Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hướng tới mục tiêu “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”

09/06/2016

   Với hệ sinh thái (HST) và động thực vật đa dạng và phong phú, Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Langbiang đã và đang là điểm đến độc đáo, một trải nghiệm tuyệt vời cho du khách và các nhà nghiên cứu khoa học khi đến thành phố này. Khu DTSQ thế giới Lang Biang góp phần đưa Đà Lạt phát triển thành Trung tâm du lịch, giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam cũng như Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Tạp chí Môi trường đã trao đổi với ông Lê Văn Hương - Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn.

Ông Lê Văn Hương - Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà 

   Xin ông biết một số kết quả hoạt động về quản lý bảo vệ tài nguyên rừng (QLBVR) và bảo tồn ĐDSH của VQG Bidoup-Núi Bà những năm qua cũng như khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay?

   Ông Lê Văn Hương: Hiện nay VQG Bidoup-Núi Bà được giao quản lý 70.038 ha rừng và đất lâm nghiệp. Kế từ khi thành lập tháng 11/2004, VQG đã đạt được một số kết quả trong công tác QLBVR và bảo tồn ĐDSH.

   Trong giai đoạn 2005-2010, các vụ vi phạm quy định về QLBVR giảm từ 260 vụ vào năm 2005 xuống còn 105 vụ năm 2010 và đến năm 2015 các vụ vi phạm còn 30 vụ; tính chất vi phạm cũng ít nghiêm trọng hơn, cụ thể là các vụ vi phạm lớn, phức tạp ngày càng giảm thể hiện qua tang vật thu giữ và số tiền xử lý vi phạm. Năm 2015 số tiền xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước của VQG Bidoup - Núi Bà là 56,5 triệu đồng. Theo số liệu 5 tháng đầu năm 2016, số vụ vi phạm có xu hướng giảm so với 5 tháng đấu năm 2015 (10 vụ so với 12 vụ của năm 2015). Hiện nay VQG đã khoán 58.058,06 ha rừng cho 1.482 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ với kinh phí chi trả trên 20 tỷ đồng/năm, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

   Công tác QLBVR là nội dung quan trọng nhất của công tác bảo tồn ĐDSH. Bảo tồn quần thể, loài và nguồn gen chỉ đạt được kết quả khi rừng được bảo vệ tốt và có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Để đạt được mục tiêu bảo tồn, các nội dung khác cũng quan trọng như công tác nghiên cứu khoa học, diễn giải môi trường và hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, tuy nguồn lực hạn chế nhưng VQG đã kết hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các đề tài nghiên khoa học như: Phân lập và chọn lọc vi sinh vật enzyme ngoại bào; Khảo sát khu hệ chim và lưỡng cư bò sát; Nghiên cứu sự phân bố của khu hệ thực vật và dơi; Điều tra thực địa nghiên cứu ĐDSH các loài động vật trên cạn và cá nước ngọt; Nghiên cứu ĐDSH các loài côn trùng; Khảo sát sự đa dạng dương xỉ khu vực miền Trung, miền Nam; Khảo sát và thu thập mẫu vật phục vụ việc nghiên cứu bảo tồn nguồn gen thực vật tại VQG. Trong năm 2015, tại VQG Bidoup - Núi Bà đã phát hiện ra 5 loài mới, bao gồm: 2 loài thực vật (Billolivia tichii, Billolivia kyi); 2 loài côn trùng (Lobofemora bidoupensis; Aegosoma george); 1 loài cá (Onychostoma krongnoensis). Hiện nay, VQG Bidoup - Núi Bà có quan hệ hợp tác với trên 20 tổ chức trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn.

   Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp trái phép, khai thác gỗ bất hợp pháp, săn bắt động vật hang dã, thu hái lâm sản quá mức và cháy rừng…là những thách thức trong công tác QLRBV và bảo tồn ĐDSH. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn nhân lực và nguồn lực đầu tư luôn là những trở ngại để đạt được mục tiêu quản lý trong công tác bảo tồn không chỉ ở Việt Nam.

   Khu DTSQ Langbiang được công nhận là Khu DTSQ thế giới, tỉnh Lâm Đồng có những kế hoạch gì kết nối với mạng lưới khu DTSQ trong nước và quốc tế, nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH, thưa ông?

   Ông Lê Văn Hương: VQG Bidoup - Núi Bà được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận khu vực Langbiang trong đó có vùng lõi của VQG là Khu DTSQ thế giới. Tại cuộc họp thường niên lần thứ 27 của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (ICC-MAB/UNESCO) từ ngày 5 - 15/6/2015 ở Paris (Pháp), Khu DTSQ Langbiang do UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam và UBQG con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) đề xuất đã được công nhận là Khu DTSQ thế giới thứ 9 của Việt Nam. Hiện nay, UBND tỉnh lâm Đồng đang xúc tiến thành lập Ban quản lý theo yêu cầu của UBQG UNESCO Việt Nam và UBQG con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam). Theo đề xuất của VQG, một Hội đồng tư vấn quốc tế sẽ được thành lập để hỗ trợ cho Ban quản lý Khu DTSQ kết nối với mạng lưới các Khu DTSQ trên thế giới nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH của Khu DTSQ thế giới Langbiang theo phương châm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”. Kế hoạch quản lý điều hành cho ban quản lý Khu DTSQ thế giới Langbiang cũng đã được VQG đề xuất soạn thảo trình UBND tỉnh phê duyệt; Đề tài nghiên cứu nghiên cứu khoa học trong Khu DTSQ thế giới Langbiang theo sáng kiến của VQG cũng đã được Bộ KH & CN chấp thuận và đang triển khai từ 2015-2017 Kế hoạch điều tra, giám sát ĐDSH và xây dựng chiến lược marketing cho các sản phẩm địa phương trong Khu DTSQ thế giới Langbiang cũng đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khởi động nghiên cứu và tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp thường niên lần thứ 27 của ICC-MAB/UNESCO từ ngày 5 - 15/6/2015 tại Paris (Pháp) công nhận Langbiang là Khu DTSQ thế giới thứ 9 của Việt Nam

   Nhằm phát huy giá trị cảnh quan, ĐDSH… Ban Quản lý VQG Bidoup - Núi Bà có những kế hoạch gì để triển khai trong thời gian tới?

   Ông Lê Văn Hương: Mô hình hợp tác quản lý trong quản lý rừng theo đề xuất của VQG Bidoup - Núi Bà đang được triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do JICA tài trợ. Đây là mô hình mới trong quản lý rừng ở Việt Nam, lấy người dân là trung tâm và là đối tác để thực hiện các hoạt động quản lý rừng với các bên liên quan trong đó có VQG. Mô hình hợp tác quản lý trong quản lý rừng là các bên tham gia cùng nhau thảo luận, đàm phán để đi đến thống nhất vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi nhằm đạt được mục tiêu quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Những giá trị tổng hợp về dịch vụ HST sẽ được chia sẻ cho những người dân tham gia tích cực vào việc duy trì khả năng cung cấp của dịch vụ HST. Để thực hiện những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về công tác bảo tồn. Các hoạt động về bảo tồn chuyển chỗ cũng đã và đang được thực hiện như xây dựng Vườn thực vật, xây dựng Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên. Để sử dụng bền vững ĐDSH và dịch vụ HST, phát huy các giá trị của Khu DTSQ thế giới Langbiang, các hoạt động du lịch sẽ được thúc đẩy theo đồ án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái của VQG Bidoup - Núi Bà đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Phát triển du lịch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân nhưng vẫn đáp ứng được các nguyên tắc của Công ước ĐDSH cũng là mục tiêu trong những năm tới của VQG .

Khu DTSQ thế giới Langbiang

VQG Bidoup - Núi Bà trao giải cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi tìm hiểu về môi trường

   Kỷ niệm Ngày ĐDSH 22/5 và ngày Môi trường thế giới 5/6/2016, VQG có những hoạt động gì nhằm triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT, bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng ?

   Ông Lê Văn Hương: Tuyên truyền QLBVR và bảo tồn ĐDSH là một trong 9 chương trình hoạt động của VQG Bidoup - Núi Bà. Trong năm 2016 các hoạt động đã được lập kế hoạch tổ chức thực hiện như: duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ xanh tại các trường trung học cơ sở huyện Lạc Dương, trong đó có hoạt động thi rung chuông vàng tìm hiểu về môi trường; Tổ chức cho 12 trường học tại Đà Lạt và Lạc Dương tham quan VQG để tìm hiểu về ĐDSH; Tuyên truyền cho cộng đồng về các quy định trong quản lý, bảo vệ rừng; cung cấp các ấn phẩm truyền thông, thiết kế các chương trình vui chơi liên quan đến giáo dục môi trường; Kỷ niệm ngày ĐDSH 22/5 và ngày Môi trường thế giới 5/6, VQG sẽ tổ chức lễ mít tinh với sự tham gia của 300 - 500 người (cộng đồng, du khách, các đoàn viên thanh niên và học sinh). Mục tiêu giúp cộng đồng và các em nâng cao ý thức và có các hành động thiết thực trong việc trồng và bảo vệ cây xanh, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với rừng và môi trường. Buổi mít tinh còn mang ý nghĩa kêu gọi mọi người hãy bảo vệ trái đất bằng các hoạt động cụ thể thiết thực như không vứt rác bừa bãi, tổ chức trồng cây xanh, tiết kiệm nguồn nước sạch như một lời cam kết phát triển bền vững Khu DTSQ thế giới Langbiang.

   Xin cảm ơn ông.

                Phạm Tuyên

(Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn