Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội: Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

07/12/2020

    Chiều 8/12/2020, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, huyện Phúc Thọ đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021, trong đó “điểm nhấn” là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội về công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện cho đến thời điểm hiện nay và thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống ngành Nông nghiệp &PTNT

PV: Xin ông cho biết một số kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH trên địa bàn huyện năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021?

Ông Nguyễn Đình Sơn: Tính đến hết tháng 11/2020, tình hình KT- XH  của huyện phát triển ổn định, sản xuất nông nghiệp cơ bản đều tăng, các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp từng bước vượt qua khó khăn của dịch covid19. Kinh tế tăng trưởng khá, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời.

    Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch phát triển KT- XH  năm 2020 (22 chỉ tiêu theo HĐND huyện giao) tính đến nay, huyện có 9/22 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Thu nhập bình quân đầu người; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; Tổng chi ngân sách địa phương; Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; Giảm tỷ suất sinh so với năm trước; Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước…Trong đó, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng trên địa bàn đạt 366,625 tỷ đồng (bằng 117% dự toán TP giao). 9/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch như: Duy trì tỷ lệ xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa... Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn thường xuyên kiểm tra 243 công trình xây dựng (tăng 50,93 % so với năm 2019)…

    Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phúc Thọ sẽ tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2021. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các chuỗi liên kết, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt; Coi trọng công tác văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, dân số, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn thư và xử lý vi phạm đất đai; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương - an ninh, trật tự an toàn xã hội...

     PV: Công tác xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

     Ông Nguyễn Đình Sơn: Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Phúc Thọ có nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm thấp; kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một bộ phận cán bộ và nhân dân còn ngại khó, thiếu tin tưởng vào Chương trình. Song, với quyết tâm cao và xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, huyện ủy đã vận dụng, linh hoạt, kịp thời Nghị quyết và Chương trình công tác của Thành ủy và cụ thể hóa thành Đề án, Kế hoạch, Chương trình công tác vào thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức như tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tọa đàm..., lồng ghép nội dung xây dựng NTM tại các buổi sinh hoạt tập thể, hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư, tạo được sự đồng thuận và tin tưởng để nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

    Lựa chọn các dự án cấp thiết để làm trước, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất của nhân dân, từ đó phát huy tính tự giác, tích cực của người dân trong xây dựng NTM như: việc bê tông hóa các tuyến đường ngõ xóm, kiên cố hóa kênh mương, xây mới, nâng cấp trường học, nhà văn hóa thôn...

    Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ theo dõi, phụ trách công tác xây dựng NTM, thường xuyên giao ban với các xã và phòng để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Xác định lộ trình xây dựng NTM cho các nhóm xã theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp và linh hoạt trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, đánh giá của các ngành. Chú trọng các tiêu chí liên quan đến hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường và phát triển con người.

    Đến nay, huyện đã có 20/20 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM và đang đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 48 triệu đồng/người/năm, sáu tháng đầu năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 22 triệu đồng so với năm 2015, tăng gần 4 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững từ 11,84% năm 2010 xuống còn 0,66 năm 2019, số hộ thoát nghèo là 4.458 hộ. Thực hiện làm mới, cải tạo nâng cấp 369km đường giao thông, 168 km kênh mương, hệ thống trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa thôn được quan tâm xây mới và chỉnh trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, đời sống văn hóa của nhân dân...

Hội nghị Thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế huyện Phúc Thọ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020

     PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện? Chính sách hỗ trợ cụ thể cho Chương trình OCOP ở địa phương?

     Ông Nguyễn Đình Sơn: Triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, huyện ủy đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và lồng ghép nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

    Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh huyện trong phát triển làng nghề và sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh. Huyện đã tổ chức rà soát tổng hợp, giai đoạn 2018-2020, có 56 sản phẩm thế mạnh, thuộc 4 nhóm sản phẩm, trong đó, nhóm thực phẩm có 46 sản phẩm; nhóm thảo dược có 1 sản phẩm và nhóm may mặc có 2 sản phẩm; nhóm thủ công mỹ nghệ có 5 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 2 sản phẩm. Sau khi rà soát, UBND huyện đã xem xét lựa chọn và tổ chức đánh giá các sản phẩm và đề xuất Thành phố phân hạng và công nhận. Năm 2019, đã có 8 sản phẩm được Thành phố phân hạng đạt từ 3-4 sao. Năm 2020, qua khảo sát, huyện có 13 chủ thể với 58 sản phẩm đang được triển khai hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tổ chức đánh giá phân hạng.

Mô hình trồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao giúp người dân có cuộc sống sung túc

    Nhằm triển khai tốt Chương trình OCOP trên địa bàn cũng như thúc đẩy các chủ thể tham gia, huyện đã tập huấn, hướng dẫn cán bộ thực hiện, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các huyện, tỉnh lân cận. Hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đạt sao OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng, các trường học, bếp ăn tập thể nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP các cấp; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm...

Lễ công bố nhãn hiệu tập thể chuối Vân Nam huyện Phúc Thọ

     PV: Để đạt danh hiệu NTM đã khó, duy trì và nâng cao NTM kiểu mẫu không phải dễ dàng, vậy huyện đã và đang có những mục tiêu và bước chuẩn bị như thế nào xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo?

     Ông Nguyễn Đình Sơn: Với quan điểm, xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, năm 2020, huyện ủy đã ban hành Chương trình số 02-CTr/HU về nâng cao chất lượng xây dựng NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phát triển làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025; UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu. Trên cơ sở rà soát đánh giá lại các tiêu chí đã đạt chuẩn ở giai đoạn trước để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm đảm bảo đáp ứng theo bộ tiêu chí mới. Qua đó, huyện cũng đề ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu có từ 7 - 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, từ 1-2 xã đạt NTM kiểu mẫu và các xã đều có mô hình mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn. Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện cần triển khai một số nội dụng sau:

    Thứ nhất, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện Nghị quyết và các Chương trình của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXI về xây dựng NTM.

    Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và trách trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, hăng hái tham gia xây dựng NTM ở địa phương.           

    Thứ ba, triển khai các mô hình có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; mở rộng và phát triển các vùng chuyên canh, quy mô lớn (cây ăn quả, rau, hoa và cây cảnh, cây dược liệu); thực hiện chuyển đổi 1676 ha từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, rau, cây dược liệu, hoa cây cảnh và các lại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Xây dựng Đề án Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh; Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; từng bước nâng cao diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực của huyện (lúa, cây ăn quả, rau các loại); phát triển sản xuất RAT tập trung 500 ha trở lên... sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản xuất vườn trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, triển khai thực hiện hiệu quả đề án OCOP.

    Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn xóm, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng các trục đường kết nối phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Tiếp tục thực hiện bê tông hóa giao thông nội đồng đối với các vùng sản xuất tập trung, các vùng chuyển đổi để khuyến khích nhân dân thực hiện chuyển đổi theo vùng. Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi ở các xã, thị trấn, đảm bảo phục vụ tưới tiêu hợp lý cho nhân dân.

    Thứ năm, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021-2025; thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư; tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực cá thể hộ gia đình, các làng nghề; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, hình thành phát triển một số làng nghề gắn sản xuất với du lịch như: Phát triển làng nghề may Thượng Hiệp xã Tam Hiệp; nghề cơ khí xã Liên Hiệp, nghề chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại các xã Hát Môn, Thanh Đa, Long Xuyên...; duy trì và phát triển nghề sản xuất bún, bánh, đậu phụ làng nghề Linh Chiểu xã Sen Chiểu. Xây dựng, phát triển làng nghề mới (làng Triệu Xuyên xã Long xuyên, làng Phú An xã Thanh Đa) đạt tiêu chí làng nghề. Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư nhằm nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo...

    Thứ sáu, chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển nhân rộng mô hình tuyến đường kiểu mẫu, đường hoa - cây xanh, đường bích họa, khu dân cư kiểu mẫu, khu vườn kiểu mẫu; phát động phong trào vệ sinh môi trường hàng tuần, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh.

Hình ảnh làng quê huyện Phúc Thọ hôm nay

     PV: Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, vậy huyện có kế hoạch gì để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, thưa ông?

     Ông Nguyễn Đình Sơn: Với điều kiện địa lý tự nhiên, đất đai thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái, huyện Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô. Từ định hướng trên, huyện đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM 20/20 xã, quy hoạch trung tâm hành chính xã, điểm dân cư nông thôn 21/21 xã, thị trấn theo quy định, chất lượng quy hoạch được nâng cao, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển của địa phương; tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Ba sạch”: Nước sạch - môi trường sạch - nông nghiệp sạch, cuộc thi “Đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp” là điểm sáng tạo của Phúc Thọ trong xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu, chất lượng cao hơn; đẩy mạnh phát triển phong trào “Đẹp nhà, sạch ngõ, xanh làng”, “Đường có hoa, nhà có số, ngõ có tên”; thực hiện cải tạo ao, hồ, trồng hoa, cây xanh...; xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu về cảnh quan môi trường. Cùng với đó là mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

     PV: Xin cảm ơn ông!          

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội)

Ý kiến của bạn