Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường bảo tồn giá trị đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

23/02/2017

     Khu bảo tồn biển đảo (KBTBĐ) Cồn Cỏ là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô, rong cỏ biển và các loài cá…

     KBTBĐ Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, có diện tích 4.532 ha, chia thành 3 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phát triển. Khu bảo tồn có khoảng 224 loài cá trong tổng số 960 loài cá phân bố ở vùng vịnh Bắc Bộ, trong đó có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn có 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật đáy, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, rùa biển. Đặc biệt, Cồn Cỏ có một số loài hải sản quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng như hải sâm mít, cầu gai đá nhum đỏ, cá đuối, cá nàng đào đỏ, cá cháo biển, cá mú sọc trắng, cá mú vân sáng, mực nang vân hổ, tôm hùm đá, ốc đụn… Đây còn là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ.

 

KBTBĐ Cồn Cỏ

 

     Rạn san hô của Khu bảo tồn được đánh giá còn tốt, chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Mun và Cù lao Chàm. Song các rạn san hô đang có chiều hướng suy giảm do bị khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường biển và tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc tăng cường bảo tồn biển để duy trì những rạn san hô cũng như nguồn lợi thủy sản là một yêu cầu cấp thiết.

     Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) KBTBĐ Cồn Cỏ Trần Anh Ngọc Hiền, cho  biết, BQL đã khảo sát lắp đặt hệ thống phao đánh dấu phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt của KBTBĐ Cồn Cỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác BVMT và quản lý tài nguyên biển đảo; Phối hợp với các đơn vị triển khai các đề tài khoa học, nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong KBTBĐ như: Đề tài điều tra đánh giá nguồn lợi và đa dạng sinh học Cồn Cỏ, Nghiên cứu hệ sinh thái biển đảo Cồn Cỏ, Ứng dụng đa dạng sinh học khoa học kỹ thuật nuôi cấy san hô, Nghiên cứu về giá trị môi trường và sinh thái tại đảo Cồn Cỏ…

     Hàng năm, phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai Chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển”, nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển, đồng thời cứu hộ kịp thời rùa; Điều tra thu thập mẫu vật, phân loại các loài sinh vật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của KBT.

     Thời gian tới, BQL Khu bảo tồn sẽ thiết lập chương trình quan trắc TN&MT, định kỳ giám sát rạn san hô và thảm cỏ biển hằng năm để theo dõi biến động của chúng; Triển khai mô hình đồng quản lý tài nguyên có sự tham gia của người dân, cũng như tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân bên trong và xung quanh KBT thông qua các lớp tập huấn; In ấn phẩm, áp phích, tờ rơi, lồng ghép vào chương trình giáo dục nội dung về bảo vệ nguồn tài nguyên biển...

     Ông Trần Anh Ngọc Hiền cho rằng, để công tác bảo tồn đa dạng sinh học KBTBĐ Cồn Cỏ đạt hiệu quả cao hơn nữa, trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát, truy quét và ngăn chặn các tác động xâm hại tới tài nguyên biển. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Chi cục Thủy sản, các đồn biên phòng ven biển tuần tra, kiểm soát các tàu cá hoạt động, neo đậu trong KBT; Thành lập đội tuần tra giám sát tình nguyện để vận động sự tham gia của người dân sống trong KBT thực thi quy chế quản lý.

     Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị nên chuyển trụ sở BQL KBTBĐ Cồn Cỏ từ đất liền ra đóng tại đảo Cồn Cỏ, để công tác quản lý, giám sát kịp thời, hiệu quả; Sớm xây dựng trung tâm cứu hộ rùa biển, tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát triển loài động vật quý hiếm này.

 

Đinh Hương (Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến của bạn