Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long

16/07/2020

     Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới và là Khu bảo tồn có giá trị quan trọng về kinh tế và sinh thái của Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học vốn có, trong quá trình phát triển kinh tế, vịnh Hạ Long cũng đứng trước những thách thức không nhỏ về vấn đề môi trường. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long - Phạm Văn Hùng về công tác thu gom, xử lý rác cũng như những giải pháp triển khai để bảo vệ cảnh quan môi trường của vịnh.

     PV: Xin ông cho biết về công tác thu gom, xử lý rác thải trên vịnh Hạ Long?

     Ông Phạm Văn Hùng: Ý thức được tầm quan trọng của công tác BVMT trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản, thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh đã thực hiện công tác thu gom rác thải hàng ngày tại các điểm, dịch vụ, luồng tuyến tham quan du lịch, điểm nuôi trồng thủy sản, khu vực bãi triều, chân đảo, bãi cát. Lượng rác thải trên vịnh được thu gom đưa lên bờ và vận chuyển bằng xe chuyên dụng vào Nhà máy xử lý chất thải rắn ở Vũ Oai để xử lý theo quy định. Trong số các loại rác thải được thu gom, có tới quá nửa số này là rác thải nhựa như phao xốp, bạt nhựa, túi ni lon, chai lọ... trôi dạt vào ven bờ. Điều đáng nói là các loại rác thải nhựa này tồn tại rất lâu trong môi trường nước biển, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới các loài thủy sinh, gây mất mỹ quan môi trường du lịch.

     Để công tác thu gom, xử lý rác thải được hiệu quả, BQL vịnh đã chú trọng công tác phân loại rác tại nguồn. Tại các khu vực công cộng, điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long đã trang bị các thùng rác nhiều ngăn để du khách, người dân có thể tự phân loại rác. Trong quá trình thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh, các nhân viên vệ sinh môi trường sẽ thu gom các loại rác này và phân loại để riêng, sau đó chuyển cho cơ sở thu gom, tái chế rác thải xử lý. 

 

Nhân viên thu gom RTN nhựa tại vịnh Hạ Long

Thùng rác nổi lắp đặt trên vịnh

 

     Ngoài ra, BQL cũng triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh Hạ Long (19 thùng) tại các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh, nơi tàu thuyền thường xuyên neo đậu để người dân trên vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến Di sản, BQL đã yêu cầu 100% các tàu du lịch hoạt động trên vịnh phải có thùng đựng rác thải ở trên tàu và tổ chức thu gom hàng ngày, phân loại đưa về bờ xử lý. Hiện các tàu du lịch cũng đã lắp đặt thiết bi phân ly dầu đảm bảo 100% nước thải la canh được xử lý. Còn tại khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, các địa phương đã thực hiện thu gom rác thải tại khu vực mặt nước ven bờ, toàn bộ các phường, xã, các khu đô thị, dân cư tập trung ven bờ vịnh, đặc biệt chú trọng thu gom rác thải tại các khu vực bờ biển và cử lý nước thải từ các cống thoát nước ra vịnh.

     PV: Thực hiện Kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh về “chống RTN”, BQL vịnh đã triển khai kế hoạch này như thế nào thưa ông?

     Ông Phạm Văn Hùng: Hưởng ứng phong trào cả nước chung tay hành động chống RTN của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH - UBND ngày 21/2/2019 về thực hiện phong trào “Chống RTN” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 1/9/2019, BQL vịnh Hạ Long đã ban hành quy định “Không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long”. Đồng thời, BQL vịnh phối hợp với TP. Hạ Long tiến hành ký cam kết quy định trên đối với chủ sở hữu 500 tàu hoạt động trên vịnh. Tất cả các chủ tàu cam kết không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như sẽ xử lý nghiêm nếu không chấp hành hoặc tái phạm. RTN được kiểm soát từ khi du khách đặt chân tới cảng, xuống tàu rồi tới điểm tham quan. Cùng với đó, BQL vịnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ trên vịnh cho 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản. Lắp các biển, bảng, poster tuyên truyền với nội dung ”không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần”; tuyên truyền trực tiếp tới khách du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện phong trào. Thường xuyên giám sát, nhắc nhở các chủ tàu du lịch, công ty lữ hành, hướng dẫn viên nghiêm túc thực hiện không mang và sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trên vịnh Hạ Long và tuyên truyền, nhắc nhở khách du lịch thực hiện. Giám sát chặt chẽ, yêu cầu du khách để lại các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần từ cửa soát vé tại các cảng tàu du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào chống RTN đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế - xã hội, kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long.

     Với các biện pháp quyết liệt của BQL và sự ủng hộ, đồng tình và hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp và khách du lịch tham quan vịnh, hiện lượng RTN phát sinh trên vịnh đã giảm được trên 90%. Đặc biệt, trong khu vực được bảo vệ tuyệt đối của Di sản, để tránh các nguy cơ ô nhiễm môi trường vịnh do phao xốp tại các bè nổi bị vỡ, BQL đã triển khai thay thế phao xốp bằng các loại vật liệu khác bền vững, thân thiện môi trường với tỷ lệ thay thế đạt trên 91%.

     PV: Được biết, trong thời gian qua, với các nỗ lực giảm thiểu rác thải, BVMT vịnh đã có nhiều dự án quốc tế được triển khai, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đạt được của những dự án này?

     Ông Phạm Văn Hùng: Công tác BVMT vịnh Hạ Long trong thời gian qua đã có sự đóng góp hiệu quả của nhiều dự án quốc tế được triển khai như: Dự án “Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ, xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây  dựng  mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với BQL vịnh thực hiện từ 11/2013 - 9/2016. Kết quả Dự án đã đóng mới và bàn giao 1 tàu thu gom, vận chuyển rác thải cho BQL, đồng thời trồng 3.500 cây ngập mặn tại nhiều điểm trên vịnh và tổ chức các lớp học về giáo dục môi trường cho học sinh các cấp ở TP. Hạ Long.

 

Nhân viên BQL vịnh Hạ Long tuyên truyền vận động khách du lịch sử dụng túi giấy thân thiện môi trường

 

     Tiếp theo là Dự án “Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà” được Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ 2015 - 2019 do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) phối hợp với  BQL vịnh thực hiện. Dự án đã tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tại Hạ Long - Cát Bà và nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và đối tác vào hoạt động BVMT.

Cùng với đó, từ năm 2015 - 2019, Dự án “Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long” do UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được triển khai. Dự án đã gắn nhãn sinh thái “cánh buồm xanh” cho 36 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nhằm khuyến khích các tàu du lịch tuân thủ các quy định về  BVMT và phát triển bền vững.

     Như vậy, có thể nói, các dự án được triển khai đã góp phần tăng cường các nguồn lực BVMT vịnh Hạ Long. Đồng thời,  nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan liên quan quản lý Di sản cũng như nhận thức cộng đồng, người dân ven bờ, doanh nghiệp (chủ tàu du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ...) có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ môi trường vịnh.

     PV: Trong thời gian tới, để BVMT cảnh quan Di sản thiên nhiên thế giới bền vững và phát triển, BQL vịnh sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

     Ông Phạm Văn Hùng: Để nâng cao hiệu quả công tác  BVMT vịnh Hạ Long. BQL vịnh Hạ Long tiếp tục duy trì các giải pháp đã triển khai đồng thời sẽ tăng cường nâng cao hiệu quả một số vấn đề sau:

     Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện các điều kiện về môi trường:

     Tăng cường thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm phát hiện và ngăn chặn các nguồn thải từ các khu dân cư và từ các hoạt động kinh tế - xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường vịnh Hạ Long, triển khai các biện pháp để khắc phục, xử lý đảm bảo môi trường.

     Tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động thu gom rác thải tại các điểm tham quan trên vịnh và rác thải trôi nổi trên mặt nước tại khu vực ven bờ và trên vịnh Hạ Long. Đảm bảo 100% rác thải tại các điểm tham quan được thu gom, thu gom triệt để rác thải trôi nổi không để xảy ra trường hợp phản ánh của cơ quan báo chí, khách du lịch.

     Thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong công tác BVMT vịnh Hạ Long. Tuyên truyền, đôc đốc thay thế phao xốp đối với các công trình nổi trên vịnh Hạ Long.

     Phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương giáp ranh vịnh Hạ Long kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường, các nguồn phát sinh rác thải từ khu vực ven bờ, khu vực giáp ranh, lân cận.

     Giám sát, đôn đốc và yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh tế - xã hội, kinh doanh dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy hải sản trên vịnh thực hiện nghiêm các quy định về BVMT.

     Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ mới và hợp tác quốc tế về BVMT: Ứng dụng và phát huy kết quả các đề tài nghiên cứu  BVMT nước vịnh Hạ Long; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chủ động nghiên cứu và phối hợp thực hiện các đề tài, dự án nhằm BVMT nước vịnh; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường vịnh; tiếp tục duy trì mối quan hệ, giao lưu quốc tế về các lĩnh vực BVMT, tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường vịnh.

     Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền BVMT: BQL sẽ xây dựng các chương trình tuyên truyền riêng cho từng đối tượng, các nội dung tuyên truyền có các hướng dẫn cụ thể các giải pháp BVMT; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, giới thiệu đến các doanh nghiệp các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa...; nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm trong các hoạt động BVMT thông qua nhiều hình thức: Vận động trực tiếp, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải tại khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, các bãi cát, chân đảo trên vịnh; tổ chức truyền thông trên báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua hướng dẫn viên du lịch....

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!                                    

                                                                                                 

Châu Loan (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

                 

 

 

 

 

 

                       

 

 

 

Ý kiến của bạn