Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Du lịch sinh thái cộng đồng ở Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu

10/05/2022

    Sin Suối Hồ là một xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây có bản Sin Suối Hồ được ví như “Sapa của Lai Châu”, hiện đang nổi lên như một điểm sáng trong khai thác, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ).

1. Tài nguyên DLSTCĐ của bản Sin Suối Hồ

    Bản Sin Suối Hồ có 103 hộ dân sinh sống tập trung, đều là đồng bào dân tộc Mông. Bà con vẫn giữ được nếp nhà truyền thống của người Mông vùng cao, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng, từ lời nói, chữ viết, trang phục... Cuộc sống của đồng bào nơi đây khá ổn định nhờ phát triển kinh tế dựa vào cây thảo quả, trồng địa lan và canh tác ruộng bậc thang. Nét độc đáo ở đây là người bản Sin Suối Hồ đặt những chậu cây địa lan lên trên các trụ xi măng tạo thành một hệ thống hàng lối đều tăm tắm dọc theo những con đường quanh bản và theo lối vào nhà mình. Không chỉ có cảnh quan đẹp mà bản còn rất sạch sẽ. Bản Sin Suối Hồ có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói truyền thống của người Mông. Mỗi ngôi nhà được gia chủ chăm chút theo cách riêng của mình bằng cây xanh, cây ăn quả và những chậu hoa lan rừng.

    Cảnh quan sinh thái ở đây hội tụ đủ các sắc màu tương ứng với những thay đổi về thời tiết khí hậu trong năm. Điển hình là các thời điểm sau:

    Trước và sau Tết Nguyên đán: Thời gian này hoa địa lan chuẩn bị nở đón tết. Khách tham quan và mua lan từ mọi nơi đổ về bản. Cả bản giống như một vườn lan khổng lồ với hàng ngàn chậu địa lan được chăm chút rất đẹp. Hoa mận và đào nở khắp sân vườn. Đây cũng là thời gian nông nhàn, dân bản thường ở nhà thêu thùa, may vá, trời nắng trong và ít mưa.

    Mùa hè: Khí hậu mùa hè ở Sin Suối Hồ rất mát mẻ, dễ chịu. Quanh bản, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, mùa cấy rất đẹp. Đào, mận, táo mèo cho thu quả. Cây cối tốt tươi, thác Trái Tim đủ nước nên đổ từ trên xuống thành một dải hình trái tim bạc trắng. Du khách đến Sin Suối Hồ vào thời điểm này có thể theo chủ nhà lên nương thảo quả, bắt cá được nuôi trên đỉnh núi cao, hoặc thử cảm giác đi cấy ruộng bậc thang.

    Mùa thu: Đây là mùa lúa vàng đẹp nhất và thảo quả đến kỳ thu hái. Sin Suối Hồ tất bật với người, ngựa, xe thồ với những gùi thảo quả nặng trĩu. Cả bản lan tỏa một mùi thơm dễ chịu của thứ quả rừng quý giá này.

    Mùa đông: Đây là mùa của hoa dã quỳ và băng tuyết. Dã quỳ nở vàng dọc lối đi, nở kín ven rừng, cùng với những gốc cây cổ thụ xù xì, lá xanh thẫm. Mùa đông ở Sin Suối Hồ rất lạnh và thường có băng, tuyết. Đến đây vào mùa này khách du lịch sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp rất Bắc Âu.

    Về cơ bản, có thể thấy bản Sin Suối Hồ rất phù hợp để trở thành một bản du lịch sinh thái cộng đồng bởi nơi đây hội tụ đủ các yếu tố: có cảnh quan thiên nhiên đẹp; văn hóa truyền thống độc đáo; con người thân thiện, hiếu khách và sẵn sàng làm du lịch; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối tốt và quan trọng nhất bản có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng, hấp dẫn.

Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) nằm yên bình dưới chân núi Sơn Bạc Mây, tỉnh Lai Châu

2. Quan điểm của chính quyền địa phương về phát triển DLSTCĐ ở Sin Suối Hồ

    Sin Suối Hồ đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh từ ngày 5/6/2015 theo Quyết định số 552/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu. UBND xã Sin Suối Hồ cũng rất quan tâm chú trọng phát triển du lịch nên thủ tục hành chính đối với khách du lịch rất đơn giản và thuận lợi nhất là đối với khách Việt Nam. Đối với đoàn khách nước ngoài thì cần có đầy đủ giấy tờ tùy thân cần thiết và trước khi vào bản, đoàn khách quốc tế cần thông báo danh sách đoàn lên xã để chính quyền và biên phòng biết nhằm đảm bảo an ninh chính trị và có thể hỗ trợ du khách kịp thời khi cần thiết.

    Tỉnh Lai Châu đã có chương trình giúp người dân Sin Suối Hồ được vay vốn ưu đãi làm du lịch, tiếp tục hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho người làm du lịch cộng đồng. Kế hoạch dự toán năm 2016, tỉnh quyết định đầu tư khoảng 180 tỷ đồng mở rộng đường từ thành phố Lai Châu lên Sin Suối Hồ, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Một thuận lợi nữa của bản Sin Suối Hồ đó chính là sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như sự đóng góp về chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu.

3. Nhìn lại hoạt động DLSTCĐ ở Sin Suối Hồ

    Theo khảo sát và đánh giá nhanh, bước đầu nhận thấy Sin Suối Hồ có thể giữ chân khách du lịch từ 1 đến 4 ngày thông qua tổ chức các hoạt động như: thăm bản, tìm hiểu kiến trúc nhà ở, tìm hiểu phong tục tập quán; đi bộ chinh phục quần thể 3 thác nước Trái Tim, Tổ Ong và Tình Yêu; thăm khu rừng nguyên sinh mà dưới tán rừng là những nương thảo quả trải dài hút tầm mắt; tổ chức xem biểu diễn văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, bán nỏ…); thưởng thức ẩm thực địa phương, sinh hoạt kinh tế truyền thống cùng với người dân; tham quan chợ phiên (sáng thứ Bảy); leo núi chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (là một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam); trải nghiệm học cách chăm sóc thảo quả, địa lan và trồng lúa ở ruộng bậc thang; tham gia các tour từ thiện, mạo hiểm…

    Trong số gần trăm bản du lịch cộng đồng xuất hiện hơn chục năm nay ở vùng Tây Bắc, Sin Suối Hồ là "bé sơ sinh" theo đúng nghĩa đen, khi mới được công nhận từ tháng 6/2015. Nhưng chính vì vậy nên Sin Suối Hồ lại rút được kinh nghiệm để xây dựng cho mình một hướng đi chuyên nghiệp và bài bản; nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc vốn có. Sin Suối Hồ tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách du lịch ngay từ tấm biển chào mừng ở đầu bản. Trên tấm biển bằng lưới đen nẹp bằng hai thanh tre gộc ở cổng bản có hàng chữ thêu bằng thừng: "Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Suối Hồ" cùng một hàng chữ tiếng Anh "Resort Community Ecology" nhỏ hơn ở bên dưới. Điều này tuy nhỏ bé nhưng lại thể hiện tính chuyên nghiệp của DLSTCĐ điểm bản Sin Suối Hồ.

    Với hơn 100 nóc nhà trình tường truyền thống của người Mông, thay vì đánh số nhà như ở Bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình), nhà ở Sin Suối Hồ ghi hẳn tên chủ nhà lên những tấm biển trước cửa, hoặc trên cánh cổng to như cổng chào. Những tấm biển này làm bằng gỗ xẻ nguyên tấm từ thân cây, to nhỏ tùy vào sự sung túc của gia chủ, trên có đầy đủ nội dung mà du khách quan tâm: tên chủ nhà, số điện thoại di động, một số chi tiết như homestay, wifi (nếu nhà làm dịch vụ du lịch), đặc sản mà gia đình bán... gắn bằng những hòn cuội nhỏ màu trắng, hoặc sợi thừng uốn thành chữ. Phong cách này được thống nhất trong toàn bản, tất cả các biển chỉ dẫn hay biển quảng cáo các gian hàng trong chợ đều được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, văn minh mà lại rất thô sơ này, rất phù hợp với hướng phát triển du lịch bền vững - có trách nhiệm với môi trường sinh thái.

    Nhờ tuyên truyền sâu rộng, toàn diện và thường xuyên trong cộng đồng về du lịch nói chung và du lịch sinh thái cộng đồng nói riêng nên đại đa số người dân Sin Suối Hồ rất sẵn sàng để làm du lịch. Cả bản có 6 hộ gia đình đang kinh doanh homestay, hầu hết các gia đình đều là những hộ kinh tế khá, có nhà cửa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống nhưng khang trang, sạch đẹp. Các gia đình đã chủ động học hỏi, đầu tư trang bị vật dụng, xây dựng nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch. Mỗi gia đình có thể phục vụ 8 - 10 khách/ngày, đảm bảo an ninh, anh toàn tuyệt đối cho khách nghỉ tại nhà. Bữa trưa tại bản, du khách được thưởng thức các món ăn chế biến theo cách rất riêng của người Mông nhưng rất ngon miệng (lợn cắp nách, gà đồi, cá nuôi trên núi cao, các loại rau rừng…). 100% hộ gia đình đều rất phấn khởi và mong muốn được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ để có thể phục vụ được khách du lịch tốt hơn. Một số người dân đã khá quen với việc đón tiếp khách qua việc dẫn đường, mang đồ cho khách đi tham quan, leo núi, phục vụ khách ăn nghỉ tại gia đình... và chính họ đang trở thành những người đi đầu, tiên phong làm và vận động bà con cùng làm du lịch.

    Hiện nay, nhiều công ty du lịch đã đưa các đoàn khách lên đây tham quan. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, từ khi được công nhận đến nay, Sin Suối Hồ đã có trên 30.000 lượt khách du lịch tới thăm. Số liệu của Ban quản lý điểm du lịch Sin Suối Hồ cũng thể hiện trung bình mỗi tuần bản đón khoảng 200 - 300 lượt khách du lịch, thu nhập từ du lịch cũng giúp dân bản cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây chính là những tác động tích cực của DLSTCĐ tới người dân địa phương. Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, trình độ dân trí của bà con được cải thiện, các hộ gia đình có thêm tiền cho con cháu đi học…

    Nhìn nhận được tiềm năng DLSTCĐ của Sin Suối Hồ, cơ quan chức năng cũng thống nhất quan điểm tiếp tục phát triển loại hình du lịch bền vững này song song với việc đặt vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng, với khoảng 15 nhà làm dịch vụ lưu trú, còn bà con sẽ làm các dịch vụ khác như dệt thổ cẩm, làm đồ mộc, đồ lưu niệm… bán cho du khách.

    Người dân Sin Suối Hồ cũng rất có ý thức về việc đang sở hữu các giá trị sinh thái tự nhiên và truyền thống văn hóa của mình. Nhiều hộ gia đình tham gia kinh doanh du lịch đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá cho dịch vụ du lịch của gia đình. Điều này là tự phát nhưng vô hình chung đã tạo nên một hiệu ứng tích cực trong việc góp phần xây dựng thương hiệu DLSTCĐ của Sin Suối Hồ nói riêng và của Du lịch Lai Châu nói chung.

4. Một số việc cần làm để phát triển DLSTCĐ ở Sin Suối Hồ

    Về cơ chế, chính sách: cần có cơ chế chính sách và sự phân chia trách nhiệm đồng bộ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, Phòng Văn hóa huyện Phong Thổ với chính quyền, các đơn vị, tổ chức đoàn thể địa phương; xây dựng nội quy, quy định của làng bản; xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các bên tham gia phát triển; xây dựng, ban hành và thực hiện một số chính sách nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế khó khăn để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Sin Suối Hồ.

    Về quy hoạch: tăng cường bổ sung và xây dựng mới cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (nhà khách, bãi đậu xe, các biển chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ cho khách du lịch, những dụng cụ cho các hoạt động cộng đồng, ca múa,…); quy hoạch tuyến, điểm du lịch sinh thái cộng đồng cụ thể; hỗ trợ cộng đồng trong việc điều phối khách, phân khu lưu trú, ăn uống, bán hàng,… 

    Về vốn đầu tư, hỗ trợ: tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình phát triển của Nhà nước cho nông thôn, miền núi…; các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng; huy động nguồn lực từ dân.

    Về nhân sự và phát huy nguồn nhân lực địa phương: nâng cao ý thức người dân trong việc phát huy lợi thế văn hoá, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch; hình thành nên các nhóm nòng cốt trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng; tạo mọi điều kiện thuận lợi và động viên các gia đình dân tộc tại địa phương cho con em theo học các lớp tập huấn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch hoặc tham gia học ngành du lịch tài các trường chuyên nghiệp.

    Về tuyên truyền, quảng bá: thiết kế nội dung tuyên truyền bằng tờ rơi, cẩm nang… và thông tin điểm, tuyến du lịch trên website của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu hay website Trung tâm xúc tiến du lịch Lai Châu và của Việt Nam; thành lập các CLB dân ca H’mông; phối hợp với đài truyền thanh/truyền hình địa phương để tuyên truyền, quảng bá; tích cực tham gia các hội thảo trong tỉnh, trong nước và quốc tế kể cả về khoa học và du lịch để tăng cường quảng bá cho Sin Suối Hồ.

    Về an ninh, an toàn: triển khai thực hiện chương trình bảo vệ rừng nguyên sinh ở Sin Suối Hồ; phối hợp với các lực lượng chức năng để có phương án bảo vệ an toàn, ngăn chặn các hành động phá hoại môi trường sinh thái; thực hiện đủ, đúng các nguyên tắc của du lịch vùng biên… 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Huy Bá (2009), Du lịch sinh thái, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật.

2. Chính phủ Việt Nam (2005), Luật Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

3. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái – Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.

7. Võ Quế, Du lịch cộng đồng – Lý thuyết và vận dụng, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật…    

ThS. Trần Đức Thành

Đại học PHENIKAA   

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

 

Ý kiến của bạn