Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hành trình bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm

03/02/2021

     Vừa qua, trong nỗ lực bảo tồn các loài rùa nước ngọt, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái ở hồ Đồng Mô là rùa mai mềm (hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm). Việc phát hiện ra cá thể cái này mở ra hy vọng khôi phục quần thể loài rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới trước nguy cơ tuyệt chủng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia (Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã - WCS Việt Nam) về kết quả xác định nguồn gen của loài rùa Hoàn Kiếm.

     PV: Xin bà cho biết về những thuận lợi và khó khăn trong hành trình của WCS để bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm?

     Bà Hoàng Bích Thủy: WCS Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm từ năm 2015. Rùa Hoàn Kiếm hay còn gọi là Giải sinhoe (có tên khoa học Rafetus swinhoei) là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới hiện nay. Tính đến nay, trên thế giới chỉ khẳng định được 1 cá thể đực rùa Hoàn Kiếm tại Trung Quốc còn đang sống và Việt Nam phát hiện có 2 cá thể tại hồ Đồng Mô, 1 cá thể ở hồ Xuân Khanh. Đây là một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn phục hồi quần thể loài rùa Hoàn Kiếm.

Chuyên gia của WCS thử nghiệm Bộ dụng cụ di động eDNA tìm cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô Việt Nam

     Để tránh nguy cơ loài rùa này bị tuyệt chủng vĩnh viễn, WCS đã triển khai hai mảng hoạt động, bao gồm: Tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên và xây dựng Chương trình sinh sản cho các cá thể rùa đã được phát hiện. Đối với hoạt động tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên, WCS đã nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan, chính quyền địa phương như: UBND TP. Hà Nội; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái; Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa); Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh… Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền, Dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm của WCS cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của người dân địa phương. Người dân thường xuyên liên hệ với cán bộ dự án để thông báo về sự xuất hiện của cá thể rùa mai mềm lớn tại địa bàn họ sinh sống, từ đó, cán bộ dự án có thể xác định những địa điểm cần khảo sát. Đối với hoạt động xây dựng chương trình sinh sản cho các cá thể đã biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/10/2018 về bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm, trong đó, thực hiện Chương trình sinh sản cho loài rùa này là một trong những hoạt động được ưu tiên hàng đầu.

     Ngoài ra, Dự án cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ như Liên minh Turtle Survival Alliance (TSA), Quỹ Alan và Patricia Koval, Wildlife Conservation Society Canada (WCS Canađa). Đặc biệt, được sự hướng dẫn về kỹ thuật của TS. Tracie Seimon - nhà khoa học phân tử thuộc Chương trình Sức khỏe động vật (Mỹ), WCS đã áp dụng thử nghiệm Bộ chẩn đoán gen môi trường (eDNA) di động nhằm xác định nhanh (trong 3 giờ) sự tồn tại của các cá thể rùa Hoàn Kiếm trong hồ. eDNA là viết tắt của gen hay DNA (Deoxyribonucleic acid, còn gọi là ADN) trong môi trường, do các sinh vật sống thải ra môi trường. eDNA có thể được sử dụng như một công cụ pháp y để phát hiện các loài quý hiếm dựa vào mẫu môi trường như đất, nước và không khí, thay vì lấy trực tiếp từ một cá thể. Với tính năng chẩn đoán nhanh, di động và thân thiện với môi trường, bộ dụng cụ eDNA mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm những loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

     Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng gặp khó khăn vì trên thế giới không có nghiên cứu về tập tính của loài rùa Hoàn Kiếm. Do đó, khó xác định được cụ thể khu vực sống, cách di chuyển, nguồn thức ăn và hoạt động sinh sản, đây là những nhân tố cần thiết trong khảo sát sự tồn tại của một loài. Các cá thể rùa Hoàn Kiếm chủ yếu phân bố ở các hồ tự nhiên rộng lớn. Bởi vậy, việc tìm kiếm đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Ở Việt Nam, để tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm, có thể áp dụng hai phương pháp là phỏng vấn người dân địa phương, đồng thời thực hiện quan sát trên hồ và chẩn đoán nhằm xác định gen của rùa trong môi trường nước (eDNA). Tuy nhiên, do các phòng thí nghiệm ở Việt Nam chưa thực hiện hoạt động chẩn đoán gen rùa Hoàn Kiếm trong môi trường, bộ chẩn đoán di động của WCS vẫn đang được thử nghiệm, nên các mẫu môi trường thu thập được đều phải vận chuyển qua Mỹ để chẩn đoán.

     Trong quá trình xây dựng Chương trình sinh sản cho rùa Hoàn Kiếm, WCS phải đối mặt với một số khó khăn khi thiết lập môi trường sống thích hợp cho rùa, để chúng có thể sinh sản và sống khỏe mạnh. Rùa Hoàn Kiếm cũng phải đối mặt với những nguy cơ ô nhiễm môi trường nước hồ hoặc nguy hiểm từ hoạt động đánh bắt cá bằng phương pháp kích điện trái phép trên hồ. Các khu vực thích hợp cho rùa đẻ trứng chịu ảnh hưởng lớn từ các hoạt động của con người như san lấp đất xây nhà, dịch vụ cắm trại quanh hồ… Ngoài ra, số lượng loài quá ít cũng dẫn đến sự gia tăng khả năng giao phối cận huyết sau này.

     PV: Mới đây, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen xác nhận rùa ở hồ Đồng Mô thuộc loài rùa Hoàn Kiếm, kết quả này có giá trị khoa học và ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn rùa, thưa bà?

     Bà Hoàng Bích Thủy: Ngày 18/12/2020, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 vừa qua tại hồ Đồng Mô chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm. Kết quả phân tích gen đã khẳng định 99,99% là rùa Hoàn Kiếm.

     Việc phát hiện và khẳng định được một cá thể cái rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, góp phần vào công tác bảo tồn loài, nguồn gen của rùa mai mềm quý hiếm nhất thế giới này. Đối với loài rùa Hoàn Kiếm, số lượng các cá thể được phát hiện là rất ít, ghép đôi sinh sản được coi là biện pháp duy nhất để khôi phục quần thể loài. Việc xác định thêm một cá thể rùa cái mở ra cơ hội thứ hai cho các nỗ lực bảo tồn loài này sau khi cá thể rùa cái tại Trung Quốc chết trong tháng 4/2019.

Cá thể rùa Hoàn Kiếm được bẫy bắt ở hồ Đồng Mô ngày 22/10/2020

     Trước đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm ghép đôi sinh sản hai cá thể rùa đực và cái ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Hai cá thể rùa đực và cái đó đã không thể sinh sản tự nhiên kể từ khi chúng nhốt chung từ năm 2008. Nhưng sau đó, trong quá trình nhân giống và gây mê khi thụ tinh nhân tạo, cá thể cái ở Trung Quốc đã chết. Khi cá thể cái này chết, các cá thể rùa Hoàn Kiếm tại Việt Nam là niềm hy vọng duy nhất cho Chương trình khôi phục quần thể loài này, nhất là khi chúng ta đã tìm được thêm hai cá thể tiềm năng (một cá thể nữa tại hồ Đồng Mô và một cá thể hồ Xuân Khanh). Các nhà bảo tồn hy vọng, cá thể đực và cái này có cơ hội ghép đôi sinh sản, nhằm vực dậy loài này từ bên bờ vực tuyệt chủng.

     PV: Xác định được những giá trị quan trọng trên, theo bà, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì để khôi phục và phát triển quần thể rùa này trước nguy cơ tuyệt chủng?

     Bà Hoàng Bích Thủy: Trong thời gian tới, WCS sẽ tập trung thúc đẩy Chương trình sinh sản rùa Hoàn kiếm với ba giải pháp:

     Thứ nhất, bảo vệ các cá thể rùa Hoàn Kiếm đã phát hiện: Thông qua các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho người dân tại hồ Đồng Mô về mức độ nguy cấp, quý hiếm của rùa Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, tổ chức WCS sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc gia cố các địa điểm xung yếu của hồ để ngăn rùa Hoàn Kiếm thoát ra khỏi hồ trong mùa mưa lũ. Hoạt động tuần tra, bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm sẽ được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo sự an toàn cho các cá thể rùa.

     Thứ hai, xây dựng khu vực thuận lợi cho hoạt động sinh sản của các cá thể rùa: Việc giám sát môi trường nước tại các hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh cũng sẽ được thực hiện, để cải thiện chất lượng nước hồ, tạo điều kiện sống tốt nhất cho hoạt động sinh sản của rùa Hoàn Kiếm. Dự án cũng sẽ sớm xây dựng khu vực bãi đẻ cho cá thể rùa Hoàn Kiếm; tiếp tục hoạt động bẫy, bắt, xác định loài, giới tính và gắn thiết bị định vị cho hai cá thể rùa mai mềm lớn khác tại hồ Đồng Mô và tại hồ Xuân Khanh nhằm tăng cơ hội ghép đôi cho rùa Hoàn Kiếm.

     Thứ ba, khảo sát, tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm mới: WCS sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm tại các hồ lớn của Việt Nam để đa dạng hóa nguồn gen của loài này và làm gia tăng số lượng quần thể.

     PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2021)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn