Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Ba Bể

29/11/2016

   Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Vườn được công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2004, Khu Ramsar thứ 1.938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam vào năm 2011. Vườn có hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và đất thấp, với các loài động, thực vật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của con người, nên hệ sinh thái Vườn bị phá vỡ, sinh cảnh rừng thay đổi. Thêm vào đó, nạn săn bắt động vật ngày càng gia tăng đã đe dọa đến đa dạng sinh học (ĐDSH), cũng như sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã (ĐVHD).

   Giá trị đDSH và những tác động làm suy giảm các loài

   Theo Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể, VQG có 1.268 loài thực vật bậc cao, thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có 25 loài thực vật có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như nghiến, đinh, lim, trúc dây, lát hoa… Ngoài ra, Vườn còn được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của vùng Đông Nam Á, với 200 loài lan các loại, trong đó có các loài đặc hữu được ghi trong Sách đỏ như lan hài chân tím, hài lông, hài tía, hài vàng chấm đen, hài xanh…

Hàng loạt cây gỗ nghiến quý tại VQG Ba Bể bị lâm tặc chặt hạ

   Về động vật, VQG có 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Trong đó có 66 loài quý hiếm và đặc hữu nằm trong Sách đỏ Thế giới và Việt Nam ở mức nguy cấp cần bảo tồn như phượng hoàng đất, gà lôi, voọc mũi hếch, gấu gựa, gấu chó, tê tê vàng, dơi muỗi, sóc… Riêng khu hệ bướm hiện đã ghi nhận 332 loài, trong đó có 20 loài mới được tìm thấy lần đầu ở Việt Nam.

   Hiện nay, dân số sinh sống ở vùng đệm của VQG lên tới 19.714 người, vùng lõi có 3.730 người đã tạo nhiều sức ép trong công tác bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Từ năm 2002, tỉnh Bắc Cạn đã đầu tư hơn 46 tỷ đồng xây khu tái định cư gắn với phát triển du lịch sinh thái và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển tới nơi ở mới. Tuy nhiên, công tác di dân vẫn gặp nhiều khó khăn, do người dân muốn ở trong vùng "lõi" để "tận thu" những nguồn lâm sản quý của thiên nhiên. Hoạt động khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ, canh tác nương rẫy phần lớn diễn ra tại các vùng giáp ranh của VQG, nhất là khu vực phía Bắc sông Năng. Đặc biệt, tình trạng lâm tặc khai thác hàng loạt cây gỗ nghiến không ngừng gia tăng. Báo cáo của VQG cho thấy, từ đầu năm 2012 đến nay, có tới 144 cây gỗ nghiến (657,909 m3) bị khai thác trái phép.

VQG Ba Bể

   Thêm vào đó, nạn săn bắn trái phép các loài hoang dã ngày càng gia tăng. Ngoài việc sử dụng làm thức ăn, các loài thú còn trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận cao cho các đối tượng buôn bán ĐVHD. Những loài thú thường bị săn bắn là sơn dương, nai, hoẵng, cầy giông, cầy hương, các loài linh trưởng... Mặt khác, các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đường giao thông và chăn thả gia súc tự do trong rừng đặc dụng đã làm mất sinh cảnh quan trọng của thú tại VQG. Các quần thể sống trong điều kiện sinh cảnh bị chia cắt và thu hẹp sẽ dẫn tới tình trạng giao phối nội dòng, suy thoái thế hệ.

   Tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững

   Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng. Xây dựng các phương án, kế hoạch truy quét lâm tặc; tích cực chốt chặn tại các trạm và tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; đôn đốc, động viên tinh thần trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm; vận động người dân nâng cao nhận thức, không phá rừng, không tiếp tay cho lâm tặc.

   Tổ chức ký cam kết, phát phiếu phát giác đối tượng vi phạm chặt phá, săn bắt ĐVHD… Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan ban, ngành, nhà khoa học, cộng đồng triển khai dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá về tài nguyên ĐDSH của VQG để có phương án bảo tồn hiệu quả.

   Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH VQG Ba Bể, trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng kiểm lâm VQG; Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; Xây dựng phương án quản lý bảo vệ VQG, giảm tình trạng chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng tự nhiên đối với các Trạm Kiểm lâm đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh rừng trong VQG. Cùng với đó, nghiêm cấm các hoạt động săn bắn, buôn bán ĐVHD của người dân địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh và bộ tiêu bản các loài động, thực vật để trưng bày; Điều tra chi tiết thành phần loài, đặc điểm phân bố và giá trị bảo tồn của khu hệ động, thực vật rừng. Với các loài quý hiếm, xây dựng chương trình điều tra giám sát cụ thể để đánh giá hiện trạng buôn bán ĐVHD tại VQG; Hợp tác với các cơ quan ban, ngành trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng…

Trần Thu Trang

Học viện Nông Nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn