Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bến Tre phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững

05/05/2021

     Trong những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái ở Bến Tre tuy có phát triển nhưng chưa có sự thay đổi đột phá cả về hình thức lẫn nội dung và đã xuất hiện một số ảnh hưởng tiêu cực: Cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ, ô nhiễm môi trường... Vấn đề đặt ra cho ngành Du lịch Bến Tre là làm thế nào để du lịch sinh thái thật sự trở thành thế mạnh và góp phần phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

     Hoạt động du lịch sinh thái tại Bến Tre

     Tại Bến Tre, hoạt động du lịch sinh chủ yếu phát triển với các tuyến điểm ven sông huyện Châu Thành (tham quan sông nước miệt vườn), tuyến Giồng Trôm - Ba Tri (tham quan di tích văn hóa - lịch sử). Cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng đã phát triển tuyến điểm du lịch phía Nam thành phố Bến Tre thuộc các xã Mỹ Thạnh An, Sơn Phú, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh. Cầu Hàm Luông đưa vào sử dụng, đã mở ra hoạt động du lịch sinh thái đặc trưng Cái Mơn - Chợ Lách với các khu vườn hoa, trái cây nổi tiếng như: đường hoa kiểng, cây giống Vĩnh Bắc - Vĩnh Nam, vườn sầu riêng Bảy Thảo, vườn chôm chôm Ba Ngói…

     Nhìn chung, Bến Tre hiện khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử. Du khách đến với Bến Tre thường tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của cư dân địa phương. Hiện nay, ngoài các chương trình tham quan nghe đờn ca tài tử, cơ sở sản xuất kẹo dừa, các hàng mỹ nghệ thủ công, các công ty tổ chức thêm một số dịch vụ mới nhằm thu hút khách du lịch như mô tô nước trên sông, tát mương bắt cá, bốc thuốc nam… tại các khu du lịch như Khu phức hợp dân cư và nghỉ dưỡng An Khánh, Khu nghỉ dưỡng Phú Túc thuộc huyện Châu Thành, điểm du lịch Lan Vương, Dừa Xanh Nam Bộ ở thành phố Bến Tre. Đa số các chương trình tham quan Bến Tre chỉ thực hiện trong ngày, nếu có ở đêm thì chủ yếu ở trong thành phố có các khách sạn như Hàm Luông, Hùng Vương. Một số dịch vụ như chèo xuồng trên sông, thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử, tham gia các trò chơi tại các khu du lịch như tát mương bắt cá, bắt vịt thì ở Tiền Giang, Vĩnh Long hay Cần Thơ đều có và đôi khi Bến Tre còn thua các nơi này về chất lượng…

     Bến Tre hiện có trên 68 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn, homestay: Khu du lịch cồn Phụng (Tân Thạch - Châu Thành), điểm du lịch Phong Phú, Thảo Nhi, Hảo Ái, Diễm Phương, Quê Dừa, điểm du lịch cồn Quy (Quới Sơn), Tân Cồn Quy, vườn du lịch sinh thái Phú An Khang (Bình Phú - thành phố Bến Tre), Năm Công (Hưng Khánh Trung B), cơ sở cây giống - hoa kiểng Hoàng Duy, vườn sầu riêng Bảy Thảo, điểm du lịch Đại Lộc (Sơn Định - Chợ Lách), vườn du lịch Ba Ngói, Tám Lộc, homestay Hoàng Lan (An Khánh - Châu Thành), Homestay Cái Cấm (xã Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc), Khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort (Phú Túc - Châu Thành)…

     Về tác động tích cực, du lịch sinh thái phát triển đã gián tiếp góp phần thúc đẩy các ngành nghề truyền thống tại Bến Tre. Trong số 45 làng nghề được công nhận, có 27 làng nghề nông nghiệp (ươm ghép cây giống và hoa kiểng…) và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp của 30.500 cơ sở và hộ dân; các làng nghề này đa số đều nằm bên những dòng sông, đã tạo ra rất nhiều thuận lợi cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái. Nhiều làng nghề đã và đang được củng cố, thu hút khách hàng và khách du lịch như: làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre; làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre), An Hiệp (huyện Châu Thành); làng nghề hoa kiểng, cây giống Vĩnh Thành (Cái Mơn) và các xã của huyện Chợ Lách; làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An… Khi làng nghề được đưa vào khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch, đã có rất nhiều khách đến tham quan, mua sắm. Điều này đòi hỏi các cơ sở kinh doanh nỗ lực cải tiến tạo ra những sản phẩm dịch vụ có chất lượng ngày càng cao, các mặt hàng mỹ nghệ với mẫu mã ngày càng phong phú và đẹp mắt. Đây là cơ sở để du lịch sinh thái Bến Tre có thể cạnh tranh và tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm du lịch ở các tỉnh khác trong vùng.

     Tuy nhiên, du lịch phát triển cũng tạo ra những tác động tiêu cực đối với tài nguyên, môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải do khách du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thải ra. Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng rác thải ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm cũng như mỹ nghệ từ dừa tại Bến Tre. Các cơ sở kinh doanh chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, làm nguồn nước bị ô nhiễm và gây ra mùi hôi thối như ở huyện Giồng Trôm, sông Thom ven thành phố Bến Tre. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến loại hình du lịch sinh thái khi môi trường bị ô nhiễm…

     Phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững

     Thứ nhất, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch

     Tỉnh Bến Tre cần đặt ra yêu cầu phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ các giá trị bản sắc văn hóa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Cần xây dựng, phê duyệt và quản lý tốt quy hoạch chi tiết xây dựng các khu du lịch thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng tại các điểm phát triển du lịch nhằm lồng ghép phát triển du lịch với quá trình đô thị hóa có kiểm soát.

Làng hoa cảnh Cái Mơn, chợ Lách tỉnh Bến Tre

     Môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, môi trường văn hóa xã hội thiếu lành mạnh sẽ làm giảm tính hấp dẫn của điểm đến đối với khách du lịch. Do vậy, cần có biện pháp tuyên truyền nhằm hạn chế gây ô nhiễm: không bỏ lại rác không tự hủy trong tự nhiên xuống sông, kênh, rạch; tại các điểm du lịch cần bố trí các thùng gom rác hợp lý; thành lập các đội thu gom rác thải và làm sạch môi trường (có thể phối hợp với đoàn thanh niên và hội phụ nữ xã hoặc vận động các hộ gia đình thường xuyên làm vệ sinh xung quanh khu vực mình sống).

     Bên cạnh đó, gắn giáo dục môi trường du lịch với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị tự nhiên và văn hóa của Bến Tre, đồng thời trang bị cho họ những hiểu biết cơ bản, cần thiết cho mục tiêu bảo tồn; gắn mô hình đổi mới tổ chức quản lý với yêu cầu bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

     Ngoài ra, cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tổ chức các cuộc hội thảo về bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa truyền thống, phát triển cộng đồng thông qua hoạt động hợp tác với các tổ chức về du lịch hoặc các tổ chức quan tâm đến việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường...

     Thứ hai, gắn phát triển du lịch sinh thái với phát triển nông thôn

     Vai trò của dân cư địa phương đối với việc phát triển du lịch sinh thái là đặc biệt quan trọng. Họ gắn bó trực tiếp với các khu sinh thái vườn cây ăn trái, kênh rạch, làng nghề truyền thống, văn hóa cộng đồng địa phương. Chính vì vậy, việc gắn kế hoạch, hoạt động đối với phát triển du lịch sinh thái và phát triển nông thôn sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập người dân, giải quyết việc làm, bảo tồn được tài nguyên sinh thái tự nhiên, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

     Để đạt được hiệu quả giải pháp trên, Bến Tre cần giao cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập một ban quản lý, quy hoạch cho các khu du lịch sinh thái có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn tạo điều kiện cho làng nghề truyền thống cũng phát triển cũng như tạo sự đa dạng, phong phú cho loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Ban quản lý khu du lịch cần phối hợp với cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương để xây dựng kế hoạch quản lý thích hợp, phù hợp với quy hoạch chung của cả khu vực.

     Quản lý nhà nước về du lịch sinh thái cần được thực hiện với việc thành lập các cơ quan chuyên trách phát triển du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch như khu vực Châu Thành, thành phố Bến Tre, Chợ Lách. Đối với các dự án phát triển các khu du lịch, công trình quan trọng cần thành lập ban chuẩn bị (kêu gọi, xúc tiến) đầu tư, và sau này trở thành các ban quản lý dự án có năng lực, hoạt động hiệu quả.

     Thứ ba, đầu tư phát triển du lịch

     Trước mắt, tỉnh có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, có chính sách liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch. Cần trang bị các phương tiện cung cấp thông tin du lịch cho du khách đến tham quan như Trung tâm thông tin Du lịch (trung tâm hướng dẫn), có bố trí nhân viên, các bảng giới thiệu các điểm du lịch, bảng hướng dẫn chung, bảng hướng dẫn tại các điểm tham quan… Quy hoạch xây dựng khách sạn, nhà hàng theo kiến trúc và sử dụng chất liệu gần gũi với tự nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống làng quê sông nước miệt vườn. Xây dựng khu vệ sinh và cung cấp nước sạch để du khách an tâm, thoải mái trong quá trình lưu trú...

     Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với Nhà nước; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động du lịch, có thể nghiên cứu áp dụng giải pháp hỗ trợ lãi xuất vay 5 năm đối với một số hoạt động đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.

     Cùng với đó, có chính sách và giải pháp tạo nguồn vốn phát triển du lịch, huy động mọi nguồn vốn để giải quyết về nhu cầu đầu tư, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP du lịch theo tính toán dự báo. Tạo mọi điều kiện thuận lợi (có thể xây dựng các cơ chế ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính) để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh, liên kết với nước ngoài... Với nguồn vốn này cần ưu tiên cho các nhà đầu tư có đủ năng lực để đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. Vốn ngân sách Nhà nước (cả trung ương và địa phương) ưu tiên sử dụng vào việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các trọng điểm du lịch; vào công tác bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch... Đặc biệt, chú trọng giải pháp gắn phát triển giao thông nông thôn với phát triển hạ tầng phục vụ khai thác du lịch.

     Đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội (giao thông, điện, nước sạch, viễn thông…) đến các vùng quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông; tập trung đầu tư về cầu, đường đảm bảo xe 45 chỗ có thể vận chuyển khách du lịch đến được: tuyến Châu Thành: tỉnh lộ 883, tỉnh lộ 884 (Tiên Thủy - phà Tân Phú); tuyến Chợ Lách: hệ thống cầu, đường quốc lộ 57; tuyến Mỏ Cày Nam: cầu, đường từ thị trấn đến Định Thủy; tuyến Giồng Trôm - Ba Tri: nâng cấp tỉnh lộ 885; tuyến Bình Đại: tỉnh lộ 886; các huyện lộ đến các vùng quy hoạch du lịch và di tích văn hóa - lịch sử, đảm bảo nhà đầu tư và du khách có thể tiếp cận…

     Thứ tư, giải pháp khác

     Cần đầu tư xây dựng và hoàn thành một số quy hoạch chi tiết ở các khu du lịch trọng điểm để làm cơ sở cho việc đầu tư và kêu gọi vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong cũng như ngoài nước.

     Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lich.

     Đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch sinh thái đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh; đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường trong hoạt động du lịch.

     Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái theo những chuyên đề được đề cập mang tính toàn diện như bảo vệ môi trường du lịch sinh thái, nâng cao kỹ năng phục vụ, kỹ năng tiếp đón, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hướng dẫn; chú trọng nâng cao trình độ quản lý đối với cán bộ phụ trách về hoạt động du lịch sinh thái…

ThS. Hoàng Ngọc Hiển

Đại học Văn Lang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Trung Lương, Du lịch sinh thái - những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam- NXB Hà Nội,2014
  2. Pham Hong Long, Tourism Impacts and Support for Tourism Development in Ha Long Bay, Vietnam: An Examination of Residents’ Perceptions , Asian Social Science, Vol.8 , No. 8; July 2012
  3. Viện nghiên cứu phát triển du lịch. http://itdr.org.vn/
  4. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre. http://dulich.bentre.gov.vn/
Ý kiến của bạn