" đăng trên báo Nhân dân, nêu gương cụ Chu Duy Sỹ, 60 tuổi ở xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên tích cực trồng chăm sóc cây, Bác lại dùng bút chì xanh đánh dấu bằng chữ Hán thưởng huy hiệu cho cụ. Đến ngày 2/9/1962, báo Nhân dân đăng bài "Một người mù làm cho tổ quốc tươi xanh tươi", nêu gương anh Cao Xuân Nhì, 21 tuổi ở xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc mù cả hai mắt vẫn tích cực trồng cây, được Bác đánh dấu thưởng huy hiệu cho anh. Bài "Áp dụng kỹ thuật vào tăng năng suất trồng cây", báo Tây Bắc, ngày 1/6/1966 nêu gương Cụ Hà Văn An, 60 tuổi ở Chiềng Cheng, Mai Sơn, Tây Bắc có nhiều sáng tạo trong sản xuất, vận động bà con dân tộc áp dụng kỹ thuật vào tăng năng suất trồng cây, Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ. Ngày 18/1/1968, bản tin Việt Nam Thông tấn xã đăng tin "Cụ già trồng 4 vạn cây", nêu gương cụ Trương Văn Húc, xã T- Hà Tĩnh đã trồng 4 vạn cây trên đoạn đường 6 km trong điều kiện máy bay Mỹ oanh tạc liên tục, Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho cụ… Có thể nói, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, song việc sưu tập các bài báo người tốt, việc tốt và thưởng Huy hiệu của Người trong một thời gian dài đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Người thường xuyên động viên nhân dân lấy những gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau, thi đua với nhau; coi đó là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

     Không chỉ theo dõi qua báo, đài, ngày 25/1/1961, Bác Hồ đã về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân thôn Lạc Trung nổi tiếng về chiến tranh du kích, đánh địch, giữ làng. Đây cũng là một trong những xã bị địch tàn phá nặng nề nhất, với hàng trăm ngôi nhà bị đốt, ruộng vườn bị phá, cây cối bị xe tăng, đại bác của địch quần nát. Hòa bình lập lại, Lạc Trung đã khôi phục cuộc sống trên đống tro tàn, đổ nát. Năm 1961, năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây một người năm 1960, Lạc Trung đạt con số 10 cây/người. Với thành tích nổi bật, Lạc Trung trở thành điển hình về trồng cây của xã, huyện, tỉnh và cả miền Bắc. Tại đây, Bác đã đi thăm vườn ươm cây của Hợp tác xã cùng một số nhà dân, đi dưới những tán cây của đường làng, rồi ra cánh đồng có những hàng cây trồng trên bờ ruộng, ven kênh mương. Nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác trong huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc chưa trồng cây được như Lạc Trung. Theo Bác, một người trồng được 1.000 cây không bằng nhân dân cả xã mỗi người trồng 10 cây, “muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây...”. Sau 3 ngày về thăm Lạc Trung, ngày 28/1/1961, Bác viết bài đăng báo Nhân dân số 2506, trong đó có đoạn: “Thôn Lạc Trung (tỉnh Vĩnh Phúc) hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào. Từ ngày có tết trồng cây, Hợp tác xã Lạc Trung đã có sáng kiến làm như sau: Khuyến khích xã viên trồng, đồng thời HTX chỉ định một tổ 3 xã viên phụ trách trồng và săn sóc cây. Nhờ vậy mà hiện nay, hơn 6.000 cây trong thôn đều xanh tốt. Khéo “Lấy ngắn nuôi dài” tức là trồng cây xen kẽ chuối và muồng giữa những hàng cây xoan. Thành thử, mỗi năm đều có thu hoạch chuối để bán, muồng để ủ phân... Năm trước ươm giống, để năm sau trồng. Nhờ trồng cây có kế hoạch, mà từ một thôn trơ trọi, chỉ trong vài năm Lạc Trung đã trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường…” (3). Đến ngày 30/12/1961, trên số 2839, Báo Nhân dân, Bác lại viết them một bài ca ngợi nhân dân thôn Lạc Trung. Rất hiếm có một nơi nào mà Bác vừa đến tận nơi thăm động viên, rồi lại viết báo Đảng để tuyên truyền “kinh nghiệm”, nhân lên thành điển hình tiên tiến như Lạc trung. Từ sau ngày Bác về thăm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lạc Trung nói riêng, xã Bình Dương nói chung đã thực hiện tốt lời dạy của Bác, đạt thành tích xuất sắc không chỉ về trồng cây, mà trở thành một đơn vị điển hình về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Tường và của cả tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng từ phong trào trồng cây, Lạc Trung đã được Đảng, Nhà nước phong 1 Anh hùng lao động, đó là cụ Võ Văn Tần, một cán bộ miền Nam tập kết về sống tại xã Bình Dương. Ngoài ra, ở thôn Lạc Trung hồi đó có tổ trồng cây 5 người, trong đó có một người là thương binh chống Pháp hạng 3/4 làm tổ trưởng trồng cây, lập nhiều thành tích xuất sắc, được bầu kiện tướng và chiến sỹ thi đua trồng cây 3 năm liền (1960 - 1962), được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng 3, đó là cụ Lê Văn Bốn.

Bác Hồ đã về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc

     Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng và khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tổ chức qua các bài nói, viết, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương cho mọi người bằng những hành động cụ thể. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện phong trào Tết trồng cây, vừa đi thăm các địa phương và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người theo dõi, cổ vũ động viên, khen thưởng, biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức Tết trồng cây. Năm 1960, Bác trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô của tuổi trẻ tại vườn hoa Thanh Niên. Ngày 3/2/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Vào Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khoẻ đã yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây đa lưu niệm ở đồi Vật Lại, huyện Ba Vì. Không chỉ quan tâm đến việc trồng cây gây rừng ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mong muốn việc làm đó phát triển ở các nước khác. Trong những lần thăm nước bạn, Người đều tổ chức trồng cây lưu niệm như: trồng cây đại Ấn Độ (1958), cây sồi ở Nga (1960)... và gọi đó là những cây hữu nghị, còn nhân dân địa phương gọi là những Cây Bác Hồ. Các cây Bác trồng lớn lên theo thời gian không chỉ biểu hiện ý nghĩa chính trị lớn lao của tình hữu nghị tươi thắm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống cho con người.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Nhiều năm qua, việc học tập, làm theo phong cách nêu gương cá nhân, tập thể điển hình trong công tác BVMT, trồng cây, gây rừng của Bác là biểu hiện sinh động của sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng của Người, để mỗi chúng ta sống và làm việc tốt hơn.

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 1, tr. 263.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 337.

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 22-23.

TS. Phạm Thị Vui

Phó trưởng Ban Tuyên giáo - Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương

Th.S Nguyễn Đình Việt

Học viện Chính trị Công an nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2021)

Ý kiến của bạn