Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu giữa các nước ASEAN

13/10/2016

   Trong những năm qua, ASEAN luôn coi trọng BVMT, sử dụng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài và ổn định. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao ASEAN 27 là sự kiện quan trọng nhất trong năm 2015. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN. Đây là văn bản pháp lý quan trọng khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội… Việc thành lập Cộng đồng ASEAN đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội với vị thế ngày càng cao ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, tại Malaixia, ngày 22/11/2015

   Cũng tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố về Chương trình nghị sự ASEAN về bền vững môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) sau năm 2015.

   Tuyên bố đã đánh giá cao những kết quả đạt được từ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 được tổ chức tại TP. Hà Nội, Việt Nam; Lễ kỷ niệm Năm Môi trường ASEAN (AEY) 2015 với chủ đề “Trao quyền cho thanh niên vì một Cộng đồng ASEAN Xanh”, Lễ trao Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN lần thứ 2 tại Nay Pyi Taw, Mianma; Lễ trao Giải thưởng TP bền vững môi trường ASEAN (ESC) lần thứ 3 và Chứng chỉ công nhận TP không khí sạch, nước sạch và đất sạch ASEAN lần thứ 2 được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN phi chính thức lần thứ 15 (IAMME) tại Viêng Chăn, CHDCND Lào. Đồng thời, ghi nhận những thành tựu của Dự án Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn khu vực Đông Nam Á (2009 - 2014) và Dự án Quản lý bền vững đất than bùn khu vực Đông Nam Á (2010 - 2015), góp phần triển khai Chiến lược ASEAN về quản lý đất than bùn.

   Bên cạnh đó, Tuyên bố khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự phát triển bền vững thông qua việc đạt được các mục tiêu phát triển đã được quốc tế công nhận, bao gồm: Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); ủng hộ các nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề BĐKH tại Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và vấn đề bảo tồn ĐDSH tại Công ước ĐDSH (CBD), cụ thể, hoàn thành Kế hoạch chiến lược về ĐDSH 2011-2020 và Mục tiêu ĐDSH Aichi. Cùng với đó, Tuyên bố ghi nhận tầm quan trọng của Báo cáo Hiện trạng môi trường ASEAN, xem đây là khuôn khổ thúc đẩy tính bền vững môi trường, hỗ trợ quá trình ra quyết định của các cơ quan ban/ngành, Chính phủ và các bên liên quan.

   Tuy nhiên, Tuyên bố cũng nêu ra những thách thức đối với việc sử dụng ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường suy giảm và tác động tiêu cực của BĐKH tới phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe con người và môi trường trong khu vực. Sự phát triển kinh tế cùng với việc góp phần phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo trong khu vực đặt ra những thách thức mới trong việc giải quyết những mối quan ngại về mô hình sản xuất, tiêu thụ không bền vững, an ninh lương thực và năng lượng khu vực; hiện tượng nóng lên toàn cầu; ô nhiễm xuyên biên giới, hạn chế nguồn cung ứng nước sạch; tổn thất ĐDSH; ô nhiễm hóa chất và chất thải và suy giảm môi trường ven biển…

   Nhằm giải quyết hiệu quả những thách thức về các vấn đề môi trường, giảm thiểu BĐKH, Tuyên bố nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế; giáo dục môi trường và nhận thức cộng đồng; đồng thời, ghi nhận vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức đe dọa bền vững môi trường.

   Đặc biệt, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 khẳng định mục tiêu, các nước ASEAN quản lý hóa chất, tất cả các loại chất thải theo hướng thân thiện môi trường, phù hợp với các khuôn khổ, thỏa thuận quốc tế đã ký kết và giảm thiểu đáng kể sự phát thải các chất đó vào không khí, nước, đất nhằm giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người tại khu vực ASEAN.

Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được nhận Giải thưởng môi trường ASEAN năm 2015

   Tuyên bố cũng đề ra các hành động cụ thể, xác định biện pháp như thực hiện các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN để đảm bảo tính gắn kết, minh bạch, liên tục và hiệu quả trong việc thể hiện quan điểm chung của ASEAN tại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), Công ước Liên hợp quốc về ĐDSH và các công ước quốc tế liên quan đến hóa chất (Basel, Rốt-tec-dam, Stốckhôm và Minamata), cũng như hệ thống đã được quốc tế công nhận như Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS); Tiếp tục thiết lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bền vững môi trường, đồng thời triển khai hiệu quả và kịp thời các hoạt động liên quan đến bền vững môi trường trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm hướng tới một Cộng đồng ASEAN xanh và sạch.

   Ngoài ra, để hiện thực hóa Tầm nhìn Công đồng ASEAN sau năm 2015, các nước ASEAN đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai Chương trình ASEAN về Quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn (2014 - 2020) nhằm giảm thiểu ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong khu vực ASEAN thông qua các nỗ lực chung: Thường xuyên quan trắc điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đã cam kết trong Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP); thúc đẩy nỗ lực của các nước thành viên ASEAN nhằm đảm bảo áp dụng kỹ thuật không đốt trong khai hoang; triển khai hiệu quả Kế hoạch chiến lược về ĐDSH 2011-2020 và Mục tiêu Aichi về ĐDSH; gia tăng hiệu quả của các hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu và các nguồn tài trợ khác nhằm thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH (NBSAPs).

   Ứng phó với BĐKH, một bộ phận quan trọng của hợp tác môi trường, cùng với xu hướng chung toàn cầu, đã trở thành ưu tiên của ASEAN và trong quan hệ với các Đối tác đối thoại của ASEAN. Theo đó, ASEAN khuyến khích các nước thành viên giải quyết thách thức BĐKH thông qua thực hiện các biện pháp giảm thiểu, chính sách phù hợp cũng như các hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tài chính, đặc biệt là triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về liên kết ứng phó với BĐKH, thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện khí hậu phù hợp với các ưu tiên quốc gia.

   Cùng với đó, các nước ASEAN thúc đẩy quản lý tài nguyên nước bền vững thông qua cơ chế Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM), Quản lý tổng hợp lưu vực sông (IRBM) và các sáng kiến hợp tác nguồn nước xuyên biên giới khu vực ASEAN, tăng cường nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN mới về Quản lý tài nguyên nước được xây dựng phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; Tiến hành các hoạt động đơn phương và tập thể để giải quyết các thảm họa liên quan đến nước tại khu vực Đông Nam Á.

   Nhằm thúc đẩy nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển bền vững và thực hành bền vững về môi trường, ASEAN cũng tăng cường thực hiện Kế hoạch Giáo dục môi trường ASEAN (AEEAP) 2014-2018; Lồng ghép giáo dục môi trường (EE) và giáo dục phát triển bền vững (ESD) vào các môn học, tài liệu và các chương trình giảng dạy; tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển bển vững và các thực tiễn về bền vững môi trường.

   Đồng thời, các nước ASEAN sẽ tăng cường điều phối, hợp tác giữa các nước thành viên với các tổ chức đối tác, nhằm chia sẻ và trao đổi thông tin, kiến thức về các vấn đề đô thị bền vững, mở rộng các TP bền vững về môi trường khu vực ASEAN; huy động hỗ trợ tài chính và hợp tác để tăng cường năng lực cho các nước thành viên hướng tới bền vững về môi trường, khả năng chống chịu khí hậu, đóng góp tối đa vào việc giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường, BĐKH ở cấp độ quốc gia và khu vực…

            Hồng Nhung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn