Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đẩy mạnh công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã

20/07/2016

   Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập từ năm 1996 tại Quyết định 2031/QĐ-UBND ngày 13/6/1996 và được tổ chức lại tại Quyết định 4018/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND TP. Hà Nội. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước được Nhà nước thành lập thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ thăm quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2).

Tổ chức thả động vật hoang dã về môi trường thiên nhiên

   Trải qua quá trình 20 năm hình thành và phát triển, Trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trung tâm đã tổ chức cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên hàng nghìn cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Phụ lục 1 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP; Phục lục 1, Phục lục 2 của Công ước CITES, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ khoảng 50 vụ, với trên 1.000 cá thể và 290 kg rắn các loại, đồng thời tổ chức tiêu hủy động vật trong quá trình bắt giữ đã bị nhiễm bệnh hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài để tránh lây lan dịch bệnh. Sau khi cứu hộ ĐVHD, Trung tâm đã trình cấp thẩm quyền tổ chức thả về môi trường tự nhiên như VQG Cát Tiên (Đồng Nai), VQG Ba Bể (Bắc Cạn), VQG Cát Bà (TP. Hải Phòng), VQG Xuân Sơn (Phú Thọ), VQG Xuân Thủy (Nam Định), VQG Bù Gia Mập (Bình Phước)…, và chuyển giao cho các vườn thú, trung tâm bảo tồn, cơ quan khoa học phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ các loài ĐVHD.

   Trong công tác bảo tồn, nuôi sinh sản ĐVHD, Trung tâm đã đạt được những thành công bước đầu. Trung tâm đã chủ động phối hợp với Vườn thú Hà Nội; Thảo cầm viên Sài Gòn... để trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhân nuôi sinh sản ĐVHD. Sau một thời gian ghép đôi, cho giao phối, đến ngày 10/5/2010, 3 cá thể hổ đầu tiên được sinh sản thành công tại Trung tâm, đánh dấu một bước chuyển mình, đột phá trong công tác nhân nuôi sinh sản ĐVHD nói chung và loài hổ nói riêng. Từ năm 2010 đến năm 2013, Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản thành công được 19 cá thể hổ; 1 cá thể vượn đen má trắng; 10 cá thể khỉ đuôi dài. Sau hơn 5 năm thực hiện, Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản thành công 76 cá thể ĐVHD các loại. Đến nay, các cá thể được sinh sản tại Trung tâm sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng ĐVHD cứu hộ, bảo tồn ngày một tăng, trong khi diện tích chuồng trại chưa được mở rộng, vì vậy, Trung tâm đã chủ động trong việc giảm tỷ lệ sinh sản của ĐVHD bằng các biện pháp tách riêng các cá thể đực, cái; đặt que tránh thai; triệt sản một số cá thể không đủ điều kiện gây nuôi sinh sản...

   Để nâng cao chất lượng cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD, Trung tâm đã chủ động hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thông qua việc ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác. Trung tâm đã hợp tác với các tổ chức như VQG Cúc Phương; Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức động vật châu Á (AAF); Trung tâm cứu hộ ĐVHD nước Việt (FB Việt) thuộc Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS... nhằm trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính cho Trung tâm thực hiện tốt công tác cứu hộ và bảo tồn ĐVHD.

   Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã nhiều lần được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của T.Ư và TP. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tập thể Trung tâm vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích đạt được trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài ĐVHD, thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

            N. Hằng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn