Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Triển khai các sáng kiến bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn Sao la Quảng Nam

14/07/2020

    Khu Bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam có diện tích 15.800 ha, nằm trên địa bàn 4 xã thuộc hai huyện là Bha Lêê, A Vương (huyện Tây Giang), Tà Lu và Sông Kôn (huyện Đông Giang). Đây là một trong hai KBT được thành lập nhằm bảo vệ loài sao la, một loài thú đặc hữu được ghi nhận chỉ còn khoảng 200 con sống trên các cánh rừng của 6 tỉnh giáp ranh giữa miền Trung Việt Nam và Lào. Sự ra đời của KBT đã thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái (HST) rừng nhiệt đới trên đất thấp điển hình ở dãy Trường Sơn, chứa đựng trong nó nhiều loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng.

ĐDSH độc đáo

    Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam là nơi còn sót lại HST rừng ẩm nhiệt đới trên đai địa hình núi thấp ở vùng Trung bộ Việt Nam. Đây là HST rừng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú, có giá trị bảo tồn cao đối với Việt Nam và thế giới. Thêm vào đó, khu vực KBT lại nằm trong vùng ranh giới địa lý sinh vật giữa Bắc và Nam Việt Nam, giữa dãy Trường Sơn và vùng đồng bằng ven biển, nên có nhiều sinh cảnh khác nhau. Các kiểu rừng chủ yếu tìm thấy trong KBT là rừng thường xanh đất thấp phân bố ở độ cao dưới 900 m và rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao trên 900 m. Trong các kiểu rừng này còn chứa nhiều loài cây đặc hữu, quý hiếm như: Trầm hương, sồi duối, dẻ lỗ, song bột và cau rừng và một số loài lan quý như: Lan kim tuyến, hoàng lan thủy tiên, phương dung, thạch hộc, hồng nhung nam...

    Bên cạnh đó, trong KBT còn có sự đa dạng về cấu trúc thành phần loài, trong đó nhiều loài đặc hữu, quý hiếm đối với cả khu hệ thực vật, động vật (cả thú, chim, bò sát ếch nhái), vi sinh vật và nấm. Khu hệ thực vật chưa được điều tra đầy đủ, nhưng kết quả thống kê bước đầu đã ghi nhận 9 loài trong sách Đỏ thế giới (IUCN 2010), 50 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam (2007) và 9 loài xếp vào nhóm IA và IIA của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Những loài cây gỗ quý hiếm điển hình như: trầm hương, sến mật, trắc, gụ lau, kiền kiền… Khu hệ động vật đã ghi nhận được 154 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 48 họ, 17 bộ, trong đó có 31 loài thú, thuộc 12 họ, 6 bộ; chim có 61 loài, 22 họ, 8 bộ; bò sát có  34 loài, 9 họ, 2 bộ; ếch nhái 28 loài, 5 họ, 1 bộ. Trong số đó có 33 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam (2007), 10 loài ghi vào Danh lục đỏ của IUCN (2006) và 34 loài trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Đặc biệt, trong các loài trên có 4 loài đặc hữu Đông Dương là sao la, mang Trường Sơn, voọc vá chân nâu và trĩ sao.

    Với đặc điểm địa hình và sự phong phú về ĐDSH, khu vực này đã trở thành mục tiêu của tình trạng khai thác gỗ, săn bắt động vật và khai thác tài nguyên ngoài gỗ của người dân trong vùng cũng như từ các nơi khác đến; tình trạng lấn đất rừng làm nương rẫy và một số áp lực khác đã diễn ra hết sức phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, gây tổn thất ĐDSH và đe dọa trực tiếp đến nơi sống của sao la và các loài cần bảo tồn quan trọng khác.

    Dựa trên cách tiếp cận mang tính chiến lược về BVMT, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH hiện nay, Kế hoạch quản lý KBT đã được xây dựng nhằm mục đích chủ yếu là khôi phục, bảo vệ và bảo tồn loài sao la đang bị đe dọa tuyệt chủng cùng với vùng cư trú của chúng. Mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch là bảo tồn sao la nhưng đồng thời cũng bao hàm mục tiêu bảo vệ các loài động thực vật có giá trị bảo tồn quan trọng đối với thế giới sinh vật còn sống sót trong vùng. Đồng thời, bảo vệ vùng đầu nguồn của khu vực và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát triển các dịch vụ hệ sinh thái và cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm.

 

Lực lượng tuần tra thay pin mới và giữ lại pin cũ mang về nộp lại cho BQL KBT

 

Sáng kiến BVMT trong KBT

    Ban quản lý KBT được thành lập theo Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 16/02/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam và Đề án thành lập KBT được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 13/7/2012. Mặc dù KBT mới được thành lập còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của Ban quản lý cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên một số chương trình quản lý bảo vệ đã được triển khai nhằm triệt tiêu các mối nguy cơ đe dọa trực tiếp lên Sao la.

    Về hoạt động quản lý tài nguyên, BQL đã xác định, chủ yếu tập trung vào quản lý tài nguyên rừng, ưu tiên hàng đầu là quản lý các loài hoang dã, tiêu biểu là sao la và một số loài động thực vật đặc hữu, quý, hiếm và bị đe dọa ở mức độ cao, có ý nghĩa bảo tồn quan trọng đối với thế giới, cùng với việc bảo tồn các nguồn gen có giá trị. Song song với việc quản lý các loài là việc quản lý các hệ sinh thái đại diện, chứa đựng trong đó nguồn gen quý, sinh cảnh hay vùng cư trú thích hợp của các loài đặc hữu.

    Bên cạnh đó, chương trình bảo vệ được coi là một trọng tâm khi mà sự hiểu biết và đời sống của người dân địa phương còn hạn chế, các phong tục truyền thống của họ trong đời sống và sản xuất chưa thay đổi, nhất là đối với các cộng đồng dân tộc người thiểu số chiếm đa số trong các vùng dân cư tiếp giáp với KBT. Một số hoạt động được triển khai là tổ chức các đợt tuần tra truy quét nhằm vào điểm tập trung đối tượng vi phạm, thông qua đó đẩy mạnh việc thực thi pháp luật; Tăng cường cảnh giác, tuần tra bảo vệ, nghiêm cấm tuyệt đối các hoạt động săn bắt (bắn, bẫy) các loài hoang dã, đặc biệt đối với sao la; Tổ chức điều tra toàn diện về sao la, các khu vực phân bố của sao la và các loài thú bảo tồn quan trọng khác còn lại trong KBT; Xây dựng chương trình giám sát về ĐDSH, tập trung vào sao la như là một trong các loài mục tiêu quan trọng của chương trình này bên cạnh loài mang Trường Sơn, voọc và trĩ sao… để thường xuyên bổ sung các số liệu về hiện trạng và xu hướng thay đổi quần thể của chúng trong KBT. Từ khi đội bảo vệ rừng đi vào hoạt động, công tác tuần tra truy quét được thực hiện thường xuyên, từng bước mang lại hiệu quả cao, góp phần vào việc ngăn chặn các hành vi vi phạm trong KBT như: săn bắt, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ… ghi nhận các thông tin về ĐDSH, nhất là thông tin về Sao la.

    Để triển khai hoạt động này đạt hiệu quả cao, BQL KBT đã ứng dụng công nghệ trong tuần tra, bảo vệ rừng. Năm 2012, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã trang bị cho KBT loài Sao la Quảng Nam phầm mền smart để giám sát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện phần mềm này đã bộc lộ những hạn chế. Hiện nay, WWF - Việt Nam đã hỗ trợ cải thiện phần mềm smart trên điện thoại thông minh nhưng độ ổn định vẫn chưa cao và đang tiếp tục cải thiện để đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát hoạt động tuần tra tại các KBT. Nhằm khắc phục những bất cập trên của phần mềm smart, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tuần tra, BQL đã tìm hiểu ứng dụng Locus Map Free trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ứng dụng Locus Map Free sử dụng dễ dàng trong việc ghi dữ liệu tuần tra và xuất, gửi dữ liệu trên điện thoại thông minh, thực hiện trong mọi địa hình, nâng cao hiệu quả tuần tra bảo vệ rừng cho đơn vị. Ngoài ra còn hỗ trợ chức năng chụp ảnh, thể hiện rõ thời gian, tọa độ điểm ảnh giúp cho việc theo dõi số lượng nhân viên trong đợt tuần tra được chính xác hơn. Từ giữa tháng 9/2018, KBT triển khai tập huấn cho toàn lực lượng kiểm lâm và các tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc BQL (34 người ở 6 tổ tuần tra tham gia tập huấn) và triển khai áp dụng vào thực tiễn tuần tra từ tháng 10/2018. Đến nay có 25 công chức, viên chức, lao động thuộc KBT sử dụng thành thạo ứng dụng này để thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, đã thực hiện áp dụng cho 228 đợt tuần tra.

    Đặc biệt, trong hai năm gần đây, BQL KBT đã và đang triển khai việc thu gom pin đã qua sử dụng đối với các nhóm tuần tra, mỗi nhóm có thùng nhựa riêng để chứa, có gắn tên đặt tại văn phòng KBT và có sổ theo dõi. Sau khi lượng pin thu hồi đủ lớn, khu bảo tồn sẽ hợp đồng với các cơ quan, đơn vị có chức năng thu gom và xử lý an toàn. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ tuần tra rừng, Ban Quản lý KBT đã phát hiện ra đơn vị đã sử dụng số lượng pin khá lớn để thắp sáng trong các chuyến tuần tra, cũng như sử dụng cho bẫy ảnh. Từ đó, KBT ban hành văn bản quy định bắt buộc cho 6 nhóm tuần tra về việc phải thu gom pin đã qua sử dụng nộp về cho KBT; đồng thời tổ chức họp đơn vị quán triệt tác hại của pin đã qua sử dụng thải ra môi trường. Theo thống kê, sau 2 năm triển khai công tác thu gom, số lượng pin nộp về Ban Quản lý KBT hơn 1.000 cặp. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần BVMT, bảo vệ nguồn nước trong KBT.

Đề xuất một số giải pháp

    Cần xây dựng dự án đầu tư phát triển bền vững vùng đệm theo hướng dẫn của của Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Từ đó khai thác được tiềm năng phát triển kinh tế, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển vùng đệm, giảm áp lực tới KBT.

    Huy động người dân tham gia bảo vệ sao la và quản lý tài nguyên rừng, có chính sách chi trả hợp lý các hợp đồng khoán bảo vệ rừng chẳng hạn như dịch vụ môi trường rừng để cộng đồng dân cư thấy được những giá trị của rừng và có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình tuyên truyền giáo dục, từ đó nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội, thấy được vai trò quan trọng của KBT đối với đời sống hàng ngày. Thông qua chương trình sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong việc giữ gìn và ổn định lâu dài về đời sống vật chất và tinh thần cho các thế hệ, phục vụ phát triển bền vững, giảm mọi áp lực lên KBT.

    Xây dựng quy chế phối hợp các hoạt động quản lý bảo vệ giữa các khu rừng đặc dụng là KBT Sao la Quảng Nam, KBT Sao la Thừa Thiên - Huế và Vườn quốc gia Bạch Mã vì 3 khu rừng đặc dụng này hiện nối liền ranh giới với nhau và đều có chung mục tiêu là bảo tồn loài Sao la, hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra trên cơ sở sử dụng phần mềm MIST phục vụ nghiên cứu, cung cấp và trao đổi thông tin về ĐDSH.

    Bên cạnh đó Ban quản lý KBT phối hợp chặt chẽ hơn của với các đơn vị khác trong vùng như: Hạt Kiểm lâm các huyện, các đơn vị Quân đội, Công an và Cảnh sát môi trường, Bộ đội Biên phòng; Chính quyền địa phương các cấp từ huyện đến xã và thôn bản, kể cả các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong các hoạt động dịch vụ HST, tuần tra bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tài nguyên rừng và ĐDSH.

Trần Thị Thành

Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn