Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thực hiện Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật vì một môi trường nông thôn trong lành

10/04/2020

     Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) diễn ra phức tạp và đáng lo ngại.  Ở nhiều địa phương, sau mỗi vụ sản xuất, người nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc BVTV, làm môi trường đất, nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

     Trước thực trạng trên, mô hình cánh đồng không có vỏ thuốc BVTV đã được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng. Thông qua việc xây dựng các bể chứa trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, mô hình cơ bản thu gom hiệu quả vỏ bao bì thuốc BVTV, gồm túi ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh, đảm bảo môi trường đồng ruộng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản và sức khoẻ cho người nông dân; góp phần thực hiện các chỉ tiêu xã hội, môi trường nông thôn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

     Huyện Quốc Oai (Hà Nội) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 9.000 ha trồng lúa/năm, khoảng 2.000 ha cây rau màu và cây ăn quả nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV rất lớn. Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Quốc Oai, hàng năm, người dân thải ra môi trường khoảng 5,5 - 6 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV. Trước đây, do thói quen, sau khi sử dụng thuốc BVTV, người dân vứt bỏ bao bì ra kênh mương, ruộng đồng...

 


Người dân xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) bỏ bao bì thuốc BVTV vào thùng chứa rác thải

 

     Để giải quyết thực trạng này, năm 2018, huyện Quốc Oai triển khai Đề án lắp đặt thùng chứa rác chuyên dụng trên các xứ đồng, trong đó, 653 thùng chứa bao bì thuốc BVTV bằng xi măng, 125 thùng bằng nhựa, đồng thời, triển khai mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc BVTV” đến người dân các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế còn phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất cam kết trong quá trình sản xuất nông nghiệp không vứt rác thải nguy hại, không thải bao bì thuốc BVTV ra kênh mương, ruộng đồng để BVMT. Kết quả, năm 2018, toàn huyện thu gom được 3,7 tấn bao bì thuốc BVTV; năm 2019, thu gom 5,2 tấn...

     Hiệu quả thiết thực đã rõ, nhưng để bảo vệ môi trường bền vững, theo kiến nghị của ông Kiều Minh Hùng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liệp Tuyết: UBND huyện nên hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác thu gom như: Quần áo bảo hộ, găng tay, ủng, khẩu trang, mũ... và kinh phí cho người đi thu gom. Hơn nữa, huyện cần ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực xử lý loại rác thải nguy hại này theo đúng quy định, tránh tình trạng thu gom xong lại đổ lẫn với rác thải sinh hoạt hoặc người đi thu gom tự ý tiêu hủy không đúng quy trình... càng gây ô nhiễm môi trường.

     Từ đầu năm 2020, UBND huyện Quốc Oai cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, chủ động liên hệ với công ty chuyên thu gom, xử lý rác thải nguy hại để ký hợp đồng; giao trách nhiệm cho Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, UBND các xã, thị trấn tiếp tục chọn địa điểm phù hợp để đặt thùng chứa rác trên các xứ đồng nhằm bảo đảm 100% nguồn rác thải nguy hại này được thu gom; tiếp tục tuyên truyền để người dân không vứt rác thải ra môi trường, vì một môi trường nông thôn trong lành...

 

An Vi

Ý kiến của bạn