Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cứu hộ thành công nhiều loài thú quý hiếm

05/05/2016

   Trạm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) được thành lập năm 2006 do Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh quản lý và Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (WAR) tài trợ về tài chính, kỹ thuật. Hơn 10 năm đi vào hoạt động, Trạm được biết đến như một “bệnh viện” cứu hộ ĐVHD đầu tiên tại miền Nam, đến nay, Trạm đã chăm sóc và thả về tự nhiên khoảng 4.000 cá thể, góp phần vào công tác bảo tồn các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.

Nhân viên của Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi đang chữa trị cho chú gấu chó bị thương

   Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi có diện tích 4.000 m2, được thiết kế như một khu vườn nhỏ có nhiều cây xanh, phân chia theo 8 khu với những chức năng chuyên biệt, để chăm sóc và bảo vệ từng loài. Nhiệm vụ của Trạm là tiến hành cứu hộ, thu nhận các loài ĐVHD do săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép đã bị tịch thu hoặc tiếp nhận từ các trang trại, hộ dân nuôi nhốt động vật không đúng quy định… Các loài động vật sau khi được chăm sóc, điều trị vết thương, nuôi dưỡng và phục hồi bản năng tự nhiên, Trạm sẽ tiến hành chọn lọc những cá thể đủ điều kiện để thả về môi trường sống tự nhiên.

   Hiện tại, Trạm đang nuôi dưỡng trên 200 cá thể thuộc hơn 50 loài động vật, trong đó có những loài động vật quý, hiếm như gấu ngựa, gấu chó, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, rái cá lông mượt, tê tê java, rùa núi vàng, mèo rừng, hổ mang chúa…

   Trạm có khoảng 20 thành viên, với đội ngũ bác sỹ thú y có tay nghề cao, kinh nghiệm về lĩnh vực thú hoang, được đào tạo thường xuyên tại nước ngoài nên chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ và khám chữa bệnh cho thú. Với tinh thần luôn sẵn sàng cứu hộ, khi có thông báo, nhân viên của Trạm lên đường ngay. Các con vật mà Trạm tiếp nhận thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe, cơ thể bị thương tích, hoặc hoảng loạn tinh thần do bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép. Vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận động vật, nhân viên của Trạm sẽ tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra tình hình sức khỏe để lên kế hoạch chăm sóc, theo dõi định kỳ. Nhiều con vật do bị thương quá nặng, không còn khả năng tự sinh tồn nên Trạm sẽ nuôi dưỡng suốt đời như những “đứa con”.

   Theo các nhân viên cứu hộ, mỗi con vật tới Trạm là một số phận, một câu chuyện buồn. Có lẽ ấn tượng nhất là khi Trạm tiếp nhận chú rái cá vuốt bé do Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Quận 3 tịch thu của người buôn bán trái phép giao cho Trạm. Khi tiếp nhận, cá thể này bị khủng hoảng và suy dinh dưỡng nặng vì còn đang bú mẹ. Ngay sau đó, các nhân viên đã thay nhau trở thành "mẹ" của chú rái cá với việc hàng ngày pha sữa và cho bú bằng bình. Đến nay, chú đang dần "cai sữa" để ăn cá được thả trong ao nước, nơi chú sống. Hay như chú niệc mỏ vằn do một người dân mua lại từ người buôn bán trái phép, tự nguyện giao nộp lại cho Trạm. Lúc mới được tiếp nhận, cá thể này yếu, không có lông đuôi, lông cánh bị cắt nên không bay được, khớp chân sưng phù nhưng nay lông đuôi và cánh đã mọc lại. Đáng thương hơn là hai chú gấu ngựa bị cụt chi, năm con tê tê bị mất chân, con già đẫy bị cắt gân cánh... sẽ không được thả về với tự nhiên.

   Ngoài điều trị vết thương, công tác chăm sóc hàng ngày các loài động vật cũng rất vất vả. Thức ăn phải được phân loại, rửa sạch, cắt gọt, chế biến phù hợp với từng loài và số lượng cá thể với các chế độ ăn khác nhau. Trong đó, gấu và vượn là khó chăm sóc nhất, bởi việc cho ăn nhiều công đoạn, vệ sinh chuồng trại cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Trong khi đó, những con cu li do đặc điểm sinh học chỉ ăn vào ban đêm nên vào lúc chiều tối phải băm nhỏ các loại thức ăn rồi trộn đều, bỏ vào gáo dừa treo ở chuồng cho chúng ăn… Mặc dù, luôn bận rộn từ sáng đến đêm nhưng các nhân viên ở đây đều yêu nghề, yêu thú vật. Có lẽ vì thế mà trong những năm qua, công việc của họ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Tính riêng trong hai năm 2014 - 2015, nơi đây đã tiếp nhận 2.919 cá thể và thả về tự nhiên 2.350 cá thể, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.

   Thời gian gần đây, có nhiều người dân biết đến Trạm cứu hộ nên tự nguyện giao nộp những con vật quý, hiếm. Một người dân do không biết nuôi dưỡng một “gia đình” rái cá 4 con đã mang lên Trạm nhờ nuôi giúp và thường xuyên đến tài trợ thức ăn, theo dõi quá trình sinh trưởng của rái cá. Đến khi thả rái cá về tự nhiên, gia đình cũng đến chia tay, xem con vật như thành viên trong gia đình. Đây là niềm khích lệ tinh thần đối với các thành viên của Trạm để tiếp tục thực hiện những công việc thầm lặng mà hữu ích cho xã hội.

Nguyễn Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn