Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thận trọng khi phá vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn để xây dựng công trình thuỷ điện

17/05/2016

     Theo TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam, không được xây dựng dựng bất kỳ công trình nào trong khu vực vùng lõi Vườn quốc gia (VQG), vì đây là khu vực cần phải bảo tồn nghiêm ngặt với nhiều tài nguyên quý hiếm. Do đó, việc phá vùng lõi VQG Yok Đôn để xây dựng công trình thuỷ điện Đrang Phôk sẽ là bài toán đánh đổi mà tổn thất gây ra rất nghiêm trọng.

     Dự án thuỷ điện Đrang Phôk có công suất 26 MW, đã được lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc đồng ý về mặt chủ trương từ năm 2007 và đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó đưa ra các giải pháp hạn chế tác động của công trình đối với môi trường trong quá trình khảo sát, thi công, vận hành cũng như các rủi ro đem lại. Công trình được chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới - TECCO (TP. Hồ Chí Minh) lên kế hoạch xây dựng vào cuối năm 2016 tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. Đây là công trình thứ 8 tại hệ thống bậc thang của chuỗi thuỷ điện nằm trên dòng sông Sêrêpốk. Tuy nhiên, Dự án đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận cũng như giới khoa học và các nhà quản lý.

     Theo đó, thuỷ điện Đrang Phôk chiếm diện tích đất 308,7 ha, trong đó, diện tích sông, suối, lòng hồ khoảng 217,8 ha và 28,88 ha đất rừng gồm đất sử dụng tạm thời là 5,3 ha và 23,58 ha rừng khộp nằm trong vùng lõi của VQG Yok Đôn (thuộc các tiểu khu 430, 431, 451 bị chuyển đổi vĩnh viễn để xây dựng công trình), trong khi đó, hệ sinh thái rừng khộp liền giải trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG, là địa bàn hoạt động kiếm ăn của các loài động vật hoang dã, nhất là các loài thú lớn.

 

Du khách cưỡi voi đi trong VQG Yok Đôn (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)

 

     Do vậy, theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), việc chiếm dụng đất rừng vùng lõi của VQG sẽ không có lợi đối với một số loài động, thực vật, trong đó có các loài thú lớn.

     GS.Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cũng cho rằng, không thể chấp nhận việc xây dựng công trình thuỷ điện trong vùng lõi của VQG. Hiện Tây Nguyên đang phải trả giá do ồ ạt xây dựng quá nhiều công trình thuỷ điện. Hạn hán ở Tây Nguyên cũng là do thuỷ điện tích hết nước các dòng sông trong khi thảm thực vật không còn. Nếu vẫn cố tình xây dựng công trình thuỷ điện Đrang Phôk, Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng sẽ phải hứng chịu tổn hại khôn lường, GS.Vũ Trọng Hồng cảnh báo.

     Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Việt Hùng, Phó Ban Thường trực ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, cần thận trọng khi phá rừng, nhất là rừng trong vùng lõi của VQG để làm thuỷ điện. Phá rừng bằng mọi giá để làm thuỷ điện không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn cả về lâu dài với thiên tai, hạn hán ngày càng khủng khiếp…

     Theo Hạt phó hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn Trần Tuấn Linh, vị trí Dự án thuỷ điện Đrang Phôk nằm tại các tiểu khu 430, 431, 451 là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, nếu xây dựng nhà máy sẽ tác động xấu đến VQG trên các lĩnh vực hệ sinh thái, động, thực vật, nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học …

 

VQG Yok Đôn có tổng diện tích hơn 115.000 ha, trong đó, 93% diện tích là rừng khộp đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và 80.947 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Về các loài động vật, Vườn có gần 500 loài, trong đó có 17 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương… Hệ thực vật của VQG cũng rất phong phú, đa dạng, với gần 860 loài, trong đó có 116 loài cho gỗ có giá trị kinh tế cao như trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiu liu đen…

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn