Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tiếp tục thực hiện việc lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào biến đổi khí hậu tại Việt Nam

24/02/2017

     Ngày 23/2/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án, nhằm rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của Dự án trong năm 2016 và xem xét, thông qua kế hoạch hoạt động trong năm 2017. Cùng tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo, thành viên Ban quản lý Dự án và các cán bộ liên quan.

     Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUB) tài trợ, được thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2014 đến 2019), nhằm lồng ghép chiến lược thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái (HST) trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển, tích hợp EbA vào các chính sách thích ứng quốc gia một cách có hệ thống và thử nghiệm các tiếp cận dựa vào BĐKH.

     Báo cáo kết quả thực hiện Dự án năm 2016, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT - cơ quan chủ Dự án Nguyễn Thế Chinh cho biết, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) và hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình triển khai các hoạt động của Dự án, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dự án đã xây dựng được bộ tài liệu đào tạo về EbA và thích ứng với BĐKH; Tổ chức tập huấn các nội dung này cho cán bộ chuyên môn của hai tỉnh; Nghiên cứu về các nguồn tài chính trong nước và quốc tế về EbA; Phối hợp với hai tỉnh hoàn thiện nghiên cứu đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH; Hỗ trợ hai tỉnh cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có lồng ghép các giải pháp EbA cũng như triển khai thực hiện 2 mô hình thí điểm tại cộng đồng về EbA tại địa phương…

     Đề cập thêm về kết quả triển khai tại hai tỉnh, ông Phan Lam Sơn, đại diện Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, song song với nghiên cứu, đánh giá tính dễ tổn thương, Dự án đã thực hiện mô hình thí điểm thích ứng dựa vào BĐKH “Bảo vệ và làm giàu rừng, tạo giá trị đệm trong điều kiện hạn hán” tại thôn 1, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Bước đầu tiến hành bảo vệ, trồng cây gỗ bản địa làm giàu rừng ở phần đỉnh đồi và trồng cam ở phần sườn đồi. Đồng thời đề xuất, năm 2017, Dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động khác trong mô hình thí điểm như nuôi ong lấy mật, trồng cây trên đất dốc ở sườn đồi, làm hệ thống giữ nước cho cây ăn quả…

     Về phía tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Văn Lương, đại diện Sở TN&MT tỉnh cho biết, mô hình thí điểm “Trồng rừng phi lao, keo kết hợp phát triển sinh kế ngắn hạn” đã hỗ trợ cấp cho người dân khu vực rừng phòng hộ ven biển thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch 13.000 cây giống và phân bón để trồng thí điểm 5 ha keo tràm hoa vàng hiện đang phát triển tốt. Ngoài ra, các mô hình sinh kế khác như chăn nuôi bò, trồng cỏ, trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt đã được triển khai tập huấn, tiến hành giao giống và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân chăm sóc. Dự kiến đến tháng 9/2017 sẽ trồng thêm 5 ha cây phi lao trên diện tích rừng phòng hộ của thôn, nhằm giảm thiểu tác động của gió bão, cát, giúp người dân đảm bảo sinh kế kết hợp với bảo vệ rừng.

     Cùng với thực hiện tốt các mô hình thí điểm, Dự án đã hỗ trợ UBND hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cập nhật Kế hoạch ứng phó với BĐKH đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt. Trong đó, đưa các giải pháp thích ứng dựa vào BĐKH là một trong những định hướng ưu tiên của Kế hoạch hành động.

     Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án đã trao đổi, góp ý và thông qua kế hoạch hoạt động năm 2017. Các ý kiến tập trung vào việc tăng cường năng lực cho cán bộ Trung ương và địa phương trong việc lồng ghép thích ứng dựa vào BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển; Phương thức huy động các nguồn vốn để triển khai các giải pháp thích ứng dựa vào BĐKH sau khi Dự án kết thúc; Cách thức nhân rộng, phổ biến các mô hình thiết thực tới các địa phương trên cả nước…

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

     Đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) - đơn vị triển khai Dự án, ông Michael Wahl, Cố vấn trưởng Dự án đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Dự án và chia sẻ một số khó khăn các nhà khoa học nước ngoài gặp phải trong thời gian đầu nghiên cứu, đánh giá tính dễ bị tổn thương và thực hiện thí điểm các mô hình, cũng như cập nhật những thông tin, tri thức mới nhất về BĐKH trên thế giới tại hai tỉnh. Ông cũng cho biết, phần tài liệu về BĐKH và thích ứng dựa vào BĐKH đã được hoàn thành với cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ lồng ghép các nội dung về thích ứng với BĐKH, dịch vụ BĐKH, thích ứng dựa vào BĐKH vào việc xây dựng Luật Quy hoạch cũng như các văn bản pháp luật môi trường khác. 

     Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận, đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn Chính phủ và các cơ quan của Cộng hòa Liên bang Đức đã phối hợp, hỗ trợ Bộ triển khai Dự án. Theo Thứ trưởng, đây là Dự án hay về một vấn đề mới, thiết thực và bổ ích đối với Việt Nam, đồng thời cũng là hành động hỗ trợ thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH và khẳng định cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH. Thứ trưởng hy vọng, Dự án sẽ thành công, tạo ra được các tri thức và mô hình mới về thích ứng với BĐKH để bạn bè quốc tế tham khảo, học tập.

     Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thứ trưởng đề nghị cần chia sẻ các tri thức của Dự án và nhân rộng các mô hình thí điểm tại hai tỉnh. “Bộ tài liệu về thích ứng với BĐKH dựa vào BĐKH đã được xây dựng, có thể đưa vào giảng dạy tại các trường Đại học thuộc Bộ và tập huấn cho các cán bộ ở Trung ương cũng như địa phương, nhằm tăng cường hiểu biết và năng lực trong trong xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án cùng với hai tỉnh cần tìm kiếm các nguồn lực khác để tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả tới các địa phương khác có điều kiện tương đồng trên cả nước.

     Thứ trưởng đồng ý với ý kiến của các đại biểu về kế hoạch hoạt động năm 2017 của Dự án và đề nghị Viện Chiến lược Chính sách TN&MT phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học của GIZ và hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để hoàn thiện, sớm trình phê duyệt kế hoạch, tạo điều kiện triển khai Dự án kịp thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ, đảm bảo chất lượng.

 

Uyên Hoàng (Theo Monre)

Ý kiến của bạn