Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam - Phân tích tác động từ một số lĩnh vực kinh tế

27/12/2021

    Sáng kiến “Thúc đẩy cam kết đa dạng sinh học” - BIODEV2030 đã được triển khai thí điểm tại 16 quốc gia, trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được lựa chọn tham gia. Nghiên cứu khoa học đầu tiên của Sáng kiến vừa khép lại với một số kết quả đạt được như đánh giá những tác động của nền kinh tế đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam và xác định các lĩnh vực kinh tế có tác động lớn nhất. Qua đó làm cơ sở cho đánh giá tiếp theo hiện đang được Sáng kiến triển khai với mục tiêu xây dựng các mô hình cam kết tự nguyện chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đối với ĐDSH, góp phần vào tiến trình chấm dứt suy giảm ĐDSH vào năm 2030 và phục hồi ĐDSH vào năm 2050. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vương Quốc Chiến - Quản lý Chương trình BIODEV2030 của WWF - Việt Nam về những kết quả đạt được của Sáng kiến.

  

Ông Vương Quốc Chiến - Quản lý Chương trình BIODEV2030 của WWF - Việt Nam

Xin ông cho biết mục tiêu và ý nghĩa của Sáng kiến khi được triển khai ở Việt Nam?

Ông Vương Quốc Chiến: Sáng kiến “Thúc đẩy cam kết đa dạng sinh học” - BIODEV2030 là một trong rất nhiều những hoạt động nhằm tăng cường các nỗ lực bảo tồn ĐDSH, tiến tới phục hồi thiên nhiên, đã và đang được thực hiện tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Sáng kiến BIODEV2030 bắt đầu được thực hiện từ tháng 7/2020 dưới sự hợp tác của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT. Một trong những mục tiêu quan trọng của Sáng kiến là xây dựng các mô hình cam kết tự nguyện chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường tác động tích cực đối với ĐDSH của ít nhất 2 lĩnh vực kinh tế, góp phần vào tiến trình chấm dứt suy giảm ĐDSH vào năm 2030 và phục hồi ĐDSH vào năm 2050.

    Sáng kiến khi được triển khai tại Việt Nam, một mặt sẽ giúp chúng ta hiểu biết về hiện trạng và nguyên nhân suy thoái ĐDSH; tác động của các hoạt động kinh tế đối với ĐDSH. Bên cạnh đó, những phân tích về bối cảnh thể chế, chính sách của quốc gia sẽ cung cấp những căn cứ quan trọng để các bên liên quan (bao gồm Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp và cộng đồng) thực hiện đối thoại nhằm xây dựng các mô hình cam kết tự nguyện phù hợp hướng đến giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với ĐDSH và dần phục hồi thiên nhiên. Cuối cùng, các kết quả đạt được từ các mô hình cam kết tự nguyện này sẽ cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để giúp nhân rộng các mô hình cam kết tại Việt Nam; chia sẻ với các quốc gia tham gia Sáng kiến và với các quốc gia khác thông qua các sự kiện quốc tế quan trọng trong thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030).

Ông có những đánh giá gì về ĐDSH ở Việt Nam hiện nay?

Ông Vương Quốc Chiến: Nhiều nghiên cứu đã khẳng định Việt Nam là một trong các quốc gia có giá trị ĐDSH cao trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm ĐDSH với tốc độ báo động. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020, tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. Ước tính, cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40 - 60%; rừng ngập mặn mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%. Sự suy giảm diện tích và những tổn thương của nhiều rạn san hô làm suy giảm ĐDSH, sinh thái và chất lượng môi trường biển

    Hệ sinh thái trên cạn và đặc biệt là hệ sinh thái rừng cũng đang bị suy thoái trầm trọng. Những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa, từ voi châu Á cho đến những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như sao la. Kết quả nghiên cứu thứ nhất của Sáng kiến BIODEV2030 đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 1992-2015, kích thước quần thể của rất nhiều loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá đang suy giảm, đặc biệt là các loài thú (chiếm tới 33% số loài đã biết), chim (46% số loài đã biết), và lưỡng cư (61% số loài đã biết). Nghiên cứu này cũng cho thấy, trong số 9.925 loài thực vật đã liệt kê và được chấp nhận ở Việt Nam có 269 loài bị đe dọa ở cấp toàn cầu (trong đó có 122 loài sắp nguy cấp, 101 loài nguy cấp và 46 loài cực kỳ nguy cấp) theo sách đỏ IUCN (2021). Việc sử dụng tài nguyên sinh vật được xem là mối đe dọa lớn nhất, tiếp theo là các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Các ngành kinh tế khác có ít tác động hơn, gồm xây dựng các khu thương mại, dân cư, hành lang vận chuyển và dịch vụ; sản xuất và khai thác năng lượng.

Từ những hoạt động của Sáng kiến được triển khai tại Việt Nam, ông có đánh giá gì về tác động của một số lĩnh vực kinh tế đối với ĐDSH ở nước ta hiện nay?

Ông Vương Quốc Chiến: Kinh tế luôn là trụ cột phát triển của mỗi một quốc gia. Hoạt động phát triển kinh tế vì thế luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào, nhất là đối với các nước nghèo và các nước đang phát triển. Việt Nam là một đất nước đang phát triển, vì vậy nhu cầu phát triển kinh tế là một trọng tâm ưu tiên. Với khoảng gần 600.000 doanh nghiệp bao gồm lớn, vừa và nhỏ (theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam – VCCI, 2019), hoạt động sản xuất kinh tế trong nhiều lĩnh vực đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang dựa vào việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển sản xuất. Thực trạng này tạo ra áp lực rất lớn đối với ĐDSH nói riêng và thiên nhiên nói chung. Đáng chú ý là hoạt động nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản) dù đóng góp GDP cả nước thấp hơn so với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nhưng lại đang khai thác và sử dụng lượng tài nguyên thiên nhiên rất lớn để tạo ra sản phẩm.

    Trong giai đoạn từ 2000 đến 2018, nhiều cánh rừng tự nhiên đã bị khai thác để phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế. Nhiều ha rừng ngập mặn đã được chuyển đổi thành diện tích nuôi trồng thủy sản hoặc nhiều ha rừng tự nhiên đã được chuyển đổi sang trồng cây cao su, sắn, cà phê. Báo cáo nghiên cứu thứ nhất của Sáng kiến BIODEV2030 chỉ ra từ năm 2000 đến năm 2018, diện tích rừng ngập mặn giảm đến hơn 68%; rừng hỗn giao giảm hơn 30% và rừng ngập mặn giảm hơn 11%. Còn theo Giám sát Rừng Toàn cầu (Global Forest Watch – GFW), từ năm 2001 đến năm 2018, Việt Nam đã mất đi hơn 2,6 triệu héc-ta rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng so với năm 2000. Những cánh rừng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang bùng nổ, tăng trưởng gấp đôi với kim ngạch đạt 9 tỉ đô-la Mỹ trong giai đoạn 2012-2018. Mặc dù tạo thêm được việc làm và cải thiện cuộc sống của hàng nghìn chủ hộ rừng lớn nhỏ cùng các cộng đồng địa phương, ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc quản lý và bảo vệ rừng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia láng giềng như Lào và Campuchia. Thêm vào đó, sự phát triển của nông nghiệp cũng đe dọa các khu rừng nguyên sinh bên trong và xung quanh các khu vực bảo tồn, phá hủy sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã và làm suy thoái giá trị các hệ sinh thái quý giá của chúng ta như nước ngọt và không khí sạch.

Ông có những đề xuất giải pháp gì để những kết quả của Sáng kiến tiếp tục được triển khai, công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam được tăng cường và triển khai hiệu quả?

Ông Vương Quốc Chiến: Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề suy thoái ĐDSH. Mỗi cách tiếp cận đều có những điểm mạnh, điểm yếu và có khả năng đóng góp cho ĐDSH rất khác nhau, ở mỗi thời điểm khác nhau. Hiện tại các quốc gia trên toàn thế giới đang đề cao cách tiếp cận tổng thể, liên ngành để giải quyết vấn đề suy thoái ĐDSH. Trong đó cách tiếp cận được WWF ưu tiên khuyến cáo đó là tiếp cận dựa trên quyền và tiếp cận dựa vào các giải pháp tự nhiên; không chỉ chú trọng giải quyết các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy thoái ĐDSH, mà còn phải tập trung xử lý các nguyên nhân gián tiếp; với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và sự chuyển đổi của tất cả các khu vực, bao gồm cả nhà nước, tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và toàn cộng đồng.

Nhóm chuyên gia của Chương trình làm việc tại Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh 

    Đối với Sáng kiến BIODEV2030 tại Việt Nam, hiện tại mới vừa thực hiện xong nghiên cứu thứ nhất – chỉ ra được một số hiện trạng ĐDSH tại Việt Nam và phân tích sơ bộ các tác động của một số lĩnh vực kinh tế đối với ĐDSH, ví dụ như chuyển đổi đất rừng sang nuôi trồng thủy sản hay trồng cây nguyên liệu, cây lâu năm; hay cho xây dựng nhà máy thủy điện... Để Sáng kiến đóng góp được nhiều hơn cho công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam thì cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về tác động của những lĩnh kinh tế này và những lĩnh vực kinh tế khác mà có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ đối với ĐDSH.

    Hiện tại, Chương trình đang nghiên cứu các mô hình sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu này đang ở trong giai đoạn tổng quan tài liệu. Tiếp theo đó, Chương trình sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại một số địa bàn có hoạt động nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp để thu thập số liệu thực tế giúp phân tích và tổng hợp. Trên cơ sở đó, Chương trình sẽ đề xuất một số mô hình cam kết tự nguyện và tiếp tục thí điểm với một số doanh nghiệp tiềm năng cũng như vận động để thay đổi chính sách ở cấp vĩ mô.

    Từ những nghiên cứu này, Chương trình sẽ đề xuất những mô hình chuyển đổi nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với ĐDSH và dần chuyển sang các mô hình sản xuất bền vững, mang lại cả lợi ích kinh tế và lợi ích tích cực cho thiên nhiên nói chung, cho ĐDSH nói riêng. Trong đó cần xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhân tố trung tâm, có khả năng đóng góp quan trọng nhất giúp quá trình chuyển đổi này đạt được thành công. Muốn vậy, Nhà nước cần tạo chính sách phù hợp, khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần được đào tạo để nâng cao hiểu biết về các giá trị của ĐDSH đối với phát triển bền vững, tự nguyện chuyển đổi các mô hình sản xuất theo hướng bền vững và tích cực cho thiên nhiên.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

Nhóm chuyên gia của Chương trình làm việc tại Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn