Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Việt Nam khẳng định cam kết với thế giới trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu

26/12/2016

   Sau hơn hai tuần làm việc, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) đã thông qua 35 Quyết định (25 Quyết định của Hội nghị COP, 8 Quyết định của Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto và 2 Quyết định của Hội nghị các bên tham gia Thỏa thuận Pari). Đặc biệt, nhằm kêu gọi sự thống nhất hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tại Hội nghị, các bên đã thông qua Tuyên bố Hành động Ma-ra-két về khí hậu và phát triển bền vững. Nhân dịp kết thúc Hội nghị COP 22, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng - Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - thành viên Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị về những kết quả của Hội nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng - Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ KH&ĐT

   Xin ông cho biết một số kết quả chính của Hội nghị COP 22 và những đóng góp của Việt Nam?

   Ông Nguyễn Tuấn Anh: Hội nghị COP 22 tái khẳng định các bước đi cần thiết để thực hiện các cam kết Pari, đồng thời, thống nhất thêm một số vấn đề quan trọng. Do đó, với vai trò là Hội nghị của hành động nhằm triển khai Thỏa thuận Pari, tại Hội nghị COP 22, Chính phủ các nước đã thiết lập một thời hạn nhất định. Theo đó, đến năm 2018 sẽ hoàn thành văn bản quy định và hướng dẫn các quốc gia thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận Pari, bao gồm các vấn đề về đảm bảo tính minh bạch của hành động, cung cấp tài chính khí hậu, phát triển và chuyển giao công nghệ; truyền thông chia sẻ nỗ lực quốc gia và nhu cầu hỗ trợ… Văn bản là cơ sở tăng cường hợp tác toàn cầu hướng đến việc đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính và giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC trong các thập kỷ tới. Các TP và chính quyền nhiều khu vực, doanh nghiệp, nhà đầu tư… cũng đã ban hành các cam kết ứng phó BĐKH mới, bổ sung cho hàng nghìn công bố đã đưa ra tại Hội nghị Pari năm 2015.

   Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cùng các bên thảo luận những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Pari, Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, cập nhật thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các cam kết, từ đó tăng cường hợp tác, đối tác trong ứng phó với BĐKH theo tinh thần của Thỏa thuận Pari. Tính đến thời điểm kết thúc Hội nghị COP 22, Việt Nam là 1 trong số 111 nước đã phê chuẩn/phê duyệt Thỏa thuận và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước tiên phong.

Đại diện Bộ TN&MT, KH&ĐT và Công Thương tham dự Hội thảo do GIZ tổ chức

   Được biết, bên cạnh các nội dung về đàm phán được giao, Bộ KH&ĐT đã tham gia trình bày tại 5 sự kiện bên lề của các đối tác khác nhau về Chiến lược Tăng trưởng xanh…, vậy ông có thể nói rõ hơn về các sự kiện này?

   Ông Nguyễn Tuấn Anh: Bộ KH&ĐT đã tham gia trình bày tại các sự kiện do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Viện Tăng trưởng toàn cầu (GGGI), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Tiềm năng (LEAD) tổ chức. Nội dung tập trung vào việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Các đóng góp của Tăng trưởng xanh vào việc thực hiện cam kết quốc gia tự quyết định (NDC); Nhu cầu tài chính thực hiện NDC và Chiến lược Tăng trưởng xanh; Kêu gọi sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh…

   Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT tham gia nhiều Hội nghị liên quan đến các vấn đề toàn cầu, cụ thể GIZ đề cập vấn đề về hỗ trợ quốc tế cho NDC, công nghệ xanh, vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO); GGGI tập trung về tài chính khí hậu và cách tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia; WB tập trung vào vai trò của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT ở các quốc gia trong việc thực hiện cam kết Pari; USAID tập trung về các vấn đề liên vùng ở châu Á.

   Ngoài các sự kiện bên lề trên, các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Công Thương cũng tích cực tham gia và trình bày ở các sự kiện tại Hội nghị COP 22 để cập nhật thông tin, cũng như chia sẻ các vấn đề liên quan đến ngành.

   Xin ông cho biết, cam kết đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Việt Nam và việc triển khai thời gian tới như thế nào?

   Ông Nguyễn Tuấn Anh: Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối quốc gia (NDA) của Quỹ Khí hậu xanh theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ đang làm việc với Bộ Tài chính để triển khai cam kết trên của Việt Nam trong thời gian tới.

   Tham gia Hội nghị COP 22, đại diện Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cũng có buổi làm việc với đại diện Quỹ Khí hậu xanh để tìm hiểu về cách thức, thủ tục đóng góp cũng như chia sẻ, cập nhật với Quỹ về công tác chuẩn bị của phía Việt Nam, các thủ tục nội bộ mà Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính phải triển khai.

   Theo ông, thời gian tới Việt Nam cần làm gì để khẳng định cam kết với thế giới trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH?

   Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trước hết, cần tích cực triển khai kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Pari, các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược BĐKH và Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược Năng lượng tái tạo và các chương trình đầu tư có liên quan thích ứng BĐKH như trồng rừng, bảo vệ đê biển, BVMT...

   Mặt khác, cần triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu BĐKH và Tăng trưởng xanh; Lồng ghép BĐKH và Tăng trưởng xanh trong công tác lập kế hoạch, xây dựng quy hoạch phát triển, đặc biệt quy hoạch của một số ngành kinh tế lớn như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng; Thực hiện các chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng xanh cho khu vực doanh nghiệp và tư nhân; nghiên cứu cơ hội về trái phiếu xanh...

   Tiếp tục xây dựng các Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu của NDC.

   Xin cảm ơn ông.

                Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn