Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Văn hóa cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề tại xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

01/04/2020

     Xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có cáclàng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ truyền thống lâu đời, tạo công việc ổn định và đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất thủ công, thô sơ nên nghề  gỗ đã phát sinh một lượng lớn rác, bụi, hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Để giải quyết vấn đề môi trường, những năm qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác BVMT dựa vào văn hóa cộng đồng bằng các hương ước, quy ước, cũng như đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường làng nghề.

     BVMT làng nghề trong các hương ước, quy ước

     Từ xa xưa, những người dân ở các làng nghề Ngô Nội và Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) đã xây dựng những hương ước/quy ước để thực hiện các nghi lễ, ứng xử của cộng đồng. Ngày nay, UBND xã Trung Nghĩa đã ban hành các quy ước mới, bỏ các quy định lạc hậu, bổ sung các quy định phù hợp với pháp luật về BVMT. Kế hoạch xây dựng Quy ước dân chủ xây dựng thôn, làng văn hóa, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường xã Trung Nghĩa đã được hoàn thiện và triển khai từ những năm 2003. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tháng 6/2019,UBND xã Trung Nghĩa đã bổ sung vào các quy ước một số quy định BVMT của thôn, làng gắn với tiêu chí gia đình, làng văn hóa và bình xét thi đua hàng năm. Cụ thể, trong bản Quy ước làng Ngô Nội quy định “Mục V: Y tế giáo dục - vệ sinh môi trường”, điều 15 quy định: “Cấm thải phân bừa bãi ra đường, ao, hồ kênh mương và rãnh thoát nước trong nội làng; các gia đình phải có túi đựng rác, phân loại rác và có trách nhiệm đóng tiền phí để trả thù lao cho người thu gom, vận chuyển rác thải hàng tháng;không vứt các loại vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thủy sản, túi nilông sau khi sử dụng ra môi trường mà phải thu gom để đúng nơi quy định; không chặt cây, bẻ cành ở các nơi công cộng; các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) đồ gỗ mĩ nghệ không trà, nạo, thổi bụi ra đường; Khi sử dụng máy đục các hộ phải có phòng cách âm. Không sử dụng hóa chất độc hại để tẩy gỗ, không để củi, mùn cưa, gỗ, các vật cản khác trên hành lang, lề đường giao thông của làng và các xóm ngõ gây tác hại đến môi trường, cản trở người và phương tiện tham gia giao thông; không tuốt lúa, đốt rơm trên các trục đường của thôn”. Ngoài ra, tại điều 16 của Quy ước này còn nêu rõ: “Các gia đình có trách nhiệm đóng góp xây dựng quỹ vệ sinh môi trườngtheo quy định của địa phương, mức đóng góp tùy theo thời điểm và được sự đồng ýcủa nhân dân. Hay với quy ước của làng Phù Lưu, xã Trung Nghĩa, tại điều 20, mục IV có quy định: “Hàng tháng tổng vệ sinh 1 lần vào cuối tháng. Ngõ gia đình có chỗ gom rác thải. Các tổ, câu lạc bộ phụ nữ, thanh niên có trách nhiệm khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải các trục đường chính. Trong ngày tổng vệ sinh, các gia đình phải tổng vệ sinh, thu gom chất thải, các tổ có trách nhiệm chuyển rác ra bãi rác. Các gia đình có máy xay xát, máy trà không được phun, hoặc mang ra đường, ngõ gây bụi cho người qua đường”.Từ khi bổ sung quy định BVMT vào Quy ước, ý thức BVMT của người dân trong làng nghề đã có những chuyển biến tích cực,đặc biệt ở các hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Hoạt động dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ, xóm được tổ chức thường xuyên; cây xanh được trồng xung quanh khu vực nhà văn hóa.

     Thực hiện các phong trào BVMT làng nghề

     Để nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người dân về BVMT, chính quyền xã Trung Nghĩa đã đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng về BVMT.Ngày 16/4/2019, UBND xã đã triển khai Kế hoạch số 10/KH-UBND thực hiện Đề án Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xã Trung Nghĩa giai đoạn 2019 - 2021, với nội dung:

TT

Nội dung

Tổ chức thực hiện

1

Phong trào toàn dân tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường(VSMT): Bổ sung nhiệm vụ và các tiêu chí thi đua của các thôn, đoàn thể

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; các tổ chức chính trị của xã; các thôn

2

Phong trào thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng; đăng ký đảm nhận các cánh đồng tự quản không rác thải

Hội Nông dân xã; các thôn và đoàn thể chính trị ở thôn

3

Phong trào vớt bèo, khơi thông dòng chảy các kênh mương; đăng ký đảm nhận tuyến kênh tự quản không rác thải

Đoàn thanh niên xã; các thôn và đoàn thể chính trị ở thôn

4

Phong trào ngày Chủ nhật xanh; vệ sinh đường làng ngõ xóm; đăng ký đảm nhận các tuyến đường tự quản không rác thải

Hội Phụ nữ xã; các thôn và đoàn thể chính trị thôn

5

Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã (hàng tuần) nội dung về VSMT và quy ước, hương ước của các thôn về nội dung BVMT

Đài Truyền thanh xã; tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm tuyên truyền nội dung đảm nhận đến từng đoàn viên, hội viên và có hình thức biểu dương cá nhân đoàn thể điển hình

6

Thu gom vận chuyển rác thải trên các tuyến kênh, mương, đường giao thông nội đồng giáp khu dân cư, cắm biển không vứt rác, giao các đoàn thể - chính trị phụ trách bảo đảm VSMT ở các khu vực này

Các đoàn thể chính trị xã hội; các thôn trong xã

7

Tuyên truyền vận động các hộ gia đình làm nghề, cơ sở sản xuất trong khu dân cư tự nguyện ký cam kết và thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo VSMT

Các tổ chức chính trị xã hội; các thôn trong toàn xã

 

     Theo báo cáo của UBND xã Trung Nghĩa, sau 1 tháng phát động phong trào, các ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn xã đã tham gia làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải tại ao làng. Nhiều hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn được triển khai và mang lại kết quả tốt: Hội Phụ nữ xã phát động 3 buổi vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào Ngày chủ nhật cuối hàng tháng. Kết quả thu hút được 150 lượt người tham gia, thu gom được 570kg rác thải; Đoàn Thanh niên tổ chức 3 buổi vệ sinh đường dân sinh, đường làng; vớt bèo, rác thải ở các ao hồ; thu hút 127 đoàn viên thanh niên tham gia, thu gom được 370 kg rác thải; Hội Nông dân tổ chức phát động 3 buổi làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu hút được 350 hội viên tham gia; Các tổ chức, đoàn thể ở các thôn tổ chức được 11 buổi thu gom rác thải với tổng số 457 lượt người tham gia, thu gom được gần 29.250 kg rác thải; trong đó rác thải thuốc BVTV, ni lông hơn 260kg; kéo rác ở kênh, mương hơn 420kg; rác thải sinh hoạt, chất thải rắn gần 28.570 kg. Kế hoạch bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân; cán bộ đảng viên và nhân dân có ý thức hơn trong việc BVMT; bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt.

 

Người dân làng nghề gỗ ở xã Trung Nghĩa (Yên Phong, Bắc Ninh) thực hiện nghiêm những quy định BVMT trong các hương ước, quy ước

 

     Ngoài ra, trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết 73-ND/ĐU ngày 26/3/2018 của Đảng ủy về chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, BVMT làng nghề, UBND xã đã xây dựng Kế hoạch số 13/KH-UBND về khắc phục và BVMT làng nghề. Thực hiện Kế hoạch, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể xã đã tổ chức được 31 hội nghị với tổng số 753 lượt người tham dự. Toàn xã đã phát được 1.168 bài tuyên truyền đến từng hộ gia đình về BVMT làng nghề, có 32 hộ mua máy hút bụi công nghiệp, nhiều hộ đã sử dụng lưới che chắn bụi, tạo sự chuyển biến tích cực về BVMT. Trên địa bàn xã, có 54,4% (1.168 hộ) các hộ gia đình làm nghề ký các cam kết về BVMT làng nghề. Trong đó, thôn Ngô Nội (87 hộ/688); thôn Tiên Trà(211 hộ/448); Phù Lưu (530 hộ/701); Đông Mai (150 hộ/473); Yên Từ (190 hộ/248).

     Nâng cao ý thức của cộng đồng trong BVMT làng nghề

     Kết quả khảo sát thực tế ở các làng nghề của xã Trung Nghĩa (Yên Phong, Bắc Ninh) cho thấy, vai trò rất quan trọng của văn hóa cộng đồng trong BVMT ở các làng nghề hiện nay. Văn hóa cộng đồng đã góp phần điều chỉnh hành vi của cộng đồng dân cư trong BVMT; làm thay đổi thái độ, nhận thức và hành vi của người dân về những vấn đề môi trường hiện nay. Đặc biệt, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khai thác và đưa các nét đẹp của văn hóa cộng đồng vào BVMT như xây dựng và triển khai Quy ước thôn/làng, đưa tiêu chí đảm bảo VSMT vào Quy ước, vận động các tổ chức xã hội tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tham gia quản lý và BVMT ở các cánh đồng tự quản,tuyến đường tự quản không rác thải... góp phần không nhỏ vào việc giảmô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.Song bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức BVMT trongsinh hoạtvàhoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đặc biệt là việc vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định và chưa chấp hành đầy đủ quy định về BVMT trong sản xuất. Nguyên nhân là do các chế tài xử phạt hiện naychưa đủ sức răn đe, mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở đối với các hành vi gây hại đối với môi trường (vứt rác bừa bãi; không xử lý chất thải, nước thải, khí thải SXKD đúng quy định và hợp vệ sinh...) chứ chưa có hình thức xử phạt; số lượng người dân địa phương có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về BVMT còn hạn chế.

          Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cộng đồng đã tích cực tham gia và làm nên thành công trong các hoạt động BVMT ở địa phương.Để khai thác các nét đẹp của văn hóa cộng đồng trong BVMT ở các làng nghề đạt hiệu quả,lãnh đạo Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội trên địa bàn cần có những hành động, việc làm cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, hiểu và tham gia một cách tích cựcvào việc triển khai, thực hiện Quy ước trên địa bàn. Bên cạnh đó, những người lãnh đạo thôn/khu, các tổ chức chính trị-xã hội cũng là những người nêu gương, qua đó cộng đồng dân cư nhận thức được vai trò và những giá trị của văn hóa cộng đồng; cán bộ cần gương mẫu thực hiện tốt các nội dung của Quy ước. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung vào các Quy ước nội dung, hình thức, cũng như chế tài cụ thể dưới góc độ văn hóa cộng đồng để xử lý nghiêm khắc trường hợp vi phạm…

 

Trần Ngọc Ngoạn

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn