Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thừa Thiên - Huế nỗ lực bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển

29/01/2016

     Vùng ven bờ Thừa Thiên - Huế chiếm 30% diện tích và hơn 70% dân số toàn tỉnh. Với lợi thế, tiềm năng về tài nguyên biển, đầm phá, tỉnh đang có nhiều cơ hội để phát triển đa lĩnh vực du lịch, hàng hải, thủy sản, khoáng sản, giao thông… Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý biển và hải đảo, Thừa Thiên - Huế đã và đang xây dựng cho mình những kế hoạch trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. 

 

Cán bộ, nhân dân Thừa Thiên - Huế tích cực trồng rừng ngập mặn để tạo các vành đai xanh bảo vệ ven biển

 

     Thừa Thiên - Huế được chia thành 4 vùng sinh thái: vùng núi, vùng gò đồi, vùng đồng bằng, vùng đầm phá và cồn cát ven biển. Các vùng sinh thái này bao gồm nhiều hệ sinh thái tiêu biểu, có giá trị quốc gia và quốc tế, được thừa nhận rộng rãi. Ba hệ sinh thái có giá trị nhất về đa dạng sinh học là rừng, đầm phá và hệ sinh thái biển khu vực Hải Vân - Sơn Chà. Riêng khu vực biển ven bờ quanh mũi đèo Hải Vân, đảo Sơn Chà và đầm Lập An nằm ở huyện Phú Lộc được đưa vào danh sách 15 khu bãi biển của Việt Nam vì tính độc đáo về đa dạng sinh học biển của nó.

     Để bảo vệ và phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của một địa phương có biển, Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển với các nhóm thương hiệu từ các sản vật tự nhiên hoặc sản phẩm thủ công truyền thống gắn với biển, đảo và đầm phá có giá trị tiêu dùng, uy tín, chất lượng. Ngoài ra, tỉnh còn hình thành các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, đảo, đầm phá có giá trị văn hóa, lịch sử và thương mại… Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giúp cộng đồng có thái độ ứng xử tích cực, thân thiện với biển; các cấp, ngành, địa phương ven biển cũng đang tập trung ưu tiên khai thác, phát triển theo hướng chia sẻ, gìn giữ và bảo vệ.

     Có thể kể đến những nỗ lực của Thừa Thiên - Huế trong việc triển khai Chương trình Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ những năm qua và định hướng đến năm 2020; Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và đề án “Quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững ven biển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025”.

     Ngành chức năng của tỉnh cũng đã xây dựng và đề xuất xúc tiến đầu tư một số dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo, đầm phá; Điều tra, khảo sát, tổng hợp và đánh giá thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, vùng ven biển của tỉnh, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp hiệu quả; Phân vùng sử dụng tổng hợp, phục vụ, bảo vệ và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp phát triển bền vững dãi cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế…

     Ghi nhận những đóng góp của tỉnh vì môi trường và hệ sinh thái biển trong nhiệm vụ hướng tới một vùng biển Đông Á bền vững, tại Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 do Hiệp hội Quản lý môi trường biển vùng Đông Á (PEMSEA) phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN&MT tổ chức ở TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cùng 2 địa phương khác của Việt Nam là TP. Đà Nẵng, Quảng Nam vinh dự được trao Chứng nhận quản lý tổng hợp vùng bờ.

 

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn