Banner trang chủ

Hạn chế ô nhiễm trắng tại đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị

30/09/2024

    Nằm trong khu vực có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú, đảo Cồn Cỏ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Hiện nay, nhằm xây dựng và phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã gắn biển mô hình đảo xanh, giảm thiểu rác thải nhựa tại đảo Cồn Cỏ

Những nỗ lực bước đầu để hạn chế ô nhiễm nhựa trên đảo Cồn Cỏ

    Trong những năm trở lại đây, trước những thách thức nghiêm trọng về rác thải nhựa, từ các hoạt động đánh bắt và du lịch, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường biển đảo. Cụ thể, chính quyền địa phương đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, khuyến khích người dân và du khách hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần; tổ chức các chiến dịch dọn sạch bãi biển, thu gom rác thải nhựa trôi dạt trên đảo, đồng thời thực hiện tuyên truyền sâu rộng về tác hại của nhựa đối với hệ sinh thái biển.

    Ngoài ra, huyện đảo Cồn Cỏ cũng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các nhóm bảo vệ môi trường tổ chức các chương trình thiết thực nhằm thúc đẩy ý thức cộng đồng. Các sáng kiến như "Du lịch không rác thải nhựa" hay "Chương trình đổi rác lấy quà" đang thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả người dân địa phương và khách du lịch. Nhờ những nỗ lực này, tình trạng ô nhiễm nhựa trên đảo đã được cải thiện đáng kể, đồng thời tạo nên ý thức bền vững trong việc bảo vệ tài nguyên biển. Theo số liệu thống kê từ UBND huyện đảo Cồn Cỏ, trong năm 2023, khoảng 1,5 tấn rác thải nhựa đã được thu gom và xử lý, giảm khoảng 30% so với năm 2022.

    Đặc biệt, chương trình “Nói không với nhựa dùng một lần” đã giúp giảm đáng kể việc sử dụng túi ni-lông và chai nhựa trong sinh hoạt hàng ngày. Các quán ăn, nhà hàng và khu du lịch trên đảo cam kết thay thế đồ dùng nhựa bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút tre, và hộp đựng thức ăn từ bã mía. Đến cuối năm 2023, hơn 80% các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đảo đã tham gia vào chương trình này.

    Mô hình “Ngôi nhà xanh - Thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường”  được thiết kế có chiều cao 2m; rộng 1,5m, bọc lưới xung quanh được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn đảm bảo gọn nhẹ, thuận tiện cho chị em phụ nữ sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, chai nhựa... “Ngôi nhà xanh” sẽ trở thành điểm sáng tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ hội viên phụ nữ và cộng đồng trên đảo Cồn Cỏ  góp phần chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; đồng thời gây quỹ tiết kiệm, tạo nguồn vốn hỗ trợ các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

    Bên cạnh đó, chiến dịch "Ngày Chủ nhật Xanh" được tổ chức hàng tháng đã huy động hơn 300 lượt tình nguyện viên, bao gồm cả người dân địa phương và khách du lịch, tham gia thu gom rác thải tại bãi biển và khu vực rạn san hô. Nhờ đó, lượng rác thải nhựa trôi dạt vào các bãi biển đã giảm đi đáng kể. So với giai đoạn trước, lượng rác nhựa trôi nổi xung quanh đảo giảm gần 25%, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô quý giá.

Để xuất một số giải phát để đảo Cồn Cỏ phát triển bền vững

    Với thế mạnh là hòn đảo đẹp hiếm có tại miền Trung, đồng thời là nơi có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên, đảo Cồn Cỏ ngày càng được kỳ vọng để phát triển về mọi mặt. Một số đề xuất để hòn đảo hạn chế “ô nhiễm trắng”, phát triển bền vững như sau:

    Một là, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của đảo... Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Hai là, nâng cao năng lực cho chính quyền và người dân về khai thác tài nguyên, khoáng sản biển; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

    Ba là, chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, phù hợp với vùng biển địa phương và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt.  Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Bốn là, thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đảo; Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

    Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

    Với những nỗ lực từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý chất thải rắn trên đảo, hạn chế thất thoát chất thải rắn và rác thải nhựa ra môi trường và đại dương, hướng tới xây dựng “Cồn Cỏ - đảo xanh không ô nhiễm trắng” vào năm 2030, dần trở thành một trong những điển hình tiên phong của khu vực miền Trung về giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường biển.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn