Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ vùng cao Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế

28/03/2022

    Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa - Thiên Huế, với 10 xã và 1 thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45% dân số toàn huyện như Cơ Tu, Tà Ôi, Pacô, Pahy, Vân Kiều, Mường... Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác BVMT, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nam Đông đã tích cực chỉ đạo Hội LHPN các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống hội viên; đồng thời huy động sức mạnh tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới trong việc giữ gìn, BVMT xanh - sạch - đẹp. Cũng từ đây, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác BVMT đã được triển khai, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

    Được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động từ đầu năm 2019, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, với nhiều nội dung ý nghĩa như tổ chức ra quân vệ sinh môi trường mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần; vận động nhân dân thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ, phân loại rác tại nguồn; tổ chức ký cam kết BVMT; vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trườngđã đuwọc triển khai nhân rộng khắp mọi miền, từ thành thị đến miền núi, từ già đến trẻ... Trong thư gửi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh đã chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động mạnh mẽ để thúc đẩy thực hiện phong trào này trên toàn tỉnh, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp trong công tác BVMT. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục kiên trì, hành động quyết liệt để đưa phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

Ra mắt mô hình điểm "Phụ nữ sống xanh" tại 2 xã Hương Sơn và Hương Xuân

    Tại huyện Nam Đông, “Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một nếp sống đẹp, dần xây dựng ý thức, thói quen của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, làm thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, nhiều vấn đề về môi trường phần nào được giải quyết, số lượng điểm đen về ô nhiễm đã giảm bớt, chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao. Như thường lệ, vào Chủ nhật hàng tuần, cán bộ, người dân, từ người lớn tới đến trẻ em các xã trên địa bàn huyện lại cùng nhau  dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, vỉa hè, lòng lề đường, chỉnh trang hàng rào, trồng hoa dọc các tuyến đường chính trong xã, tạo môi trường trong lành. Đâu đâu cũng rộn ràng tiếng chổi quét rác, tiếng cuốc làm cỏ. Hành động tuy nhỏ nhưng đã góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức không vứt rác bữa bãi, giảm sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa…

    Ngoài ra, hàng quý, huyện Nam Đông cũng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, phụ nữ… về công tác BVMT đặc biệt là rác thải nhựa. Điển hình như vào tháng 5/2021, Hội LHPN huyện đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ hội viên các xã, thị trấn về "Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp vi sinh IMO, giảm thiểu rác thải nhựa". Buổi tập huấn đã trang bị cho hội viên những kiến thức cơ bản về phương pháp sản xuất dung dịch dinh dưỡng (từ rác hữu cơ thực vật, quả, cá...) và phương pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc trên cơ sở phân loại, xử lý tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sẵn có tại hộ gia đình để chế biến thành phân hữu cơ, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật có ích cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Cũng tại buổi tập huấn, huyện đã ra mắt mô hình điểm "Phụ nữ sống xanh" tại 2 xã Hương Sơn và Hương Xuân nhằm đánh giá tính hiệu quả trong việc phân loại, xử lý rác "thân thiện với môi trường" góp phần lan tỏa, nhân rộng trên toàn huyện hướng đến môi trường Xanh - Sạch - Sáng. 

Nhân lên những mô hình xanh

    Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn tỉnh đang ra sức thực hiện Cuộc vận động xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng, xanh, sạch, không rác thải, những mô hình về BVMT được lồng ghép thực hiện ở khu dân cư càng đóng vai trò quan trọng. Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay BVMT, hạn chế rác thải nhựa, Hội LHPN xã Hương Phú đã triển khai thực hiện “Biến rác thành tiền” gắn với các mô hình “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Phong trào đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, trong đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo được chị em hội viên đồng tình ủng hộ. Đến nay, việc thu gom rác vô cơ đã được chị em thực hiện mỗi ngày. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như: Vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… đều được các hội viên thu gom, phân loại và đem bán. Tiền bán được, mọi người góp vào để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng thông qua đó, giúp chị em có thêm kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh; thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình… Đối với rác hữu cơ như thức ăn thừa, rau, củ, quả, lá cây… các chị em thu gom, đem ủ phân bón cho vườn rau, cây ăn trái, hoa cảnh. Bên cạnh mô hình “Biến rác thải thành tiền”, Hội LHPN xã Hương Phú còn vừa hoàn thành công trình “Đường hoa từ lốp xe”. Từ những chiếc lốp xe ô tô đã qua sử dụng, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên xã đã tạo nên những chiếc bình hoa đẹp mắt. Công trình hoàn thành nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Việc xây dựng mô hình theo hình thức này không mới, nhưng sự sáng tạo, sức trẻ của các hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên đã đem lại một công trình ý nghĩa, góp phần BVMT.

    Không chỉ hội viên phụ nữ xã Hương Phú ra sức thi đua BVMT, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, phụ nữ xã Hương Xuân, Thượng Quảng, Thượng Lộ… lại tích cực BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới. Tham gia BVMT, phụ nữ Hương Xuân đã vận động các đơn vị hội tổ chức phân loại rác tại nhà, các loại rác hữu cơ chị em đào hố chôn lấp, còn rác hữu cơ gom lại để đội thu gom rác vận chuyển đến bãi tập kết. Sau bão lụt, chị em phụ nữ ra quân làm vệ sinh môi trường trên địa bàn đơn vị của mình như vớt bèo, rác khơi thông dòng chảy làm sạch đường làng ngõ xóm. Ngoài ra, Hội còn vận động chị em phụ nữ lắp đặt hệ thống nước máy, đối với những hộ chưa có điều kiện sử dụng nước máy hội cũng vận động chị em sử dụng nước giếng hợp vệ sinh, tiến hành khử trùng sau mỗi trận bão lụt, tuyệt đối không sử dụng nước khe, suối trong sinh hoạt. Đồng thời, thông qua Chương trình Vì môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội, hội tạo điều kiện cho chị em vay vốn lắp đặt hệ thống nước máy và xây nhà tiêu hợp vệ sinh…

    Những sáng kiến, giải pháp của phụ nữ ở huyện miền núi Nam Đông không chỉ góp phần BVMT, bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác BVMT, năm 2022, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục kiên trì, hành động quyết liệt để đưa các phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; Đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền về BVMT gắn với cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch” theo các tiêu chí hướng dẫn của Trung ương; Kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến BVMT và phát triển bền vững của Hội LHPN các cấp. Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ BVMT; Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… để mỗi khu dân cư, mỗi gia đình, cá nhân thực sự trở thành những điển hình trong xây dựng môi trường sống xanh, lành mạnh, bền vững.

Hoàng Khang

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Ý kiến của bạn