Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Việt Nam tăng cường bảo vệ tầng ô zôn

26/12/2016

   Nhận thức rõ những ảnh hưởng suy giảm tầng ô zôn, năm 1994, Việt Nam đã chính thức tham gia Nghị định thư Montreal. Sau hơn 2 thập kỷ tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã đạt được những thành công trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô zôn.

   Trong thập kỷ 90, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 500 tấn CFC, 4 tấn holon và gần 400 tấn methyl bromide - những chất gây suy giảm tầng ô zôn. Song với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của Bộ TN&MT cùng các cơ quan liên quan, Việt Nam đã loại trừ trên 200 tấn chất làm lạnh CFC 12; giảm trung bình mỗi năm 3,6 tấn CFC 11 trong ngành dệt may; 5,8 tấn CFC 12 trong sử dụng điều hòa không khí ô tô và 40 tấn CFC trong các thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng.

   Đến năm 2009, Việt Nam chỉ còn nhập khẩu 10 tấn R-12 (chất làm suy giảm tầng ô zôn nhóm CFC) và từ ngày 1/1/2010, toàn bộ các chất nhóm CFC bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, chất HCFC (hóa chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí, nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt), trong đó có môi chất lạnh R-22 (môi chất lạnh là chất tuần hoàn trong hệ thống lạnh, làm nhiệm vụ hấp thu nhiệt của buồng lạnh nhờ bốc hơi ở áp suất thấp nhiệt độ thấp và thải nhiệt ra môi trường ở áp suất và nhiệt độ cao) vẫn đang tồn tại ở Việt Nam. Kết quả khảo sát của Bộ TN&MT cho thấy, tổng thể tích kho lạnh của Việt Nam năm 2016 có khoảng 3,5 triệu m3, trong đó có khoảng 40% (1,4 triệu m3) vẫn đang sử dụng thiết bị cấp đông, làm đông sâu chứa môi chất lạnh R-22. Chất này có chỉ số tiềm năng phát thải khí nhà kính (GWP) cao gấp 1.810 lần CO2 và được liệt vào danh mục cần phải loại bỏ của Nghị định thư Montreal. Bởi vậy, cần sử dụng chất làm lạnh có nguồn gốc tự nhiên (như R-290) để thay thế R-22.

   Để loại trừ HCFC cũng như R-22, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Bộ TN&MT đã xây dựng “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam”. Kế hoạch này được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2012 - 2016 loại trừ khoảng 2.500 tấn HCFC và polyol trộn lẫn HCFC; từ năm 2017 - 2030 loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC ở Việt Nam.

   Bên cạnh đó, năm 2014, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã hỗ trợ Bộ TN&MT khởi động Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ô zôn trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp”. Dự án gồm 3 hợp phần: Hỗ trợ chính sách và pháp lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực nhằm thúc đẩy phát triển thị trường môi chất lạnh có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp, đặc biệt là công nghệ hydrocacbon trong lĩnh vực làm lạnh.

   Theo đó, từ tháng 8-11/2014, Ban quản lý Dự án đã tiến hành khảo sát 94 kho lạnh của 18 công ty có sử dụng tác nhân lạnh R-22; nhiệt độ bảo quản -15 đến -23oC; chứa thủy sản, thực phẩm và thịt lợn đông lạnh; thể tích mỗi buồng từ 54 - 820 m3; khoảng 40% cách nhiệt bằng PS, 60% cách nhiệt bằng PU; hiệu suất tiêu thụ điện của các kho từ 86 - 630 kwh/năm/m3. Sau đó, Dự án lựa chọn lắp đặt thí điểm 25 máy R-290 tại 4 công ty cổ phần: Thủy sản Phú Minh Hưng, Quảng Ninh (9 máy); Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, TP. Hồ Chí Minh (9 máy); Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đại An, Hà Nội (3 máy); Chế biến và xuất khẩu súc sản Nghệ An, Nghệ An (4 máy). Đến tháng 7/2015, tất cả các máy R-290 đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp. Mỗi máy có lượng môi chất lạnh trong máy là 1,5 kg, nhỏ hơn nhiều so với lượng môi chất lạnh R-22 chứa trong thiết bị cũ. Lợi ích về kinh tế và môi trường của việc loại bỏ R-22 thay thế bằng công nghệ mới R-290 bao gồm: Chi phí hoạt động và đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn ngắn; nhiệt độ kho lạnh đảm bảo; thiết bị lạnh đáng tin cậy; công nghệ không sử dụng chất làm suy giảm tầng ô zôn; lượng phát thải CO2 thấp.

Hội thảo giới thiệu kết quả Dự án tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2016

   Kết quả thí điểm của 4 công ty cho thấy, máy sử dụng R-290 làm môi chất lạnh đáp ứng được yêu cầu làm lạnh của kho, đạt nhiệt độ từ -20 đến -25oC; loại trừ khoảng 250 kg R-22 (tương đương 452 tấn CO2) chứa trong các thiết bị làm lạnh cũ; lượng tiêu thụ điện giảm trung bình 20 - 25% so với thiết bị cũ. Đặc biệt, máy R-290 có hiệu suất năng lượng cao, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kết quả của Dự án còn góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiệu suất năng lượng, giảm phát thải các chất làm suy giảm tầng ô zôn. Tuy nhiên, khí ga này dễ cháy nổ, các doanh nghiệp sử dụng cần phải thận trọng trong quá trình lắp đặt, sửa chữa, vận hành và việc phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhà sản xuất chưa chế tạo được những máy lớn để sử dụng, lắp đặt những kho lạnh có công suất hàng trăm tấn, hàng nghìn tấn…

   Như vậy, lĩnh vực làm lạnh nói chung và các kho lạnh bảo quản thủy, hải sản nói riêng tiêu thụ nhiều chất làm suy giảm tầng ô zôn, đồng thời cũng là các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu. Do đó, kết hợp loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô zôn và giảm phát thải là một trong những hoạt động cần ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, để phát triển công nghệ sử dụng R-290 ở Việt Nam, cần nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy định nhằm đảm bảo việc áp dụng an toàn khi sử dụng thiết bị có chứa môi chất cháy; tạo điều kiện để thúc đẩy sử dụng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, phát thải khí nhà kính thấp. Đặc biệt, cần tạo cơ chế tài chính linh hoạt như các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ chuyển đổi công nghệ, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và hoạt động BVMT.

Lê Vân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn